Cường Ngô
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp xăng dầu, vấn đề quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu là song song với việc tính đúng, tính đủ chi phí, tạm thời phải nâng lợi nhuận định mức lên, kích thích tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp trước khi chờ sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa trong thời gian qua. Ảnh: V.T
Tính theo bình quân gia quyền
Những ngày qua, hình ảnh chờ hàng tiếng đồng hồ giữa trưa nắng, lúc nửa đêm để đợi đến lượt mua xăng, hay việc dắt bộ hàng cây số tìm nơi đổ xăng… đã trở thành "cú sốc" tâm lý đối với người dân.
Nhiều nguyên nhân được cơ quan quản lý và chuyên gia chỉ ra, song mấu chốt của việc đứt gãy nguồn cung hiện nay là giải bài toán chi phí kinh doanh xăng dầu, tháo gỡ tình trạng "càng bán càng lỗ" của các doanh nghiệp.
Là người trăn trở về thị trường xăng dầu, TS Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Xăng Dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cho Lao Động biết, trong các cuộc họp giữa doanh nghiệp đầu mối với liên Bộ Công Thương – Tài chính, cần phải giải thích rõ các khoản chi phí phát sinh thực tế một cách thuyết phục, thậm chí kèm theo chứng từ hóa đơn vào bảng kê báo cáo chi phí.
Đặc biệt, cần giải thích cách tính về kết chuyển giá vốn để xác định lợi nhuận được tính theo bình quân gia quyền (phương pháp tính giá xuất kho mà giá trị xuất kho của hàng hóa được tính bằng trung bình đầu kỳ và giá trị nhập hoặc sản xuất trong kỳ -PV) cả quá trình kinh doanh của doanh nghiệp với rất nhiều giá phát sinh liên tục; chứ không phải cắt ngang 10 ngày để tính giá như hiện nay.
"Tôi từng tiếp xúc với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn về xăng dầu. Nhưng khi nói đến nguyên tắc kết chuyển giá vốn của hàng hóa (không cần phân loại là hàng nhập trước xuất trước, nhập sau xuất sau), kết chuyển giá vốn theo bình quân gia quyền ra sao – không nhiều người nắm rõ.
Vì vậy, tôi đề nghị liên bộ khi mời các doanh nghiệp đầu mối họp để giải quyết vấn đề xăng dầu cần phải mời kế toán trưởng của họ, để giải thích với Bộ Tài chính về chi phí, nhất là giá vốn về nguyên tắc mua giá cao hay thấp, cuối cùng cũng hạch toán kết chuyển vào giá vốn.
Do vậy, nhất định phải tính theo bình quân gia quyền và giá cơ sở cũng phải tính như vậy, TS Giang Chấn Tây cho hay.
Cũng theo vị này, vấn đề quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu là song song với vấn đề tính đúng, tính đủ chi phí, thì tạm thời phải nâng lợi nhuận định mức lên.
"Nếu chưa có quy định chiết khấu bán lẻ, tạm thời nâng chi phí lưu thông trong giá cơ sở lên để điều tiết đảm bảo cho doanh nghiệp có lợi nhuận phù hợp và chia lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ, kích thích tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp trước khi chờ sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu", ông nói.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp về vốn
Cũng theo ông Giang Chấn Tây – đã đến lúc cần hỗ trợ tín dụng rõ ràng hơn đối với các mặt hàng bình ổn. Đặc biệt, cần có chỉ thị cho các ngân hàng ổn định lãi suất cho vay đối với các mặt hàng bình ổn, nhất là mặt hàng xăng dầu.
Cụ thể hơn là cố định lãi suất đối với các doanh nghiệp này. Mức lãi suất mà doanh nghiệp có thể chấp nhận và phù hợp nhất là 6,5% như Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam áp dụng vài tháng trước đây.
Phần chênh lệch lãi suất hiện hành so với lãi suất cố định, Chính phủ cần hỗ trợ sẽ thiết thực hơn, hiệu quả hơn cho công tác bình ổn thị trường xăng dầu.
Hiện nay, thanh toán xăng dầu nếu vay để trả tiền hàng tất cả đều chuyển khoản. Do vậy, việc hỗ trợ lãi suất sẽ rất chính xác về số tiền và đúng đối tượng áp dụng, rất dễ thực hiện.
"Đối với các doanh nghiệp đang lỗ cần yêu cầu ngân hàng cho vay để khắc phục lỗ, chứ không nên thấy doanh nghiệp lỗ rồi bỏ mặc cho doanh nghiệp tự giải quyết", ông nói.
Điều chỉnh chi phí sớm giúp doanh nghiệp bớt khó khăn
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam – cho biết, thực tế mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam là chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra, đã thực hiện từ tháng 7, 8 và 9 vừa qua. Có điểm đáng ghi nhận là liên Bộ Tài chính – Công Thương đã quyết định nâng chi phí này sớm hơn, điều chỉnh ngay trong ngày 11.11, thay vì đợi đến ngày 1.1.2023 mới điều chỉnh.
Việc điều chỉnh sớm sẽ giúp giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp. Song, quan trọng nhất vẫn là khoản chênh lệch tính vào giá, phụ phí premium khi doanh nghiệp mua trong những hợp đồng tháng 11, 12 không phải là 5-6 USD mà là 11 USD, nên doanh nghiệp vẫn đang còn lỗ tương ứng 5-6 USD/ thùng. Đây là vấn đề cần phải xem xét để giải quyết thấu đáo trong thời gian tới” – ông Bảo nêu.
C.N.
Nguồn: Laodong.vn