Chu Mộng Long
Mê tín dị đoan có từ thời cổ sơ, mông muội. Dù các vĩ nhân tìm cách khai sáng nhiều lần, nhưng con người mông muội thì vẫn mông muội. Sự mông muội tàn sát con người hơn bất cứ sự tấn công nào từ bên ngoài.
Huyền thoại Hy Lạp ghi nhận, khi Prometheus giao cho người em sáng tạo ra loài người, so với vạn vật, loài người là giống yếu đuối nhất: khó sinh đẻ, dễ chết yểu trước sự tấn công của giống loài khác, dù đó là con vật nhỏ bé nhất, như virut.
Prometheus thấy vậy mới cho con người trí khôn để tự khắc phục sự yếu đuối của nó.
Nhưng trí khôn của loài người thì phải hình thành qua hàng triệu năm. Trừ số ít những người hiểu biết hay giác ngộ, đa số phát triển trí khôn theo hai hướng và hình thành hai loại người: 1) Kẻ khôn ngoan cúi đầu khuất phục tất cả để cầu an, thậm chí hy vọng chết rồi hóa thân vào kiếp khác để tiếp tục sống, và như vậy, tốt nhất là cái gì cũng tôn thờ, quỳ lạy và hiến tế; 2) Lợi dụng sự yếu đuối của đám đông, kẻ khôn lỏi bịa chuyện đồng bóng với đủ loại thần linh, ma quỷ để đe dọa, và như vậy, loại người này có thể thống trị cả đám đông để trục lợi.
Loại thứ nhất cũng được xếp vào trí khôn nhưng khôn ngoan, đúng nghĩa là ngoan ngoãn để được bề trên chiếu cố, gọi ban phúc. Ban đầu đơn giản là người ta thờ cúng tự nhiên, mong mưa thuận gió hòa để kiếm sống. Họ thờ cúng từ cái to lớn như Trời, Đất, Núi, Sông… cho đến thờ cúng những loài vật nhỏ nhất như con chuột (tục cúng ông Tý), cả con virut (cúng trừ tà trong dịch bệnh). Nhờ trí khôn này, con người tự an ủi và nương theo tự nhiên mà tồn tại. "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" thành phương châm sống. Đến khi gặp thiên tai nặng nề, sự khôn ngoan này thành ngu muội, đến mức giết người lấy máu hay tế sống đồng loại cho thánh thần, ma quỷ. Tục trộn thịt người tế thần Zeus ở Hy Lạp, tế thần Baal ở Trung Đông, tế gái đồng trinh cho Hà Bá ở vùng sông nước là những điển hình.
Loại thứ hai hình thành nên cường quyền khi sự khôn lỏi, tức lưu manh, của nó nấp bóng thần quyền. Không ngẫu nhiên mà các bộ tộc nguyên thủy đều có các thầy mo đóng vai trò thủ lĩnh tinh thần của cả bộ tộc. Quan hệ giữa thầy mo và tù trưởng cứ như là quan hệ giữa cấp ủy và chính quyền vậy. Thầy mo nhân danh thánh thần, ra mệnh lệnh và phán xét tất cả. Vậy là vô số chuyện thần thánh, ma quỷ ra đời. Chúng tạo ra các nghi lễ gồm nghi thức và lễ vật bắt cả cộng đồng phải quy phục, hiến tế, bất khả kháng. Sự ngu muội của đám đông đã vỗ béo cho các thầy mo và kẻ đứng đầu, nhưng lại nhân danh vì thánh thần. Sự man rợ ngày một man rợ hơn. Khi kẻ có quyền lực được phong thần thì người ta thi nhau hiến tế, đến mức một thằng đàn ông giàu có chết đi còn được chôn sống theo cả đàn bà, người hầu để nêu gương tận tụy, hy sinh.
Mê tín dị đoan là một thứ tôn giáo thế tục. Sống sao chết vậy. Sống tham ăn, chết cũng tham ăn mới bày ra cũng tế mâm cao cỗ đầy. Sống hối lộ chết cũng hối lộ mới có chuyện buôn thần bán thánh trong tâm linh đi liền với buôn quan bán tước trong quan hệ thế tục.
