Đoàn Khắc Xuyên
Những năm gần đây, như một trào lưu, người ta nói nhiều đến việc xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh, đô thị 4.0… Đó là một xu hướng tất yếu gắn liền với những tiến bộ đột phá về công nghệ mang lại nhiều kỳ vọng cho việc quản lý và nâng cấp đời sống đô thị. Tuy nhiên, chỉ cần đưa mắt nhìn xuống đất là thị dân lập tức phải đối mặt với nhiều điều bức bối…
Những đề án như mơ
Mơ: kết nối và kiểm soát toàn TP.HCM bằng các mạng thông minh. Ảnh: TL
Tạp chí Kiến Trúc ngày 2.3.2021 trong bài Đô thị thông minh: Bắt đầu từ tầm nhìn thông minh? cho rằng: Ngày nay, thành phố thông minh đang trở thành một xu hướng phát triển đô thị, nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia và các đô thị như một cách thức hội nhập quốc tế, bắt kịp với kỷ nguyên phát triển công nghệ 4.0 vũ bão, và đặc biệt còn được kỳ vọng như một xu hướng tất yếu có thể giúp các đô thị chống lại các vấn đề về phát triển đô thị ngày nay như là tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm, suy thoái môi trường, những nguy cơ toàn cầu trong đó có cả vấn đề tội phạm, ùn tắc giao thông, dịch vụ kém hiệu quả và đình trệ phát triển kinh tế…
Định nghĩa thế nào là thành phố thông minh, Wikipedia viết: Thành phố thông minh hay đô thị thông minh là một khu vực thành thị sử dụng các loại phương pháp điện tử và cảm biến khác nhau để thu thập dữ liệu. Thông tin chi tiết thu được từ dữ liệu đó được sử dụng để quản lý tài sản, tài nguyên và dịch vụ một cách hiệu quả; đổi lại, dữ liệu đó được sử dụng để cải thiện hoạt động trên toàn thành phố. Điều này bao gồm dữ liệu được thu thập từ người dân, thiết bị, tòa nhà và tài sản, sau đó được xử lý và phân tích để giám sát và quản lý hệ thống giao thông và vận tải, nhà máy điện, tiện ích, mạng lưới cấp nước, chất thải, phát hiện tội phạm, hệ thống thông tin, trường học, thư viện, bệnh viện và các dịch vụ cộng đồng khác.
Công nghệ thành phố thông minh cho phép các quan chức thành phố tương tác trực tiếp với cả cộng đồng và cơ sở hạ tầng thành phố, đồng thời giám sát những gì đang xảy ra trong thành phố và thành phố đang phát triển như thế nào. Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được sử dụng để nâng cao chất lượng, hiệu suất và tính tương tác của các dịch vụ đô thị, để giảm chi phí và tiêu thụ tài nguyên, tăng cường liên hệ giữa người dân và chính quyền. Các ứng dụng thành phố thông minh được phát triển để quản lý dòng chảy đô thị và cho phép phản hồi trong thời gian thực. Do đó, một thành phố thông minh có thể chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những thách thức, hơn một thành phố chỉ có mối quan hệ “giao dịch” đơn giản với công dân của nó.
TP.HCM, thành phố lớn nhất nước, một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, bằng Quyết định 6179/QĐ-UB ngày 23.11.2017 cũng đã phê duyệt đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đề án đề ra việc hình thành 4 trung tâm:
1- Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở;
2- Trung tâm điều hành đô thị thông minh;
3- Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội;
4- Trung tâm an toàn thông tin, nhằm “giúp thành phố giải quyết những thách thức của quá trình đô thị hóa và hỗ trợ cho việc thực hiện các chương trình đột phá, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, khuyến khích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo xuất phát điểm vô cùng thuận lợi cho việc triển khai các chương trình đột phá cho các giai đoạn tiếp theo”.
