Nguyễn Văn Tuấn
Tính năng động còn thấy ở giới trẻ ngày nay: họ sáng sủa hơn thế hệ tôi, họ có nhiều thông tin hơn, họ nhanh nhẹn hơn, và họ tự tin hơn. Nếu có cái gì họ thiếu thì có lẽ là đạo đức xã hội và kiến văn. Họ lao vào kiếm tiền bằng mọi phương tiện và cơ hội, có khi làm tiền bất kể hậu quả ra sao. Họ có vẻ đọc nhiều nhưng hiểu không sâu. Một ‘bộ phận’ trong giới trẻ (kể cả bọn có học và cả sư sãi trong chùa) bị nhồi sọ quá nặng nề, không còn phân biệt được chánh tà trong lịch sử nữa. Những người này hay đổ thừa chiến tranh, Mĩ, Tàu, v.v. về sự yếu kém của mình, mà họ không nhìn lại cái thực tế là mình… dở.
|
Nhiều bạn hỏi tôi Việt Nam có gì mới, và câu trả lời là Việt Nam lúc nào mà chẳng mới, nhưng ngạc nhiên mới là điều đáng nói.
Cái mới? Nhiều lắm và phải là như thế. Làng quê ngày nay có nhiều nhà mới, được xây dựng khang trang hơn xưa, và đó là tín hiệu cho thấy người dân làm ăn khấm khá hơn hay ít ra là điều kiện kinh tế khá hơn xưa. Hồi xưa, trong làng tôi, hễ nhà nào mới xây thì xác suất cao là có ‘yếu tố nước ngoài’ (tức tài trợ của Việt kiều). Ngày nay thì nhà mới xây có yếu tố nội địa, chủ yếu là tài trợ từ các công nhân ở Bình Dương và các khu công nghiệp. Có thể nói rằng sự đổi mới ở miệt quê miền Tây có sự đóng góp rất lớn của các ‘kiều dân’ ở Bình Dương.
Thời gian đi từ Sài Gòn về Cần Thơ chỉ còn 3 tiếng đồng hồ, hay từ Sài Gòn đi Rạch Giá nay còn 4 tiếng đồng hồ (xưa kia là 6-7 tiếng). Như vậy là mới rồi, là có tiến bộ rồi. Đáng lí ra, con đường Sài Gòn – miền Tây phải được ưu tiên xây dựng từ những 30 năm trước. Chẳng hiểu sao người ta làm chậm như thế, và hậu quả là kéo dài cái nghèo và sự thiệt thòi của người dân miền Tây. Tuy nhiên, người dân thì thường có kí ức ngắn hạn, nên ít ai nhớ đến ai đã làm cho miền Tây tụt hậu.
Đi khắp nơi Việt Nam, ai cũng có thể thấy đây là một đất nước ‘dynamic’ / năng động. Những dòng xe tải xuôi ngược khắp mọi nẻo đường cao tốc và quốc lộ là một tín hiệu tích cực rằng nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid. Nhiều người ở vùng quê đã có thể mua xe hơi làm kinh doanh. Con lộ cao tốc đã mở ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế ở miền Tây.
Tính năng động còn thấy ở giới trẻ ngày nay: họ sáng sủa hơn thế hệ tôi, họ có nhiều thông tin hơn, họ nhanh nhẹn hơn, và họ tự tin hơn. Nếu có cái gì họ thiếu thì có lẽ là đạo đức xã hội và kiến văn. Họ lao vào kiếm tiền bằng mọi phương tiện và cơ hội, có khi làm tiền bất kể hậu quả ra sao. Họ có vẻ đọc nhiều nhưng hiểu không sâu. Một ‘bộ phận’ trong giới trẻ (kể cả bọn có học và cả sư sãi trong chùa) bị nhồi sọ quá nặng nề, không còn phân biệt được chánh tà trong lịch sử nữa. Những người này hay đổ thừa chiến tranh, Mĩ, Tàu, v.v. về sự yếu kém của mình, mà họ không nhìn lại cái thực tế là mình… dở.
Trong giáo dục tính năng động còn thể hiện rõ, nhứt là ở các trường đại học tư. Hôm gặp một anh lãnh đạo của Đại học Văn Lang, anh ấy nói một câu tôi ‘rất chịu’. Ảnh nói các đại học tư — chứ không phải đại học công lập — sẽ dẫn đầu trong việc cải cách giáo dục. Rất đúng. Tôi nghĩ các đại học công có lợi thế là ‘con ruột’ của Nhà nước, được ưu tiên đủ thứ, nhưng họ bị ràng buộc bởi những điều lệ rất buồn cười. Có đại học công muốn lót gạch một giảng đường mà phải xin phép từ… bộ chủ quản! Còn chuyện hợp tác với nước ngoài thì các đại học công nói chung rất chậm và khó làm gì thông thoáng được do nhiều qui định, mà mỗi nơi hiểu qui định theo cách của họ, chẳng ai giống ai. Các đại học tư không có những ràng buộc đó, nên họ năng động hơn các đại học công.
