Tìm lời giải cho hiện tượng Trung Quốc: Vì sao tham nhũng nặng nhưng phát triển thần kỳ?

20 – 5 – 2022

Nguyễn Văn Lung

Minh họa: Luật Khoa.

Quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc từ lúc mở cửa dường như luôn được vận hành theo các cỗ xe tam mã. [1]

Con ngựa đầu tiên là cá thể kinh doanh – biết hoặc nhận thấy được cơ hội sản xuất và cung cấp những sản phẩm được thị trường đón nhận. Con ngựa này, tuy nhiên, lại thường thiếu vốn về tư liệu sản xuất.

Con ngựa thứ hai là công ty nhà nước – có vốn, có tư liệu sản xuất, và đặc biệt là có mối quan hệ “trọng yếu” với hệ thống ngân hàng nhà nước độc quyền.

Nhưng cả hai con ngựa này cũng không làm nên trò trống gì nếu không có được sự chấp thuận từ con ngựa thứ ba: một quan chức cầm trịch tại địa phương – người có khả năng giúp mối quan hệ công tư còn lạ lẫm thời mới mở cửa dễ dàng được hệ thống chính trị cộng sản ở địa phương “làm ngơ”.

Nền tảng phát triển kinh tế không giống ai ngay từ trứng nước này liệu có vai trò gì trong sự song hành kỳ lạ giữa tham nhũng và phát triển tại Trung Quốc? Hay nó còn có nhiều lý giải đằng sau?

Thấu hiểu căn cơ dẫn đến hiện trạng “tham nhũng nhưng phát triển” tại Trung Quốc sẽ là một phản chiếu tốt cho việc nghiên cứu tham nhũng tại Việt Nam.

“Nghịch lý Đông Á” (East Asian paradox)

Mối quan hệ kỳ lạ giữa tham nhũng và phát triển kinh tế tại Trung Quốc (và mở rộng ra là một số quốc gia Đông Á khác) luôn là một vấn đề đáng chú ý.

Làm sao Trung Quốc có thể phát triển thần kỳ đến như vậy khi mà vấn nạn tham nhũng của nước này có thể nói là đứng đầu thế giới, cả về số lượng lẫn khối lượng tài sản tham nhũng? Đây luôn là một câu hỏi gây khó dễ cho các nhà nghiên cứu trong suốt hai thập niên trở lại đây.

Nhiều học giả Trung Quốc thừa nhận, về lý thuyết, tham nhũng là trở ngại phổ biến nhất và lớn nhất đối với sự phát triển của một quốc gia. [2] Một lượng tài sản khổng lồ, thay vì được đẩy vào thị trường, vào sản xuất và các hoạt động sinh lợi khác, lại bị đưa vào túi riêng của các quan chức.

Điều này làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh, cản trở và tạo ra khó khăn cho các hoạt động hành chính đơn giản nhất.

Giới học giả Trung Quốc tất tả đi tìm lý do, và họ nhận thấy hiện tượng này không chỉ xảy ra tại Trung Quốc.

Nghiên cứu đầu tiên sử dụng thuật ngữ “East Asian paradox” (và cũng thường được trích dẫn nhiều nhất) có tên gọi “Development and corruption: The East Asian paradox” của Andrew Wedeman. Được xuất bản vào năm 2002, nghiên cứu ghi nhận lại hiện tượng nghịch lý khi những quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc hay Thái Lan phát triển như vũ bão mặc cho tham nhũng lan rộng. [3]

Vào năm 2004, nghiên cứu khác của hai tác giả Rock và Bonnett tìm ra được một số đặc trưng còn thú vị hơn.