Vẫn theo đề án trên, định hướng triển khai đô thị thông minh đến năm 2025 của TP.HCM sẽ bao gồm:
1- Triển khai đầu tư hoàn thiện 4 trung tâm của đề án;
2- Triển khai chính quyền điện tử, chuyển đổi dần chính quyền điện tử sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh;
3- Phát triển hạ tầng phục vụ triển khai đô thị thông minh;
4- Nghiên cứu thành lập trung tâm điều hành chỉ huy tích hợp của thành phố;
5- Triển khai chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo;
6- Triển khai đô thị thông minh trong một số lĩnh vực: y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, tài nguyên và môi trường, chỉnh trang và phát triển đô thị, giao thông vận tải, an ninh trật tự an toàn xã hội.
Đọc đề án, hẳn ai cũng cảm thấy lạc quan, phấn khởi như muốn bay lên với những giấc mơ đẹp: thành phố rồi sẽ thế này, sẽ như thế kia… Cũng phải thôi, có ai không mong muốn những tồn tại trong quản lý đô thị được giải quyết nhanh chóng, rốt ráo; thành phố ngày càng văn minh, cuộc sống người dân ngày càng phồn vinh, tươi đẹp?
Và thực tế dưới đất
Thực: trận mưa lớn chiều 15.8.2022 gây kẹt xe nhiều giờ tại cầu Chữ Y nối quận 5 và quận 8, TP.HCM. Ảnh: Thành Huy
Vẫn biết giấc mơ nào cũng cần thời gian để hiện thực hóa, thế nhưng giữa mơ và thực có khi lại là những khoảng cách rất dài. Chỉ cần đặt chân xuống đất, bước ra đường, thị dân sẽ đụng phải vô số chuyện bất cập trong quản lý đô thị, có những chuyện tưởng giải quyết không quá khó nhưng vẫn kéo dài năm này qua năm khác.
Vài ví dụ:
– Thủ tục hành chính vẫn hành người dân: Tại hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 do UBND TP.HCM tổ chức sáng 12.8.2022, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, cho hay: “Hiện nay, thành phố triển khai việc này hơi chậm và manh mún. Theo Nghị định 61 năm 2018 của Chính phủ thì việc xây dựng hệ thống thông tin một cửa điện tử phải triển khai xong từ năm 2018, 2019”.
Theo ông Hoàng, 6 tháng đầu năm, TP.HCM tiếp nhận và giải quyết khoảng 5,3 triệu hồ sơ, nhưng hiện trên hệ thống mà Thủ tướng theo dõi chỉ có 11.000 hồ sơ. Như vậy, các hồ sơ còn lại là báo cáo giấy (!).
Ông Hoàng cho biết Chính phủ yêu cầu toàn bộ 800 dịch vụ công trực tuyến phải được kết nối với Cổng Dịch vụ Công Quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại TP.HCM mới có 22 dịch vụ được kết nối. Số lượng này là quá ít và không có sự liên thông, liên kết giữa các cơ quan, khiến thời gian giải quyết thủ tục hành chính chưa được rút ngắn.
Ông Hoàng cho hay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến liên thông trong thanh toán dịch vụ về đất đai, thuế nhưng TP.HCM thì vẫn chưa làm được. Như vậy là quá chậm so với các địa phương khác.
“Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, TP.HCM mất trung bình 28 ngày để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, trong khi các địa phương đã liên thông thủ tục này chỉ mất 30 phút tới một giờ”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo Bộ Nội vụ, kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021 của TP.HCM đạt 86,05%, xếp vị trí 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 20 bậc nhưng tăng giá trị chỉ số 1,35% so với kết quả năm 2020.
Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS 2021) của TP.HCM đạt 86,69% (năm 2020, thành phố đạt 83,74%), nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức hài lòng thuộc loại trung bình thấp (từ 83% đến dưới 87%).
Về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2021, TP.HCM nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất; tổng điểm 8 chỉ số nội dung của thành phố năm 2021 là 40,677 (năm 2020 là 41,99).