Báo chí làm ồn ào vụ các bệnh viện công thiếu vật tư y tế, hoá chất xét nghiệm, thậm chí thiếu thuốc. Tình trạng này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến bệnh nhân. Bao nhiêu người đã chết oan từ sự thiếu thốn này vẫn chưa rõ. Nhưng đó không hẳn là lỗi của bệnh viện, mà là lỗi của chánh sách. Chánh sách là bệnh viện phải tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu cung cấp, nhưng thòng theo một câu chung chung rằng phải “tuân thủ đúng qui định, và chịu trách nhiệm”. Vì sợ trách nhiệm, nên có nơi đấu thầu chậm, hay có khi đấu thầu mà chẳng nhà thầu nào trúng tuyển, nên dẫn đến tình trạng thiếu thốn buồn cười như báo chí phản ảnh. Nếu là ở nước ngoài (như Úc này) thì có lẽ bộ trưởng đã ‘bay chức’ từ lâu và nhiều nhiều người bị mất chức, nhưng ở Việt Nam người ta có vẻ xem tình trạng đó như là việc của ai! Thật đáng sợ.
Ở Việt Nam cán bộ rất sợ trách nhiệm. Cái sợ trách nhiệm của họ làm khổ người dân, vì họ cứ đùn đẩy và ‘đá’ người dân từ nơi này sang nơi khác. Họ sợ là phải vì việc làm hôm nay của họ có thể là lí do họ đi tù trong tương lai.
Việt Nam có gì đáng ngạc nhiên? Nhiều lắm. Hiện tượng “triều cường” ngày nay không chỉ là đặc sản của TPHCM mà đã lan tràn sang Cần Thơ. So với 20 năm trước, đó là một ngạc nhiên đối với tôi. Nhưng với anh tài xế taxi thì ảnh không ngạc nhiên vì ảnh có cách giải thích. Anh ấy giải thích rằng vì mấy con rạch bị lấp và biến thành bất động sản, nhà cửa xây lên quá nhiều, nên dẫn đến tình trạng vừa lún vừa ngập nước triền miên. Đà Lạt mà còn ngập nước!
Sông ngòi vùng quê ngày nay nó cứ lờ đờ, ô nhiễm. Nguyên nhân? Nông dân chỉ tay về cái cống khổng lồ ở sông Cái Lớn nó ngăn nước mặn, nhưng cũng làm thay đổi dòng chảy của tất cả các nhánh sông trong vùng. Con sông trước nhà tôi ở dưới quê bị ô nhiễm trầm trọng và khái niệm nước lớn nước ròng đang dần dần biến mất. Tôi tự hỏi tại sao mấy người chủ trương xây cái cống khổng lồ đó không tính toán lợi và hại trước (chắc chắn có), hay là họ có tính toán mà không đạt? Ai chịu cho sự ảnh hưởng của cái cống đó đến hệ sinh thái và mùa vụ? Có vẻ chẳng ai chịu trách nhiệm.
Dù ở bất cứ điều kiện nào thì Việt Nam vẫn khác so với xưa. Cái khác biệt có thể xem là phát triển tích cực hay tiêu cực thì còn tuỳ vào cách nhìn nhận và đánh giá của mỗi người. Nhiều người lãnh đạo nói đầy tự hào rằng chưa bao giờ Việt Nam được như ngày hôm nay. Tôi không hiểu câu đó có nghĩa là gì, nhưng đó là một cách nhìn rất tầm thường và hiển nhiên, và câu đó nói vào thời nào cũng đúng. Thậm chí người ta có thể nhạo báng rằng chưa bao giờ con gái Việt Nam đi làm dâu khắp thế giới như ngày nay?!
Bởi vì ở bất cứ nơi nào (như Lào và Campuchea), thì thời t phải hơn thời t-1, và thời t-1 phải hơn thời t-2, mà chẳng cần một thể chế đặc thù nào cả. Căn nhà hôm nay được xây bằng vật liệu tốt hơn ngày hôm qua, và đó là qui luật tự nhiên. Cách nhìn có ý nghĩa hơn là nhìn sang và so sánh với các nước láng giềng xem mình có hơn họ hay không. Rất tiếc là nhiều người có kí ức ngắn, họ chỉ so sánh với thời xa xưa, rồi thấy VN mình giờ khá hơn xưa, và tưởng VN mình là nhứt rồi. Nhưng đó là một sự lầm tưởng mang tính trẻ con (bởi người trưởng thành không ai nhìn sự phát triển theo cách đó).
Việt Nam có gì mới? Nhiều lắm. Một người đi kiểu ‘cưỡi ngựa xem hoa’ như kẻ viết bài này thì không thể nào mô tả đầy đủ được. Có nhiều cái rất hay và rất mới nhưng nó chỉ là đặc quyền và đặc lợi của một nhóm thiểu số mà thôi. Có cái mới nhưng cũng có cái không/chưa thay đổi. Những cái chưa thay đổi là tư duy ‘hành là chánh’ làm khổ và phiền phức rất nhiều người, nhưng nó đã trở thành một nét văn hoá công quyền rồi (vì dính dáng đến con người Việt), nên chúng ta chẳng kì vọng nó sẽ thay đổi trong tương lai
N.V.T.
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn
(*) Đầu đề do BVN thêm.