Phạm Xuân Thệ, người bắt sống và ra lệnh Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ

Trước khi đăng bài này Bauxite Việt Nam đã gửi đến ông CHHV lá thư của BBT và nhận được thư trả lời. Xin đăng cả hai thư lên đây để bạn đọc hiểu rõ chính kiến của mỗi bên về vấn đề Phạm Xuân Thệ hay Bùi Văn Tùng người nào mới đóng vai trò chính trong việc đầu hàng của tướng DVM.

Ngày 29-4-2022

Bạn CHHV thân mến,

Cám ơn bạn đã gửi bài cho BVN về một vấn đề đang tranh cãi.

Bài của bạn có ý mới là đề xuất dùng cụm từ “bắt sống” TT DVM thay cho cụm từ “bắt giữ” đang dùng. Nhưng chúng tôi nghĩ, việc dùng từ gì chưa quan trọng bằng việc cố gắng tìm ra sự thật lịch sử cho con cháu chúng ta sau này.

Về cơ bản các tài liệu đều thống nhất (1) ô Thệ là người gặp ô Minh đầu tiên, là người đã Bắt giữ/bắt sống ô Minh; (2) ô Tùng là người thảo văn bản chấp nhận lời đầu hàng.

Chỉ còn tranh cãi ai là người chấp bút cho văn bản đầu hàng.

Bài của bạn đi đến kết luận giống kết luận công bố gần đây của ĐCS rằng ô Thệ và ô Tùng là đồng tác giả.

Theo chúng tôi, một vấn đề đang tranh cãi ai cũng có thể đưa ra các lập luận của mình dựa vào các thông tin có được/sưu tập được. Tuy nhiên bài của bạn có phần chưa chặt chẽ ở điểm:

Bạn chỉ tham khảo các thông tin chính thống của VN, chưa sử dụng các thông tin của đài báo ngoài nước.

- Nếu dùng thông tin ngoài nước, ví dụ: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52411039, hay Hoa Xuyên Tuyết (Bùi Tín, p 37) thì sẽ thấy rằng Gallasch không phải là nhà báo ngoại quốc duy nhất có mặt ở Dinh Độc Lập lúc đó như bạn viết. Và các tài liệu cũng cho thấy ô Tùng có mặt ở Dinh ĐL và cùng ô Minh, ô Thệ… đến Đài phát thanh chứ không phải ô Thệ đưa ô Minh đến Đài phát thanh rồi ô Tùng mới đến như kết luận của ĐCS.

- Nhiều tài liệu VN trước đây, cũng như tài liệu nước ngoài cho thấy ô Bùi Tín cũng có mặt ở Dinh Độc Lập lúc đó, nhưng tất cả đã được CQ VN xoá bỏ sau khi BT lưu vong. Và theo đó, câu nói “các ông không có gì để bàn giao” là câu nói của BT.

Vì những lý do trên đây, anh chị em BBT thống nhất với nhau hãy hoãn bài này lại để bạn cân nhắc cho kỹ lưỡng đã rôi đăng sau.

Có gì mong bạn cho biết ý kién.

Thân ái,

On Fri, Apr 29, 2022 at 10:29 AM Liberty johnson CHHV wrote:

Các anh chị thân mến,

Tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu, đã đánh giá kỹ quan điểm của các bên, kể cả của Thường vụ quân ủy Trung ương Việt Nam nên mới ra được bài viết dày dặn như thế.

Vậy xin Ban biên tập Bauxite Việt Nam cứ đăng bài này của tôi.

Nếu có người phản biện bài viết thì càng tốt, càng đúng tiêu chí Tự do ngôn luận, Quan điểm đa chiều, Khai dân trí mà vì nó anh em chúng ta đã chấp nhận nhiều hy sinh, mất mát để đấu tranh vì nó.

Thân mến,

Hà Vũ

Cách nay 47 năm, vào trưa ngày 30/4/1975, Chiến tranh Việt Nam, mà nội chiến giữa những người Việt là một phần quan trọng, đã kết thúc, giang sơn được thu về một mối. Điều này xảy ra khi lá cờ chiến thắng được các chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), được biết dưới tên “Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam”, cắm lên nóc Dinh Độc lập và Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH), Đại tướng Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh theo một bản viết bởi các chiến binh cộng sản ấy.

