Cập nhật chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine 19.8.2022 10AM

Cù Tuấn

clip_image002

Nhân viên cứu hộ Ukraine diễn tập ứng phó sự cố hạt nhân ở tỉnh Zaporizhzhia hôm 17/8. Ảnh: AFP

Kho đạn phát nổ và bốc cháy gần làng Timonovo, tỉnh Belgorod của Nga, khiến người dân hai ngôi làng phải sơ tán, song không gây thương vong. Vyacheslav Gladkov, tỉnh trưởng Belgorod, xác nhận vụ cháy kho đạn đêm 18/8 xảy ra cách biên giới Ukraine gần 50 km. "Theo báo cáo mới nhất, không có thương vong. Người dân hai làng Timonovo và Soloti đã được đưa đến nơi an toàn", ông Gladkov đăng trên Telegram. Video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy quả cầu lửa khổng lồ cuốn theo cột khói đen dày đặc. Một video khác ghi lại cảnh các vụ nổ liên tiếp tại kho đạn. Hiện nguyên nhân của vụ nổ tại kho vũ khí ở Belgorod đang được điều tra làm rõ. Giới chức địa phương không loại trừ khả năng đây là một vụ tấn công phá hoại của các lực lượng thân Ukraine.

Quân đội Nga điều ba tiêm kích MiG-31 mang tên lửa siêu vượt âm Kinzhal tới Kaliningrad nhằm "bổ sung răn đe chiến lược". "Ba tiêm kích MiG-31I với tên lửa siêu vượt âm Kinzhal ngày 18/8 được điều tới sân bay Chkalovsk ở Kaliningrad, đây là một phần trong các biện pháp răn đe chiến lược bổ sung", Bộ Quốc phòng Nga thông báo. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các phi công MiG-31I trong quá trình bay đã xử lý vấn đề tương tác với tiêm kích thuộc quân đoàn phòng không – không quân số 6, cũng như đơn vị không quân hải quân của Hạm đội Baltic. "Tại sân bay Chkalovsk, các nhiệm vụ chiến đấu ngày đêm của MiG-31I với tổ hợp vũ khí siêu vượt âm Kinzhal sẽ được tổ chức", thông cáo của cơ quan này có đoạn.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói chiến sự đang giậm chân tại chỗ và Nga đạt được ít bước tiến trong tháng qua. Trước đó, giới chức Kiev nói cần phá cây cầu nối với Crimea, vốn được coi là hậu phương của Nga. Ngày 18-8, phát biểu trước cuộc gặp Ukraine – Liên Hiệp Quốc (LHQ) – Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra cùng ngày, cố vấn Oleksiy Arestovych của ông Zelensky cho biết trong khi Nga chỉ có "những bước tiến tối thiểu ở một số trường hợp, chúng tôi đã tiến công". "Chúng ta đang thấy một sự bế tắc chiến lược", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Arestovych nói. Ông Zelensky dự kiến gặp Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại thành phố Lviv ngày 18-8. Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho biết ở phía nam, các lực lượng Ukraine đã đánh trả một cuộc tiến công của lực lượng Nga gần thị trấn Bilohirka, phía đông bắc Kherson. Trong khi đó, Cơ quan Dịch vụ khẩn Ukraine nói Nga tiến hành các cuộc đánh bom ở Kharkov.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cảnh báo thảm họa hạt nhân tương tự Chernobyl ở Ukraine, trong khi LHQ kêu gọi phi quân sự hóa nhà máy Zaporizhzhia. "Chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi không muốn có một Chernobyl khác", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói trong họp báo ở thành phố Lviv, miền đông Ukraine ngày 18/8, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ông Erdogan cũng đảm bảo với lãnh đạo Ukraine rằng Ankara là đồng minh vững chắc của Kiev. "Trong khi tiếp tục nỗ lực tìm giải pháp, chúng tôi vẫn đứng về phía những người bạn Ukraine", ông nói. Trong khi đó, Tổng thư ký Guterres bày tỏ "quan ngại sâu sắc" tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và cho rằng khu vực này phải được phi quân sự hóa. "Phải nói rằng bất kỳ thiệt hại tiềm tàng nào đối với Zaporizhzhia đều là tự sát", ông cho hay.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông và tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã thống nhất các điều kiện để cử một phái bộ của IAEA tới nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia. “Chúng tôi đã thống nhất với tổng thư ký về các điều kiện để Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có thể làm nhiệm vụ ở nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, một cách hợp pháp, thông qua vùng lãnh thổ không bị chiếm giữ”, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 18/8. Nỗi lo về thảm họa hạt nhân tương tự những gì từng xảy ra ở Chernobyl ngày càng gia tăng. Do đó, IAEA đã kêu gọi cử một phái bộ tới nhà máy, theo CNA.

