Ukraine (Phần VIII) – Đám cháy rừng

Nguyễn Xuân Thọ

Xin xem các bài trước: Phần I đến Phần IV, Phần V, Phần VI, Phần VII

Trong những ngày gần đây, ở Mold ova (Moldavie) đã xảy ra các đám cháy và vụ nổ trong khu vực ly khai Transnitria nằm sát biên giới Ukraine [1]. Truyền thông Nga đã đe dọa chính quyền Moldova và Ukraine về các hành động này. Thực hư ra sao?

Đài phát tín hiệu bị đánh bom trong tuần trước ở Transnistria đang gây lo ngại cho cả châu Âu. Nga coi các thế lực bài Nga là thủ phạm, trong khi Ukraine và Moldova cho là Nga đang tìm cách tạo cớ để hát động chiến tranh Moldova, tạo thành gọng kìm đánh chiếm Odessa và miền Nam Ukraine.

Moldova là một nước nhỏ với diện tích 33.000 km² (bằng 1/10 Việt Nam) với dân số hơn 3,5 triệu, 85% nói tiếng Rumanie. Xứ này vốn là một tiểu vương quốc, luôn bị giành giật bởi các đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), Rumanie và Nga. Sau Cách mạng tháng 10-1917, ở đây đã hình thành một nhà nước Xô viết, nhưng trong Chiến tranh Thế giới II, lại bị Đức và đồng minh Rumanie thanh toán. Sau thắng lợi của Hồng quân năm 1945, nước Mondavie với thủ đô là Kischninov lại thành nước CHXHCN Xô viết. Nhiều sinh viên Việt Nam đã từng học ở đó.

Chế độ XHCN ở Moldova chấm dứt vào năm 1991, khi Liên Xô tan rã. Nước CH Moldava độc lập, theo chế độ dân chủ đại nghị ra đời. Nhưng ngay lúc đó, các lực lượng gốc Slave và thân Nga đã tìm cách tách khu vực Transnistria ở biên giới Ukraine ra khỏi chính quyền Kischinhov. Moldova đưa quân đến dẹp. Nội chiến bùng nổ với hơn 1000 người chết.

Trong suốt mấy chục năm XHCN, quân đội Liên Xô coi Moldova là một quân khu, do quân đoàn 14 quản. Khi nội chiến nổ ra, quân đoàn 14 dưới sự chỉ huy của tướng Lebed giữ vai trò trung lập (vì trong đó có rất nhiều sỹ quan binh lính người Moldova). Cuối cùng uy tín chính trị của tướng Lebed đã giúp hòa giải để hai bên ngừng bắn [2]. Nước “Cộng hòa Transnitria Moldova“ tự ra đời, không được bất cứ nước nào công nhận. Quân đoàn 14 của Nga vẫn đóng ở đó, không theo một quy chế nào cả. Nước Moldova vẫn coi Transnitria là lãnh thổ của mình, không chấp nhận quyền tự trị của chính phủ bù nhìn ở “Thủ đô Tiraspol“. Nhưng cũng không dám tấn công.

Vùng Transnistria ly khai nằm thọt lõm giữa Moldova và Ukraine có khoảng 400000 nhà người sinh sống, bị cô lập hoàn toàn với thế giới, nhưng sống nhờ viện trọ Nga và được bảo vệ

bới quân đội Nga từ 1992

Bị cô lập, Transnistria trở nên tiêu điều. Các xí nghiệp kinh tế từng liên hợp với Ukraine, Moldova, Rumanie thời kỳ XHCN đều đóng cửa. Thu nhập bình quân đầu người theo sức mua ở đây thấp nhất châu Âu (7000 USD/năm). Ở Moldova con số này xấp xỉ 14.000. Căng thẳng chủng tộc, bế quan tỏa cảng càng khiến dân chúng bỏ đi. Từ 500.000 dân năm 2015, nay chỉ còn khoảng 370.000 chịu ở lại với nhà nước ly khai.

Nếu Moldova được coi là túp lều nghèo ở châu Âu, thì Transnistria là cô gái xanh xao, bị kẻ cướp cưỡng bức, bắt làm con tin ngay trong một góc lều đó và chủ nhà bất lực.

Khi Nga và Ukraine còn hữu hảo thì quân đoàn 14 vẫn được tiếp tế bằng đường bộ từ cảng Sevastopol (mà Nga thuê lại của Ukraine) hay Odessa. 2000 quân Nga đóng ở Transnitria cùng 6000 quân ly khai là cái gai cấy vào giữa cơ thể Moldova. Nước Moldova bé nhỏ với 7000 quân chính quy, trang bị tồi luôn nhìn sang Transnitria với nỗi lo canh cánh.