Họ nhận thấy đối với các quốc gia đang phát triển, tham nhũng sẽ chỉ gây hại cho những nước có quy mô dân số và kinh tế nhỏ. Còn với các quốc gia có quy mô lớn và vừa công nghiệp hóa (như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc), tham nhũng và phát triển lại được cho là có mối quan hệ tịnh tiến thuận chiều. [4]

Như vậy, nghịch lý tham nhũng nhưng phát triển là một hiện tượng kinh tế – chính trị – xã hội xảy ra không chỉ ở Trung Quốc. Song nhiều người đồng thuận rằng Trung Quốc có lẽ là trường hợp điển hình và kỳ lạ nhất, khi mà kể từ thập niên 1980, tốc độ tăng trưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới này là tròm trèm 10%. Cùng lúc đó, quan lại Trung Quốc là tầng lớp hưởng lợi và “ăn trên ngồi trước” đối với những thành quả mà nền kinh tế mở cửa mang lại.

Trung Quốc và phần còn lại

Để hiểu vì sao Trung Quốc khác biệt, chúng ta cần hiểu khái niệm “developmental corruption”, hay mô hình “tham nhũng thịnh vượng hóa”. [5]

Đây là mô hình thường thấy ở hầu hết các con rồng châu Á như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Hiểu đơn giản, tham nhũng tại những quốc gia này được thể chế hóa bằng mối quan hệ chính trị khăng khít giữa các chính đảng và giới thương chủ, tài phiệt, và đại tư bản.

Trong đó, sau khi đầu tư và tìm kiếm các nguồn lợi phát triển kinh tế,  giới kinh doanh, tư bản dùng một lượng tiền thu được để xây dựng và củng cố sự lớn mạnh của các chính đảng thủ cựu về mặt xã hội – chính trị, có xu hướng thả lỏng quy định về lao động/ phúc lợi, tạo mọi điều kiện cho hoạt động kinh doanh và tích lũy của cải của doanh nghiệp.

Nói cách khác, họ là các chính đảng cánh hữu.

Như vậy, tham nhũng tại những quốc gia này có thể cực kỳ trầm trọng và tạo nên hệ thống dây mơ rễ má chính trị không thể cắt đứt. Việc bỏ qua nhiều yêu cầu về lao động và phúc lợi cũng thường xuyên gây ra những xung đột và khủng hoảng quyền dân sự. Song có một điều chắc chắn là cả bộ máy, dù tham nhũng, lại hoạt động theo hướng ủng hộ các chính sách kinh tế vĩ mô, mở rộng cơ hội làm ăn và phát triển kinh tế.

Lee Jae-yong, người đứng đầu tập đoàn Samsung, bị bắt tại Hàn Quốc vào năm 2017 với cáo buộc tham ô và đưa hối lộ. Ảnh: Getty.

Tham nhũng ở những nước trên là một điều kiện cần (precondition) để phát triển kinh tế nhanh và mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều này xảy ra không phải vì tham nhũng tạo động lực cho phát triển. Theo cách lý giải của tác giả Chalmers Johnson, vấn đề ở chỗ nếu thiếu vắng các hoạt động tham nhũng này, sự bất ổn chính trị của hệ thống thượng tầng và bộ máy hành chính thiếu hiệu quả sẽ làm giảm, hoặc thậm chí là gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế. [6]

Như vậy, tham nhũng thịnh vượng hóa, hay cũng thường được tiếp cận với khái niệm “tham nhũng cấu trúc” (structural corruption), là tổng hòa mối liên minh chính trị lợi ích giữa một chính quyền, chính đảng cánh hữu và các đồng minh thương mại của mình.

Chính quyền ban hành các chính sách tạo mọi điều kiện cho những nhà tài phiệt, kinh tế mở rộng kinh doanh và thu lợi nhuận. Chỉ số GDP từ đó tăng cao.