Xe tăng T-59 mang số hiệu “390” Lữ đoàn 203 QĐNDVN húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập

Một “nội chiến” khác

Thế nhưng, đã có một “nội chiến” khác ngay sau đó, lần này giữa những người chiến thắng. Đó là cuộc tranh công việc soạn và viết ra Tuyên bố đầu hàng. Một bên là Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203, đơn vị cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc lập. Bên kia là Đại úy Phạm Xuân Thệ, phó chỉ huy trung đoàn bộ binh 66, người đã cùng các chiến sĩ của mình bắt Tổng thống Minh và nội các VNCH làm tù binh tại Dinh Độc lập và sau đó áp giải người đứng đầu chính quyền VNCH ra Đài phát thanh Sài Gòn để đọc Tuyên bố đầu hàng. Cả hai đơn vị đều thuộc lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 QĐNDVN có nhiệm vụ đánh chiếm cơ quan đầu não của chính quyền VNCH.

Toàn văn Tuyên bố đầu hàng như sau:

“Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”.

Sau ngày Việt Nam thống nhất, ông Tùng luôn xuất hiện với tư cách người đã soạn và viết ra Tuyên bố đầu hàng cũng như người đã thay mặt Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống VNCH.

“Nội chiến” bùng nổ vào năm 1985 khi ông Thệ bắt đầu lên tiếng khẳng định chính ông cùng các chiến sĩ của mình đã soạn ra và ông là người chấp bút văn kiện đầu hàng này. Ngay lập tức, nó được mở rộng với sự làm chứng của các đồng đội ngày ấy của hai ông, tất cả đều hùng hồn. Sự nhập cuộc của nhiều cơ quan quân đội và báo chí, như Viện Lịch sử Quân sự, tạp chí Xưa & Nay thuộc Hội Khoa học Lịch sử VN, càng làm nó thêm gay gắt. Cho đến nay vẫn là không “ai thắng ai”. Thành thử, Thường vụ Quân ủy Trung ương, cơ quan tối cao của quân đội, cũng là cơ quan quyền lực bậc nhất của Đảng cộng sản (ĐCSVN) và Nhà nước Việt Nam (1), đã phải vào cuộc. Ngày 14/3 vừa qua, cơ quan này đã ra Kết luận số 974-KL/QƯTW nhằm chấm dứt “nội chiến” này.

Kết luận viết:

“Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn; tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh”.

Kết luận trên của Thường vụ Quân ủy Trung ương, theo tôi, vẫn chưa thể là một “phán quyết”, tức có tác dụng dứt điểm vụ việc, vì chưa giải quyết đúng trọng tâm. Kết luận mới chỉ đề cập đến quá trình soạn thảo Tuyên bố đầu hàng mà không làm rõ ai là người chấp bút, vốn được coi là tâm điểm của “nội chiến”.

Không chỉ thế, tôi cho rằng điều quan trọng hơn cả là xác định ai là người đã ra lệnh cho Tổng thống VNCH tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và thực hiện việc này trên đài phát thanh. Thực vậy, không có hành động quyết đoán này thì sẽ không có chuyện soạn thảo Tuyên bố đầu hàng, văn kiện quan trọng bậc nhất này của Chiến tranh Việt Nam, để rồi tranh công. Và không chỉ vậy, không có hành động quyết đoán này máu người Việt sẽ còn đổ, thậm chí rất nhiều, cho dù chính thể VNCH đã chính thức chấm dứt tồn tại vào thời điểm đó.

Vả lại, xác định được người đã ra lệnh Tổng thống Minh tuyên bố đầu hàng tất xác định được người soạn Tuyên bố đầu hàng.

Thực vậy, không thể có chuyện người ra lệnh này lại để mặc Tổng thống Minh muốn nói gì thì nói. Nói cách khác, người đứng đầu chính quyền chiến bại chỉ được nói những gì người chiến thắng muốn. Và để bảo đảm Tuyên bố đầu hàng thể hiện tuyệt đối ý chí của người ra lệnh thì người ra lệnh phải trực tiếp soạn Tuyên bố đầu hàng, bất luận một mình hay cùng đồng đội.

Tầm quan trọng của Tuyên bố đầu hàng

Ngày 8/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn – Gia Định của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ chỉ huy 5 cánh quân gồm 20 sư đoàn đánh thẳng vào đầu não chính quyền VNCH. Ngày 14/4, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (nay là ĐCSVN) cho đổi tên chiến dịch thành “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Trước sức tấn công mãnh liệt của quân đội cộng sản, lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/4 người đứng đầu chính quyền VNCH đưa ra một tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn. Toàn văn như sau:

“Tôi, Tổng thống Dương Văn Minh. Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sanh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng, và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng vì chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào”.

Tiếp sau tuyên bố ngừng bắn của Tổng thống Minh, đài phát thanh phát đi Nhật lệnh của Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá tổng tham mưu trưởng quân lực VNCH:

“Tôi, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá tổng tham mưu trưởng, thay mặt trung tướng Vĩnh Lộc (tổng tham mưu trưởng, vắng mặt), yêu cầu tất cả quí vị tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về ngưng bắn. Các cấp chỉ huy Quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để thực hiện ngưng bắn một cách không đổ máu”.

