‘Đèn Cù’ và tác giả Trần Đĩnh

Nguyễn Văn Tuấn

Tôi nghiệm ra rằng lịch sử Việt Nam mình thời XHCN qua giai thoại và những phát biểu riêng tư có ý nghĩa hơn là qua văn bản. Đèn Cù là một cuốn sách có rất nhiều giai thoại, và qua đó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khác về những người lãnh đạo ở miền Bắc.

Có khi nào các bạn để ý đến các bài nói chuyện của giới lãnh đạo chánh trị ở Việt Nam? Tôi không nói đến những bài diễn văn mà họ đọc trước công chúng hay các buổi lễ lạc; tôi nói đến những buổi tiếp xúc mang tính riêng tư hay giữa những người trong cùng hội. Nội dung của những bài nói chuyện trong các buổi họp mặt như thế, mặc dù là khách mời – guest speaker – nhưng thường là những chuyện có vẻ tầm phào, chẳng có hàm lượng tri thức gì cả.

Có lần, trong một buổi họp mặt các phóng viên mảng khoa học, họ mời một ký giả kỳ cựu đến chia sẻ kinh nghiệm. Tựa đề bài nói chuyện được ghi trong giấy mời là "Báo chí và vai trò truyền tin khoa học" làm cho tôi chuẩn bị lắng nghe. Thế nhưng suốt buổi nói chuyện, ông chỉ nói về những trải nghiệm cá nhân (như cá tánh, nhậu nhẹt), những câu chuyện rời rạc (ví dụ như tai nạn nghề nghiệp), hay nói chung là những câu chuyện chẳng đâu vào đâu, thậm chí chuyện tiếu lâm liên quan đến các nhân vật quan trọng mà ông có dịp tiếp xúc. Ông nói không có note, mà giống như kể chuyện. Mọi người khen ông ‘nói hay’.

Nghe xong tôi không biết mình học được gì từ bài nói chuyện. Nhưng nếu ghép những ‘ký ức vụn’ đó vào những câu chuyện của các tác giả khác thì chúng ta có một bức tranh tương đối rõ nét về mấy vị lãnh đạo ngoài đó. Các tác giả khác đó là Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Minh Cần, Trần Quốc Vượng, Dương Thu Hương, Tô Hải, Lê Phú Khải, và đặc biệt là Trần Đĩnh.

Ký ức của những người trong cuộc

Nếu là người bình thường đọc những sách của các tác giả trên, người ta thoạt đầu sẽ thấy… khó tin. Chính tôi cũng ở trong tâm trạng đó khi đọc ‘Đêm Giữa Ban Ngày‘ của Vũ Thư Hiên và Hoa Xuyên Tuyết của Bùi Tín. Khó tin vì tôi nghĩ chẳng lẽ mấy vị như HCM, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, v.v. trông có vẻ rất uy nghi mà lại có những hành xử rất ‘trần ai’ như mô tả trong sách. Nhưng sau này, đọc nhiều sách của những nhân vật trong cuộc ngoài Bắc mới thấy những sự kiện họ kể lại trong sách là rất khả tín. Những cuốn sách của các tác giả đó có tác động như mở mắt cho tôi.

Tác giả Trần Đĩnh (tên thật là Trần Kim Đĩnh) mới qua đời tuần vừa qua (ngày 12/5/2022) tại Sài Gòn. Ông thọ 93 tuổi. Các bạn trẻ có lẽ không nghe hay biết đến ông, nhưng ông là một chứng nhân quan trọng. Ông là người từng chấp bút viết tiểu sử cho Hồ Chí Minh và từng tiếp xúc với nhiều nhân vật cộng sản cao cấp trong An Toàn Khu ở miền Bắc trong thập niên 1950. Trong vai trò đó, ông biết rất nhiều chuyện ‘thâm cung bí sử’ của các nhân vật lãnh đạo miền Bắc. Những câu chuyện được ông ghi chép lại khá cẩn thận, nhưng không thể in được ở trong nước. Năm 2014, Nhà xuất bản Người Việt Books ở California ấn hành cuốn ‘Đèn Cù‘ cho ông.

