Hỏi chuyện đạo diễn Phạm Việt Tùng…

Mạc Văn Trang

Đến thăm Đạo diễn phim Tài liệu lừng danh Trần Văn Thuỷ (xin kể sau), duyên may lại gặp Đạo diễn nổi tiếng Phạm Việt Tùng.

Chuyện ông làm phim “Hà Nội – Điện Biên Phủ” hay phim “Người lính xe tăng 390 ngày ấy” tôi đã được xem rồi. Nhưng thích thú và tò mò nhất là bộ phim “Chuyện thật 30/4/1975″ mới ra mắt (4/2021). Ông kể nhiều lắm, rành rẽ mọi chuyện. Tôi nghe chăm chú và chỉ hỏi ông hai câu:

- Ông Phạm Xuân Thệ đã nhận lỗi và xin lỗi ông Bùi Văn Tùng chưa?

Ông lắc đầu, cười – một nụ cười vừa cay đắng, chua chát, vừa thất vọng, chán chường… không thể tả hết!

- Khi Quân uỷ Trung ương ra Quyết định về “sự thật khách quan” việc soạn Văn bản đầu hàng để Tổng thống VNCH Dương Văn Minh đọc, hôm 30/4/1975, họ có tham khảo ý kiến của anh không?

Ông lại lắc đầu ngao ngán…

Tôi định viết lại những điều Đạo diễn Phạm Việt Tùng kể, vì nghĩ rằng: Nếu coi văn bản của Quân Uỷ Trung Ương là “chính sử” do các “Sử quân” viết ra thì xưa nay vẫn có những câu chuyện “dã sử”, “Tiểu thuyết lịch sử”, “phim Lịch sử” và những phán xét của dân gian lưu truyền đến hậu thế, khác với “chính sử”.

Nhưng may quá, đọc bài nhà báo Nhật Lệ phỏng vấn Đạo diễn Phạm Việt Tùng về “Sự thật ngày 30/4/1975”… quá hay và đầy đủ, nên xin phép trích mấy đoạn.

… “Cách đây 51 năm, đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng từng quay được những thước phim tư liệu vô giá. Bộ phim “Hà Nội – Điện Biên Phủ” của ông có cảnh máy bay B52 bốc cháy trên bầu trời Hà Nội, hay phim “Người lính xe tăng 390 ngày ấy” đấu tranh cho 4 người lính trên chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập (thay vì là xe tăng 843 như ban đầu ngộ nhận).

“Gần đây nhất, bộ phim “Chuyện thật 30/4/1975″ vừa ra mắt (4/2021) khẳng định Trung tá Bùi Văn Tùng mới chính là người thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh… tiếp tục gây chấn động trên cộng đồng mạng”.

“Xin ông nói thêm về nữ nhà báo Pháp từng chụp bức ảnh xe tăng 390 tiến vào Dinh Độc Lập và cơ duyên ông gặp được bà?

- “Ngày đó, sau 20 năm giải phóng miền Nam, có một nhân viên Bộ Ngoại giao đến phòng tranh của bà Francoise de Mulder ở Pháp. Tại đây, ông nhìn thấy bức ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, không giống hình của ta. Lúc đó, theo như bà biết chưa có người Việt Nam nào quay lại được những hình ảnh đầu tiên ấy…

Khi được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm mời đến Việt Nam, bà đã xin tặng lại bức ảnh với điều kiện cho bà gặp 4 anh hùng xe tăng giữa đời thường. Lúc bà sang, nhiều sự thật dần được phơi bày… Khi gặp được bà, chúng tôi tìm ra 4 người lính xe tăng năm nào và trả lại đúng giá trị lịch sử của chiếc xe tăng 390 đã tiến vào Dinh Độc Lập đầu tiên nhưng bị người khác tranh công”…

“Tôi sợ rằng nếu không xác định chính xác thì thế hệ chúng tôi – những nhân chứng sẽ già và chết đi, thế hệ trẻ sẽ không biết gì nữa. Dân tộc mình vốn anh hùng và cuộc sống bây giờ khác ngày xưa nhiều lắm. Nếu không nói, các cháu lại không hiểu hết những góc khuất lịch sử. Mà mang thế giới quan ngày hôm nay để soi rọi vấn đề hôm qua lại càng không đúng”.

“Vì thế, tôi muốn nhắc nhở mọi người về những sự thật lịch sử không được phép lãng quên. Nhưng mỗi ngày 30/4, có đồng chí nọ lại chạy đi khắp nơi thanh minh và nhận vơ là người cắm cờ hay soạn văn bản đầu hàng thì tôi không đồng ý. Tôi chỉ muốn người đã trót nhận vơ đó xin lỗi ông Bùi Văn Tùng. Vì đến với đạo Phật nên tôi không chủ trương hạ bệ một ai. Riêng trong quá trình tiếp xúc và làm phim, ông Bùi Văn Tùng chỉ nói một kiểu. Ông không bao giờ nói sai”…

“Nếu tôi không đeo đuổi thì còn ai hiểu vấn đề này như chúng tôi? Tiếng nói của ông Dương Văn Minh thời đó không ai ghi âm lại được, chỉ duy nhất Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã kịp thu vào băng cassette, tôi thuyết phục ông cho tôi làm bằng chứng so sánh với bản chép tay của cả ông Bùi Văn Tùng và ông Phạm Xuân Thệ. Kết quả là ông Thệ đã nhận vơ, còn ông Tùng thì có nói lại với cấp trên nhưng không hiểu sao không ai chịu nghe nữa”.

“Trong những lần phỏng vấn nhân vật liên quan, từ ông Bùi Quang Thận đến ông Phạm Xuân Thệ, tôi phát hiện ra họ nói không giống nhau, mỗi lần mỗi khác, chứng tỏ họ nói dối”.

“Khi chiếu phim, nhiều người thích thú, cũng nhiều người phản ứng. Nhưng tôi chỉ mong những nhân vật liên quan phản hồi với tôi là đủ. Đến nay chưa thấy ai lên tiếng cả, dù trong các hội thảo, họ cũng từng nêu ngược lại vấn đề”…

“Tôi chỉ muốn ông Phạm Xuân Thệ xin lỗi ông Bùi Văn Tùng”.

“Và xem xong phim, muốn người xem suy ngẫm, vì con cháu của những người nói dối sẽ phải đối diện với ngàn năm bia miệng. Tôi muốn con cháu tôi biết được một sự thật không thể nói khác”…

https://danviet.vn/dao-dien-nsut-pham-viet-tung-co-nhung…

***

M.V.T.

25/4/2022

Tác giả gửi BVN

Mạc Van Trang

This entry was posted in 30-04-1975. Bookmark the permalink.