Lúc 9 giờ 35 phút cùng ngày, ngay sau khi nghe tuyên bố ngừng bắn của Tổng thống Minh, Chính ủy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã ra một mệnh lệnh hỏa tốc sau đây đến các mũi tiến công:

Địch đang dao động tan rã, các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh, chiếm các mục tiêu đúng qui định. Hội quân tại Dinh Độc Lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao, chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng! Chính ủy chiến dịch: Phạm Hùng”.

Như vậy, nếu hiểu một cách đơn giản, các chiến binh cộng sản chỉ cần bắt cơ quan đầu não chính quyền VNCH đầu hàng vô điều kiện, đồng nhất chấp nhận chấm dứt tồn tại, là “mission accomplie” (nhiệm vụ hoàn thành, tiếng Pháp), là thi hành xong mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng chỉ khi nào chính quyền trung ương của đối phương tuyên bố đầu hàng và tuyên bố này được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sự kháng cự của binh sĩ dưới quyền họ, một sự kháng cự có thể lật ngược thế cờ, mới chấm dứt hẳn.

Thực tế cho thấy có một số đơn vị quân lực VNCH đã không tuân mệnh lệnh “ngưng nổ súng để bàn giao chính quyền” của Tổng thống Dương Văn Minh.

Đến ngày 30/4/1975, trong khi phần lớn các tướng lĩnh của quân lực VNCH đã di tản ra nước ngoài thì Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam và Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh và phó Tư lệnh Quân đoàn IV tính chuyện tiếp tục chống cự trong trường hợp Sài Gòn thất thủ. Hai tướng này hy vọng với ba sư đoàn Bộ binh, số 7, số 9 và số 21, còn tương đối nguyên vẹn trong tay cùng hàng chục nghìn địa phương quân và phòng vệ dân sự, cộng với tàn quân từ các quân khu đã thất thủ rút về, họ có thể lập được một tuyến phòng thủ mới ở đồng bằng sông Cửu Long. Với kế hoạch này, họ hy vọng sẽ vận động được Hoa Kỳ và đồng minh trở lại tham chiến và như vậy có cơ may cứu vãn được VNCH, như cách quân đội Hàn Quốc đã thành công với tuyến phòng thủ Pusan trong Chiến tranh Triều Tiên, nhờ đó Hàn Quốc thoát khỏi bị xóa sổ (2) .Điều này giải thích vì sao hai Tướng Khoa và Hưng đã từ chối lời mời của Tướng Nguyễn Hữu Hạnh để hợp tác với Tổng thống Minh nhằm bàn giao chính quyền trong trật tự cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sự chống đối lệnh ngưng bắn còn diễn ra trực tiếp với chính Tổng thống Minh và ngay tại Dinh Độc Lập. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhớ lại:

“Điện thoại tại phòng làm việc của chánh văn phòng tổng thống reng. Thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Lôi Hổ phụ trách phòng thủ Bộ tổng tham mưu xin gặp tôi. Anh hỏi: “Chuẩn tướng bảo chúng tôi buông súng làm sao? Tôi không đầu hàng đâu. Tôi đã bắn cháy 3 xe tăng“. Tôi giải thích và khuyên: “Thiếu tá không nên để máu đổ ở giờ thứ 25“. Anh ta yêu cầu tôi cho nói chuyện với tổng thống, tôi mời ông Minh đến nói chuyện. Câu chuyện chưa xong thì ở cổng trước, xe tăng đã vào Dinh Độc Lập. Ông Minh nói: “Quân giải phóng đã vào tới dinh rồi. Thôi. Cúp.” (3).

Hành động bất tuân lệnh này của viên chỉ huy tiểu đoàn Lôi Hổ hẳn gợi lại phản ứng quyết liệt của một bộ phận quân phiệt Nhật trước tin bộ chỉ huy tối cao của họ sẽ đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện.

Mặc dù Hội đồng Chiến tranh Nhật, trước sự thúc giục của Hoàng đế Hirohito, đã đệ trình một tuyên bố đầu hàng chính thức lên quân Đồng minh thông qua các đại sứ của nước phát xít này vào ngày 10/8/1945, quân Nhật vẫn tiếp tục giao tranh dữ dội với Liên Xô ở Mãn Châu, với Mỹ ở Nam Thái Bình Dương. Chỉ hai ngày sau đó, quân Nhật đã đánh chìm một tàu đổ bộ và một tàu khu trục của Mỹ.

