Sơn Nguyễn
(Dân trí) – Đó là nội dung được thảo luận tại buổi công bố kết quả cuộc điều tra "bức tranh người di cư đến Hà Nội" của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Cork (UCC, Ireland).
Nghiên cứu mới đây giữa 2 trường đại học lấy Hà Nội là điểm tham chiếu nhằm xác định các rào cản xã hội và các vấn đề nhà ở, y tế, giáo dục bên cạnh việc làm, thu nhập của lao động di cư từ nông thôn lên thành phố.
Lao động di cư luôn tìm kiếm cơ hội mới để thay đổi công việc (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Di cư ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người
Theo TS. Eward Lahiff, Đại học Cork, di cư là vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Đây là thực tế dù các quốc gia có muốn hay không. Kinh tế đô thị phụ thuộc vào lao động di cư như dịch vụ, sản xuất, du lịch. Còn nông thôn phụ thuộc nguồn tiền gửi về từ thành phố. Việc xây dựng nhà máy ở các vùng nông thôn sẽ tạo ra việc làm tại địa phương.
Tính chất của di cư sẽ thay đổi do ảnh hưởng của Covid-19. Nó tác động tới thu nhập, các nhóm di cư khó tìm kiếm việc làm, khả năng cung ứng nhà ở của địa phương trong nhiều năm tới… Tuy vậy, có một số giải pháp cho vấn đề này như hỗ trợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), giáo dục cho con cái người di cư, đưa người di cư sang khu vực lao động chính thức…
"Di cư tại Việt Nam diễn ra đa dạng, chủ yếu ở người trẻ, độc thân. Người di cư trẻ có mặt bằng giáo dục tương đối ổn định, không thua thiệt người ở thành phố. Họ tham gia thị trường lao động phi chính thức, không có hợp đồng lao động nên thua thiệt về thu nhập, phúc lợi đi kèm như BHXH, BHYT. Người di cư thường bị gạt ra ngoài lề trong các chính sách", TS Lahiff chia sẻ quan điểm.
Theo GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, qua khảo sát 236 lao động di cư, nhóm nghiên cứu phát hiện đa số lao động di cư đến Hà Nội có độ tuổi khá trẻ và đến từ nhiều địa phương khác nhau. Họ luôn tìm kiếm cơ hội mới để thay đổi công việc. Công việc ở đây chủ yếu là tiểu thương, xây dựng, giúp việc, xe ôm, phục vụ hàng quán, cắt tóc, đánh giày, bảo vệ. Lý do rời quê chủ yếu vì không đủ thu nhập khi làm nông, thiếu việc làm tại chỗ, gia đình nợ nần…
"Một nửa số lao động được phỏng vấn có mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng; chưa đến 10% có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, họ phải bỏ nhiều công sức, thời gian làm việc kéo dài từ 8-10 tiếng, có người 11-12 tiếng, cá biệt tới 13 tiếng.
Điều này cho thấy, người lao động di cư tạo ra thu nhập không thấp nhưng thời gian họ bỏ ra rất nhiều so với những người làm trong công ty hay nhà nước.
Một điểm nữa là người lao động di cư không có hợp đồng lao động mà chỉ có thỏa thuận bằng miệng, rất ít người tham gia BHXH, BHYT" – GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh nhận định.
Cũng theo ông Tuấn Anh, một số người lao động trẻ tìm kiếm sự ổn định, tương lai vững chắc ở thành phố nhưng số khác vẫn gắn bó chặt chẽ với quê nhà, chấp nhận cuộc sống linh hoạt ở thành phố mà không có kế hoạch định cư lâu dài.
Bài toán hòa nhập cho người di cư
TS. Vũ Thị Anh Thư, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, Luật Cư trú 2020 đã xóa bỏ những "rào cản" mang tính địa phương như việc Hà Nội và TPHCM từng yêu cầu người đăng ký thường trú phải có đủ 2-3 năm tạm trú thay vì chỉ cần có nhà ở hợp pháp. Trong khi, nhiều lao động không đăng ký tạm trú do lo sợ mất quyền lợi đất đai ở quê, thủ tục hành chính tốn thời gian…
Lao động di cư rời quê chủ yếu vì không đủ thu nhập khi làm nông, thiếu việc làm tại chỗ, gia đình nợ nần… (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Theo bà Thư, qua khảo sát, nhiều lao động tự do gần như không thể tiếp cận nhà ở xã hội, khả năng tiếp cận trường công lập cho con không đồng đều, được hỗ trợ các mức an sinh xã hội khác nhau…
"Lao động di cư phải chia sẻ chỗ ở với người lạ để tiết kiệm tiền hoặc gửi hỗ trợ về quê. Con cái khi đi học phải tìm đến trường học tư thục – những nơi không dễ tiếp cận, học phí cao, chất lượng không phù hợp", bà Thư nói.
Các nhà khoa học đồng tình rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tăng số lượng điểm trường công lập tại khu vực có mật độ dân cư cao có thể giải quyết vấn đề giáo dục cho con em lao động. Lao động di cư cần được bổ sung kĩ năng tự bảo vệ, đàm phán với người sử dụng lao động, đồng thời chính thức hóa ngành nghề. Đơn cử như người giúp việc gia đình có thêm ngày nghỉ phép để về quê mà không bị trừ lương, được đóng bảo hiểm.
Ông Phạm Đại Đồng, Trưởng phòng Chính sách Bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dẫn lại kết quả tổng điều tra dân số 2019, có tới 6,4 triệu người là lao động di cư, độ tuổi chủ yếu từ 20-39 tuổi (khoảng 62% tổng số). "Đây cũng là nhóm lao động trẻ, có xu hướng đi xa, chấp nhận thử thách để thay đổi môi trường sống cũng như kiếm các cơ hội việc làm với mong muốn cơ hội sống tốt hơn", ông Đồng nhấn mạnh.
Theo ông Đồng, các khu vực Đông Nam Bộ (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương), đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) thu hút lao động di cư do có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế.
"Mặc dù có vai trò và đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế -xã hội, nhưng lao động di cư vẫn là nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao, dễ bị tổn thương nhất và khó tiếp cận được với các chính sách về an sinh xã hội như lao động, việc làm, giảm nghèo, BHXH, BHYT hay trợ giúp xã hội các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tiếp cận thông tin. Do đó, chất lượng sống của lao động di cư không cao", ông Đồng nhận định.
Bên cạnh đó, có gần 80% lao động di cư không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, làm những công việc giản đơn, thời vụ. Nhiều lao động di cư không có hộ khẩu, đăng ký tạm trú.
Trưởng phòng Chính sách Bảo trợ xã hội nêu các giải pháp hỗ trợ lao động di cư như hỗ trợ tín dụng, chính sách hỗ trợ việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, khuyến khích họ tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để chủ động đối phó với thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, tai nạn lao động.
Người di cư từ nông thôn lên thành thị có hoàn cảnh khó khăn cũng cần được hỗ trợ thường xuyên, đột xuất bằng các khoản tiền mặt và hiện vật từ ngân sách song song với tăng cường tiếp cận giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch…
S.N.
Nguồn: Dân Trí