TS Phạm Quý Thọ
Cuối tháng 5/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) 15 đã diễn ra phiên thảo luận Báo cáo giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Đây là vấn đề nóng được truyền hình trực tiếp, thu hút sự chú ý của các Đại biểu QH và dư luận. Các tham luận và góp ý trong và ngoài nghị trường cho thấy Luật Quy hoạch 2017 thể hiện tham vọng duy ý chí hơn là hiệu quả bởi tính khả thi thấp, gây các hiệu ứng tiêu cực như xung đột lợi ích, rối loạn điều hành.
THAM VỌNG DUY Ý CHÍ
Luật Quy hoạch được ban hành tháng 11/ 2017, bao gồm 59 điều với là 3 Phụ lục (PL) kèm theo, trong đó PL 1 với 39 quy hoạch ngành quốc gia, PL 2 với 39 các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và PL 3 với 25 bộ luật, luật có quy định liên quan đến quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung… Đây là “siêu luật” bởi tính bao trùm các mối quan hệ đa chiều, phức tạp…
Việc xây dựng Luật Quy hoạch nhằm thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2012 của Đảng CS “về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ…” để Việt Nam “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Có thể nói, đây là chủ trương phản ánh ý chí của Đảng phát triển tổng thể theo không gian và thời gian về đủ loại kết cấu hạ tầng, từ đất đai, giao thông, cung cấp điện, thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị, đến hạ tầng thương mại, khu công nghiệp, thông tin, y tế, giáo dục…, trong đó “quy hoạch” được nhấn mạnh là công cụ quản lý quan trọng. Nghị quyết 13 đã đặt ra tham vọng có thể xây dựng một Luật Quy hoạch chung để điều chỉnh tất cả loại quy hoạch ở đủ mọi ngành, lĩnh vực, vốn đã hình thành trong thời gian dài trước đó.
Tính kế hoạch, tính tổ chức là những thuộc tính của mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của độc Đảng Cộng sản, trong đó việc tập trung quyền lực và theo đuổi quyền lực tuyệt đối để huy động mọi nguồn lực tập thể nhằm hướng đến các giá trị lý tưởng. Như đã biết, mô hình này đã sụp đổ, công cụ kế hoạch hoá tập trung nền kinh tế đã bị loại bỏ trong quá trình chuyển đổi sang thị trường, song thuộc tính “quy hoạch” vẫn đang níu kéo ở Việt Nam với biến thái Đảng CS lãnh đạo chuyển đổi kinh tế thị trường. Luật Quy hoạch 2017 được ra đời trong bối cảnh quyền lực Đảng lung lay trong Đại hội 12, nhưng sau đó đã được tập trung cao hơn để chỉnh đốn nội bộ. Trong thảo luận để thông qua tại Quốc hội khoá 14 cũng có ý kiến mang tính kỹ trị rằng việc thực thi Luật này có thể dẫn đến các xung đột với các luật chuyên ngành và cả lợi ích nhóm, nhưng ít được quan tâm.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa- đại biểu Quốc hội, nói về qui hoạch treo tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội XV. Photo Thanh Niên/RFA edited
HIỆU QUẢ THẾ NÀO?
Qua các ý kiến thảo luận Báo cáo giám sát 5 năm thực hiện Luật Quy hoạch 2017 “quy hoạch treo” với các nguyên nhân chính trị và kinh tế là vấn đề nhức nhối đang gây ra hậu quả “tồi tệ”. Về hình thức không khó để nhận ra sự chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác, các quy hoạch ngành, chuyên ngành… nhưng sâu xa hơn là các quan hệ quyền lực nhà nước và thị trường, lợi ích trung ương và địa phương và, thậm chí là các nhóm lợi ích tham nhũng chính sách. Ở một mức độ nhất định, Luật Quy hoạch 2017 cũng đang là “luật treo”, báo trước về sự thất bại chính sách.
Thể chế hoá các nghị quyết của Đảng CS, kiểu làm chính sách “từ trên xuống”, khi xây dựng Luật Quy hoạch đã không tuân theo nguyên lý khoa học chính sách công, nhưng lại được “ca ngợi” sẽ mang tới phương pháp luận mới có “tính cách mạng” và, hậu quả như Báo cáo giám sát của QH đã chỉ ra “quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng”, “tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu…, còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt”. Có ý kiến Đại biểu QH “chê” thẳng thừng rằng Luật Quy hoạch dường như “phép cộng gộp” của các quy hoạch chuyên ngành, địa phương. Ngoài nghị trường, trên facebook của mình, ngày 1/6 nhà báo Trương Huy San cảm thán rằng chưa từng thấy “văn bản luật nào lại được trình bày một cách tăm tối như Luật này” và “chua cay”: “làm chính sách hay tập làm văn!”