Sự kháng cự này diễn ra ngay cả sau khi đài phát thanh Nhật thông báo vào sáng 14/8 rằng Hoàng đế Hirohito sẽ sớm đọc một tuyên bố chấp nhận đầu hàng vô điều kiện theo yêu cầu của Liên Xô, Anh và Mỹ tại Tuyên bố Potsdam. Đêm hôm đó, hơn 1000 binh sĩ Nhật dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Hatanaka, người trước đó đã liên lạc với Tướng Anami, thành viên Hội đồng Chiến tranh Nhật kiên quyết chống lại việc đầu hàng, đã xông vào Hoàng cung nhằm lấy đi băng ghi âm tuyên bố đầu hàng của Nhật Hoàng. Kết cục là những kẻ tấn công đã bị lực lượng trung thành với Hoàng đế Hirohito đẩy lùi. Ngay sau đó, Thiếu tá Hatanaka và Tướng Anami đã tự sát.

Tóm lại, để binh sĩ quân lực VNCH nhanh chóng ngừng kháng cự và hạ vũ khí thì Tổng thống Dương Văn Minh nhất thiết phải tuyên bố đầu hàng và tuyên bố này nhất thiết phải được phát sóng.

Thực tế cho thấy ngay sau khi người đứng đầu chính quyền VNCH tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, nhiều sĩ quan cao cấp thuộc bộ chỉ huy Quân đoàn 4 đã bỏ chạy, khiến đạo quân còn nguyên vẹn này của quân lực VNCH tan rã trong chốc lát. Tuyệt vọng, Tướng Nam và Tướng Hưng đã dùng súng tự sát.

Bắt sống Tổng thống và nội các VNCH

Trước khi đi vào giải quyết vấn đề ai là người đã ra lệnh Tổng thống VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tôi thấy cần định danh cho đúng hành động của các chiến binh QĐNDVN khi họ biến những chủ nhân của Dinh Độc lập thành tù binh vào sáng ngày 30/4/1975.

Ngày 7/5/1954, Tướng Pháp De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cùng bộ tham mưu của mình đã phải giơ hai tay lên trời trước tiếng quát “Haut les mains!” (giơ tay lên, tiếng Pháp) từ tổ xung kích Việt Minh do Tạ Quốc Luật chỉ huy. “Bắt sống Tướng De Castries” từ đó trở thành một cụm từ quen thuộc trong sách báo ở Việt Nam.

Thế nhưng từ một thời gian nay báo chí Việt Nam không dùng từ “bắt sống” để mô tả hành động nói trên của các chiến binh QĐNDVN, mà thay vào đó, dùng từ “bắt giữ”. Có thể động cơ của việc này là tranh thủ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ, mà đa phần là nạn nhân hoặc con cháu nạn nhân của “tập trung cải tạo”, một chính sách đối xử khắc nghiệt nhằm vào bên chiến bại được bên chiến thắng định ra ngay sau khi cuộc chiến 30 năm kết thúc. Mặc dầu vậy, theo tôi, “bắt giữ” dùng trong trường hợp này là không thích hợp.

“Bắt giữ” là một biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người có hành vi hoặc dấu hiệu phạm tội và không trong trạng thái chống trả vũ trang lực lượng thực thi pháp luật. Tóm lại, đó là một khái niệm của pháp luật hình sự. Còn “bắt sống” là vô hiệu hóa đối thủ trong một xung đột vũ trang, bất luận quy mô. Ví dụ: “bắt giữ đối tượng buôn bán ma túy”, “bắt sống tướng cướp”, “bắt sống quân địch”. Biểu hiện rõ nhất của “bắt sống” là buộc đối thủ đầu hàng bằng cách giơ hai tay lên trời. Trên thực tế, Tổng thống Minh và nội các VNCH đã giơ hai tay đầu hàng theo đúng nghĩa đen của từ này.

Trong hồi ký của mình, Lý Quý Chung, Bộ trưởng Thông tin trong nội các của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, đồng thời là một cảm tình viên cộng sản, viết về trải nghiệm của ông vào thời khắc ấy như sau:

“Chúng tôi vừa bước ra hành lang để đi đến đại sảnh thì ở đầu kia thấy có nhiều bộ đội cầm súng và hô to: “Mọi người giơ tay lên!”. Ông Minh, ông Mẫu và tôi cùng mọi người đi phía sau đều nhất loạt giơ tay. Ra đến đại sảnh, tôi thấy có nhiều người mặc thường phục cũng có mặt lẫn với bộ đội. Tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc, đã từng hoạt động báo chí hoặc trong các phong trào đấu tranh học sinh sinh viên. Tôi nhớ hình như có các anh Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), Triệu Bình, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá Thành, Huỳnh Văn Tòng, v.v. Ai đó, tôi không nhớ rõ, chạy đến ôm tôi nâng lên khỏi mặt đất và nói to trong sự mừng rỡ tột cùng: “Mình thắng rồi!”, trong lúc hai tay tôi vẫn giơ cao trong tư thế của người đầu hàng” (4).

