Câu chuyện vượt bẫy và chiến lược ông Tập

Đỗ Ngà

Bẫy thu nhập trung bình là một ngưỡng thu nhập mà quốc gia đó phải vượt qua để gia nhập vào nhóm nước tiến bộ. Nếu không vượt qua thì sẽ bị rơi lại phía sau và ngụp lặn trong nhóm các nước có thu nhập trung bình và gần như mất cơ hội để bứt phá trở lại.

Đấy là cái nhìn bên ngoài, còn về bản chất thì Nhà cầm quyền cần phải có chiến lược biến nền kinh tế đất nước chuyển đổi thành công từ lượng sang chất thì quốc gia sẽ vượt bẫy. Trong lịch sử, quốc gia bị sập bẫy nhiều hơn vượt bẫy.

Nước Nga dưới thời Putin đã đạt ngưỡng bẫy thu nhập Trung Bình trước Trung Quốc rất xa. Năm 2008, nước Nga đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người là 12 ngàn USD/người, trong lúc đó Trung Quốc chỉ đạt 3,5 ngàn USD. Nước Nga có nguồn chất xám rất dồi dào và có cơ hội rất lớn để vượt bẫy. Tuy nhiên, cho đến nay thì có thể chắc chắn rằng, nước Nga sập bẫy chứ không vượt bẫy bởi tầm nhìn của Putin.

Putin đang dùng tư tưởng thời trung cổ để làm cho nước Nga vĩ đại trở lại. Thay vì tận dụng tốt chất xám có chất lượng của người Nga thì ông ta để chảy máu chất xám rất nhiều. Thay vì đẩy mạnh công nghệ chip để “thông minh hóa” nền kinh tế thì Putin lại chú tâm vào vấn đề gây chiến tranh để xây dựng sức mạnh của Nga. Kết quả, nước Nga đã tụt hậu so với thế giới về vũ khí vì vắng bóng trí tuệ nhân tạo. Về quân sự thì bị lật tẩy là lạc hậu, còn về kinh tế thì bị bao vây. Nước Nga đang tụt hậu.

Như tôi đã đánh giá khi Trung Quốc tập trận quanh đảo Đài Loan rằng, Tập không phải là Putin. Tập biết người biết ta nên không dại dột tấn công Đài Loan như Putin tấn công Ucraina. Đấy là về quân sự, còn về kinh tế, Tập Cận Bình cũng hơn rất xa Putin. Sau 10 năm ông Tập nắm quyền, ông đã biến cả thế giới trở nên phụ thuộc vào nguồn cung chip từ Trung Quốc. Trung Quốc vừa đứng đầu trong chuỗi cung ứng chip đồng thời các doanh nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc cũng ngày càng lớn mạnh và tiếp cận gần hơn với công nghệ chip của Mỹ. Nếu Mỹ không ngăn cản thì việc “thông minh hóa” nền kinh tế để Trung Quốc vượt bẫy thu nhập trung bình là trong tầm tay.

Việc gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc chỉ ồn ào bề ngoài chứ không phải là miếng đánh hiểm của Mỹ đối Trung Quốc, bởi hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ tuy lớn nhất ở các thị trường nhưng nó chỉ khoảng 500 tỷ đô la mỗi năm, so với nền kinh tế 14 ngàn tỷ USD của Trung Quốc thì con số này vẫn rất bé. Miếng đánh hiểm thực sự là dời trung tâm cung cấp chip toàn cầu ra khỏi Trung Quốc bằng liên minh 4 nước Nhật – Hàn – Đài – Mỹ và cho ra đời đạo luật “chip và khoa học” cùng với gói hỗ trợ 280 tỷ USD cho ngành sản xuất chip của Mỹ. Mục đích là để Mỹ không còn phụ thuộc nguồn cung chip vào Trung Quốc và cũng để cản trở ngành công nghiệp sản xuất chip của nước này phát triển. Ngay sau đó Trung Quốc chỉ trích đạo luật này vì họ biết Mỹ đang gây khó khăn cho kế hoạch chuyển nền kinh tế từ lượng sang chất của Tập Cận Bình.

Được biết, nước Mỹ có 1% dân số làm nông nghiệp, nhưng họ sản xuất ra lượng sản phẩm đủ cung cấp cho lượng dân số gấp 5 lần nước Mỹ. Trả lời phỏng vấn khi đến Việt Nam, Cựu Thủ tướng Israel – Ehud Barak cũng đã nói rằng: “Cách đây 50 năm, có khoảng 30% dân số Israel làm nông nghiệp. Ngày nay, chỉ có 1,7% người dân Israel làm nông nhưng họ có thể cung cấp lương thực cho toàn bộ người dân, đồng thời xuất khẩu. Israel đã phát triển được nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chính xác.”. Nền nông nghiêp Mỹ và Israel được như thế là bởi họ “thông minh hóa” nền nông nghiệp, một là điều kiện không thể thiếu để trở thành quốc gia tiến bộ.

Ngoài nông nghiệp thì các ngành kinh tế khác cũng đang ngày một “thông minh hóa” đó là xu hướng tất yếu và là giá trị cốt lõi để đưa đất nước mạnh lên. Hiện nay nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề bên trong của nó, tuy nhiên những vấn đề ấy là những khó khăn xuất hiện nhiều lần trước đây, mà những lần trước Tập Cận Bình vẫn đưa Trung Quốc lướt qua được. Đó là những khó khăn ngắn, việc “thông minh hóa” nền kinh tế là chiến lược lâu dài, nó quyết định nền kinh tế chuyển đổi từ lượng sang chất. Ông Tập đã tính đúng định hướng lâu dài cho nền kinh tế Trung Quốc nhưng đang bị Joe Biden cản lại và Tập đang cảm thấy khó thật sự.

Nước Tàu đang xây dựng chiến lược để đẩy mạnh sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự nhằm vượt mặt Mỹ. Hiện nay vũ khí Mỹ mạnh hơn phần còn lại của thế giới vì nó thông minh hơn, nếu để Trung Quốc đuổi kịp Mỹ về công nghệ chip thì không chỉ Trung Quốc thành cường quốc kinh tế vượt Mỹ mà còn cũng có sức mạnh quân sự ngang ngửa Mỹ, rất nguy hiểm cho thế giới.

Sắp tới đại hội đảng của ĐCS Trung Quốc, khả năng cao là Tập Cận Bình sẽ nắm quyền tiếp. Đây là một mối đe dọa thực sự cho an ninh khu vực và thế giới. Phía bên kia đại dương, nếu xuất hiện ông Tổng thống Mỹ thiếu tầm nhìn ngắt hết liên kết với các cường quốc Đông Tây, thì nước Mỹ bị Tàu vượt mặt là điều rất có thể./.

Đ.N.

Nguồn: SOI

This entry was posted in Giấc mộng Trung Hoa, Tập Cận Bình. Bookmark the permalink.