Các chính phủ ở Kischinhov từ 1991 đến nay luôn do dự trong lựa chọn: Theo Nga hay hướng Tây? Mọi cải cách kinh tế và chính trị của đất nước cũng như con lắc, đu dây giữa hai cực nên suốt 30 năm qua, Moldova chưa đi xa được mấy, dù không có chiến tranh. Tháng 12.2020, nữ tổng thống cấp tiến Maia Sandu lên cầm quyền đã quyết tâm đưa Moldova lên con đường gia nhập EU [3]. Là nước nghèo và nhỏ, nhưng hai tháng qua Moldova đã chu cấp và giúp đỡ hơn 300.000 người tỵ nạn từ Ukraine sang (giả sử như VN nhận 10 triệu người tỵ nạn).

Nữ tổng thống cấp tiến Maia Sandu của Moldova đang tìm cách đưa đất nước hội nhập vào EU.

Khi Nga xâm lăng Ukraina cuối tháng 2.2022, việc đầu tiên mà Maia Sandu làm là khẩn thiết xin gia nhập NATO. Đây là hy vọng duy nhất của nước cộng hòa bé nhỏ để không bị nuốt chửng.

Hôm 22.04.2022 thiếu tướng Nga Rustam Minnekajew nói rằng Nga sẽ chiếm toàn bộ vùng Donbas, miền Nam Ukraine bao gồm cả Odessa nối tới tận Transnistria, tạo thành một vòng cung khổng lồ. Những ai hiểu về lịch sử đế quốc Nga sẽ không ngạc nhiên với tham vọng này. Trước 1989, xe tăng Nga từng nằm sâu tới tận Hungary, Tiệp Khắc, Đông Đức.

Trong suốt 30 năm qua, Nga chiếm đóng một vùng hầu như không có khả năng tự lập về kinh tế, phải bù lỗ nuôi chính quyền ly khai, phải chịu búa rìu dư luận. Tất cả chỉ nhằm duy trì một đống than chiến tranh âm ỷ. Đống than này giờ đây có thể được thổi bùng để tạo ra đám cháy rừng ở Moldova, như đống than Donbas từng bùng cháy ở Ukraine.

Vì sợ những đám cháy lan sang nhà mình mà cả Gruzia, Moldova, Thụy Điển và Phần Lan đã muốn xin vào NATO sau ngày 24.2.22. Vì chỉ có NATO mới đủ sức cứu họ trước đe dọa của Nga. Lý lẽ “Vào NATO để đe dọa Nga“ là đổi trắng thay đen.

NATO có phải là chiếc khiên thần có thể chặn đứng mọi ngọn lửa chiến tranh hay không? Xin thưa là không. Bài học ở Afghanistan, ở Trung Đông hay Nam Tư còn sờ sờ ra đó.

Afghanistan đang quay trở lại thời kỳ đồ đá vì NATO chỉ đủ sức chặn Taliban bằng bom đạn (kèm theo nhiều cái chết oan uổng của dân thường), nhưng không phải là lực lượng có thể xây dựng một xã hội dân sự vững mạnh, một tầng lớp tinh hoa vừa có tri thức vừa đủ lòng dũng cảm để bảo vệ đất nước trước sự man rợ của chính đồng bào mình. Đó là việc của người Afghanistan.

NATO đã dẹp được cuộc nội chiến Nam Tư bằng bom, bằng việc kẻ lại đường biên giới lập ra nước Kosovo, nhưng không xóa bỏ được mọi hận thù chủng tộc và tôn giáo nhen nhúm lâu nay, do vậy ở Bosnia-Herzegowina, Kosovo hay ở Bắc Makedonia luôn âm ỷ những lò than chủng tộc, chỉ chờ lúc bùng cháy.

Trong chiến tranh Ukraine, NATO luôn dè chừng, không để bị lôi vào cuộc chiến. Do vậy cho đến nay Ukraine vẫn không có đủ vũ khí nặng để chặn quân Nga, chứ đừng nói đến phản công. Những gì quân Ukraine đạt được đến nay đều nằm ngoài mọi tính toán của giới tướng lãnh NATO. Giờ đây, biết quân đội Nga không mạnh như họ vẫn nghĩ, NATO bớt sợ và ai cũng muốn đánh bại Nga. Nhưng không ai muốn bị Nga coi là kẻ thù chính (Ngoài Mỹ ở bên kia đại dương, có cái ô hạt nhân cứng nhất thế giới).