Do đó, cần gọi sự vật đúng với tên của nó: Tổng thống và nội các VNCH bị bắt sống.

Đại úy Phạm Xuân Thệ (bìa phải) tay cầm súng ngắn, áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Trở lại vấn đề ai là người đã ra lệnh Tổng thống Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, để xác định được người này, không thể không xác định ai là người đã bắt sống Tổng thống Minh cùng nội các VNCH. Thực vậy, hai hành động quân sự này, bắt sống và buộc người đứng đầu chính quyền VNCH tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đi đôi với nhau, hay “hai trong một”, để thực hiện một nhiệm vụ tối cao: chấm dứt nhanh nhất có thể sự kháng cự của binh sĩ quân lực VNCH.

Trình bày của “người trong cuộc”, mà ở đây là các ông Bùi Văn Tùng và Phạm Xuân Thệ, cũng như các chứng cứ liên quan khác sẽ là căn cứ giải quyết vấn đề nêu trên.

Ông Tùng kể:

“Tôi và ông Minh ngồi trên chiếc ghế dài trong phòng khách (Đài phát thanh Sài Gòn – tác giả). Ông Minh ngồi im lặng, mắt lim dim. Tôi cũng rất mệt do nhiều đêm mất ngủ, ngồi yên là mắt díu lại và giấc ngủ khó cưỡng lại được. Một chuỗi suy nghĩ ập đến: khi tôi và anh Tài (lữ trưởng) bước lên tiền sảnh thì Phạm Duy Đô từ trong tòa nhà chạy ra báo cáo: cả nội các lẫn tổng thống đều có bên trong mời các thủ trưởng vào giải quyết. (Đô là đại đội trưởng đặc công đã hoàn thành giữ cầu xa lộ sông Đồng Nai).

Khi chúng tôi bước vào, ông Minh đứng dậy và nói: Chúng tôi đang chờ các ông vào để bàn giao. Một phản ứng tự nhiên tôi đáp: Các ông còn gì để mà giao, chỉ có đầu hàng không điều kiện. Sau đó, tôi quay sang ông Minh và nói: Anh tuyên bố đầu hàng là phải nói theo những điều kiện của chúng tôi. Ông Minh đáp: Ông muốn những điều kiện nào xin ghi cho. Sẵn tập pơ-luya xanh nhạt trên bàn, tôi lấy một tờ và rút bút ra. Chỉ hơn một phút là tôi đã thảo xong. Ông Minh vừa xem vừa suy nghĩ, cuối cùng ông đề nghị bỏ hai chữ “tổng thống”. Qua tranh luận, ông phải chấp thuận giữ nguyên. Tôi nói đây là bản thảo của tôi, còn lời tuyên bố đầu hàng thì phải tự tay ông chép lại” (5).

Chính ủy Bùi Văn Tùng đi bên Tổng thống Dương Văn Minh từ sân Dinh Độc Lập ra xe jeep để đến Đài phát thanh Sài Gòn.

Về phần mình, ông Thệ kể:

“Khi cách Dinh Độc Lập khoảng 100 m, tôi thấy một chiếc tăng lao đến cổng Dinh rồi dừng lại do bị kẹt, thấy vậy chiếc tăng đi phía sau gầm rú, lao lên húc đổ cổng Dinh lao vào sân, xe tôi cùng đoàn quân giải phóng ào ào lao vào trong khu vực khuôn viên Dinh Độc Lập rộng khoảng vài nghìn mét.

Vào đến sân, tôi cùng các đồng chí trên xe ô tô cầm cờ lao xuống xông vào trong Dinh và hỏi đường lên nóc Dinh để cắm cờ, thì được biết đồng chí Bùi Quang Thận đã cắm cờ trên nóc Dinh rồi. Và khi tôi lên đến cầu thang thì gặp một người đàn ông mặc bộ quần áo màu xám, cộc tay giới thiệu là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh đón, mời tôi vào phòng Tổng thống đang chờ sẵn. Sau đó tôi ra lệnh cho mọi người trật tự để làm việc.

Đại úy Phạm Xuân Thệ và Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Vào trong phòng họp, ông Hạnh giới thiệu có Tổng thống Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu Thủ tướng Việt Nam cộng hòa cùng vài người tùy tùng. Ông Hạnh vừa giới thiệu xong thì Tổng thống Dương Văn Minh nói với tôi: “Chúng tôi đã biết quân giải phóng tiến vào nội đô và đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao”. Sau khi nghe Dương Văn Minh nói như vậy, theo phản xạ của người chỉ huy tôi nói: Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không bàn giao gì cả”. Tôi nói xong câu đó, thì Dương Văn Minh và tùy tùng lùi lại và ngồi im ở ghế trong phòng họp” (6).