Đèn Cù không hẳn là hồi ký, mà là những mảnh ký ức vụn của ông trong vai trò một ký giả kỳ cựu. Trong sách, ông giãi bày những cảm tưởng, ghi lại những sự kiện lịch sử, và những câu chuyện mà sách giáo khoa và văn bản chánh thức của đảng không bao giờ đề cập đến.

Chuyện tử hình bà Nguyễn Thị Năm

Chẳng hạn như chuyện ông HCM cải trang đi xem buổi hành hình bà Nguyễn Thị Năm được mô tả rất chi tiết. Trần Đĩnh kể rằng hôm đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt”. Khi bà Năm bị bắn chết và người ta phải đưa thi thể bà vào cái hòm, nhưng cái hòm thô sơ và nhỏ nên không vừa với thi thể của bà. Thế là các “Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô…” Sau đó người ta đem thi hài của bà đi đâu chẳng có thân nhân nào biết (nghe nói sau này năm 1993 thân nhân tìm được mộ qua một nhà ngoại cảm). Đọc mà hình dung cảnh đó sao tôi thấy rợn người.

Cần nói thêm rằng bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) như chúng ta biết là một ‘đại gia’ (nói theo ngôn ngữ ngày nay), nhưng cũng là một ân nhân của ông Hồ và những người lãnh đạo cao cấp trong đảng. Bà đóng góp 700 lạng vàng cho Việt Minh. Con trai của bà theo Việt Minh và làm sĩ quan trong quân đội. Các lãnh đạo Việt Minh thời đó như Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt đều tá túc hay được bà giúp đỡ. Nói chung, bà là người tư sản và là người tốt bụng.

Nhưng Nhà văn Trần Đĩnh kể trong “Đèn cù” rằng trước khi đem bà đi bắn, ông HCM qua bút danh “C.B” viết bài “Địa chủ ác ghê” trên báo Nhân Dân tố cáo bà Nguyễn Thị Năm từng giết chết 14 nông dân, làm chết 32 gia đình, phản cách mạng, v.v. Bài viết đậm chất đấu tố cũng là bản án dành cho bà Nguyễn Thị Năm: tử hình.

Ông Đỗ Mười bị bệnh tâm thần?

Một trong những tiết lộ thú vị nhứt của Đèn Cù là ông Đỗ Mười, theo Trần Đĩnh, là người có vấn đề tâm thần. Ông viết rằng có lúc ông Đỗ Mười phải nhập viện khoa tâm thần Việt – Xô. "Khi lên cơn, ông leo lên cái cây cạnh cổng đứng xoạc chân cành cao cành thấp giơ tay hét xung phong. Các cô y tá ra dỗ bác xuống đều ù té chạy. Bác mặc quần đùi, trận địa pháo đài bày ra hết. Mà các cô thì không ở nam khoa, nội tiết. Sau gien điên của Đỗ Mười đã bền bỉ truyền sang cả con trai và cháu. Đồn rằng đặc điểm là thạo ăn người".

Tôi không hiểu "thạo ăn người" có ý nghĩa gì. Nhưng trong sách có nhiều chỗ ông viết rất khó hiểu như thế.

Nhà tư tưởng Lê Duẩn và rau muống

Trần Đĩnh kể rằng ông Lê Duẩn thích thể hiện như là một nhà tư tưởng. Một hôm ông soạn một cương lĩnh về con người và phụ tá lái xe mời GS Trần Đức Thảo đến để nghe ông thuyết trình. Khi nói xong, GS Thảo ngồi yên, không có ý kiến. Khi phụ tá của ông Duẩn nhắc nhở, GS Thảo buông một câu rằng ông chẳng hiểu gì cả. Thế là Duẩn nổi nóng "thượng cẳng tay hạ cẳng chân" cho GS Thảo một phen suýt chết. Lê Duẩn còn ‘phạt’ để cho GS Thảo đi bộ vài cây số về nhà.

