Thị trưởng và Chủ tịch?

Nguyễn Ngọc Chu

Sáng 30/11/2022, Bộ Nội vụ đã có một đề xuất gây chú ý về “Mô hình Thị trưởng”, tại hội nghị "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Hiện nay, ở nước ta mới chỉ có 3 địa phương là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng có tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị, còn lại là cấp chính quyền địa phương với Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Uỷ ban Nhân dân (UBND). Bộ Nội vụ đã đề nghị tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị dựa trên "Nghiên cứu kinh nghiệm các nước về mô hình tòa thị chính, thị trưởng ở đô thị cho phù hợp với đặc thù Việt Nam".

Thực ra thì từ năm 2013, để nâng cao hiệu quả quản lý, khi xây dựng Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Bộ Nội vụ đã đề xuất thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở thành phố trực thuộc trung ương và thành phố, thị xã thuộc tỉnh là tòa thị chính, đứng đầu là thị trưởng. Tương ứng với các đơn vị hành chính các cấp tiếp theo là quận trưởng, huyện trưởng, trưởng phường, trưởng thị trấn.

Đề xuất nghiên cứu “Mô hình Thị trưởng” của các nước để áp dụng cho Việt Nam là một đề xuất đúng hướng của Bộ Nội vụ, rất đáng hoan nghênh, cần được đón nhận và nghiên cứu. Điều cốt lõi cần quan tâm là chức danh “Thị trưởng” trong đề xuất của Bộ Nội vụ có quyền hạn và nhiệm vụ như thế nào? Liệu có phải là đổi mới căn bản về nội dung hay chỉ là “rượu cũ bình mới” – đổi tên từ Chủ tịch UBND thành phố sang “Thị trưởng”?

Muốn “Mô hình Thị trưởng” được áp dụng hiệu quả thì phải hiểu sự khác biệt giữa Thị trưởng và Chủ tịch UBND thành phố. Sự khác biệt căn bản giữa Thị trưởng và Chủ tịch UBND thành phố nằm ở hai điểm sau:

Thứ nhất, Thị trưởng là người có quyền lực cao nhất trong bộ máy chính quyền thành phố và điều hành trực tiếp hoạt động của chính quyền thành phố. Như vậy, Thị trưởng là kết hợp vị trí của Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND thành phố vào một. Lợi ích và sự cần thiết kết hợp vị trí Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UNND thành phố vào một là không bàn cãi. Vấn đề này đã được đề cập thảo luận từ nhiều năm trước, nhưng vẫn chưa được triển khai trong thực tiễn, vì còn có các rào cản lên quan đến cách thức tiến hành, và có cả sự lo ngại về tập trung quyền lực. Mô hình Thị trưởng muốn được áp dụng trong thực tế thì phải vượt qua các rào cản này.

Thứ hai là cách thức chọn Thị trưởng khác biệt với cách thức chọn Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND thành phố. Thị trưởng được cử tri toàn thành phố bàu chọn trực tiếp. Bí thư Thành uỷ lại do Bộ chính trị (BCT) đề cử và Ban chấp hành Đảng bộ thành phố bỏ phiếu. Bí thư Thành uỷ lại phải là Uỷ viên Trung ương (UVTƯ) Đảng hay Uỷ viên BCT. Thống kê cho thấy, từ trước đến nay hầu như là 100% kết quả bỏ phiếu của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố nhất trí với đề cử của cấp trên. Còn chủ tịch UBND thành phố cũng cần phải là UVTƯ (đối với Hà Nội và TP HCM), cũng do BCT đề cử, sau đó thì HĐND thành phố bỏ phiếu. Thực tế cho thấy HĐND thành phố đều 100% nhất trí bầu ông Nguyễn Đức Chung và ông Chu Ngọc Anh vào vị trí Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Vai trò của HĐND cũng được Bộ Nội vụ đề xuất cần nghiên cứu thêm. Đây cũng là đề xuất đúng hướng của Bộ Nội vụ. Có các cấp trung gian không cần có HĐND. Có các cấp cần phải cải tổ lại vai trò HĐND. Các trường hợp Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Chu Ngọc Anh trúng phiếu bầu 100% của HĐND nhưng sau đó không lâu bị ngồi tù cho thấy sự thiếu sót của HĐND. HĐND thành phố trong các trường hợp này đã chưa thể hiện được vai trò độc lập và sáng tạo, chỉ nhất nhất bỏ phiếu theo quyết định của Đảng bộ. HĐND mà không độc lập, không sáng tạo thì không giúp cho Đảng mạnh lên, mà ngược lại, lại làm cho bộ máy chính quyền của Đảng yếu đi.