Vẫn theo lời kể của ông Thệ, ông yêu cầu Tổng thống Minh ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Ông Minh sợ, không dám ra ngoài, nên ông Thệ bảo, “Quân giải phóng đã làm chủ Sài Gòn, không còn chiến tranh nữa, và ông sẽ được đảm bảo an toàn trên đường đi”. “Sau đó, tôi đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra ngoài sân Dinh cùng lên xe ô tô của tôi. Dương Văn Minh ngồi nghế phía trước, tôi ngồi ngoài đề phòng có việc bất trắc xảy ra”.

Đáng lưu ý là lời kể trên của ông Thệ được bảo chứng bởi những bức ảnh chụp ông trong Dinh Độc lập tại thời khắc lịch sử ấy. Trong đó có bức ông với Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh khi ông cùng các chiến sĩ của mình xông vào Dinh Độc Lập và bức ông với Tổng thống Minh và một số người trong nội các VNCH được chụp ngay sau đó. Ngược lại, đã không có bức ảnh nào chụp ông Tùng trong Dinh Độc Lập.

Từ lời kể của ông Tùng và ông Thệ, ta có “tam đoạn luận” sau:

1. Cả hai ông Tùng và Thệ đều khẳng định Tổng thống Minh nói “bàn giao chính quyền” với riêng mình và ông nào cũng nói mình ngay lập tức ra lệnh Tổng thống Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và tiếp đó áp giải ông này ra đài phát thanh để làm việc đó. Thế nhưng có một điều chắc chắn rằng người đứng đầu chính quyền VNCH nói lời này với chiến binh cộng sản đầu tiên mà ông giáp mặt, tức người đã bắt sống ông. Do đó, người nào trong hai ông Tùng và Thệ đã bắt sống Tổng thống Minh thì đó chính là người đã ra lệnh Tổng thống Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

2. Ông Tùng vào Dinh Độc Lập sau khi Tổng thống Minh và nội các VNCH đã bị bắt (“khi tôi và anh Tài (lữ trưởng) bước lên tiền sảnh thì Phạm Duy Đô từ trong tòa nhà chạy ra báo cáo: cả nội các lẫn tổng thống đều có bên trong mời các thủ trưởng vào giải quyết“). Điều này đồng nghĩa ông Thệ là người đã bắt sống Tổng thống Minh cùng nội các VNCH.

3. Vậy, ông Thệ là người đã ra lệnh Tổng thống Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Đại úy Phạm Xuân Thệ và Tổng thống Dương Văn Minh, Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

Gallasch, biên tập viên báo SPIEGEL, nhà báo ngoại quốc có mặt khi Tổng thống Minh bị bắt làm tù binh, đã xác nhận sự thật này trong phóng sự “Sài Gòn, ngày 30 tháng 4 năm 1975”. Ông viết:

Tôi đã được chứng kiến cảnh tượng Minh “lớn”, tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa bị ông Phạm Xuân Thệ, chỉ huy một đơn vị quân đội thuộc Đoàn Đông Sơn của Quân Giải phóng bắt như thế nào. Tay cầm khẩu súng lục đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga, cũng có vẻ hồi hộp, ông Thệ nói rất to với Tổng thống: “Ông Minh, chúng tôi yêu cầu ông đi ngay với chúng tôi đến đài phát thanh và ra lệnh cho quân đội đầu hàng vô điều kiện, để máu khỏi phải tiếp tục đổ”” (7).

Chấp bút Tuyên bố đầu hàng

Như tôi đã nói ở trên, xác định được người đã ra lệnh Tổng thống Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tất xác định được người soạn Tuyên bố đầu hàng. Bởi lẽ chỉ trực tiếp soạn Tuyên bố đầu hàng, dù một mình hay cùng đồng đội, thì người ra lệnh mới có thể bảo đảm văn kiện này thể hiện tuyệt đối ý chí của mình.

