Độ trễ lịch sử

Nguyễn Ngọc Chu

23-11-2022

Không biết tiếp nhận chỉ trích, không biết lắng nghe ý kiến trái chiều, chỉ thích nghe lời a dua, luôn cho ý kiến mình là đúng thì không biết được sự thật, không biết sửa sai, không thể tự mình hoàn thiện. Không chỉ thế, nếu đi xa hơn lại quy cho những ý khác biệt là chống đối thì sẽ không tránh được các hậu quả tai hại. Thật may mắn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt biết tiếp nhận góp ý của nhân sĩ, chịu tìm nghe sự thật khó nghe từ các nhà thơ, trí thức về những mặt trái mà các cấp lãnh đạo không được nghe hoặc không chịu nghe. Vì biết nghe lời chỉ trích, muốn nghe điều trái chiều, nên khi một số trí thức miền Nam muốn rời đất nước sau ngày 30/4, từ những lời rút ruột của họ, ông Võ Văn Kiệt đã quyết tâm níu giữ: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa nếu tình hình không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra sân bay”.

Bởi biết tiếp nhận chỉ trích, bởi biết lắng nghe ý kiến khác biệt, nên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã huy động được một phần trí tuệ tinh hoa. Chính một phần trí tuệ tinh hoa này đã giúp cho Ông tìm ra lời giải cho những vấn đề phức tạp, bất chấp xuất phát điểm trước đó từ nông dân, cả cuộc đời chỉ đi kháng chiến mà không được học qua các trường lớp chính quy.

Biết sử dụng trí tuệ của người khác là thuộc tính của những nhà lãnh đạo tài năng. Sau năm 1986, có thể nói, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là lãnh đạo chịu tiếp nhận các chỉ trích nhất, chịu lắng nghe những ý kiến trái chiều nhất, và tập hợp được nhiều trí tuệ quần chúng nhất.

Đã hơn 14 năm kể từ ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tạ thế (11/6/2008). Trái với lẽ thường, càng cách xa ngày mất, không phải thêm nhạt đi, mà tầm vóc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dường như lại càng hiện ra lớn hơn. Trong con người của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tích hợp nhiều tính cách quý tạo nên tầm vóc to lớn của Ông. Có thể quan sát cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ nhiều phương diện. Dưới đây chỉ là một góc nhìn.

1. Tầm nhìn sáng suốt

Thành tố đầu tiên góp phần xây dựng nên tầm vóc to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là tầm nhìn sáng suốt. Không thể liệt kê hết bằng chứng ở đây, bởi vì trong suốt 70 năm bền bỉ hoạt động (1938 -2008), trên nhiều cương vị (Bí thư tỉnh, uỷ viên trung ương, uỷ viên bộ chính trị, thủ tướng…) ông Võ Văn Kiệt đã đưa ra những quyết định thể hiện một tầm nhìn sáng suốt trong các tình huống rất phức tạp.

Một trong những quyết định như vậy là quyết định không cho phép tàu Trung Quốc vào cảng Sài Gòn sau 30/4/1975. Quyết định này đầy sóng gió vì đi ngược với ý kiến cho phép của Hà Nội. Trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ đã đề cập đến sự đồng ý của TBT Lê Duẩn để gây sức ép lên ông Võ Văn Kiệt. Nhưng ông Vỗ Văn Kiệt đã không lùi bước, và thông báo đã cho rải mìn phong toả. Đi xa hơn, ông Võ Văn Kiệt chất vấn lại: “Nếu họ vào không chịu ra thì các anh đuổi bằng cách nào”? Có lẽ lúc đó ông Võ Văn Kiệt đã nhớ đến bài học mà cụ Hồ phải đuổi 20 vạn quân Tưởng. TBT Lê Duẩn đã đồng ý với quyết định của ông Võ Văn Kiệt là đúng.

2. Công đầu đổi mới

Các quyết định “cởi trói”, “xé rào” của Bí thư Thành uỷ HCM Võ Văn Kiệt đã đưa TP.HCM từng bước thoát khỏi cảnh khó khăn của thời bao cấp. Tầm nhìn “cởi trói” “xé rào” dẫu rất khó khăn vì liên quan đến sinh mệnh chính trị của người “cởi trói” “xé rào”, nhưng lại góp phần mở đường cho công cuộc cải cách kinh tế trên toàn quốc. Khi đã là người đứng đầu Chính phủ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt càng có nhiều quyết định đầy dấu ấn, đưa công cuộc đổi mới triển khai trong thực tiễn. Trong số nhiều công trình đặt nền móng trải đường cho quá trình đổi mới có đường dây 500kV Bắc-Nam, cải tạo Đồng bằng sông Cửu Long, bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ… được hậu thế ghi nhận. Nếu Đại hội 6 là mở đường lý thuyết của chính sách đổi mới, thì cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có công lớn nhất về triển khai chính sách đổi mới trong thực tiễn.

