Đỗ Ngà
Nguồn cấp vốn cho danh nghiệp rất quan trọng, nó như dưỡng khí cho cơ thể vậy. Nếu bị siết tín dụng thì doanh nghiệp sẽ cảm thấy ngộp thở, còn nếu xả thì doanh nghiệp dễ sống nhưng tiền bơm ra thị trường lại nhiều. Đôi khi nhiều quá lại không tốt. Đặc biệt là thời kỳ bão giá, Ngân hàng Trung ương càng không dám bơm tín dụng vào nền kinh tế vì sợ lạm phát.
Trong lúc Ngân hàng Trung ương siết tín dụng thì những doanh nghiệp nào vay được nguồn vay nước ngoài là cách giải thoát cho tình trạng đói vốn. Hầu hết những doanh nghiệp gọi được vốn quốc tế là những doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ khả năng làm điều đó. Cho nên, nền kinh tế càng mạnh thì càng có nhiều doanh nghiệp “vượt biên” gọi vốn thành công. Khi có nguồn vốn quốc tế đổ vào thì nó cũng hạn chế những hậu quả “thiếu dưỡng khí” do Ngân hàng Trung ương siết chặt chính sách tiền tệ.
Trước mắt, khi gọi vốn quốc tế thì doanh nghiệp được hưởng là trước tiên. Tuy nhiên, về cái lợi thì không chỉ doanh nghiệp đi vay hưởng mà cả nền kinh tế cũng hưởng. Khi gọi được vốn ngoài, thì điều đó đồng nghĩa với việc nguồn ngoại tệ (chủ yếu là USD) sẽ rót vào nền kinh tế. Khi ngoại tệ dồi dào thì Ngân hàng Trung ương càng dễ kiểm soát tỷ giá đồng nội tệ trên thị trường ngoại hối. Việc chống lạm phát có nhiều cách, trong đó giữ ổn định đồng nội tệ trên thị trường ngoại hối cũng là một cách. Như vậy khi ngoại tệ được rót vào được dồi dào thì Ngân hàng nhà nước có thể siết tín dụng nhẹ tay hơn để các doanh nghiệp vừa vào nhỏ có chút dưỡng khí sống qua thời kỳ khó khăn. Cho nên tôi ví nền kinh tế như cơ thể sống là thế, nếu khỏe dễ lướt bệnh, nếu yếu thì dễ “liệt giường”.
Có thể nói, khủng hoảng kinh tế và lạm phát là căn bệnh của nền kinh tế, nguồn ngoại tệ là một loại thuốc trị. Đặc biệt là nguồn vốn bằng USD là thuốc trị rất mạnh cho nền kinh tế nên đồng tiền này là đồng tiền chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các kho dự trữ ngoại hối trên thế giới và là đồng tiền được giao dịch mạnh nhất trong thanh toán quốc tế. Tính thanh khoản của đồng USD là số một, vượt xa đồng tiền thứ nhì là EUR cho nên doanh nghiệp cần gọi vốn bằng đồng USD là tốt nhất, tốt cho doanh nghiệp và tốt cho nền kinh tế quốc gia.
Hiện nay Mỹ và EU đang cấm vận Nga, cho nên các doanh nghiệp Nga không thể gọi vốn bằng đồng USD và bằng EUR nên họ quay qua gọi vốn ngoại bằng đồng Yuan Tàu (tức là Nhân dân Tệ). Với đồng tiền có tính thanh khoản thấp như Yuan thì hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới không ưa chuộng, trong đó có các doanh nghiệp Nga. Cho nên việc các doanh nghiệp Nga phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ là vì lý do họ bị chặn đường gọi vốn bằng USD và EUR chứ không phải vì để “bớt phụ thuộc vào đô la Mỹ” như Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đánh giá. Các doanh nghiệp Nga mà làm cho đồng Yuan Tàu mạnh lên để cạnh tranh với USD là điều không tưởng.
Đ.N.
Nguồn: FB SOI