Khách hàng đến đòi tiền tại chi nhánh ngân hàng SCB tại địa chỉ 256 đường Trần Phú, Thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NHUNG DA NANG
18 tháng 12 2022
"Nhân viên nói đây là của ngân hàng SCB, tiết kiệm linh hoạt 31 ngày. Nếu biết là trái phiếu, tôi đâu có đồng ý," một người ‘mua’ trái phiếu từ một chi nhánh SCB tại Đà Nẵng nói.
"Nhân viên SCB nói là ‘ngân hàng em không được phát hành trái phiếu, Tân Việt, An Đông cũng thuộc ngân hàng em, thì mới được phát hành trái phiếu của ngân hàng em’," một người khác cũng từ Đà Nẵng cho biết. Nhân viên SCB có nhắc đến trái phiếu nhưng gọi đó là "sản phẩm tiết kiệm mới linh hoạt của ngân hàng".
Đến với SCB, điều đầu tiên mà họ được nhân viên SCB tư vấn là ‘sản phẩm tiết kiệm linh hoạt 31 ngày’, thay vì được giải thích cặn kẽ thế nào là ‘trái phiếu’ và ‘trái chủ’.
Họ rời khỏi SCB với lời hứa hẹn sẽ nhận được giấy tờ sau 15 ngày cho thứ mà họ ngỡ là ‘gói tiết kiệm linh hoạt 31 ngày mà tôi có thể rút bất kỳ lúc nào’.
Họ là hai trong số hàng chục ngàn người đang ‘chết đứng’ trong cuộc khủng hoảng trái phiếu liên quan tới SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng hệ thống công ty chân rết.
Dưới đây là câu chuyện mà họ kể với BBC News Tiếng Việt hôm 18/12/2022.
Câu chuyện 1: ‘Tôi đem tiền bán nhà đi gửi tiết kiệm nhưng lại bị chuyển thành mua trái phiếu’
Bà Nhung mua trái phiếu tại một chi nhánh Ngân hàng SCB ở Đà Nẵng, công ty phát hành là Vạn Trường Phát, nhưng bà nói bà không hề biết đó là trái phiếu.
"Hồi tháng 5, sau khi bán căn nhà ở Sơn Trà với giá 2,3 tỷ, tôi lấy 100 triệu để dành chi tiêu, còn 2,2 tỷ bỏ vào ngân hàng.
"Tôi không biết gì về ngân hàng SCB nhưng người mua nhà giao dịch với SCB nên tôi cùng người này đến phòng giao dịch SCB ở địa chỉ 912 Ngô Quyền.
"Khi đó nhân viên tư vấn làm cho tôi năm sổ, một sổ 200 triệu và bốn sổ còn lại mỗi sổ 500 triệu với kỳ hạn khác nhau.
"Ngày 17/08, người tư vấn SCB gọi điện thoại tôi báo đã đến hạn kỳ của sổ 200 triệu.
"Tôi nói với nhân viên tư vấn rằng tôi chỉ muốn để tiền trong vòng một đến hai tháng rồi tìm chỗ khác để mua nhà, không gửi lâu dài.
"Nhân viên tư vấn nói có loại hình sổ tiết kiệm linh hoạt 31 ngày, tôi có thể rút bất kỳ lúc nào.
"Tôi đâu có biết trái phiếu gì, chỉ biết đây là gói tiết kiệm. Nếu biết là trái phiếu thì tôi đâu có đồng ý."
"Sau đó, tôi qua ngân hàng thì được đưa giấy ủy nhiệm chi để ký, thì tôi ký. Sau đó nhân viên tư vấn nói nửa tháng sau sẽ đưa hợp đồng. Khi nhận hợp đồng tôi mới biết mình đã mua trái phiếu.
"Khi đó, nhân viên nói đây là của ngân hàng SCB, tiết kiệm linh hoạt 31 ngày.
"Tôi về hỏi mọi người xung quanh mới biết đây là trái phiếu, phát hành 5 năm, của công ty Vạn Trường Phát.
"Khi tôi hỏi lại ngân hàng thì nhân viên tư vấn mới nói là không sao đâu, 31 ngày là có thể rút được bình thường."
"Rồi tôi cũng yên tâm.
"Sau đó khoảng 15 ngày sau thì xảy ra vụ SCB, tôi ăn không ngon, ngủ không yên.
"Sau đó, tôi qua SCB rút thì nghe tin là trái phiếu này không rút được vì liên quan đến doanh nghiệp, tổ chức này kia, nói tiền sẽ không mất đâu, cơ quan chức năng đang rà soát. Giờ thì tôi nhắn tin thì nhân viên chỉ trả lời chung chung thôi."
Bà Nhung nói nhân viên tư vấn SCB cho đến nay liên tục trấn an bà, nói "tiền sẽ không mất", "có tài sản đảm bảo", nhưng bà không nhận được giấy thông báo gì từ ngân hàng.
"Tôi quá chủ quan, tin tưởng ngân hàng, nên nghĩ là giống tiết kiệm, rút ra lúc nào mà chả được, chẳng qua để mất lãi thôi.
