Đây là một bài viết hiếm hoi của một ký giả nước ngoài về không khí và hậu trường của công cuộc chuẩn bị Đại hội TW lần thứ XI của Đảng CSVN vào đầu năm tới. Sau khi mô tả những chuyện «thâm cung bí sử» về tranh giành quyền lực mà ông đã công phu thâu lượm được trước mùa “bầu cử VN” và gọi chúng là “bất thường” giữa một Thủ đô Hà nội đang rộn rịp tô vẽ lễ kỷ niệm nghìn năm! Ký giả Ernie Z. Bower đã dùng điển tích Người Mỹ trầm lặng trong tiểu thuyết về chiến tranh thuộc địa Pháp tại Đông Dương của nhà văn Hoa Kỳ Graham Green để nhắc nhở rằng “các đối tác quốc tế và các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ không nên ngây thơ”.
Nguyên văn như sau, “Có thể dựa vào các xu hướng sau:
- Thứ nhất, có vẻ như Việt Nam sẽ không quay lưng lại với cam kết hiện nay về cải cách kinh tế và hành chính.
- Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rằng để tồn tại, Việt Nam phải tham gia vào kinh tế khu vực và toàn cầu, gồm cả việc dẫn đầu khối ASEAN hội nhập và vững mạnh, và Đảng hướng về phía trước với các thương lượng thương mại trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
- Thứ ba, VN sẽ phấn đấu cạnh tranh giành đầu tư và mở mang việc làm, giáo dục, đào tạo thông qua xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Đây là những điều quan trọng cho người dân mà Đảng sẽ không liều lĩnh tước đi.
- Thứ tư, Đảng hiểu là tham nhũng cuối cùng sẽ hủy hoại quyền lực của họ. Do đó, Đảng sẽ tiếp tục ủng hộ các biện pháp cải cách do Thủ tướng Dũng đề ra.
- Cuối cùng, sự đàn áp những các nhà bất đồng chính trị (gắn với các vấn đề tự do tôn giáo và báo chí) có khả năng giảm bớt sau Đại hội Đảng.
Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp nên chú ý tới những điềm báo trước trong cuốn “Người Mỹ Trầm lặng” của ông Greene. Sự yên ắng ở Việt Nam không phản ánh đúng một nghị trình chính trị sôi động ngấm ngầm”.
Cũng cần nhắc lại khung cảnh chánh trị trong cuốn Người Mỹ trầm lặng là một Đông Dương vào đầu thập niên 50 thế kỷ trước khi mà nước CHND Trung Quốc vừa ra mắt thế giới vào năm 1949, đúng vào lúc mà chủ nghĩa thực dân cũ bắt đầu có dấu hiệu phá sản tại Đông Dương và cũng là lúc mà Đại tá tình báo Mỹ Landale nhận được mật lệnh sang Việt Nam nghiên cứu tình hình chính trị và quân sự để chuẩn bị cho Hoa Kỳ sẽ ra mặt viện trợ và củng cố vị trí đang suy vong của đồng minh Pháp.
Chúng ta hãy thử phân tích từng điểm trong danh sách 5 xu thế kể trên:
a) Xu thế 1) khẳng định VN không thể từ bỏ nền kinh tế thị trường để quay lại nền kinh tế kế hoạch hóa kiểu Stalinít-Maoít. Xu thế 2) khẳng định để tồn tại VN không thể tách rời con đường “hội nhập” thông qua xu thế “toàn cầu hóa” chính trị và thương mại của khu vực ASEAN.