3. Quyết đoán và hành động mạnh mẽ

Sáng ngày 6/11/2022, phát biểu về tình trạng thiếu thuốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện sự quyết liệt ‘ai không dám làm thì xin nghỉ’, ‘ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm’ (https://vnexpress.net/thu-tuong-giai-quyet-dut-diem-thieu…). Yêu cầu quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính làm nhiều người nhớ đến tính quyết đoán và hành động mạnh mẽ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Lãnh đạo thì phải quyết đoán. Quyết đoán rồi thì phải hành động mạnh mẽ. Không quyết đoán và không hành động mạnh mẽ như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì đã không có đường dây 500 kV Bắc Nam dài 1487 km được hoàn thành chỉ trong 2 năm (5/4/1992-27/5/1994). Nếu quyết đoán và hành động mạnh mẽ như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi xây dựng đường dây 500kV Bắc Nam, thì sân bay Tân Sơn Nhất đã được mở rộng mà chưa cần đến khởi công sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đã chẳng thể còn đang nằm trên giấy.

Có thể là hình ảnh về 7 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Quyết đoán và hành động mạnh mẽ là bản lĩnh của thủ lĩnh. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tấm gương cho những nhà lãnh đạo muốn trở thành thủ lĩnh. Muốn trở thành thủ lĩnh thì trước hết phải có bản lĩnh quyết đoán và hành động mạnh mẽ.

4. Tiếp nhận chỉ trích-Lắng nghe ý kiến trái chiều-Tập hợp trí tuệ tinh hoa

Điều gì đã giúp cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngoài những tố chất trời phú, có tầm nhìn thêm sáng suốt, có quyết định thêm dứt khoát và có hành động thêm quyết liệt? Đó là do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt biết tiếp nhận chỉ trích, biết lắng nghe ý kiến trái chiều, biết quy tụ trí tuệ quần chúng.

Không biết tiếp nhận chỉ trích, không biết lắng nghe ý kiến trái chiều, chỉ thích nghe lời a dua, luôn cho ý kiến mình là đúng thì không biết được sự thật, không biết sửa sai, không thể tự mình hoàn thiện. Không chỉ thế, nếu đi xa hơn lại quy cho những ý khác biệt là chống đối thì sẽ không tránh được các hậu quả tai hại. Thật may mắn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt biết tiếp nhận góp ý của nhân sĩ, chịu tìm nghe sự thật khó nghe từ các nhà thơ, trí thức về những mặt trái mà các cấp lãnh đạo không được nghe hoặc không chịu nghe. Vì biết nghe lời chỉ trích, muốn nghe điều trái chiều, nên khi một số trí thức miền Nam muốn rời đất nước sau ngày 30/4, từ những lời rút ruột của họ, ông Võ Văn Kiệt đã quyết tâm níu giữ: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa nếu tình hình không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra sân bay”.

Bởi biết tiếp nhận chỉ trích, bởi biết lắng nghe ý kiến khác biệt, nên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã huy động được một phần trí tuệ tinh hoa. Chính một phần trí tuệ tinh hoa này đã giúp cho Ông tìm ra lời giải cho những vấn đề phức tạp, bất chấp xuất phát điểm trước đó từ nông dân, cả cuộc đời chỉ đi kháng chiến mà không được học qua các trường lớp chính quy.

Biết sử dụng trí tuệ của người khác là thuộc tính của những nhà lãnh đạo tài năng. Sau năm 1986, có thể nói, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là lãnh đạo chịu tiếp nhận các chỉ trích nhất, chịu lắng nghe những ý kiến trái chiều nhất, và tập hợp được nhiều trí tuệ quần chúng nhất.