"Tôi không hiểu về chính trị, tài chính gì cả, vì chỉ là người buôn bán áo quần cũ mà thôi.
"Tôi chỉ muốn gửi tiền ngân hàng để sau này có thể mua nhà cho mẹ và tôi ở. Mẹ tôi, năm nay đã hơn 80 tuổi, tật nguyền nằm một chỗ mà tôi phải nuôi mẹ, hai mẹ con tôi cũng không có nhà ở mà hiện phải ở nhà thuê."
Hợp đồng trái phiếu bà Nhung đã ký thông qua SCB. ẢNH: NHUNG DA NANG
Câu chuyện 2: ‘Họ nói đây là gói tiết kiệm linh hoạt của ngân hàng SCB’
Một người khác cũng từ Đà Nẵng, không muốn nên tên, cho BBC biết chị có nghe thấy nhân viên SCB trong quá trình tư vấn nhắc đến trái phiếu, nhưng cho biết họ giải thích rằng đó là "sản phẩm tiết kiệm mới linh hoạt của ngân hàng".
"Vì nghe như vậy thì tôi đã không đọc hợp đồng trái phiếu.
"Lẽ ra nhân viên phải nói đây là trái phiếu, ngân hàng SCB chỉ là giới thiệu, còn người bán là An Đông là công ty phát hành, nếu đồng ý mua thì lợi và rủi ro sẽ như thế này.
"Nếu giới thiệu rõ ràng vậy thì ai lại bắt đền SCB khi sau này có rủi ro chứ?
"Bản thân tôi không biết đây là trái phiếu An Đông, ở ngoài bìa ghi là Công ty chứng khoán Tân Việt, còn ở trong là An Đông.
"Lúc đó nhân viên mới nói với tôi là Tân Việt cũng của ngân hàng tụi em, chị yên tâm. Họ nói, ‘ngân hàng em không được phát hành trái phiếu. Tân Việt, An Đông cũng thuộc ngân hàng em, thì mới được phát hành trái phiếu của ngân hàng em."
"Nhân viên tư vấn SCB còn khẳng định, ‘Trái phiếu An Đông chị mua ở ngân hàng em khác với trái phiếu mua ở bên ngoài.’
"Nhân viên tư vấn SCB nói hợp đồng trái phiếu này là gói tiết kiệm rút linh hoạt sau 31 ngày, lãi cao.
"Bản thân tôi đặt câu hỏi là sao lãi cao thì nhân viên tư vấn nói là giải thích, ‘đây là của ngân hàng em’ mà không hề nói trái phiếu là của doanh nghiệp và SCB bán thay cho doanh nghiệp đó, cũng không hề nói về cái lợi, cái hại của việc mua trái phiếu.
"Sau này chúng tôi mới hiểu ra là khi mua trái phiếu là đã cho người ta mượn vốn làm ăn, làm ăn lời thì trả lãi cho mình, thua lỗ thì mình mất tiền luôn.
"Hầu hết nạn nhân của SCB đều là những người gửi tiết kiệm lâu năm, rất tin tưởng SCB và tôi cũng như vậy."
Khách hàng nằm phản đối tại chi nhánh ngân hàng SCB 256 đường Trần Phú, Thành phố Đà Nẵng. ẢNH: NHUNG DA NANG
Tư vấn của nhân viên SCB
Người phụ nữ giấu tên trong câu chuyện trên cho biết chị cùng bà Nhung và những người lâm vào cảnh tương tự, trong đó có người mang thai, có người đang phải chữa trị ung thư, đang chỉ biết dựa vào nhau để tìm cách cùng đấu tranh, đòi lại tiền.
BBC News Tiếng Việt đã được xem một số tin nhắn nhân viên ngân hàng SCB ở Đà Nẵng gửi cho họ, nội dung như sau:
"Cô Lan [Trương Mỹ Lan] là cổ đông lớn của SCB nên mua của SCB an tâm, không có vấn đề gì."
"Cô Lan thế chấp mấy tòa nhà cho SCB là ok mà."
"Bên chị nhiều khách hết 1 năm là mua lại tiếp nhiều lắm."
"Ngân hàng không được phát hành trái phiếu nhưng đây là những doanh nghiệp do chủ tịch, cổ đông bên ngân hàng [của] con sáng lập và hoạt động nên nó gần như là trái phiếu của ngân hàng đó cô."
"Dạ cô an tâm, các mã TP [trái phiếu] của SCB đều là công ty chung chủ với SCB."
"Trái phiếu bên chị cam kết mua lại và rút linh hoạt nên rất đảm bảo."
"Công ty An Đông cô mua chủ tịch cũng là cổ đông lớn của ngân hàng tụi con, nên yên tâm cô ạ."
"Mấy cái trái phiếu của chị đều linh hoạt, chỉ cần 31 ngày là chị đã rút được rồi."
"Đây là sản phẩm của SCB và là sản phẩm dành riêng cho nhóm khách hàng VIP nên mọi vấn đề rủi ro đã được các chuyên gia ở SCB nghiên cứu cặn kẽ và chính SCB cũng giữ 70% trái phiếu của tập đoàn này để đầu tư chị nha."