Kết hợp vị trí Bí thư và Chủ tịch vào một con người để chọn làm Thị trưởng cần phải ưu tiên cho những khả năng nào? Trong hai phương diện: khả năng nhìn nhận đường lối chung và khả năng quản lý điều hành thì cần ưu tiên cho khả năng quản lý điều hành khi chọn Thị trưởng. Đường lối chung, không khó để nhận biết. Cái khó là năng lực quản lý điều hành. Nhiều người biết đường lối chung mà không thể quản lý điều hành. Làm Thị trưởng là phải xuất sắc về quản lý điều hành.

Ví như việc dạy bắn súng trường: Nhắm mục tiêu với đầu ruồi với điểm giữa của thước ngắm. Khi 3 điểm đó thành 1 điểm thì bóp cò. Cách bắn súng thì ai cũng dạy được. Nhưng bắn ‘bách phát bách trúng’ thì ít người làm được.

Cho nên chọn Thị trưởng thì tiêu chuẩn đầu tiên là khả năng quản lý điều hành. Những người xuất sắc về quản lý điều hành nghiễm nhiên có đủ hiểu biết về đường lối.

Cách chọn Thị trưởng tốt nhất, như kinh nghiệm của nhân loại, là để cho cử tri toàn thành phố trực tiếp lựa chọn. Nhưng ở Việt Nam, để đưa Mô hình Thị trưởng vào thực tiễn, phải có một hình thức lựa chọn Thị trưởng phù hợp. Đó là cách nào?

Trong thực tiễn, vai trò Thị trưởng đã được thể hiện ở một mực độ nào đó thời kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và cả ở thời kỳ nước CHXHCN Việt Nam.

Thí dụ thứ nhất là trường hợp bác sĩ Trần Duy Hưng. Sau nhiệm kỳ Thị trưởng Hà Nội được Hồ Chủ Tịch mời ra làm việc từ 30/8/1945-10/1947, bác sĩ Trần Duy Hưng tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND Hà Nội trong suốt gần 13 năm: 4/11/1954-20/6/1977. Đó là khoảng thời gian của nhiều nhiệm kỳ Bí thư Thành uỷ Hà Nội bao gồm Trần Danh Tuyên, Nguyễn Lam, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Lam. Bác sĩ Trần Duy Hưng, có thể nói, là Chủ tịch UBND TP Hà Nội thể hiện được vị thế Thị trưởng, không bị các Bí thư Thành uỷ lấn át. Cho đến nay, nhiều người dân Thủ Đô vẫn đánh giá bác sĩ Trần Duy Hưng là vị Chủ tịch tốt nhất trong nhiều đời Chủ tịch Hà Nội.

Nếu bác sĩ Trần Duy Hưng trong vai trò Chủ tịch UBND “cân bằng” được với các Bí thư Thành uỷ, thì trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh lại ngược lại là Bí thư Thành uỷ "thâu tóm" cả vai trò của Chủ tịch UBND thành phố. Ông Nguyễn Bá Thanh, trên thực tế, là “Thị trưởng” của thành phố Đà Nẵng.

Nhưng thí dụ tốt nhất về kết hợp vai trò của Đảng với chính quyền trong một con người, không thuộc về Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng hay Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, mà thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam. Nhưng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước khi nhớ đến chức vụ Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, mặc dù Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo toàn diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp tài tình chủ trương của Đảng trong điều hành chính quyền, mà trách nhiệm điều hành mới là ưu tiên số 1, và tài năng quản lý mới là nhân tố thống soái. Hồ Chủ Tịch là mẫu hình xuất sắc cho Mô hình Thị trưởng tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các phát biểu trước công chúng, không ít lần nhắc đến thí điểm. Vấn đề gì phức tạp, mới, chưa có cách làm kinh điển thì làm thí điểm và rút kinh nghiệm để nhân đại trà. Lựa chọn Thị trưởng cũng cần thí điểm theo phương thức mới.