Đổi lại, giới doanh nghiệp và tài phiệt đổ tiền vào những chính trị gia/ chính đảng cánh hữu này để bảo đảm rằng họ có thể tiếp tục giữ vững vị thế chính trị và tạo ra không gian chính sách phù hợp để giới chủ có thể thu được lợi ích kinh tế một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Như vậy, đối với các quốc gia có mô hình “developmental corruption”, chúng ta có thể lý giải phần nào đó nghịch lý giữa tham nhũng và phát triển kinh tế thần tốc. Trong một số trường hợp (nền kinh tế mới, có nhiều nguồn đầu tư, phát triển kinh tế hữu cơ, v.v.), tham nhũng vừa giúp bôi trơn những tranh chấp chính trị, vừa giúp giảm thiểu rào cản quan liêu cho các quyết định có lợi cho việc phát triển kinh tế thần tốc.

Tuy nhiên, tham nhũng ở Trung Quốc lại không phải là tham nhũng thịnh vượng hóa.

Lịch sử của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy họ chỉ sử dụng vũ lực để xác lập quyền lực. Với bản năng của một tập đoàn chính trị cánh tả, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng chưa bao giờ cần đến mối liên minh với giới thương chủ để duy trì quyền lực, rồi từ đó buộc phải xây dựng các chính sách ủng hộ tuyệt đối sự phát triển và bành trướng của giới thương chủ.

Hoàn toàn trái ngược với những con rồng châu Á khác, tham nhũng tại Trung Quốc đa phần mang hình dạng “tham nhũng săn mồi”, hay “predatory corruption”.

Tại đó, những cá nhân, nắm các vai trò và vị trí nhất định trong bộ máy nhà nước, bòn rút lợi ích kinh tế từ sự phát triển chung.

Tuy nhiên, điều này càng khiến mối liên hệ giữa tham nhũng và phát triển kinh tế tại Trung Quốc đặc biệt.

Nó có thể là mô hình nhà nước duy nhất nơi tham nhũng săn mồi có thể đồng hành với phát triển kinh tế.

Một thoáng lịch sử

Nếu lấy biến “tham nhũng” để xem xét và đánh giá, lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể được chia làm hai giai đoạn: lịch sử thời Mao và hậu Mao.

Điểm khác nhau giữa hai thời kỳ này là gì?

Tham nhũng thời Mao không phải là không tồn tại, nhưng vì nhiều lý do, giá trị và tầm ảnh hưởng của chúng là không đáng kể. Lý do chủ đạo là vì từ thời điểm lá hồng kỳ cộng sản được treo ở Tử Cấm Thành của Bắc Kinh, Trung Quốc đã cùng Mao trải qua vô số những cuộc cải cách chết người.

Từ quá trình quốc hữu hóa tài sản, Đánh Tư sản, Đánh Cánh hữu đến Đại nhảy vọt, Cách mạng văn hóa, những cuộc “nội chiến mini” dai dẳng và tai hại khiến năng lực sản xuất, năng lực giao thương và thậm chí là năng lực nông nghiệp của Trung Quốc sụt giảm trầm trọng.

Trong thời khắc của nạn đói, của sống còn, tham nhũng lúc ấy là câu chuyện của những cán bộ địa phương nhận một hai quả trứng gà để nhắm mắt làm ngơ trước việc người nông dân mang con gà ra chợ đen bán để kiếm chút tiền đong gạo. [7] Đó là câu chuyện sống còn của con người giữa hai phía nhà nước – nhân dân, tìm cách cộng sinh trong sự thống trị của tư duy cộng sản cực đoan, như lời của giáo sư Frank Dikotter mô tả.

Lịch sử của tham nhũng thời hậu Mao thì hoàn toàn khác.

Với Đặng Tiểu Bình, tham nhũng sẽ là một phần chấp nhận được của phát triển kinh tế tại Trung Quốc.

Nhiều người hay nhớ đến câu nói của ông: “Mèo trắng, mèo đen đều là mèo cả, miễn là bắt được chuột”. Tuy nhiên, còn một nhận định khác quan trọng không kém về quản lý nhà nước của Đặng: Để phát triển kinh tế, một số người sẽ phải giàu trước. [8]

Từ chuyến Nam tuần (Southern tour) và nỗ lực thực hiện các chính sách tự do hóa kinh tế có phần hùng hổ của Đặng, quan chức Trung Quốc thời điểm đó nhận thức được quyền lợi của họ trong công cuộc làm giàu “toàn dân”.

