An ninh không ổn ở Sân bay Nội Bài

1. Ý kiến của Nguyễn Đức Toản

Giáo sư Kenji Ishihara

Giáo sư Kenji Ishihara

Tôi xin trình bày một việc như sau, liên quan đến An ninh Sân bay Nội Bài, và thể diện quốc gia. Đó là hiện tượng bắt chẹt tiền của khách nước ngoài, sau khi cho họ gọi điện nhờ. Và sau đó giở thói côn đồ, hành hung người Việt dám đứng ra bảo vệ danh dự và tiếng tốt cho người Việt.

Tối Chủ nhật ngày 14/07/2010, tôi lên Sân bay Nội Bài đón Giáo sư Kenji Ishihara của Nhật Bản về Hà Nội giảng bài cho Trường Đại học Xây dựng (HUCE). Đây là buổi giảng do ĐHXD phối hợp với Hội Địa kỹ thuật Việt Nam (VSSMGE) tổ chức. Tôi đi đón GS Ishihara với danh nghĩa Phó tổng thư ký Hội Địa kỹ thuật Việt Nam.

Lúc 19h40, tôi đến sân bay, đón chuyến TG-564. Trước đó mấy phút, ông Ishihara thấy tôi đến muộn nên đã tìm cách gọi điện cho GS Nguyễn Trường Tiến – Chủ tịch VSSMGE – người đang công tác ở Bến Tre và là người cử tôi thay mặt để đón GS Ishihara. Tại bàn Thông tin, ông Ishihara được một thanh niên chủ động đưa cho điện thoại di động để gọi cho GS Tiến, không quá 5 phút. Khi tôi đến đón, thanh niên kia đã đòi tiền GS người Nhật, nếu không, sẽ không cho đi. Khi tôi đề nghị trả tiền thay, anh ta không đồng ý, nói rằng “ai gọi người đó phải trả tiền”, rõ ràng muốn làm khó người ta. Sau đó, anh ta đổi ý, quay ra đòi tôi 100.000 VNĐ. Tôi thấy rõ ý đồ làm tiền xấu xa, nhưng đã nén lòng giải thích ôn tồn, rằng như vậy là quá đáng, không nên làm xấu hình ảnh người Việt Nam tại sân bay quốc tế như thế này. Anh ta không chịu thức tỉnh. Tôi có mắng chữ anh ta, như là mắng một học trò. Có lẽ là tôi hơi nặng lời, khiến anh ta thấy bị xúc phạm. Và anh ta nổi điên, lăng mạ tôi. Dữ dằn định nhảy vào đánh. Tôi bắt buộc phải đi tới chỗ có an ninh bên trong cửa kính. Anh an ninh bảo tôi cứ trở ra bốt thông tin, anh ấy sẽ gọi cảnh sát ngay. Khi cảnh sát tới, thanh niên xấu kia lỉnh mất. Tôi phải yêu cầu cảnh sát đi cùng tôi và GS Ishihara ra tới hàng rào sân đỗ ô-tô.

Một GS Nhật 76 tuổi khả kính đã bị một ấn tượng mạnh, sau 20 năm mới quay lại Việt Nam!

Nhưng khi vô trong hàng rào, tôi không thể tìm thấy ôtô của tôi ngay. Tôi để ông Ishihara đứng đợi và đi quanh sân tìm xe. Đến khoảng tối, bất ngờ thanh niên kia và một gã đồng lõa xông ra bao vây, tấn công tôi. Tôi đã bị đánh, phải tìm cách thoát trở ra chỗ hàng rào phía lối vào sân bay. May có hai người bảo vệ trông xe ở đó. Họ lại gọi cảnh sát. Cảnh sát cũng đến ngay, nhưng hai tên kia đã tẩu thoát. Tôi phát hiện một tên lúc nãy đã ngáng chân tôi cho tên kia đánh, và yêu cầu CS tóm hắn. Hắn chối phăng phăng. Cảnh sát yêu cầu cả hai lên đồn giải quyết, nhưng làm sao tôi có thể lên đồn, khi phía xa kia GS nước ngoài đang đứng đợi, bất an?

Tôi đành để CS tự xử lý hắn. Và hắn được thoát thân. Tôi đề nghị một cảnh sát phải ra chỗ GS Nhật đứng để bảo vệ ông, một cảnh sát khác đi cùng tôi giúp đỡ tìm xe. Sau đó, tôi đề nghị họ phải đi mô-tô áp sát tháp tùng xe của tôi chở GS Ishihara tới phía bên ngoài cổng soát vé của sân bay, trên đường cao tốc, mới thôi.

