Nga phai nhạt ảnh hưởng với Trung Á

Thanh Danh (Theo Insider, Globe and Mail)

Hai xung đột biên giới nổ ra giữa các nước Trung Á cho thấy tiếng nói của Nga đang giảm sức nặng trong khu vực, khi chiến sự Ukraine kéo dài.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên đến trễ trong các cuộc gặp với lãnh đạo nhiều nước. Ông từng để thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tổng thống Mỹ Donald Trump phải chờ đợi trong những sự kiện tiếp xúc song phương và đây được coi là cách để ông thể hiện thế thượng phong của mình.

Ông Erdogan và phái đoàn chờ đợi bên ngoài phòng họp của ông Putin tại Moskva năm 2020. Video: Rossya1.

Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng trước tại Uzbekistan, lãnh đạo Nga lại rơi vào tình thế lạ lẫm: Ông là người phải chờ đợi. Hình ảnh được công bố tại sự kiện cho thấy lãnh đạo ba nước Kyrgyyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đến muộn hơn cả Tổng thống Nga, để ông phải đứng một mình, đọc lại tài liệu cho buổi gặp.

"Những diễn biến gần đây gửi đi thông điệp đáng chú ý, cho thấy Tổng thống Nga dường như đang mất dần ảnh hưởng ở không gian hậu Xô Viết", Anna Arutunyan, chuyên gia về chính trị Nga tại Trung tâm Wilson, tổ chức tư vấn chính sách có trụ sở ở Mỹ, nhận định.

Những dấu hiệu rõ ràng nhất bắt đầu xuất hiện từ tháng 9, khi các láng giềng Trung Á của Nga bùng phát xung đột biên giới.

Giao tranh cục bộ dọc biên giới Kyrgyzstan – Tajikistan nổ ra, với sự tham gia của xe tăng và pháo binh, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hơn 100.000 người sơ tán.

Trong khi đó, tiếng súng lại vang lên tại vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan, khơi lại những bất ổn tạm lắng sau cuộc chiến biên giới kéo dài 6 tuần giữa hai bên vào năm 2020. Lực lượng Azerbaijan khi đó đã giành lợi thế trước Armenia nhờ ưu thế hỏa lực áp đảo cùng những máy bay không người lái (UAV) vũ trang được Israel và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.

Giới quan sát đánh giá Nga thể hiện vai trò nhạt nhòa trong cả hai cuộc xung đột biên giới tháng trước. Khi xung đột nổ ra, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đề nghị kích hoạt Điều 4 của Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), đề nghị các nước thành viên đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ ba từ trái sang) cùng lãnh đạo các nước Kyrgyzstan, Kazakhstan, Tajikistan và Turkmenistan tại hội nghị thượng đỉnh ở Astana, Kazakhstan, ngày 14/10. Ảnh: AP.

CSTO hiện bao gồm 6 thành viên là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Điều 4 của hiệp ước quy định các quốc gia thành viên "sẽ lập tức cung cấp hỗ trợ cần thiết, bao gồm cả biện pháp quân sự" cho một thành viên nếu họ yêu cầu.

Đây là căn cứ pháp lý để Nga hồi đầu năm triển khai hơn 3.000 quân cùng nhiều khí tài hiện đại tới Kazakhstan ổn định tình hình theo đề nghị của Tổng thống nước này, sau khi biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu bùng phát thành bạo loạn.

Advertisement

Năm 2020, Nga cũng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh sau cuộc chiến Armenia – Azerbaijan. Hiện diện quân sự của Nga ở Nagorno-Karabakh được coi là chỗ dựa an ninh cho Armenia trước Azerbaijan vượt trội về nguồn lực.

Nhưng lần này, không nước nào thuộc CSTO hưởng ứng đề nghị can thiệp của Armenia. Nga chỉ dừng ở mức lên tiếng kêu gọi các bên đối thoại. Azerbaijan và Armenia tháng trước ký kết thỏa thuận đình chiến, nhưng do Mỹ đóng vai trò trung gian đàm phán.

Jeff Markoff, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Washington, nhận định Nga đang phải dồn nguồn lực quân sự cho chiến trường Ukraine, nên không thể đáp ứng lời kêu gọi của đồng minh Armenia. Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến Moskva dần đánh mất ảnh hưởng ở khu vực Trung Á.