5. Thủ tướng thực địa

Điều tiếp theo góp phần làm to lớn thêm tầm vóc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là tính cách thực tiễn. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người lăn lộn thực địa ở mọi lĩnh vực, từ đi khảo sát xây dựng kênh dẫn nước, cho đến mục kích các công trình nhà máy, cầu đường… Ở mọi nơi cần thiết, Ông đều đích thân tận mắt nhìn thấy, tìm hiểu, trao đổi, thảo luận, tháo gỡ vướng mắc để đưa ra quyết định. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo thực địa, chứ không phải là một thủ trưởng văn phòng. Điều này giúp cho Ông có được các quyết định đúng đắn và làm Ông khác biệt với nhiều lãnh đạo tiền nhiệm cũng như hậu thế.

6. Tính cách quân tử

Không thể không đề cập đến tính cách ‘quân tử’ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tính ‘quân tử’ của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thể hiện qua nhiều lần tuyên bố nếu những người hành động vì dân mà bị bỏ tù thì Ông sẽ mang cơm nuôi. Ông nói điều này với bà Ba Thi khi giao nhiệm vụ mua gạo cứu đói cho TP.HCM. Ông đã làm điều này với Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải bị ngồi tù trong công trình đường dây 500kV. Ông luôn nhắc điều này với nhiều người khi phải quyết định “xé rào” vì lợi ích cộng đồng.

7. Hết lòng vì dân

Hết lòng vì dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong mọi suy nghĩ và hành động. Khi quyết định “xé rào” cứu đói cho dân, liên quan đến vận mệnh chính trị, ông đã tuyên bố: “Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?”

Câu nói mang đầy tính cách Võ Văn Kiệt làm cho chúng ta trăn trở vì hiện nay không có ai dám chọn mất chức vì dân.

8. Truyền nhân và nhiệm vụ lịch sử

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn có nhiều tính cách cao đẹp nữa, cũng như có nhiều quan niệm đổi mới nữa mà không thể liệt kê hết ở đây vì hạn chế dung lượng bài viết. Nhưng nói nhiều về mặt tích cực không có nghĩa là mọi thứ hoàn hảo. Như mọi con người, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có những điều nuối tiếc. Không ai biết hết được các nuối tiếc thực sự của Ông. Nhưng có một nuối tiếc mà nhiều người mến mộ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có thể tìm được tiếng nói chung. Đó là Ông không để lại được “truyền nhân”.

Tại sao một người sáng trí, giàu lòng mến mộ nhân tài như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại không tìm được “truyền nhân”?

Câu trả lời nằm ở các rào cản mà Ông đã nhiều lần “xé rào” nhưng chưa đủ thời cơ và tiềm lực để xé đi những rào cản cốt lõi nhất. Chắc chắn là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy điều này. Nhưng Ông để lại nhiệm vụ lịch sử này cho hậu thế.

9. Độ trễ lịch sử

Tầm vóc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thêm một lần nhắc nhở chúng ta ghi nhớ về cách thức đánh giá vai trò lịch sử cá nhân để mà hành xử.

Đứng sát trước núi, khó biết núi cao bao nhiêu, càng không thể so sánh được với các núi khác. Đi xa khỏi núi, mới có thể nhìn thấy tầm vóc của núi. Cũng như vậy, đứng trong rừng không biết được độ lớn của rừng. Phải đi xa khỏi rừng mới biết rừng lớn hay nhỏ.

Tương tự là cách đánh giá vai trò lịch sử cá nhân. Càng xa đương thời càng khách quan. Xa đương thời là thoát được ảnh hưởng thời thế, bớt được cảm tính cá nhân, có điều kiện để xếp hàng so sánh với các đối tượng lịch sử khác. Cùng một nhân vật lịch sử, mà đánh giá về vai trò sau 100 năm và sau 1000 năm là rất khác nhau. Không ít những nhân vật lịch sử khi cầm quyền, được đương thời ngợi ca vĩ đại, nhưng ngay sau khi chết lại bị lên án là tội đồ. Ngược lại, có những người đương thời bị quy kết là tội đồ, nhưng hậu thế lại tôn vinh. Đó là do “độ trễ lịch sử”. “Độ trễ lịch sử” là thước đo khách quan về các sự kiện lịch sử, bao gồm vai trò cá nhân. Hiểu được “độ trễ lịch sử” nên những bậc anh minh khi cầm quyền thì tránh xa lời ngợi khen mà tiếp nhận lời chỉ trích, lơ đãng ý kiến a dua mà lắng nghe ý kiến trái chiều.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhân vật chịu được thách thức của “độ trễ lịch sử”. Sau năm 1986, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là thân hình chính trị lớn nhất trên chính trường Việt Nam.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Võ Văn Kiệt. Bookmark the permalink.