Về hai điểm này thì chắc không có gì để bàn cãi vì chúng là cái phao duy nhất mà Đảng CSVN phải bấu víu vào để khỏi chìm xuồng, trừ khi họ nhận ra rằng Hoa Kỳ và Âu châu, do khủng khoảng tài chính triền miên, sẽ không còn đủ khả năng trả lời câu hỏi “đầu tiên”, và như thế là theo thói quen họ sẽ quyết định trở cờ theo gió và kết với anh Hai “16 chữ vàng-4 Tốt”!
b) Vấn đề thứ 3 quả là một thử thách trước mắt đầy gai góc đối với Đảng CSVN, vì trong hiện tại các hội chứng thất bại trong kinh tế đầu tư và xuất khẩu như vụ “chìm tàu Vinashin”… đã gây ra mâu thuẫn lớn trong nội bộ Đảng và nổ ra thành những “xì căng đan chính trị” tầm cỡ quốc gia! Trong một nền “giáo dục và đào tạo” từ cấp tiểu học đến đại học bí bét vô phương cứu chữa như hiện nay mà nói đến “đầu tư và mở mang việc làm, giáo dục, đào tạo thông qua xuất khẩu và đầu tư nước ngoài” thì quả là “hoang tưởng” chứ không phải ngây thơ nữa!
c) Vấn đề thứ 4) mà Bower gợi ra với hy vọng “các biện pháp cải cách do Thủ tướng Dũng đề ra… sẽ giải quyết vấn đề tham nhũng ở VN” thì cũng hoang đường không kém!
Có cần nhắc lại, khi nhậm chức Thủ tướng NT Dũng đã long trọng tuyên bố trước Quốc hội là: “Nếu không dẹp được quốc nạn tham nhũng, tôi sẽ xin từ chức”. Nay đã hết một nhiệm kỳ 5 năm của một TT mà tình trạng tham nhũng tại VN không những không bớt đi mà lại tràn lan từ trên chóp bu xuống đến cơ sở, thì người dân VN nghĩ rằng chẳng lẽ Đảng CSVN sẽ tiếp tục “chống tham nhũng” của mình “bằng mồm” chăng?
d) Đến vấn đề cuối cùng thứ 5) thì tôi đâm nghi ngờ rằng cái ông ký giả Bower quả là một “người Mỹ ngây thơ trầm lặng” hay ông ấy chưa từng đọc qua lịch sử VN để hiểu rõ những “cội rễ thầm kín” của dân tộc này khiến cho đất nước họ không thể bị nước láng giềng Trung Quốc đồng hóa. Các vấn đề “bất đồng chính trị” trong xã hội VN hiện đại, cũng như trong quá trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của ngưòi Việt, theo truyền thống có từ thời quân chủ xa xưa hay CHXH hôm nay, chỉ có thể được giải quyết ổn thỏa trong cộng đồng dân tộc tùy theo cách thức mà một “chính quyền hợp hiến” đã và sẽ ứng xử ra sao trước hai câu hỏi sau của nhân dân:
– Liệu nhà nước và Chính quyền hiện tại đã có một chính sách đối ngoại rõ ràng, có tâm và tầm để tạo ra một “ý chí dân tộc” đủ mạnh để bào vệ chủ quyền lãnh thổ và độc lập của nước nhà trước sự xâm lấn quỷ quyệt của Trung Quốc chưa ?
– Vấn đề bảo vệ môi trường sống, bảo đảm an sinh xã hội, y tế và giáo dục cho người nông dân, chiếm đến 70% dân số VN, đã được chính quyền giải quyết ổn thỏa chưa?
GSTS Nguyễn Thu
Mùa “bầu cử” yên tĩnh bất thường ở Việt Nam
E. Z. Bower/ Vietnam’s Unusually Quiet “Election” Season (The Globalist, 13-7-2010).
Anh Ba Sàm chuyển ngữ
Việt Nam đang trong giai đoạn căng thẳng nhất của chu kỳ chính trị, tương tự như bốn tháng cuối cùng của các kỳ bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, trong khi tên tuổi của những người sẽ nắm giữ quyền lực tối cao của đất nước này đang được xác định, gần như không có sự thảo luận công khai nào về chính trị trong nước. Ernie Bower khám phá khung cảnh chính trị của Việt Nam.