Các hệ thống phòng không của Nga ở Crimea được cho là đã kích hoạt, ngăn chặn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào khu vực gần cầu Kerch nối Crimea với đất liền Nga. RT dẫn thông tin trên Telegram của ông Oleg Krychkov, cố vấn của Thống đốc Crimea, ngày 18/8 cho biết: "Theo thông tin ban đầu, các hệ thống phòng không đã được kích hoạt ở Kerch, Thành phố và cây cầu vẫn an toàn". Cộng đồng mạng cũng chia sẻ các đoạn video được cho là ghi lại khoảnh khắc hệ thống phòng không của Nga kích hoạt để bảo vệ cầu Kerch. Đoạn video cho thấy một vật thể phát sáng vọt ngang qua bầu trời đêm, giống như một tên lửa cùng với những tiếng nổ lớn.

Báo Politico (Mỹ) hôm 18-8 dẫn lời một quan chức không nêu tên trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Mỹ coi các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào bán đảo Crimea được Nga sáp nhập vào năm 2014 là công bằng và nhằm mục đích tự vệ. Politico viết Mỹ sẽ không cản trở các cuộc tấn công vào bán đảo này nếu Kiev cho là cần thiết. Khi được hỏi liệu chính quyền ông Biden có coi bán đảo này là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine hay không, vị quan chức trên nói: “Crimea là của Ukraine”. Trước đó, cũng trong ngày 18-8, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine – ông Aleksey Reznikov nói rằng cam kết của Kiev không tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí được phương Tây cung cấp không bao gồm bán đảo Crimea và rằng Mỹ không phản đối các cuộc tấn công của Ukraine tại đó.

Nga bác đề xuất của Tổng thư ký LHQ về phi quân sự hoá quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nói ý kiến này "không thể chấp nhận được". Bình luận trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nechaev đưa ra trong cuộc họp báo ở Moskva hôm nay. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trước đó đề xuất lập khu phi quân sự quanh nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia trong bối cảnh Nga và Ukraine liên tục cáo buộc lẫn nhau pháo kích nhà máy. Đầu tháng này, ông Guterres cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, đồng thời cảnh báo mọi hành động tấn công vào một nhà máy hạt nhân là "tự sát". Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đang cố gắng dàn xếp một "sự cố nhỏ", có thể liên quan đến rò rỉ phóng xạ, tại nhà máy để đổ lỗi cho Nga. Theo Nga, "hành động khiêu khích" được sắp xếp trùng với chuyến thăm Ukraine của ông Guterres, người đã đến Lviv hôm 17/8 và dự định thăm cảng Odessa ngày 19/8. "Đây không chỉ là sự khiêu khích, mà còn là tống tiền hạt nhân", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.

Bộ Quốc phòng Phần Lan nghi ngờ hai tiêm kích MiG-31 của Nga đã xâm phạm không phận nước này gần thành phố Porvoo, cách Nga gần 150 km. "Hai tiêm kích MiG-31 của Nga được cho là đã xâm phạm không phận Phần Lan ở Vịnh Phần Lan, ngoài khơi thành phố Porvoo", Bộ Quốc phòng Phần Lan hôm nay cho biết trong một tuyên bố. "Lực lượng không quân Phần Lan đã triển khai tiêm kích xác định phi cơ xâm phạm". Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Phần Lan nói rằng sự cố xảy ra lúc 9h40 (13h40 giờ Hà Nội) và kéo dài khoảng hai phút, khi hai tiêm kích bay về phía tây, vào không phận Phần Lan khoảng một km. Lực lượng Biên phòng Phần Lan đã bắt đầu cuộc điều tra về hành vi xâm phạm.

Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố Kiev không nhượng bộ trước Nga và hiện không có cơ hội đàm phán giữa hai nước. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 18/8 tại thành phố Lviv, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đều bày tỏ mong muốn giúp Kiev tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay với Nga. "Không ai thúc giục chúng tôi nhượng bộ có lợi cho Nga. Tôi muốn nói thẳng rằng chuyện nhượng bộ sẽ không bao giờ xảy ra, ngoài những cáo buộc "phản quốc" xuất hiện trên mạng xã hội", ông Kuleba nói. Ông Kuleba cho biết Tổng thống Zelensky và Tổng thống Erdogan đã trao đổi nhiều hơn so với dự kiến tại cuộc gặp song phương. "Hai Tổng thống và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc không chỉ chia sẻ lập trường trung mà còn cả hành động của họ trong các vấn đề quan trọng, bao gồm hành lang ngũ cốc, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và việc trả tự do cho các tù binh của chúng tôi. Tôi cho rằng giải pháp ngoại giao cho nhiều vấn đề sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp và quyết định của 3 nhà lãnh đạo này cho đến khi chiến tranh kết thúc. Họ đã đạt được sự hiểu biết chung, đó là điều chính yếu", ông Kuleba nói thêm.

