Kết quả sơ khởi bầu cử Tổng thống tại Pháp năm 2022

Quản Mỹ Lan

Bây giờ là 20 giờ ngày 24 tháng 4.

Sau những ngày căng thẳng vì những cử tri có cảm tình với Tổng thống đương nhiệm lo sợ rằng “biết đâu, ngựa về ngược”!

Nhóm cử tri thứ hai thì cũng sẽ mừng nếu “ngựa đã về ngược”!

Nhưng kết quả cuối cùng đã đúng như dự đoán, đúng như những cuộc thăm dò cho thấy, nghĩa là mọi chuyện đã diễn ra êm đẹp, kết quả sơ khởi xác nhận Tổng thống Emmanuel Macron đã thắng một cách vẻ vang với tỷ số 58, 2 % và người về nhì bà Marine Le Pen đã được 41,8%.

Phải nói ngay là cuộc bầu cử này rất gay cấn vì người ta thấy rằng phong trào dân túy đang càng ngày càng bành trướng mạnh mẽ tại Pháp cũng như tại một số nước Âu châu mà truyền thống lâu đời là tự do, dân chủ, nhân quyền vẫn được đề cao.

Từ mấy năm nay những người quan tâm đến chính trị của nước Pháp đã phải lo sợ vì dân chúng có vẻ như càng ngày càng phóng túng, không còn tôn trọng những giá trị căn bản của một đời sống bình thường. Họ nổi loạn dễ dàng, với những chứng cớ rất mơ hồ và nguy hiểm hơn cả là họ dựa vào tâm lý ích kỷ, yếu đuối, chỉ muốn hưởng thụ, không muốn làm việc nhiều hơn để có đời sống khá hơn và chỉ muốn đời sống ngon lành hơn nhưng không muốn bất cứ một cố gắng nào. Một mặt phản đối Chính phủ vì nạn thất nghiệp, mặt khác từ chối làm những việc nặng nhọc, nhưng khi giới chủ nhân bắt buộc phải mướn nhân công từ những nước Bắc Phi để làm những công việc mà dân Pháp chê không thèm làm thì những người dân túy lại la lên là Chính phủ mang người tị nạn bất hợp pháp vào giành công ăn việc làm của người bản xứ. Thế là đình công, biểu tình, đả đảo Chính phủ!

Chắc nhiều người ở ngoài nước Pháp đã nghe nói tới phong trào Gilets Jaunes (Áo Vàng) gây bối rối cho Chính phủ không ít. Trong nhiều tháng trời họ rủ nhau tụ tập ở những ngã tư, ngã bảy… để cản đường xe cộ, những phần tử bất hảo thì phá phách, đập phá, hôi của các cơ sở thương mại, rõ ràng là hoạt động của những bọn người phá hoại chứ không phải đấu tranh, đòi hỏi cho một điều gì chính đáng!

Có lúc họ đòi bảo vệ quyền lợi của những công nhân thuộc sở hỏa xa!

Đây quả là một việc “tưởng vậy mà không phải vậy”! “Bảo vệ quyền lợi của công nhân hỏa xa” mới nghe qua người không nắm vững vấn đề nghĩ là những công nhân hưu trí của ngành xe lửa chắc bị chèn ép hay đối xử bất công gì đó cần bảo vệ. Thế nhưng khi tìm hiểu (chỉ cần tìm hiểu sơ qua) đã thấy sự bất công quá xa giữa quyền lợi về hưu trí của cựu công nhân hỏa xa và những ngành nghề khác! Nghĩa là ngày xưa khi người làm việc trên xe lửa phải xúc than bỏ vào lò khi trời nóng cũng như trời lạnh để chạy máy nên đã được hưởng những điều kiện đặc biệt (về hưu sớm, lãnh tiền hưu cao, bản thân và cả tứ thân phụ mẫu được hưởng vé xe lửa không mất tiền khi di chuyển v.v…). Trong khi đó những công nhân hỏa xa ngày nay chỉ việc ngồi bấm nút để điều hành thì vẫn được hưởng những quyền lợi ấy. Khi Chính phủ có dự án giảm bớt những đặc lợi phi lý ấy thì các ông bà, anh chị phản đối Chính phủ, biểu tình, phá phách, đòi giữ cho bằng được những đặc quyền của mình, mặc cho những ngành khác chịu chế độ hưu trí bình thường!

Rồi bỗng chốc đại dịch đến, nhà nước phải áp dụng những biện pháp xiết chặt để tránh Coronavirus lan tràn! Tuy thế số người chết vì COVID-19 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý của dân chúng. Nhờ Chính phủ đã rất khôn khéo một mặt nâng đỡ những người làm thương mại từ giới sản xuất, chuyển vận, phân phối tới người tiêu dùng, những cơ sở sản xuất nhỏ, những ngành nghề không cần thiết có mặt đều được làm việc on-line, giới hạn những sinh hoạt văn nghệ như ciné, hòa nhạc, kịch nghệ v.v… Nhà nước chi tiền cho giới chủ nhân để trả lương cho công nhân ở những cơ sở sản xuất bắt buộc phải đóng cửa. Nhờ những biện pháp tích cực này mà nước Pháp có thể nói đã ra khỏi khủng hoảng của cơn đại dịch.