Điều cốt lõi thứ nhất để đưa Mô hình Thị trưởng vào thực tiễn là nhập hai vị trí Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND vào một con người với chức danh Thị trưởng. Đây là cải cách cốt lõi quan trọng nhất về quản trị đô thị.

Điều cốt lõi thứ hai là phải có tối thiểu có 2 ứng viên vào vị trí Thị trưởng chứ không thể 1 ứng viên duy nhất. Chúng ta đã có bài học lịch sử về 2 ứng viên. Đó là trường hợp Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988 giữa 2 ứng viên là ông Võ Văn Kiệt và ông Đỗ Mười. Chức vụ Thủ tướng của cả nước mà còn có 2 ứng viên thì chức Thị trưởng của một thành phố tối thiểu cũng phải có hai ứng viên để mà lựa chọn hơn kém. Hai ứng viên là cải cách có ý nghĩa cốt lõi thứ hai trong việc áp dụng Mô hình Thị trưởng. Những bổ sung về phân cấp quyền hạn và trách nhiệm, tuy là quan trọng nhưng vẫn không quan trọng bằng cải cách có 2 ứng viên để lựa chọn.

Cải cách cốt lõi thứ ba là ai được quyền đề cử và ứng cử vào vị trí Thị trưởng? Điều này rất cần học tập Cụ Hồ. Chúng ta kêu gọi học tập Cụ Hồ, nhưng công tác cán bộ lại không theo cách Cụ Hồ làm. Cụ Hồ chọn cán bộ là chọn người tài và đích thân đến mời người tài ra làm việc nước, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, giai cấp, tiểu sử, lý lịch, xuất xứ. Từ bài học Cụ Hồ, công dân nào cũng có thể ứng cử hay được đề cử vào chức vụ Thị trưởng. Khi bầu cử rộng rãi thì những người tài ba mới được lựa chọn vào vị trí Thị trưởng. Những người tài ba đó nghiễm nhiên là những người vì lợi ích nhân dân, vì lợi ích đất nước, nghiễm nhiên có đạo đức tốt, có khả năng nắm bắt chủ trường đường lối vì dân vì nước.

Cải cách cố lõi thứ tư để đưa Mô hình Thị trưởng vào cuộc sống là mở rộng tập hợp những người được quyền bàu chọn Thị trưởng. Nếu chưa thể phổ thông đầu phiếu thì cũng phải có số lượng ‘đại cử tri’ nhiều lần lớn hơn số lượng HĐND thành phố hiện nay. Càng đông người được quyền bàu cử lựa chọn Thị trưởng thì càng tránh được tính chủ quan, tránh được sự áp đặt, tránh được lợi ích nhóm, tránh được chạy chức chạy quyền. Đây là một cải cách mà Bộ Nội vụ cần phải tiến hành triệt để nếu muốn Thị trưởng có vai trò đổi mới thực sự, chứ không phải cải tên hình thức từ Chủ tịch UBND thành phố thành Thị trưởng.

Nhìn vào mẫu hình Chủ tịch Hồ Chí Minh để không ngần ngại áp dụng Mô hình Thị trưởng mà lợi ích to lớn của nó không ai phải nghi ngờ. Mọi sự đổi mới cho mục đích nâng cao hiệu quả quản lý chính quyền đô thị cần phải được đón nhận. Đề xuất của Bộ Nội vụ về áp dụng “Mô hình Thị trưởng” là hướng đi đúng. Còn nội dung của “Mô hình Thị trưởng” cần phải được nghiên cứu, bổ sung, làm giàu trong suốt quá trình cải cách thể chế.

N.N.C.

Nguồn: FB Nguyễn Ngọc Chu

This entry was posted in Quản lý nhà nước. Bookmark the permalink.