Ông Lê Duẩn đề nghị BS Phạm Ngọc Thạch nghiên cứu xem một chén cơm ăn với rau muống luộc và rau muống xào thì bên nào giàu dinh dưỡng hơn. Tác giả viết "Tôi nghĩ ngay việc gì phải Phạm Ngọc Thạch nghiên cứu, cứ bày lên bàn ông Duẩn hai dúm cơm, một rang mỡ, một không là kiến nó cho ý kiến ngay không phải chờ Phạm Ngọc Thạch chỉ thị cho ngành y tế".

Chuyện BS Phạm Ngọc Thạch

BS Phạm Ngọc Thạch là dân Nam Bộ, Tây học, và người có cá tánh. Ông tự lái xe hơi chứ không cần tài xế. Trong Đèn Cù, Trần Đĩnh kể rằng khi một đồng nghiệp Nam Bộ của ông là BS Nguyễn Văn Cương qua đời ở Hải Phòng, ông tự lái xe xuống Hải Phòng để đưa đám. Khi tới nơi, ông thấy tượng Phật và chuông mõ còn trong nhà mà không đưa theo linh cữu, nên ông nổi nóng nói: "Tin hay không là chuyện riêng của các anh; còn tất cả chúng ta đều phải tôn trọng tín ngưỡng của người thân đã khuất’”.

Chuyện về những "Thằng"

Chữ ‘thằng’ bây giờ rất nổi tiếng, nhứt là sau chuyến công du của ông thủ tướng PMC. Nhưng nếu đọc Đèn Cù, các bạn sẽ gặp rất nhiều ‘thằng’ được đề cập đến trong những buổi gặp mặt riêng tư. Trần Đĩnh kể rằng ông Nguyễn Chí Thanh (đại tướng) rất mê Tàu và hay nói chuyện bỗ bã. Có lần ông Thanh lý giải rằng bún là món ăn xa xỉ, rằng "thịt chó phải đi với thằng bún và "thằng mắm tôm".

Nhưng ngạc nhiên là ‘thằng’ còn được dùng cho một tổ chức quốc tế. Đọc Đèn Cù, thấy có đoạn tác giả trích lại câu nói của ông Đỗ Mười nói về Liên Hiệp Quốc như sau:

"Anh có biết Liên Hợp Quốc là gì không? Nó là thằng địch phản động, thế mà anh lại giúp nó vu cáo ta, gây sức ép với ta bằng lá thư của anh. Nó đang chửi ta vi phạm nhân quyền kia kìa".

Có một điều đáng chú ý là các nhân vật như ông HCM, Võ Nguyên Giáp, và cả Phạm Văn Đồng không thấy họ dùng chữ ‘thằng’. Chỉ có mấy người như Đỗ Mười, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, v.v. hay dùng chữ ‘thằng’. Cái khác biệt giữa hai nhóm này là một bên là nhóm có học thức và một bên là hơi kém học thức.

Nói chung, trong Đèn Cù, Trần Đĩnh vẽ chân dung của những người trong vai trò lãnh đạo ngoài Bắc rất ư là… ‘trần ai’. Khó biết được bao nhiêu những gì kể trong sách là thật, nhưng nhiều điều được viết ra trong sách có vẻ nhứt quán với, và giải thích được, những gì xảy ra ngày nay. Tác giả Trần Đĩnh đã ra người thiên cổ nhưng những gì ông kể lại sẽ là chất liệu và chứng từ để thế hệ sau nghiên cứu về lịch sử cận đại của Việt Nam.

clip_image002

clip_image004

TRẦN ĐĨNH 1930 – 2022. Ảnh: Phạm Đình Trọng

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

This entry was posted in Giới cầm quyền, Trần Đĩnh. Bookmark the permalink.