Đó chính là lý do Đức Thích Ca, Lão Tử, Chúa Jesus làm cuộc cách mạng tín ngưỡng, kêu gọi thoát tục. Tất cả mọi mê tín dị đoan đều xếp vào tà giáo.
Tín ngưỡng thuộc đức tin: tin vào đạo trời (khác luật thế tục), tin vào điều thiện và tình thương. Tín ngưỡng khác với mê tín dị đoan, mà bản chất của nó là bịa đặt chuyện hoang đường để đe dọa, để vì lợi ích cá nhân, trục lợi. Đã mê tín dị đoan thì không việc xấu, việc ác nào người ta không làm. Nhiều khi cướp, giết, hiếp, chiến tranh, khủng bố chỉ vì mê tín dị đoan. Điều này dễ chứng minh khi khảo cổ các tập tục nguyên thủy cho đến xung đột tôn giáo trong cuộc sống hiện đại.
Các cuộc cách mạng tôn giáo, mặc dù vạch ra sự khác biệt giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan, nhưng các vĩ nhân khai sáng cho nhân loại này lại không ngờ chính tôn giáo do họ lập ra cũng rơi vào mê tín dị đoan. Điều này cũng giống như nhiều quốc gia ra luật "cấm tuyên truyền mê tín dị đoan", "nói không với tà giáo" nhưng càng cấm, càng hô khẩu hiệu, mê tín dị đoan hay tà giáo càng mọc ra như nấm, cuối cùng chính tà bất phân, xã hội rơi vào rối loạn cực đỉnh. Càng khai sáng con người càng mông muội.
Trong khi các tôn giáo lớn trên thế giới đang tìm cách thoát tục, tức thoát khỏi mê tín dị đoan thì Phật giáo lại sa lầy một cách nghiêm trọng. Kể từ khi du nhập vào Trung Hoa, cái Niết Bàn được treo nơi Tây phương Cực lạc và 18 tầng Địa Ngục rùng rợn đặt dưới chân loài người, Phật giáo tự lột trần chiếc áo thầy tu để đưa con người về trạng thái nguyên thủy. Không khác các thầy mo cổ đại, các nhà tu tha hồ thêu dệt vô số chuyện thánh thần, ma quỷ để đe dọa mọi người, bắt mọi người phải quy phục. Các chiêu bài: "Càng nghèo càng phải cúng dường Tam bảo càng nhiều thì mới hết nghèo", "Ăn cắp là việc làm sai quấy nhưng đem của ăn cắp cúng dường thì không sai quấy"… có khác gì thầy mo thời bộ tộc nguyên thủy bày trò đồng bóng vắt kiệt sức người nghèo, hút máu người bệnh để tăng cường sức mạnh cho các thế lực thống trị?
Một dân tộc ngày càng mê tín dị đoan, chứng tỏ đó là một dân tộc yếu đuối, bệnh hoạn, có khôn ngoan và cũng đầy khôn lỏi như thuở ban đầu tạo hóa mới sinh ra. Thiên nhiên khắc nghiệt, cường quyền tàn bạo đã gieo rắc sự sợ hãi đến tột cùng trong tâm lý mỗi người dân, đó là mảnh đất màu mỡ cho bọn quý tộc, tăng lữ bịa ra vô số chuyện đồng bóng để đe dọa, để trục lợi. Trong kế sinh nhai thì chỉ chờ vận hên xui, may rủi, ít người đủ tự tin về chính mình cũng là nguyên nhân biến con ngưởi trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ khoác áo thầy tu được cường quyền chống lưng. Một dân tộc mà luôn bị vong ám, vọng đè như vậy thì còn nặng nề hơn đeo trăm thứ gông xiềng, và ba trăm năm nữa vẫn không cất đầu lên được. Không chỉ không cất đầu lên được mà còn đem thứ sức mạnh của sự mông muội ra tàn phá núi rừng, tàn sát động vật… và kết quả là tự sát bằng sự đói nghèo và dịch bệnh.
C.M.L.
Nguồn: FB Chu Mộng Long