Nguyễn Đình Đăng
Bertrand Russell (1872 – 1970) – mà ngày 18/5 này sẽ là kỷ niệm 150 năm ngày sinh – là triết gia, nhà logic học, toán học và phê bình xã hội người Anh, đoạt giải Nobel văn học năm 1950 vì các bài viết đề cao các lý tưởng nhân văn và tự do tư tưởng.
Ông từng lên án chế độ toàn trị của Stalin cũng như lên án Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, và là người thẳng thừng ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân. Năm 1966, cùng với Jean-Paul Sartre và một số người khác, ông đã lập Tòa án Tội ác Chiến tranh tại Stockholm để điều tra chính sách và sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Việt Nam.
Hai cuốn sách “Tự do là gì?” (What is Freedom?) (1952) và “Dân chủ là gì?” (What is Democracy?) của Bertrand Russell đã được NXB Batchworth Press xuất bản trong ấn bản đầu tiên. Trong ấn bản của NXB Fact and Fiction năm 1961, Russell có sửa một số đoạn.
Những đoạn sửa này, được dịch dưới đây, cho thấy những nhận định của ông về nước Nga Xô Viet thời Stalin và tình hình thế giới trong thời kỳ đầu của chiến tranh lạnh có nhiều tương đồng với bối cảnh nước Nga dưới chế độ của Putin cũng như cuộc xâm lược do Putin khởi xướng chống Ukraine hiện nay.
Về tự do:
– Tôi không nghĩ rằng trong quá khứ lịch sử lại có một nơi nào ít tự do hơn ở nước Nga của Stalin hiện nay.
– Về tự do mà nói, nước Nga Xô Viết chắc chắn còn tệ hơn thậm chí cả nước Đức Quốc xã. Đức Quốc xã còn cho phép đi ra nước ngoài, và cũng cho phép người ngoại quốc đi lại trong nước Đức nếu không có phản đối đặc biệt nào chống lại họ. Còn nhà nước Nga không cho một người Nga nào thoát ra, thậm chí kể cả vợ của người ngoại quốc. Người ngoại quốc chỉ được vào Nga nếu người Nga coi họ là vô hại hoặc cả tin, và chỉ được phép nhìn thấy những gì nhà nước Xô Viết cho là tốt đối với họ.
– Việc kiểm soát mọi hình thức công bố độc đoán tới mức những niềm tin kỳ cục nhất về phương Tây trở thành hầu như phổ quát. Nếu bạn nói cho một người dân ở Moscow rằng các thành phố ở phương Tây có đường tàu điện ngầm thì y sẽ phẫn nộ hoặc thương hại nhìn bạn tùy theo y nghĩ bạn đang định lừa y hoặc chính bạn bị lừa.
– Phần trăm của sự khác nhau giữa người giàu và người nghèo ở nước Nga hiện đại lớn hơn ở bất cứ một nước văn minh nào.
– Tôi sẽ chống lại, hầu như bằng bất kỳ giá nào, sự khuếch trương chính thể độc tài chuyên chế Xô Viết sang thế giới phương Tây; và chừng nào mối đe dọa đó còn treo lơ lửng trên đầu chúng ta, tự do phải có các giới hạn rất rõ ràng.
– Mọi sự khác biệt của ứng xử trong cuộc sống riêng tư và trong các quan hệ quốc tế rất liên quan tới chủ đề về tự do, bởi lẽ những sự can thiệp nghiêm trọng nhất vào tự do trong thế giới hiện đại được biện minh bởi sự sợ hãi chiến tranh, và nguy cơ chiến tranh chủ yếu là do chủ nghĩa dân tộc.
– Chừng nào còn một cường quốc thấm đẫm tinh thần xâm lược đế quốc chủ nghĩa thì còn phải có sự thù địch tự vệ đối với cường quốc đó nhằm bảo vệ tự do quốc gia. Song để gìn giữ tự do quốc gia trong các tình huống như vậy, tự do cá nhân tất yếu chịu tổn thất.
– Cái mà phương Tây ủng hộ về cơ bản là niềm tin rằng nhà nước tồn tại vì các cá nhân, chứ không phải các cá nhân vì nhà nước. Chính nguyên tắc này đang bị đe dọa. Tôi không thể hình dung điều gì quan trọng hơn đối với tương lai của loài người.
Về dân chủ:
– Phải nói rằng cách dùng từ dân chủ của nước Nga hiện nay là cực kỳ vô liêm sỉ, chệch xa khỏi cách hiểu trước kia.
– Sự khủng bố dĩ nhiên lấn át ở nước Nga hiện đại. Ở nước Nga Sa hoàng trước đây, những tín đồ Ly giáo ít nhiều bị hành quyết cho tới khi cách mạng xảy ra. Kể từ khi cách mạng nổ ra, bất kỳ mọi sự sai lệch nào khỏi chính thống cộng sản, dù nhỏ đến mấy, đều khiến người mắc sai lệch phải trả giá bằng cái chết hoặc bị tra tấn.
– Có nhiều động cơ khiến Nhà nước Xô Viết trở thành nguồn của sự hiểm nguy đối với các nước phương Tây. Đầu tiên đó là một thứ tín ngưỡng được cho là cần phải quảng bá. Kế đến là khả năng đạt được vinh quang. Và có lẽ mạnh hơn cả là khát vọng tuyệt đối giành quyền lực.
– Nếu một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba bùng nổ, lạy Chúa, rõ ràng sự cừu địch và hung hăng trong chính sách của Nga kể từ năm 1945 sẽ là nguyên nhân chính, bất kể tia lửa cuối cùng nào khơi mào sự bùng nổ.
– Song hầu như nước nào cũng khao khát chiến thắng hơn là hòa bình. Thói xấu xa đó không có thuốc chữa chừng nào sự căng thẳng Đông – Tây còn tiếp diễn, song có lẽ chúng ta có thể hy vọng – cho dù hiện nay hy vọng là không tưởng – rằng một ngày nào đó trong tương lai các quốc gia sẽ đồng ý kiềm chế lên lớp nhau về niềm tin vào sự đồi bại của nhau.
– Vì thế, mặc dù không ai phủ nhận các nước phương Tây có thể bị buộc phải tham chiến, một người lành mạnh có thể cảm thấy cuộc chiến tranh đó, thậm chí một cuộc chiến thắng lợi (Bom khinh khí đã khiến không thể có một cuộc chiến thắng lợi.)
– Người Nga được để ngỏ cửa gây chiến với chúng ta, nếu họ quyết định như vậy, và nếu vậy, chúng ta phải chấp nhận thách thức bằng mọi giá, song chúng ta sẽ không khôn ngoan nếu, hiểu rõ sự xấu xa của hệ thống Cộng sản, chúng ta lại đi ủng hộ một cuộc chiến tranh.
Nguyễn Đình Đăng dịch từ Stephen Hayhurst, Russell’s Anti-Communist Rhetoric Before and After Stalin’s Death, The Journal of the Bertrand Russell’s Archives (McMaster University Library Press) n.s. 11 (Summer 1991) pp 67 – 82.
Nguồn: FB Nguyễn Đình Đăng