Nga nói nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia có thể ngừng hoạt động nếu tiếp tục bị pháo kích, cảnh báo nguy cơ phóng xạ phát tán khắp châu Âu. "Nếu những vụ pháo kích tiếp diễn, chúng tôi có thể xem xét phương án ngừng vận hành lò phản ứng số 5 và 6, khiến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phải đóng cửa", Tư lệnh Lực lượng Phòng hóa, sinh học và hạt nhân Nga Igor Kirillov cho biết hôm nay. Tướng Kirillov nói rằng các hệ thống hỗ trợ dự phòng của nhà máy Zaporizhzhia đã bị hư hại sau nhiều vụ pháo kích, khẳng định mọi sự cố tại đây sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hiện nay. "Nếu máy phát diesel và bơm di động bị hỏng, các thanh nhiên liệu có thể bị quá nhiệt trong tình huống khẩn cấp và phá hủy những lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, phát tán lượng lớn vật liệu phóng xạ vào khí quyển", ông cảnh báo, nhấn mạnh chất phóng xạ có thể lan xa hàng trăm km và phủ xuống lãnh thổ Đức, Ba Lan, Slovakia và các nước Bắc Âu.

Thống kê của một tổ chức nghiên cứu cho thấy hỗ trợ quân sự của châu Âu cho Ukraine đã giảm từ tháng 4 tới nay bất chấp chiến sự giữa Kiev và Moscow vẫn diễn biến căng thẳng. Politico dẫn dữ liệu do Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức tổng hợp cho thấy, 6 nước lớn hàng đầu châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan không đưa ra bất cứ cam kết viện trợ quân sự mới nào cho Ukraine vào tháng 7. Đây là tháng đầu tiên mà các nước châu Âu nói trên không cam kết hỗ trợ thêm cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng từ 24/2. Politico cảnh báo, đây là dấu hiệu cho thấy, "viện trợ quân sự cho Ukraine có thể đang suy yếu". Trong suốt cuộc xung đột, Viện Kiel đã vận hành "Công cụ theo dõi hỗ trợ Ukraine" để thống kê và định lượng các hoạt động hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo quốc tế cho Kiev. Christoph Trebesch, người đứng đầu nhóm "Theo dõi hỗ trợ Ukraine", nói với Politico rằng dữ liệu dự án cho thấy các cam kết viện trợ quân sự của châu Âu cho Kiev đã liên tục giảm kể từ cuối tháng 4. "Bất chấp cuộc chiến đang bước vào giai đoạn quan trọng, các cam kết viện trợ cho Ukraine đang dần cạn", ông Trebesch nói. Tuần trước, trong một sự kiện tại Đan Mạch, các nước phương Tây ủng hộ Ukraine đã cam kết sẽ viện trợ thêm cho Ukraine 1,5 tỷ EUR, nhưng theo ông Trebesch, con số này "ít ỏi so với những con số đã được đưa ra trong các hội nghị trước đó".

Cơ quan quản lý năng lượng Đức cảnh báo nước này gần như chắc chắn không đạt mục tiêu dự trữ khí đốt với nguồn cung từ Nga hạn chế. "Tôi không trông chờ vào việc đạt mục tiêu dự trữ tiếp theo nhanh như mục tiêu đầu tiên", Klaus Muller, giám đốc Cơ quan Mạng lưới Liên bang (BNA), nói với trang tin t-online hôm nay. BNA quản lý các thị trường điện, khí đốt, viễn thông, bưu chính và đường sắt ở Đức. Các nhà quản lý kho dự trữ Đức trước đó được yêu cầu nâng lượng khí đốt lưu trữ lên 85% sức chứa vào ngày 1/10 và 95% vào ngày 1/11. Theo ông Muller, mục tiêu đạt 85% vào ngày 1/10 "không phải bất khả thi nhưng chắc chắn rất tham vọng". Đức đạt mốc đầu tiên 75% sức chứa hôm 13/8, sớm hơn hai tuần so với hạn chót 1/9, nhờ các biện pháp tiết kiệm và giá khí đốt cao khiến nhu cầu tiêu thụ giảm. "Chúng ta không kịp đạt mốc 95% vào ngày 1/11 trong mọi kịch bản", ông bổ sung. "Cơ hội thực hiện được gần như không có bởi một số kho bắt đầu lưu trữ từ mức rất thấp".