Vậy với tư cách người đã ra lệnh Tổng thống Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện như trên vừa chứng minh, ông Thệ chính là người đã soạn Tuyên bố đầu hàng. Huống hồ lời kể của ông Tùng theo đó ông là người duy nhất soạn thảo Tuyên bố đầu hàng và làm việc đó ngay tại Dinh Độc lập (“Khi chúng tôi bước vào, ông Minh đứng dậy và nói: Chúng tôi đang chờ các ông vào để bàn giao. Một phản ứng tự nhiên tôi đáp: Các ông còn gì để mà giao, chỉ có đầu hàng không điều kiện. Sau đó, tôi quay sang ông Minh và nói: Anh tuyên bố đầu hàng là phải nói theo những điều kiện của chúng tôi. Ông Minh đáp: Ông muốn những điều kiện nào xin ghi cho. Sẵn tập pơ-luya xanh nhạt trên bàn tôi lấy một tờ và rút bút ra. Chỉ hơn một phút là tôi đã thảo xong. Ông Minh vừa xem vừa suy nghĩ, cuối cùng ông đề nghị bỏ hai chữ “tổng thống” – đã dẫn ở trên) là hoàn toàn sai sự thật. Tất cả các nhân chứng, kể cả nhà báo Gallasch, đều khẳng định việc soạn thảo văn kiện này đã diễn ra tại Đài phát thanh Sài Gòn.

Không chỉ là người soạn, ông Thệ còn là người chấp bút Tuyên bố đầu hàng. Ông khẳng định:

Bản thảo này tôi là người chấp bút, anh em thì mỗi người thêm một câu để hoàn thiện, xong viết lại rồi đưa cho Dương Văn Minh đọc.

Chữ tôi viết thì Dương Văn Minh không đọc được nên anh em viết lại một bản khác. Hai bản thảo đó tôi đút ở túi áo ngực và bị thất lạc sau này. Chính trong một bức ảnh chụp thời điểm đó có ghi lại được hình ảnh tôi cầm tờ bản thảo này” (8).

Bức ảnh mà ông Thệ nói tới là của phóng viên AP Kỳ Nhân, chụp lúc Tổng thống Minh đọc Tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn. Bức ảnh cho thấy ông Thệ đang chăm chú theo dõi ông Minh với một tờ giấy nơi tay. Với chứng cứ khách quan này, theo tôi, khẳng định của ông Thệ về việc ông là người tham gia soạn và chấp bút Tuyên bố đầu hàng là hoàn toàn có cơ sở. Bởi cầm bút để thảo văn kiện này là lý do duy nhất để Phạm Xuân Thệ tạm thời cất khẩu K54 mà chiến binh quả cảm này trước đó lăm lăm trên tay.

Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn. Đại úy Phạm Xuân Thệ (bìa phải). Ảnh: Kỳ Nhân, phóng viên AP.

Vấn đề còn lại là xem liệu ông Thệ có là “tác giả” duy nhất của văn kiện quan trọng bậc nhất của Chiến tranh Việt Nam hay chỉ là “đồng tác giả”.

Ông Thệ kể tiếp:

“Tại đài phát thanh lúc đó, Trung tá Bùi Tùng (Chính ủy Lữ đoàn 203) mới đến, lúc thấy chúng tôi đang soạn bản thảo thì ông có hỏi tôi là ai. Tôi trả lời và cho biết anh em đang soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, anh cùng chúng tôi tiếp tục hoàn thiện bản thảo này để đưa cho Dương Văn Minh.

Thế là mỗi người một khâu, hoàn thiện xong thì chính ông Bùi Tùng là người thay mặt quân Giải phóng đọc lời chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Bản thảo chính được viết vào tờ giấy pelure, màu xanh xanh”.

Như vậy, ông Thệ xác nhận Tuyên bố đầu hàng không phải là sản phẩm trí tuệ của riêng ông, mà là của nhiều cán bộ chiến sĩ khác, trong đó có ông Tùng. Tuy nhiên, vẫn theo ông Thệ, ông Tùng viết lời chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Minh chứ không chấp bút Tuyên bố đầu hàng.

Thế nhưng, nhà báo Gallasch lại nói điều ngược lại trong phóng sự đã dẫn của ông khi viết:

“Một khoảnh khắc trôi qua, chúng tôi ngồi và không biết làm gì. Mẫu phe phẩy một quyển sách mỏng làm quạt, Minh và Tùng ngồi trên hai ghế đệm, tôi ngồi giữa hai người, trên một chiếc bàn nhỏ. Trong khi đó, Tùng đang dự thảo bài phát biểu đầu hàng của Minh trên một tờ giấy màu xanh”.

Vậy “tờ giấy màu xanh” là bản thảo Tuyên bố đầu hàng hay lời chấp nhận tuyên bố đầu hàng? May mắn thay, lời kể sau đây của ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên là chiến sĩ liên lạc của Chính ủy Tùng có mặt tại thời điểm đó (10), cung cấp một chi tiết có tính quyết định cho việc “phá án”.