Khi ông Graham Greene cặm cụi bên chiếc bàn làm việc được đặt trên sàn bằng gỗ tếch tại khách sạn Metropole ở Hà Nội, dệt những sợi lụa óng ả để phác thảo nên cuốn tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng, câu chuyện xuất sắc về Alden Pyle và Thomas Fowler, vô tình ông đã dự báo những yếu tố quan trọng trong chính trị Việt Nam hiện đại.
Những điều bạn thấy không phải là những điều đang thật sự diễn ra. Không như nhiều nước láng giềng khác ở Đông Nam Á, Việt Nam có khả năng đóng cửa giữ kín chuyện chính trị của họ.
Việt Nam đang trong giai đoạn căng thẳng nhất của chu kỳ chính trị. Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản lần thứ 11 sắp tới, sẽ diễn ra vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 năm 2011, là phiên bản xã hội chủ nghĩa tương tự như bốn tháng cuối cùng trong kỳ bầu cử ở Hoa Kỳ.
Bề ngoài, Hà Nội vẫn yên ắng. Báo chí trong nước ca ngợi các món ăn theo mùa và kiểm nghiệm sự giống nhau giữa trận đấu Anh – Mỹ trong mùa World Cup với tranh cãi giữa Nhà Trắng và Tập đoàn dầu khí BP, nhưng hầu như không đả động gì đến chính trị trong nước.
Mỉa mai thay, điều nói trên là do các vị trí quyền lực cao nhất của đất nước đang bị đe dọa và đang được tranh giành chả kém gì một trận ẩu đả bằng dao kiếm phía sau cánh cửa khép kín của Tòa nhà Chính phủ.
Giữa sự mờ mịt kiểu Vatican này, lãnh đạo Đảng đang quyết định ai sẽ dẫn dắt đất nước và giữ các vị trí chủ chốt như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và các vị trí quan trọng trong Bộ chính trị và Nội các.
Cần hiểu sự năng động này là quan trọng bởi vì nó hạn chế mức độ Việt Nam có thể thực hiện trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế, lãnh đạo một cách năng động với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm nay và tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang cố gắng dẫn đầu trong khi đang tránh khỏi sự soi xét (nguyên văn: bay dưới tầm radar). Chính phủ và các quan chức cấp cao đang chịu sức ép ghê gớm khi Đảng quyết định tương lai của họ. Các bậc lão thành cách mạng và các đối thủ tương lai đang săm soi họ dưới kính hiển vi nhằm tìm ra bất cứ điểm yếu nào.
Việt Nam cùng với Indonesia, là một trong các mối quan hệ then chốt mà chính phủ Obama hy vọng nâng cao khi Hoa Kỳ tăng cường tập trung vào Đông Nam Á. Việt Nam là đối tác có thiện ý và nhiệt tình nhưng phản ứng của Việt Nam trở nên khiêm tốn do chu kỳ chính trị này.
Áp lực nhằm hài hòa với các giá trị xã hội chủ nghĩa bảo thủ đã dẫn tới việc đàn áp các nhà hoạt động chính trị, nhà báo và các nhóm khác. Điều đó đã gây ra mối quan ngại trong các nhóm nhân quyền và tôn giáo, và gây áp lực lên quan hệ Việt – Mỹ trong quốc hội Hoa Kỳ cũng như những nơi khác.
Những người phụ trách về châu Á trong Chính phủ Obama và Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội biết rõ về tình hình đó và khéo léo vừa thể hiện quan ngại của mình, vừa mời chào sự giúp đỡ dài hạn. Với lý do chính đáng, họ dự đoán rằng Việt Nam sẽ vượt qua chu kỳ này và vẫn giữ cam kết cải cách kinh tế và với lợi ích bất di bất dịch trong việc tăng cường sức mạnh cho SEAN, thúc đẩy hội nhập kinh tế, an ninh, chính trị và văn hóa trong khu vực và thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ.