Đặng Tiểu Bình (giữa) trong chuyến công du các tỉnh phía Nam Trung Quốc vào năm 1992 nhằm bảo vệ và thúc đẩy các nỗ lực cải cách kinh tế. Ảnh: AP.

Biện pháp “làm giàu” của quan chức Trung Quốc không có gì quá mới lạ so với Việt Nam hay quá trình chuyển đổi của các quốc gia Liên Xô hậu cộng sản khác.

Các nguồn lực trước nay đều được nhà nước quản lý nay bắt đầu được thị trường hóa, cổ phần hóa, chuyển giao cho tư nhân với những mức giá không ai biết thế nào là đúng. Điều này tạo ra khoảng trống cho những mối quan hệ thân hữu và các khoản chi phí lót tay khổng lồ.

Nguồn cung hạn chế của một số tư liệu sản xuất trọng yếu như vốn (từ các ngân hàng, các nguồn tài trợ nước ngoài thông qua chính phủ), đất đai, tài nguyên khoáng sản, v.v. cũng là lý do cơ bản cho việc tạo ra “những người giàu trước”.

Kèm theo đó là quá trình đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng cơ sở, một trong những cơ hội tham nhũng và tham ô kinh điển nhưng cũng đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế quốc gia. Theo thống kê chính thức của nhà nước, từ năm 1978 cho đến 2006, Trung Quốc phân phối tổng cộng 489 tỷ Mỹ kim chi thường xuyên và một khoản gần 2 nghìn tỷ Mỹ kim từ “ngân sách đặc biệt” (extra budget) để chi cho xây dựng. [9]

Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Âu hậu cộng sản?

Như vậy, tham khảo các hệ thống tham nhũng thịnh vượng hóa của Đông Á với liên minh chính trị giữa giới thương chủ và các chính đảng cánh hữu; đồng thời tìm hiểu bản chất lịch sử của quá trình cải cách tại Trung Quốc, chúng ta nhận thấy tham nhũng tại Trung Quốc không có những đặc trưng nào quá đáng kể.

Điều này càng rõ ràng hơn nếu chúng ta so sánh hiện tượng tham nhũng tại Trung Quốc với các hình thức tham nhũng săn mồi, tham nhũng thoái hóa (degenerative corruption) hay tham nhũng phi giao dịch (non-transactive corruption), vốn rất phổ biến tại Nga hay những quốc gia Đông Âu thời kỳ hậu cộng sản.

Vậy trước khi muốn hiểu hiện tượng Trung Quốc, sẽ rất có ích nếu chúng ta có thể trả lời được câu hỏi: Làm thế nào mà Trung Quốc không rơi vào bẫy tham nhũng hậu thị trường hóa như Nga và các quốc gia Đông Âu đã mắc phải?

Trước tiên, có thể nhắc đến nền tảng và tiềm năng phát triển của Trung Quốc, so sánh với Nga và các quốc gia Đông Âu khác.

Cân nhắc với toàn thể Liên Xô nói chung và Nga nói riêng, nền kinh tế Trung Quốc cùng thời điểm thật không có gì để so sánh. [10]

Trước cải cách, Trung Quốc là một quốc gia nghèo với mô hình kinh tế lấy nông nghiệp làm trọng tâm. Trong khi đó, Liên Xô bản chất đã là một quốc gia có thu nhập trung bình với nền tảng kinh tế công nghiệp hóa có thể được coi là quá mức (over-industrialised). Vào năm 1980, 75% lao động Trung Quốc được sử dụng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tại Liên Xô vào năm 1990, con số đó chỉ là 15%.

