Một tử tù – ba đời Chủ tịch nước

Mai Quốc Ấn

Đặng Văn Hiến – người nông dân bị đánh đập trong một thời gian dài, bị công ty Long Sơn cướp đất trái pháp luật đã gây ra vụ nổ súng Đak Nông năm 2016 vẫn còn sống trong trại biệt giam.

Đất do gia đình Đặng Văn Hiến khai khẩn từ năm 1998 – trước thời điểm thành lập tỉnh Đak Nông vào 2004. Chính quyền tỉnh giao đất cho công ty Long Sơn và công ty này tự ý cưỡng chế lấy đất bằng việc cho bảo vệ tấn công người dân tiểu khu 1535, bao gồm gia đình Đặng Văn Hiến, suốt 8 năm (2008-2016) nên “tức nước vỡ bờ”: Đặng Văn Hiến nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương.

Sơ thẩm: án tử. Phúc thẩm: án tử. Toà án Nhân dân tối cao yêu cầu các luật sư bào chữa cho tử tù Đặng Văn Hiến bổ sung tài liệu, chứng cứ để xem xét đề nghị giám đốc thẩm cho bị cáo này năm 2019.

Gia đình của Đặng Văn Hiến đã gửi thư 3 lần đến 3 vị Chủ tịch nước (ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc) của 3 nhiệm kỳ khác nối nhau từ khi vụ án xảy ra đến nay.

Chính quyền cấp tỉnh (Đak Nông) và cấp huyện (Tuy Đức) nơi xảy ra vụ án Đặng Văn Hiến nổ súng sau đó đã bị thanh tra phát hiện nhiều sai phạm về quản lý đất đai, nhiều cán bộ bị kỷ luật. Ngoài Đặng Văn Hiến và gia đình nhiều lần bị công ty Long Sơn tấn công để phá hoạt hoa màu, cướp tài sản thì nhiều người dân ở đó cũng bị tương tự. Thậm chí có người còn bị nhân viên công ty Long Sơn chém vạt hẳn một phần hộp sọ nhưng may mắn sống sót. Có rất nhiều người dân mang thương tích do bảo vệ công ty Long Sơn hành hung. Họ sẵn sàng làm nhân chứng .

Theo nhóm luật sư của Đặng Văn Hiến, bị cáo Hiến gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi vi phạm pháp luật của bị hại nhưng chưa được tòa xem xét. Do đó đề nghị TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, không tuyên tử hình bị cáo Đặng Văn Hiến. Cộng thêm tình tiết nhiều sai phạm đất đai của cán bộ huyện Tuy Đức và tỉnh Đak Nông được phanh phui sau đó, hoàn toàn có thể nhìn lại rõ vì sao Đặng Văn Hiến nổ súng.

Một yếu tố khác: Đặng Văn Hiến chủ động ra đầu thú với C45 Bộ Công an và giao nộp vũ khí gây án. Gia đình các nạn nhân của Đặng Văn Hiến đều đã nhận bồi thường và đều có đơn xin giảm án tử cho Đặng Văn Hiến. Nghĩa là các yếu tố gây án do bị kích động trong một thời gian dài như các luật sư phân tích lẫn việc đầu thú xin hưởng khoan hồng, tích cực khắc phục hậu quả cho gia đình nạn nhân thì Đặng Văn Hiến đều có.

Tới tháng 10 năm nay là sẽ tròn 6 năm vụ án nổ súng Đak Nông. Đặng Văn Hiến đã bị biệt giam từ đó tới nay và được đối xử khá tốt như lời hứa của thiếu tướng Hỗ Sỹ Tiến và thượng tá Lại Quảng Huấn (chức vụ năm 2016).

Sau ngần ấy năm, vẫn có người hiểu lầm Đặng Văn Hiến bị “dụ” ra đầu thú và anh đã bị xử tử. Xin nói cho rõ là Đặng Văn Hiến chủ động liên lạc đầu thú vì mong muốn nói ra sự thật vùng đất khốn cùng mà anh và những người dân từng bị đánh đập, cướp đất đã trải qua trước toà án và công luận. Đặng Văn Hiến bị tuyên án tử nhưng chưa bị xử tử.

Thêm một lần nữa, thư xin giảm án tử được gửi đến Văn phòng Chủ tịch nước và rất hy vọng ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ “làm phúc” như em trai Đặng Văn Hiến cầu xin.

Bà Khuyên-vợ Đặng Văn Hiến, vẫn luôn chia sẻ với tôi những chuyến thăm nuôi chồng ở trại giam. Đặng Văn Hiến vẫn đau đáu việc tôi bị gặp những phiền toái sau khi đưa Hiến ra đầu thú. Lần gặp gần nhất ở trại giam, tôi nhìn Hiến qua màn kính và nói với Hiến qua điện thoại: Anh có tin công lý còn tồn tại không? Hiến nhìn tôi đáp: “Có! Tôi tin điều đó, nhà báo ạ!”

Mong rằng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng tin như vậy…

M.Q.A.

Nguồn: FB Quốc Ấn Mai

This entry was posted in luật pháp. Bookmark the permalink.