Một số nguồn tin ngày 18/8 cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang sẵn sàng viện trợ quân sự bổ sung trị giá khoảng 800 triệu USD cho Ukraine và có thể công bố vào ngày 19/8. Tổng thống Biden có thể thông qua khoản hỗ trợ bằng cách sử dụng Cơ quan thu hồi vốn của Tổng thống (PDA), theo đó, tổng thống có thể cho phép chuyển các mặt hàng và dịch vụ (bao gồm cả vũ khí) từ các kho hàng của Mỹ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Czech Jana Cernochova tuyên bố, Mỹ sẽ tặng nước này 8 máy bay trực thăng, gồm 6 trực thăng chiến đấu và 2 trực thăng vận tải. Đây là thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Cernochova tới Washington hồi tháng Tư. Mới đây, phía Mỹ cũng đã gửi thư cho bà Cernochova, thông báo về việc sẽ chuyển giao số máy bay trực thăng nói trên. Theo bà Cernochova, Czech trước đó đã đặt mua 12 máy bay trực thăng Viper và Venom trị giá khoảng 630 triệu USD từ công ty Bell của Mỹ, qua đó sẽ nâng tổng số máy bay trực thăng của không quân CH Czech lên 20 chiếc.

Bộ Quốc phòng Nga cho rằng Ukraine đang chuẩn bị thực hiện "hoạt động khiêu khích" bằng các cuộc pháo kích vào nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia. "Chính quyền Ukraine đang chuẩn bị cho hành động gây tiếng vang tại nhà máy Zaporizhzhia vào ngày 19/8, khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đến thăm nước này, nhằm đổ lỗi cho Nga gây ra thảm họa ở khu vực", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết hôm nay. Tổng thư ký Guterres sẽ cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Ukraine, thăm một cảng biển của nước này trong khuôn khổ thỏa thuận ngũ cốc và gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tướng Konashenkov cho hay bộ chỉ huy nhóm tác chiến – chiến thuật Dnepr của Ukraine đang triển khai các trạm quan trắc phóng xạ, cũng như huấn luyện tác chiến trong môi trường nhiễm xạ cho những đơn vị thuộc Lữ đoàn Phòng vệ Lãnh thổ số 108, Lữ đoàn pháo binh số 44 và nhiều đội hình triển khai ở tỉnh Zaporizhzhia. "Các đơn vị thuộc Trung đoàn số 704 của Lực lượng Phòng hóa, sinh hóa và hạt nhân của quân đội Ukraine cũng dự kiến tập kết ở tỉnh Zaporizhzhia trước ngày 19/8, sẵn sàng giải quyết sự cố tại nhà máy hạt nhân và đo đạc nhằm thể hiện hoàn thành quá trình khắc phục hậu quả", tướng Konashenkov cho hay.

Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban, nhận định cuộc xung đột đầy chết chóc ở Ukraine có khả năng đặt dấu chấm hết cho sự bá chủ của phương Tây trên toàn cầu một cách rõ ràng nhất, đài RT đưa tin ngày 18-8. Trả lời phỏng vấn tạp chí Tichys Einblick (Đức), ông Orban dự đoán Liên minh châu Âu (EU) sẽ trở nên yếu hơn trên trường quốc tế một khi cuộc xung đột Nga-Ukraine kết thúc. Nhà lãnh đạo Hungary cho rằng phương Tây không có khả năng giành chiến thắng trong cuộc xung đột về mặt quân sự và các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt đối với Moscow đã không thể gây bất ổn cho nền kinh tế Nga mà ngược lại, đã phản tác dụng lên EU. Ông Orban nói “phần lớn thế giới” đã không đứng về phía Mỹ khi đề cập vấn đề Ukraine, chỉ ra rằng “người Trung Quốc, người Ấn Độ, người Brazil, Nam Phi, thế giới Ả Rập, Châu Phi” là những bên không ủng hộ chính sách của phương Tây trong cuộc xung đột. “Rất có thể cuộc chiến này sẽ chấm dứt một cách rõ ràng thế bá quyền của phương Tây” – Thủ tướng Orban khẳng định, đồng thời nói rằng các cường quốc ngoài EU đã hưởng lợi từ tình hình này, đặc biệt là Nga, quốc gia sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ riêng biệt.

C.T.

Nguồn: FB Cù Tuấn

Xem thêm:

Đại tang cho Nga: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 trúng HIMARS, hàng trăm người tử trận. Cuộc họp tại Lviv

Thảo Ly & Thụy Khanh / VietCatholic New / 19/8/2022  

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.