Hình ảnh một chợ tự phát bán nông sản ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc vào năm 1986. Hơn 70% dân số nước này vào thời điểm đó làm việc trong ngành nông nghiệp. Ảnh: Adrian Bradshaw/ Daily Mail.

Với những thông tin trên, có thể thấy tiềm năng phát triển của Nga cũng như các quốc gia Đông Âu gần như đã tới hạn. Nếu không có những biện pháp hiện đại hóa để thay máu nền kinh tế và cạnh tranh vị trí dẫn đầu trong các ngành công nghiệp mới, năng lực bứt phá phát triển của các quốc gia này là rất thấp.

Riêng với Trung Quốc, tiềm năng phát triển của họ là khổng lồ, cân nhắc dân số, lãnh thổ, tài nguyên – chỉ là nó chưa được ghi nhận đúng đắn tại thời điểm đó mà thôi.

Như vậy, dù tham nhũng thời kỳ mới bắt đầu thị trường hóa ở cả hai quốc gia có thể giống nhau, sức bật và không gian phát triển của Trung Quốc vẫn vượt trội hoàn toàn so với Liên Xô. [11]

Thêm vào đó, cũng vì dư địa phát triển còn lớn, khả năng thử sai, cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế, cơ hội học hỏi và áp dụng tri thức từ các quốc gia phát triển phương Tây dường như là vô tận đối với chính quyền Trung Quốc.

Những thông tin trên giúp ta khẳng định rằng việc Trung Quốc phát triển trong khi Liên Xô thụt lùi sau khi tự do hóa thị trường, không đơn giản là câu chuyện mèo nào cắn mỉu nào, ai giỏi hơn ai trong quản lý kinh tế và tham nhũng. Một phần lý do lớn nằm ở thực trạng và dư địa phát triển kinh tế quốc gia.

Điểm thứ hai rất đáng để chú ý, được nhóm tác giả Shleifer và Vishny chỉ ra vào năm 1993. [12] Theo đó, khó khăn lớn nhất của Liên Xô là thị trường hóa khi sự độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản không còn, trong khi Trung Quốc thị trường hóa với bộ máy chính trị vẫn hoạt động và thậm chí hừng hực khí thế “đổi mới”.

Điều này dẫn đến sự khác biệt thể chế giữa “tham nhũng tập trung” (centralised corruption) và “tham nhũng phi tập trung” (decentralised corruption), một vấn đề đã được đề cập trong bài viết “Bóng ma của những tòa tháp chọc trời” từng đăng tải trên Luật Khoa. [13]

Tóm tắt lý giải của Shleifer và Vishny, với môi trường chính trị đơn nhất, tập trung và có trên dưới, cấu trúc tổ chức chính trị của Đảng Cộng sản giúp cho tiến trình tham nhũng, hối lộ “có trật tự hơn” và được “hiệu quả hóa”. Các khoản chi bôi trơn được cân nhắc tương đối đầy đủ cho các ban ngành. Quan trọng nhất, những khoản này sau khi chi xong sẽ bảo đảm công việc được hanh thông ở tất cả các mặt quản lý hành chính nhà nước.

Nó tương tự với việc khi gia đình bạn chi hối lộ, trả tiền bảo kê cho một bí thư phường, điều này sẽ giúp bạn yên ổn làm ăn, bởi hệ thống Đảng Cộng sản ít ra có tính thống nhất, thứ bậc, và ổn định cao.

Tuy nhiên, trong một thị trường mới nổi, nơi Đảng Cộng sản không còn thống trị, các nhóm bảo trợ chính trị tản mác vẫn còn lộn xộn đấu tranh với nhau, việc chi tiền cho một cá nhân lãnh đạo địa phương chưa chắc đã giúp hộ gia đình của bạn có thể an tâm tập trung sản xuất.