Ông Phúc kể, ông Thệ đưa cho Tổng thống Minh bản thảo Tuyên bố đầu hàng để đọc. Do chữ ông Thệ xấu quá nên Tổng thống Minh không đọc được. Lúc đó ông Tùng với tay lấy bản viết đó để xem, rồi nói, “Tại sao lại viết là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa? Nếu viết như vậy hóa ra công nhận Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia có chủ quyền và thế là mình đi xâm lược à?”. Sau đó, với tư cách người có chức vụ cao nhất của Quân giải phóng lúc đó, ông Tùng giành quyền viết lại Tuyên bố đầu hàng rồi đưa cho Tổng thống Minh.

Ông Phúc kể tiếp:

”Ông Minh đọc xong thò tay vào túi áo dưới của mình lấy bút ra viết thêm hai chữ “Đại tướng” vào sau chữ “Tôi” và gạch hai chữ “Tổng thống” trong văn bản đi rồi vừa trả lại cho Chính ủy Tùng, vừa nói: “Xin thượng cấp cho bỏ hai chữ Tổng thống và xin chỉ đọc là Đại tướng Dương Văn Minh thôi”. Chính ủy Tùng nói ngay bằng giọng cương quyết: “Tôi biết ông mới chỉ làm Tổng thống được có 3 ngày nhưng vẫn là Tổng thống. Nếu ông không xưng danh là Tổng thống thì làm sao có thể lệnh giải tán được chính quyền?”. Thêm vài câu trao đổi nữa, Chính ủy Tùng đồng ý để ông Minh xưng danh là: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”. Như vậy văn bản này ngoài chữ viết của Chính ủy Bùi Văn Tùng còn có hai chữ “Đại tướng” do ông Dương Văn Minh viết thêm vào”.

Như vậy, để chấm dứt vĩnh viễn cuộc “nội chiến” này giữa những người chiến thắng, giám định “tờ giấy xanh” (được cho là đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 2 QĐNDVN) là chẳng thể đừng. Nếu giám định cho thấy đúng là có chữ “Đại tướng” do Tổng thống Minh viết trên đó thì ông Tùng là người cuối cùng chấp bút Tuyên bố đầu hàng. Ngay cả trong trường hợp đó, ông Thệ và các chiến sĩ của mình vẫn là “đồng tác giả” của văn kiện lịch sử này bởi ông Tùng đã không thêm, bớt ý nào ngoài sửa “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” thành “Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.

Bất luận thế nào, với tư cách người bắt sống và ra lệnh Tổng thống VNCH Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, chiến binh QĐNDVN Phạm Văn Thệ đã đi vào lịch sử một cách vẻ vang nhất.

Chú thích

1. Thường vụ Quân ủy Trung ương của Việt Nam gồm Tổng Bí thư ĐCSVN (bí thư), Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng (phó bí thư), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (những người này đều là ủy viên Bộ chính trị ĐCSVN) và Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN.

2. Trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), sau khi vượt qua Vĩ tuyến 38 chia đôi bán đảo Triều Tiên và tấn công Hàn Quốc, quân Bắc Triều Tiên đã nhanh chóng đẩy quân Hàn Quốc xuống phía Nam. Tại Pusan, quân đội Hàn Quốc đã thiết lập phòng tuyến cuối cùng và trụ vững tại đây. Trên cơ sở đó, Mỹ và đồng minh đã đổ quân vào và tiếp đó phản công thắng lợi, dẫn tới hai miền Triều Tiên ký kết Hiệp ước đình chiến, vẫn lấy Vĩ tuyến 38 làm giới tuyến.

3. Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh – Kỳ cuối: Ngày lịch sử, Nguyễn Hữu Hạnh, Tuổi trẻ, 04/10/2019

4. Hồi ký không tên, Lý Quý Chung, Nhà xuất bản Trẻ, 2005.

5. Vì sao tôi thảo lời đầu hàng cho tổng thống ngụy Sài Gòn? Bùi Văn Tùng, Nhân Dân, 27/04/2004.

6. Tướng Thệ kể chuyện áp giải Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, Lao động, 01/05/2016.

7. Thành phố Hồ Chí Minh – giờ số không, vanhocsaigon, 30/04/2020.

8. Hồi ức ngày 30/4 của Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Kinh tế nông thôn, 29/04/2019.

9. Tiết lộ chấn động của người bắt giữ tướng Dương Văn Minh, Giáo dục Việt Nam, 30/04/2012.

10. Gặp chiến sĩ liên lạc của Chính ủy Bùi Văn Tùng, Thời báo tài chính, 20/04/2022.

C.H.H.V.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm.

Tác giả gửi BVN. Quan điểm và phong cách trong bài là thuộc về người viết.

This entry was posted in 30-04-1975, 30/04/1975. Bookmark the permalink.