Giáo sư Nhật 76 tuổi khả kính lại được một phen thưởng thức cảm giác mạnh từ Việt Nam!

Tôi đã suy nghĩ một tuần, xem nên hành động như thế nào. Cuối cùng, tôi thấy vẫn phải nêu ra vấn đề này, để vì lợi ích và sự an toàn của bao người (trong đó có tôi).

Mọi người hãy cảnh giác!

Tôi thấy:

  • Kẻ xấu biết rất rõ tình hình canh gác ở sân bay, nên dám hành động rất tự tin, láo xược
  • Cảnh sát của sân bay tới nhanh, nhưng không bắt ngay được kẻ gian, và không xử lý dứt khoát, rốt ráo
  • Kẻ gian nhờn mặt an ninh, sẽ hành động xấu tiếp
  • Nếu gặp lại tôi, chúng sẽ tiếp tục lăng mạ, hành hung trả thù

Tôi đề nghị:

  • Thông báo rộng rãi cho công chúng trong và ngoài nước biết về hiện tượng này, để đề phòng
  • Làm rõ những kẻ xấu đó là dân địa phương, hay là lái xe tắc-xi? Tôi có nghe, dân đầu gấu địa phương đã từng dám đánh nhân viên an ninh tại sân bay. Thật thế chăng? Có thể vậy sao? An ninh sân bay và Bộ Công an làm thế nào để xử lý, khắc phục?
  • An ninh sân bay phải theo dõi các đối tượng khả nghi dạng tương tự như trên, chắc chắn luôn lảng vảng ở sân bay, xử lý mạnh tay, nêu trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe kẻ khác
  • Có kế hoạch bảo vệ cho hành khách trong và ngoài nước, ngay tại cửa ngõ quốc gia.
  • Tôi đang lo lắng, vì là người phải qua lại sân bay nhiều, phải đón khách nước ngoài nhiều, vậy trong tương lai gần và tương lai xa, tôi có sẽ bị bọn xấu kia tiếp cận hành hung tiếp? Mong được giúp đỡ. Đơn cử, trong các ngày 25/7, 26/7, 1/8, 9/8, 12/8/2010 sắp tới, tôi đều phải có mặt ở sân bay NB. Vậy nếu đối mặt với chúng, tôi phải gọi cho số ĐT nào để có ngay lực lượng phản ứng nhanh như 113? làm thế nào để tóm chúng?

Rất mong được giúp đỡ. Xin chuyển thông tin này cho những người liên quan.

Xin chân thành cảm ơn.

NĐT


2. Ý kiến của Nguyễn Ngọc Quang

Sân bay Nội Bài gần đây (khoảng 3 năm nay) vô cùng lộn xộn.

Có thể nói là bộ mặt của đất nước xấu lắm. Ngay cái ấn tượng đầu tiên khi một du khách đặt chân xuống đất nước Việt Nam đã thấy mất cảm tình rồi. Cách tổ chức rất kém, thiếu chuyên nghiệp và lịch sự.

Mấy chú hải quan thì mặt như đâm lê, vóc dáng cũng xấu (có lẽ toàn tuyển con cháu nên chất lượng kém). Không bao giờ hoặc rất hiếm khi thấy cười, hay chào hỏi du khách một câu (có thể vì không biết ngoại ngữ). Tất nhiên, các chú cán bộ hải quan luôn nghiêm túc với công việc một cách quá đáng. Thiết nghĩ đâu có cần phải quá căng thẳng đến vậy?

Không hiểu đài báo và đặc biệt là Tổng cục du lịch cứ hay ca ngợi và tuyên truyền rằng Việt Nam thu hút được nhiều khách quốc tế, nhưng tôi chỉ biết dân Châu Âu (loại có tiền) họ rất thích đi nghỉ ở Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc. Họ ở 2-3 tuần; trong khi khách đến VN không hiểu số lượng có nhiều không? Có lẽ chỉ có khách hạng xoàng mới đặt chân tới Việt Nam (ta vẫn hay gọi Tây ba lô). Dạng khách này có lẽ không khác dân VN nhiều lắm vì họ cũng có ít tiền thôi, tiêu pha luôn ở mức tiết kiệm nhất có thể.

Chưa kể, họ đến một lần mà có khi sợ VN cả đời vì dịch vụ kém, lại đắt, chèo kéo khách. Không hiểu Tổng cục Du lịch tự hào cái nỗi gì?

NNQ

This entry was posted in Thư bạn đọc, Tố Cáo. Bookmark the permalink.