Như vậy, dù bản chất xấu của tham nhũng không thay đổi, tham nhũng tập trung trong môi trường chính trị còn tồn tại sự thống nhất của Đảng Cộng sản lại có “hiệu năng” cao hơn hẳn tham nhũng phi tập trung tại các quốc gia Đông Âu sau khi Liên Xô tan rã. Đây là điều mà chúng ta thường ít nghĩ đến trong quản lý tham nhũng.

Yếu tố quan trọng cuối cùng, vẫn là về vấn đề còn hay không còn Đảng Cộng sản, nhưng trọng tâm thì đặt vào câu chuyện kiểm tra giám sát tham nhũng.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng đúng là hệ thống an ninh – công an của các quốc gia cộng sản vẫn có năng lực giám sát các hành vi tham nhũng của quan chức. Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất, có tính thẩm quyền, có tính kế hoạch và xuyên suốt nhất lại chính là hệ thống cán bộ của chính Đảng Cộng sản.

Tại các quốc gia Liên Xô cũ, việc cấu trúc và hệ thống của Đảng Cộng sản sụp đổ hoàn toàn đồng nghĩa với việc cơ chế giám sát, tự kiểm soát của nội bộ đảng không còn ý nghĩa. Hệ thống cảnh sát – an ninh từ đó thành rắn mất đầu và tự thân họ tham gia vào các hoạt động tham nhũng, kết nối với các thế lực chính trị mới nổi.

Trung Quốc may mắn không phải tự do hóa thị trường trong hoàn cảnh dở khóc dở cười như thế.

Đúng là tham nhũng có xảy ra ở Trung Quốc sau mở cửa, và tham nhũng ấy thì lại là tham nhũng săn mồi như chúng ta đã trình bày. Song so với Nga hay các quốc gia Đông Âu khác, cấu trúc và thượng tầng chính trị của Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn.

Điều này giúp cho các nỗ lực duy trì tính chính danh của đảng, nỗ lực thanh lọc các đảng viên quá biến chất và gây ảnh hưởng đến uy tín đảng, cũng như các hoạt động xử lý sai phạm trong nội bộ đảng vẫn tiếp tục được duy trì trong quá trình tự do hóa thị trường.

Và thực tế cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải không cố gắng trong những hoạt động này.

Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Bộ Chính trị và cựu Bộ trưởng Bộ Công an, là một trong những quan chức cấp cao nhất bị trừng phạt trong chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc. Ông bị kết án tù chung thân vào năm 2015. Ảnh: CCTV.

Kể từ đầu thập niên 1980 đến nay, các chính quyền Trung Quốc đã trải qua hai chiến dịch chống tham nhũng.

Năm 1988, chính quyền khởi tố 190 cán bộ đảng, quan chức cấp cao. Con số này là 1.118 vào năm 1990, và 2.285 vào năm 1995. Kể từ năm 2000, chính quyền Trung Quốc khởi tố hơn 2.500 cán bộ cấp cao mỗi năm. [14] Con số “ổn định” này phần nào cho thấy năng lực giám sát và răn đe nhất định trong nội bộ đảng.

Hiểu về tham nhũng ở Trung Quốc

Những tổng hợp và phân tích chi tiết trên có lẽ giải thích được một phần lớn những khúc mắc về vị trí và bản chất của tham nhũng tại Trung Quốc, dưới góc nhìn nghiên cứu so sánh.

Một phần của bài toán vì sao Trung Quốc tham nhũng nhưng vẫn có chỉ số tăng trưởng ấn tượng so với các quốc gia khác, mà đặc biệt là những nền cộng hòa Liên Xô cũ, cũng được giải đáp ở một mức độ nhất định.

Chúng ta cũng đã cơ bản thấy được nền tảng của mô hình tham nhũng Trung Quốc khác và giống ở điểm gì so với các con rồng châu Á.

Vấn đề còn lại cần quan tâm là điều gì thật sự xảy ra trong môi trường tham nhũng Trung Quốc.