Thành tích ấy chưa hoàn tất thì xảy ra chiến trận ở Ukraine, do một nước cựu thành viên các nước Cộng hòa nằm trong liên bang Nga có tên Liên Xô là bên khởi xướng và chủ chiến! Tuy nằm trong Âu Châu nhưng Ukraine không ở trong nhóm 27 nước thuộc cộng đồng chung Âu Châu. Có thể nói là việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đem quân đánh Ukraine gây sửng sốt cho cả thế giới vì không ai nghĩ Liên bang Xô-viết đã tan rã từ thập niên 90 và nhờ đó những nước Cộng hòa dưới sự thống trị của Nga đã thoát ra khỏi chế độ Cộng sản và trở thành những nước tự do, dân chủ mà Ukraine là một trong số đó, lại là đối tượng của cuộc xâm lược của nước Nga vốn là “anh cả” trong cộng đồng Liên bang Xô-viết thuở nào.

Chính vì vậy mặc dù Nga đã kéo quân đến biên giới Ukraine chờ đợi thì rất nhiều nước, nhiều nhà phân tích chính trị vẫn nghĩ sẽ không xảy ra chiến tranh, Nga sẽ không tuyên chiến vì có quá nhiều những ẩn số cho thấy Nga không có lợi gì để đánh Ukraine!

Nhưng thực tế đã không xảy ra như cả thế giới mong đợi.

Nga đã xua quân qua biên giới và thực sự gây chiến.

Tất cả những gì đang xảy ra tại Ukraine mọi người đều biết!

Vai trò của Tổng thống Pháp không còn ở trong biên giới của «hexagone», mảnh đất hình lục giác này nữa vì ông Macron vừa là Tổng thống Pháp vừa là Chủ tịch của khối Liên minh Âu Châu (Union Européenne) gồm 27 quốc gia. Đóng hai vai trò quan trọng cùng một lúc, TT Pháp bắt buộc can thiệp vào cuộc chiến tại Ukraine. Chính vì vậy Macron đã đến Moscow gặp Putin để trình bày hơn thiệt với TT Nga với hy vọng có thể thuyết phục ông này từ bỏ tham vọng ngông cuồng là chiếm lĩnh bằng quân sự một đất nước có chủ quyền, được nhiều nước trên thế giới công nhận!

Không dễ để nói điều hơn thiệt với một người điên và hậu quả là một đất nước xinh đẹp, hòa bình đã rơi vào tàn phá với đổ nát, khỏi lửa, dân chúng một phần chết chóc, phần lớn chạy trốn sang những quốc gia lân bang. Và từ đó người ta đã thấy một anh hùng xuất hiện, đó là Tổng thống Ukraine Volodymir Zélensky. Người lãnh đạo xuất thân từ một diễn viên truyền hình đã khiến hầu như cả thế giới thán phục trước lòng yêu nuớc mãnh liệt và ý chí kiên cường đứng lên kêu gọi tất cả thanh niên, trai tráng Ukraine ở lại chống quân xâm lăng.

Trong nước thì phong trào dân túy nở rộ, xã hội còn chao đảo vì đại dịch, những vấn đề nội bộ rối ren, vấn đề mong manh của hòa bình quốc tế mà có người còn lo sợ cho một cuộc Thế chiến thứ III có thể xảy ra.

Trong tình hình đó xảy ra việc bầu cử Tổng thống tại Pháp mà ông Macron phải đối mặt!

Và Macron đã đứng vững trong hoàn cảnh nhạy cảm đó.

Hôm nay, ngay lúc này, 20 giờ, 8 giờ tối tại Pháp, Emmanuel Macron đã được tuyên bố thắng cử nhiệm kỳ II để tiếp tục giữ chức vụ Tổng thống nước Pháp từ 2022 đến 2027 như tiên đoán của tất cả những cơ quan thăm dò, những bảng thống kê…với tỷ só 58,2% cho Emanuel Macron và 41, 8% cho Le Pen. Xin lưu ý là những con số này do Fr2 và FranceInfo có thể du di chút ít trong những giờ sắp tới, khi bộ Nội vụ công bố kết quả chính thức.

Chúc mừng Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron.

Macron là vị TT được tín nhiệm trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp mà từ lâu không TT nào dù Cộng hòa hay Xã hội đạt được.

Xin tạm biệt tất cả các bạn, tôi muốn chứng kiến giây phút lịch sử này với nữ phóng viên xinh đẹp Anne Sophie Lapix và nam phóng viên Laurent Delahousse vì mọi người đang chở Tổng thống tại Champ de Mars, dưới chân của tháp Effel. Hẹn gặp lại các bạn sau nhé.

Q.M.L.

20 giờ 05, ngày 24/4/2022

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Bầu cử Pháp. Bookmark the permalink.