Mấy chiếc xe tăng Gepard cũ mà Đức mới hứa viện trợ cho Kyiv hôm 26.4 vừa qua là điển hình của thái độ nửa vời đó. Tặng để lấy tiếng là chính phủ Đức giúp vũ khí nặng, để khỏi bị dân chửi, nhưng không nặng đến mức khiến Nga tức giận. Vì Gepard là xe tăng phòng không tầm thấp, dùng cho tự vệ, mà Ukraine đã có khá nhiều vũ khí phòng không tầm thấp. Khi Ukraine hỏi tăng hạng nặng tấn công để đánh thủng các phòng tuyến của Nga, cần các hệ thống phòng không tầm cao để diệt máy bay và tên lửa từ xa thì Berlin chỉ cười trừ, nói quanh.

Nếu NATO muốn đánh Nga đến người Ukraine cuối cùng thì họ đã tuôn vào đó tất cả máy bay MIG, SUKOI, tất cả các xe tăng và hệ thống phòng không S-300, S-400 mà các nước Đông Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đang có, chứ không dền dứ, đùn đẩy cho nhau.

Ukraine trụ được cho đến hôm nay chủ yếu là nhờ:

– Tinh thần và chiến thuật của quân đội.

– Trình độ tổ chức tốt của chính quyền nhằm sử dụng sức mạnh đoàn kết toàn quốc hỗ trợ chiến tranh.

– Sử dụng hightec cộng với tin tức tình báo của Mỹ, Anh để lấy yếu đánh mạnh.

– Viện trợ vũ khí đạn dược từ phương Tây.

Như vậy ngoại viện chỉ là môt phần, các yếu tố nội lực mới quyết định.

Nói như vậy để thấy rằng phương Tây chỉ chữa các đám cháy để lửa không bén sang nhà họ chứ không có khả năng và cũng không muốn nhảy vào phá tan cái lò lửa. Do vậy việc các nước nhỏ bám vào đó để nhờ chặn đám cháy rừng đang sắp lan ra tuy là việc cần thiết, nhưng cũng không thể đe dọa Nga.

Và phương Tây cũng không thể cứu giúp tất cả.

Để vào được các liên minh quân sự và kinh tế của phương Tây, ứng cử viên phải đạt nhiều tiêu chuẩn về kinh tế, chính trị, quân sự và cả văn hóa mà chủ nhà đặt ra. Trải qua các cải cách ngoạn mục, Ba-Lan, các nước Baltic tuy nằm sát Nga vẫn được tham dự cả EU lẫn NATO. Nếu Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn thì việc gia nhập NATO cả về quy chế lẫn hòa nhập quân đội sẽ rất dễ dàng. Nhưng Ukraine, Gruzia, Moldova sẽ phải kinh qua giai đoạn thử thách, thẩm tra sẽ kéo dài, tùy thuộc vào nội lực và quyết tâm cải cách của từng nước.

Ukraine đang tạo cho mình những hình ảnh tốt đẹp nhờ tầng lớp tinh hoa mới. Nhưng đi sâu vào mọi ngõ ngách, nạn tham nhũng, quan liêu vẫn còn nặng, kinh tế vẫn bị quản lý theo phương thức cũ trong khi xã hội dân sự mới phát triển.

Cả Ukraine và Moldova đều đã để lỡ khá nhiều cơ hội bứt ra khỏi vòng cương tỏa của Nga khi đế quốc này còn suy yếu. Giờ đây họ đang đối diện với các đám cháy rừng mà lò lửa đã được kẻ đốt nhà gài cắm từ lâu.

Điều trùng hợp là sự hung hăng của Nga đã khiến giới chính trị ở hai nước này cùng tìm cách thoát Nga và hướng Tây.

Tuy chậm, nhưng người Ukraine đã chứng minh là họ đúng. Nếu thắng cuộc chiến tranh này, dù với giá nào cũng sẽ là một nước Ukraine khác hẳn.

Ngược lại: Thất bại về quân sự, bi bao vây kinh tế, cô lập về chính trị và văn hóa sẽ khiến Nga suy sụp. Dù có chiếm được đất nhưng không được dân chấp nhận thì kẻ đốt rừng sẽ mãi mãi ngồi bên đống tro tàn.

[1] https://www.nytimes.com/…/explosions-transnistria…

[2] https://www.jstor.org/stable/45345720

[3] https://de.wikipedia.org/wiki/Maia_Sandu

N.X.T.

Nguồn: FB Tho Nguyen

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.