Để trả lời câu hỏi này, người viết tìm đến nghiên cứu của những tác giả đầu ngành trong nghiên cứu tham nhũng tại Trung Quốc, điển hình như Giáo sư Sun Yan (Đại học City New York), Giáo sư Ting Gong (Đại học Phúc Đán), Giáo sư Guo Yong (Đại học Thanh Hoa) hay Giáo sư Xiaobo Lü (Đại học Texas).

Mỗi người sẽ có một cách lý giải rất riêng về hiện tượng, hệ quả, và cách hiểu đúng đối với tham nhũng tại Trung Quốc. Tổng hòa tất cả có thể giúp ích cho quá trình thấu hiểu tham nhũng ở Trung Quốc và cơ hội học tập cho Việt Nam.

Đối với Giáo sư Guo Yong, ông nhấn mạnh rằng tham nhũng tại Trung Quốc thật ra không có tính “văn hóa” hay là một “căn bệnh thể chế nan y” của nền văn minh Trung Quốc. [15]

Điều này không phải để nói rằng văn hóa và nền tảng thể chế không quan trọng. Văn hóa tặng quà, thói quen quan hệ thân tình, tổ chức tiệc tùng khi bàn chuyện làm ăn hay công việc nhà nước luôn tạo ra khó khăn cho quản lý tham nhũng. Lằn ranh giữa tham nhũng, hối lộ và các mối quan hệ cá nhân trở nên mờ nhạt.

Xiaobo Lü cũng đồng tình với Guo Yong rằng vấn đề của tham nhũng nằm ở chỗ bản thân Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa thể tiến hóa thành công thành một hệ thống quan liêu theo mô hình Weberian (“Weberian bureaucracy”, hay “rational bureaucracy”, hiểu đơn giản là mô hình quan liêu lý tính với những đặc trưng tối ưu cho hoạt động tập thể). [16]

Theo cách tiếp cận của hai tác giả này, phát triển kinh tế hiệu quả vượt bậc là một thành tựu về quản lý vĩ mô của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Còn tham nhũng chỉ là hệ quả của quá trình tiến hóa tổ chức.

Vì vậy, đối với mô hình của Trung Quốc, tham nhũng và thành tựu kinh tế là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Chỉ cần Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tiến hóa thành công với mô hình Weberian, việc độc tài hay không sẽ không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến quản lý tham nhũng.

Đây có thể nói là góc nhìn thú vị mà ít ai trong các nhóm đối lập tại Việt Nam hay Trung Quốc cho rằng có thể xảy ra.

Giáo sư Ting Gong thì thừa nhận rằng tham nhũng ở Trung Quốc quả là mang hơi hướng “săn mồi”, nơi mà các cá nhân quan chức lạm quyền và gây khó dễ để kiếm tiền. [17]

Tuy nhiên, một lượng lớn trường hợp tham nhũng tại Trung Quốc thật ra cũng bắt đầu với các liên minh chính trị – kinh tế nhỏ lẻ tại địa phương, như chúng ta đã kể đến ở phần mở đầu của bài viết.

Những liên minh chính trị kinh tế này cũng là những nhóm sống dai hơn so với các kiểu tham nhũng nhỏ lẻ sau nhiều chương trình chống tham nhũng vào thập niên 1980 và 1990, dẫn đến khái niệm mà Gong gọi là “tham nhũng tập thể” (collective corruption).

Hiển nhiên, khác với các quốc gia Đông Á khác, các nhóm thương chủ kinh tế vẫn không có đủ năng lực “nói chuyện” với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc như cách các tài phiệt Đông Á thương thảo với lãnh đạo đảng phái chính trị nước họ.

Jack Ma (phải) và Pony Ma, hai trong số những ông chủ giàu nhất Trung Quốc, trong buổi lễ vào năm 2018 kỷ niệm 40 năm nước này tiến hành cải cách. Các thương chủ của Trung Quốc vẫn luôn nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản. Ảnh: Wang Zhao/ AFP.