Nhóm khách hàng đến chi nhánh SCB ở địa chỉ 16 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng hôm 30/11 để phản đối và đòi tiền. ẢNH: UNG DA NANG
Gần đây, khi nhóm khách hàng trên tới đối chất thì ban lãnh đạo tại chi nhánh SCB này khẳng định "nhân viên đã tư vấn hoàn toàn đúng".
"Giờ thì SCB không trả lời gì, cứ cách 5-7 ngày thì chúng tôi cứ kéo lên chi nhánh SCB. Họ thì cứ nói tiếp nhận rồi trình lên hội sở," người phụ nữ giấu tên nói. "Tôi không cầm được nước mắt khi nhắc lại những hoàn cảnh của một số người đã trót mua trái phiếu SCB mà tôi được biết."
Vừa đi đòi tiền vừa lo bị công an ‘hốt’
Khách hàng SCB bị đưa lên xe sau khi đến chi nhánh ở địa chỉ 16 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng hôm 30/11 để phản đối và đòi tiền. ẢNH: NHUNG DANANG
Bà Nhung cho biết vì ngân hàng không thông báo cụ thể đến từng khách hàng, thay vào đó cứ "bảo chờ, nói đừng lên làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng" và "im lặng".
Nói với BBC, bà Nhung và những người ‘đồng cảnh ngộ’ không thuê luật sư tư vấn, hay người tư vấn pháp lý mà cứ lên chi nhánh SCB để gặp ban lãnh đạo để đối chất, đấu tranh bằng các cách khác.
"Có mấy chị trong nhóm tôi làm đơn gửi cho công an, C01, C02, C03 ở Hà Nội, gửi nhiều lắm.
"Một số người bị trả về, một số người được trả lời chung chung… Nhưng không thấy câu trả lời rõ ràng gì hết."
"Cứ hàng tuần, hàng tháng, bọn tôi lập nhóm những nạn nhân trái phiếu, lên SCB rồi mặc áo, căng băng-rôn.
"Chúng tôi phải cũng phải bỏ thời gian, công việc của mình, tiền của ai cũng là tiền tỷ cả.
"Ngày 30/11, nhóm Đà Nẵng của chúng tôi cầm băng rôn, khoảng gần 30 người, cầm loa lên phản đối ở chi nhánh SCB ở 16 Trần Phú, cũng hơi ồn ào nên bị hốt lúc 12 giờ. 11 người bị hốt về công an phường, một số người sợ thì chạy.
"Những người ăn nói lưu loát thì đứng lên đặt câu hỏi cho SCB.
"Nhiều người bị công an mời lên mời xuống, nên họ thấy nản. Sau ngày 30/11 thì ôn hòa hơn, chúng tôi có lên SCB nhưng không cầm băng-rôn hay loa nữa," bà Nhung nói thêm.
Về diễn biến ‘bị công an hốt về phường’ hôm 30/11, người phụ nữ giấu tên nói chị "không biết đó là công an gì, vì họ không mặc đồ đồng phục công an".
Chị kể:
"Mọi người bị hốt lên xe, có người bị bóp cổ, bị đánh, trầy xước. Tôi cũng bị hốt lên xe rồi bốn người bị đưa về ủy ban phường, còn bảy người gồm có tôi thì bị đưa về công an quận, lấy lời khai.
"Công an nói chúng tôi là ồn ào, làm mất an ninh trật tự. Tôi có hỏi là sao Hà Nội, Sài Gòn đi phản đối được, còn tôi lại sao không được thì một công an làm ngơ."
"Tôi có nghe là sẽ có giấy phạt từ 1,5 triệu đến 4 triệu, nhưng đến giờ chưa nhận được."
Cuộc khủng hoảng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Khách hàng đến đòi tiền tại chi nhánh ngân hàng SCB 256 đường Trần Phú, Thành phố Đà Nẵng. ẢNH: NHUNG DA NANG
Tình hình người dân đòi tiền mua trái phiếu thông qua ngân hàng SCB đang tiếp tục ‘nóng’ lên, không chỉ tại Đà Nẵng mà còn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Người dân đã kéo lên trụ sở của ngân hàng SCB như tại đường Cống Quỳnh, Quận 1, TP HCM, thậm chí quỳ lạy cầu cứu trước Ủy ban Nhân dân TP HCM.
Cách đây vài ngày, nhiều người đã kéo đến Bộ Tài chính kêu tên Bộ trưởng Hồ Đức Phớc hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… với mong muốn được trợ giúp đòi lại tiền vì ‘lỡ’ mua trái phiếu thông qua ngân hàng SCB.
Trong phản ứng mới nhất, chiều 17/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết sẽ giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là việc phải thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu tới hạn, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư.
BBC News Tiếng Việt đã gửi email tới ngân hàng SCB để bình luận về thông tin từ hai vị khách. Chúng tôi sẽ cập nhật trong các bài viết sau nếu nhận được phản hồi chính thức từ SCB.
Nguồn: BBC Tiếng Việt