Riêng Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung vào mục đích tổng quát, đó là điểm mấu chốt của tất cả các đảng phái chính trị nào: đó là sự sống còn. Trung tâm đầu não là Ủy ban Trung ương (tức Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Ủy ban này gồm 150 thành viên và có vai trò thiết yếu trong việc hoạch định các chính sách của Đảng.
Ủy ban Trung ương đã khai mạc Hội nghị lần thứ 12 ở Hà Nội vào ngày 22 tháng 3 năm 2010 để thảo luận và thông qua các văn kiện dự thảo sẽ được trình lên Đại hội Đảng toàn quốc.
Khi hội nghị bế mạc ngày 28 tháng 3, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trình bày một số văn kiện, sẽ được thảo luận tại Đại hội Đảng toàn quốc, bao gồm một chiến lược phát triển kinh tế, xã hội mười năm, đến năm 2020 và một báo cáo chính trị từ Ủy ban Trung ương Đảng lần thứ 10.
Suốt một tuần họp, các thành viên cao cấp của Đảng cũng xem xét các kế hoạch nhân sự cho Ủy ban Trung ương Đảng lần tới (sẽ được xác nhận tại Đại hội Đảng toàn quốc) và quyết định số lượng đại biểu dự Đại hội Đảng.
Trước khi Đại hội Đảng diễn ra, Ủy ban sẽ họp ít nhất hai lần, có thể vào tháng 9 và tháng 12 năm 2010. Cuộc họp đầu tiên để bỏ phiếu sơ bộ các nhân sự chủ chốt, trong khi cuộc họp sau sẽ quyết định cuối cùng về chính sách và nhân sự.
Đại hội Đảng sắp tới sẽ làm cho nhiệt độ chính trị tăng cao tại Hà Nội trong suốt năm nay. Điều này sẽ dẫn tới việc tê liệt chính sách và chủ nghĩa bảo thủ thấy rõ trong những tháng tới khi các thành phần đối lập và đối thủ diễn trò để giành ghế trước thềm Đại hội.
Trong khi vẫn còn nhiều cuộc vận động chính trị ngầm, các đối tác quốc tế và các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ không nên ngây thơ. Có thể dựa vào các xu hướng sau:
- Thứ nhất, có vẻ như Việt Nam sẽ không quay lưng lại với cam kết hiện nay về cải cách kinh tế và hành chính.
- Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rằng để tồn tại, Việt Nam phải tham gia vào kinh tế khu vực và toàn cầu, gồm cả việc dẫn đầu khối ASEAN hội nhập và vững mạnh, và Đảng hướng về phía trước với các thương lượng thương mại trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
- Thứ ba, VN sẽ phấn đấu cạnh tranh giành đầu tư và mở mang việc làm, giáo dục, đào tạo thông qua xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Đây là những điều quan trọng cho người dân mà Đảng sẽ không liều lĩnh tước đi.
- Thứ tư, Đảng hiểu là tham nhũng cuối cùng sẽ hủy hoại quyền lực của họ. Do đó, Đảng sẽ tiếp tục ủng hộ các biện pháp cải cách do Thủ tướng Dũng đề ra.
- Cuối cùng, sự đàn áp những nhà bất đồng chính trị (gắn với các vấn đề tự do tôn giáo và báo chí) có khả năng giảm bớt sau Đại hội Đảng.
Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp nên chú ý tới những điềm báo trước trong cuốn Người Mỹ trầm lặng của ông Greene. Sự yên ắng ở Việt Nam không phản ánh đúng một nghị trình chính trị sôi động ngấm ngầm.
Tin tốt lành là các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ đưa đất nước theo hướng nâng cao vị thế và tăng trưởng, tăng cường quan hệ với ASEAN và mở cửa cho quan hệ thân thiết hơn với Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế khác.
Nguồn: Blog Anh Ba Sàm 20-7-2010
.