Tuy nhiên, giới thương chủ vẫn có thể “nói chuyện” với lãnh đạo đảng tại địa phương. Mặc khác, cũng cần cân nhắc rằng phần lớn các chương trình kinh tế và cải tổ tại Trung Quốc được chính quyền trung ương trao thẩm quyền tự quyết rất đáng kể cho các địa phương.

Điều này cho thấy mô hình tham nhũng thịnh vượng hóa vẫn tồn tại ở cấp độ tỉnh, huyện tại Trung Quốc. Và tỉnh, huyện của Trung Quốc thì đã có lượng dân số, quy mô kinh tế không thua kém các quốc gia khác.

Giáo sư Sun có cách tiếp cận gần giống với giáo sư Gong, nhưng lại pha chút yếu tố địa lý.

Theo ý Sun, nên phân loại ra hai kiểu tham nhũng và hối lộ tại Trung Quốc, gồm tham nhũng giao dịch (transactive corruption) và tham nhũng phi giao dịch (non-transactive corruption). [18]

Trong đó, tham nhũng phi giao dịch là những tham nhũng cá nhân và gây hại cho phát triển kinh tế địa phương (ví dụ như mãi lộ, tiền bảo kê cho các cửa hàng mua bán, chi phí bôi trơn giấy phép, v.v.). Những hành vi tham nhũng này không có tính giao dịch, vì nó chỉ là lạm quyền.

Ngược lại, tham nhũng giao dịch là tham nhũng cá nhân nhưng có thể tạo ra cơ hội kinh doanh mới, tham gia ngành mới, tạo điều kiện chung cho xã hội phát triển.

Một số biểu hiện cơ bản của tham nhũng giao dịch có thể kể đến như nhận hối lộ từ các ngành dịch vụ công nghiệp, sáng kiến công nghệ mới chưa được quy định hay cấp phép trong luật, từ đó tạo khoảng trống cho hoạt động của doanh nghiệp. Hoặc nhận hối lộ để vận động cho việc luật hóa và cải thiện yêu cầu kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất, công nghệ. Hoặc tại Trung Quốc, vấn đề tham nhũng liên quan đến sở hữu trí tuệ thật ra tạo động lực sản xuất khá tốt cho các doanh nghiệp tại đây.

Một điểm nhấn quan trọng trong nghiên cứu của Sun là bà cho rằng các dạng tham nhũng không giao dịch xuất hiện nhiều ở các khu vực hẻo lánh, nông thôn, nơi tự thân đã ít thu hút đầu tư vốn và nhân lực.

Trong khi đó, tại các thành thị mới phất, tham nhũng giao dịch lại thống trị, từ đó tạo ra một liên minh khăng khít giữa các thương chủ, giới lập nghiệp và các quan chức đô thành có tư tưởng ủng hộ phát triển kinh tế (pro-growth).

***

Những ghi nhận trên, dù có vẻ dài, chỉ là một số điểm nhấn khởi đầu cho một ngành nghiên cứu mênh mông nhưng rất có tiềm năng và đặc biệt quan trọng cho việc hoàn thiện thể chế Việt Nam trong tương lai.

Sự khác lạ của hiện tượng tham nhũng tại Trung Quốc, so sánh với mô hình tham nhũng thịnh vượng hóa của nhiều quốc gia châu Á khác, cùng với sự thất bại của nhiều quốc gia cộng hòa Liên Xô cũ, cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh hơn về hiện tượng tham nhũng và những định hướng phân tích định tính lẫn định lượng về chúng.

Chúng ta cũng có thể thấy được sự tương đồng nhất định của Việt Nam với Trung Quốc và các quốc gia Đông Âu. Hiểu biết lý luận và thực tiễn của hiện tượng tham nhũng trên thế giới chắc chắn có thể giúp Việt Nam tìm ra những lời giải của mình trong tương lai, có hoặc không có sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

N.V.L.

Nguồn: luatkhoa.com

This entry was posted in tham nhũng, Trung Quốc. Bookmark the permalink.