Lực lượng quân sự Nga nhiều năm qua giữ vai trò "chốt an toàn" cho Trung Á, khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn do bất đồng giữa các nước. Trung Á cũng đóng vai trò như vùng đệm an ninh giữa Nga và Afghanistan, nơi Moskva lo ngại về mối đe dọa khủng bố từ các nhóm cực đoan.

"Nga đang rút dần lực lượng khỏi Trung Á. Năng lực kiểm soát tình hình của Nga tại khu vực do đó đã suy giảm", Markoff nhận định.

Lính gìn giữ hòa bình Nga làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh, khu vực tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia, vào tháng 11/2020. Ảnh: AFP.

Theo Markoff, trong nhiều năm qua các nước Trung Á xem Nga là "nhân tố đảm bảo an ninh chính yếu" trên toàn khu vực. Lãnh đạo các nước trong không gian hậu Xô Viết giữ tư duy truyền thống kỳ vọng Moskva hỗ trợ giải quyết những vấn đề quốc gia lẫn liên quốc gia.

"Hiện diện của lực lượng quân sự Nga, cùng với kỳ vọng vào vai trò của Nga đã trở thành suy nghĩ quen thuộc, khiến cho mâu thuẫn Kyrgyzstan – Tajikistan không bùng nổ nghiêm trọng như nhiều người lo ngại trong một thời gian dài. Nhưng khi sức ảnh hưởng của Nga suy giảm, rủi ro xung đột ngày càng lớn", Markoff cảnh báo.

Moskva không chỉ suy giảm tiếng nói trong các vấn đề khu vực Trung Á, mà trong vài tháng qua còn vấp phải một số tín hiệu phản kháng từ khu vực vốn được coi là vùng ảnh hưởng truyền thống, theo chuyên gia Arutunyan.

Hồi tháng 6, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, đồng minh thân thiết vừa được Moskva hỗ trợ củng cố an ninh chưa đầy nửa năm trước, đã từ chối tiếp bước Nga công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Ukraine. Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, tại Hội nghị thượng đỉnh Nga – Trung Á ở Astana hôm 14/10, bất ngờ công khai chỉ trích cách Nga ứng xử với nhóm nước này.

"Chúng tôi luôn tôn trọng quan hệ với Nga, đối tác chiến lược chủ lực của khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn nhận lại sự tôn trọng. Chúng tôi muốn được đối xử bình đẳng như mọi quốc gia khác", ông nói.

Arutunyan cho rằng phát biểu mạnh mẽ của ông Rahmon là "chưa từng có tiền lệ" trong giao thiệp giữa một lãnh đạo quốc gia Trung Á với Nga. Chuyên gia này cho rằng đây có thể là cách chính trị gia 70 tuổi, lãnh đạo chính phủ Tajikistan từ năm 1994, gây sức ép để nhận được hỗ trợ tài chính nhiều hơn từ Nga.

"Tajikistan phụ thuộc nhiều vào thương mại với Nga, cũng như dòng kiều hối từ khoảng một triệu người gốc Tajikistan đang làm việc tại nước này. Ấn tượng về sức ảnh hưởng đang bị suy giảm của Nga có thể đã thôi thúc ông Rahmon thử tìm cách gây áp lực", Arutunyan nói.

Giới chuyên gia cho rằng duy trì ảnh hưởng ở Trung Á có vai trò quan trọng với Nga, nhằm tạo vị thế cho Moskva trong quan hệ với đồng minh quan trọng khác như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…, đặc biệt khi Nga đang bị phương Tây cô lập.

Các đồng minh này sẽ liên tục cân nhắc mức độ hợp tác với Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, còn Mỹ cùng đồng minh liên tục đe dọa mở rộng lưới trừng phạt thứ cấp đối với bất cứ quốc gia nào hợp tác cùng Nga.

"Nhiều đối thủ địa chính trị muốn thế chân Nga trong bàn cờ tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á. Họ chắc chắn nhận ra cơ hội khi Nga vướng vào khủng hoảng Ukraine và phải giảm hiện diện cũng như ảnh hưởng trong khu vực", Markoff nhận định.

T.D.

Nguồn: vnexpress.net

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.