– Lấn chiếm lòng lề đường: Tình trạng mạnh ai nấy chiếm làm chỗ để xe, bày bàn ghế, từ cửa hàng buôn bán đến các quán nhậu là một câu chuyện dài, phổ biến, trên nhiều con đường từ các quận trung tâm cho đến các quận ven. Người đi bộ, kể cả các em học sinh tiểu học, bị đẩy xuống lòng đường. Có vẻ như bộ máy quản lý đô thị không hoạt động, hoạt động kém hiệu quả, hoặc làm ngơ cho vi phạm, để một số người chiếm không gian công cộng làm lợi riêng bất chấp lợi ích của cộng đồng.
– Chuyện loạn số nhà: Tình trạng trùng tên đường, nhiều tuyến đường chưa được đặt tên, số nhà lộn xộn, số nhà mặt tiền đường lại mang số hẻm và ngược lại, trật tự số nhà chẵn – lẻ không thống nhất, nhà ở đường này lại mang địa chỉ ở đường khác…, đang gây khó khăn cho quản lý đô thị cũng như giao dịch của người dân. Thực trạng này đã được chia sẻ từ nhiều năm trước tại hội nghị về công tác đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức ngày 29.3.2017.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, từ năm 1998 đến 2012, TP.HCM đã cấp mới, điều chỉnh trên 1,2 triệu số nhà nên số căn nhà, căn hộ cần được cấp số và điều chỉnh, còn lại khoảng 100.000 căn, tập trung ở các quận 7, 9, 12 và Bình Tân. Sở Xây dựng cho biết phấn đấu trong vòng 2 năm, tức đến 2014 TP.HCM sẽ kết thúc toàn bộ việc cấp và điều chỉnh số nhà.
Tuy nhiên, đến nay câu chuyện loạn số nhà vẫn là một câu chuyện dài chưa có hồi kết, gây khó khăn, khổ sở cho người dân trong đi lại, giao dịch. Không cần đi đâu xa ra ngoại thành, chỉ cần đến một con đường sầm uất, nhộn nhịp ngay trong nội thành như đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, người ta sẽ phải kinh ngạc trước sự lộn xộn, rối rắm, bất hợp lý về đánh số nhà khi số nhà nhảy cóc vô tội vạ; cùng một bên đường có chỗ có cả số chẵn và số lẻ. Cánh tài xế taxi, xe công nghệ nhiều lúc toát mồ hôi để tìm cho ra địa chỉ của khách gọi xe; ngược lại người gọi xe cũng khó khăn để chỉ cho tài xế địa chỉ của mình. Bao nhiêu thì giờ của người dân nói chung đã mất đi cho việc tìm kiếm số nhà, bao nhiêu xăng dầu đã tiêu phí cho việc chạy lòng vòng tìm địa chỉ?
Có thể thấy, trong tất cả các ví dụ về bất cập trong quản lý đô thị nêu trên, chưa kể những vấn nạn như tình trạng ngập nước, nạn kẹt xe…, có những vấn đề đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ cao mới có thể giải quyết như cải cách hành chính theo hướng hiện đại, nhưng cũng có những vấn đề đòi hỏi trước hết là trình độ tổ chức khoa học, hợp lý; sự mẫn cán và làm được việc của cán bộ thừa hành, như việc sắp xếp lại số nhà hay giữ lề đường thông thoáng. Có vẻ như TP.HCM đang thiếu cả hai, cả tốc độ ứng dụng công nghệ cao vào quản lý lẫn yếu tố con người (trình độ tổ chức, sự mẫn cán và làm được việc) trong những vấn đề quản lý không đòi hỏi công nghệ cao.
Để xây dựng thành phố thông minh, phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân thì dù có công nghệ gì đi nữa mà không có những con người đáp ứng được đòi hỏi, biết đặt quyền lợi của người dân lên trên hết thì giấc mơ thành phố thông minh, hiện đại có thể vẫn mãi chỉ là ước mơ.
Đ.K.X.
Nguồn: Nguoidothi