Chủ trương đầu tư dự án thường hướng đến làm yên lòng các nhóm quyền lực và lợi ích, nhưng hiệu quả lại tuỳ thuộc vào tầm nhìn, nguồn lực và năng lực thực thi. Như đã biết, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là quy hoạch treo tầm quốc gia, “bỏ thì thương, vương thì tội”. Được biết, đây là chương trình trọng điểm, được cho đã “ấp ủ” từ những năm 1970, đến năm 2009 Chính phủ trình Quốc hội, với dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 4.000 MW và tổng đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỷ đồng. Nhưng sau 7 năm chuẩn bị, tháng 11/2016, Quốc hội quyết định dừng dự án này với sự biện minh rằng Việt Nam còn nghèo và cần phải dành nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng và các dự án trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội… có ý kiến Đại biểu QH đã đề nghị xóa quy hoạch dự án này vì tình cảnh người dân “sống mòn trong sự dùng dằng…”. Tuy nhiên, vị tân Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời: “Quốc hội mới dừng chủ trương xây dựng chứ không hủy”!
Quy hoạch treo về đất đai là vấn đề nhức nhối tiếp theo, gây bức xúc xã hội đồng thời phản ánh sự bế tắc trong cải cách thể chế. Nhiều Đại biểu QH đặt câu hỏi vì sao “quy hoạch treo” kéo dài nhiều năm mà không được giải quyết, rằng thực trạng này đã thành quốc nạn gây ra nỗi khổ cho nhiều thế hệ các gia đình sống trong các dự án treo, hàng nghìn hecta đất bỏ hoang, cỏ dại mọc hoặc bị lấn chiếm… gây lãng phí nguồn lực quốc gia và địa phương. Không thể có câu trả lời.
Việc cụ thể hoá và thực thi Luật Quy hoạch đang bị “ràng buộc” bởi quy hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai 2013. Nhưng chính việc sửa đổi Luật Đất đai đã và đang là một trong những vấn đề đang gặp thách thức cả về phương diện về kinh tế và chính trị. Mỗi lần sửa đổi Luật Đất đai qua các mốc năm 1993, 2003 và 2013 lại thêm “một bước lùi về chính sách”, khi các khoá Quốc hội tiền nhiệm đã trao cho đại diện Nhà nước, quan chức trung ương và địa phương, nhiều quyền thu hồi đất đai hơn. Trong chương trình nghị sự kỳ họp cuối năm 2022 của Quốc hội khoá 15 này việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 lần nữa lại được đặt ra, mặc dù không hy vọng nhiều cải sửa “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, nhưng các nhà chuyên môn đề xuất có thể “lách” để tăng “hàm lượng thị trường” trong chính sách. Đất đai đã trở thành “lời nguyền” đối với cải cách và, trong trường hợp này, đang ứng nghiệm với cả Luật Quy hoạch.
Ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, người cũng từng là Đại biểu QH từ khoá 14, đã “bấm nút” thông qua Luật Quy hoạch 2017, nay “vớt vát” nêu đề xuất sửa theo hướng chỉ giữ lại trong luật những nguyên tắc khung chủ yếu, còn những vấn đề cụ thể là “không gian” cho Chính phủ điều hành!
Xem cái cách vị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Quy hoạch, trên truyền hình ngồi nghe, rồi phát biểu tiếp thu ý kiến để sửa sai, có thể khẳng định rằng đây sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản. Tuy nhiên, trong cơ chế lãnh đạo tập thể, thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình trước người dân, các quan chức chắc chắn vẫn “bình yên, vô sự” vì được chở che bởi quyền lực tuyệt đối vô hình.
“Lỗi cơ chế” là lý do quen thuộc được biện minh. Người dân tin tưởng vào Đảng và quen phục tùng, dễ chấp nhận và tự an ủi: “Жить хорошо. Но хорошо жить ещё лучще!”, câu thành ngữ ‘chơi chữ’ tiếng Nga ở đây tạm dịch ý là “Được sống là tốt rồi, nhưng sống tốt sẽ tốt hơn!”
P.Q.T.
Nguồn: RFA