Nguyễn Đình Cống
Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, đã nói một ý làm toàn dân phấn khởi, rằng Quốc hội phải đặc biệt quan tâm đến những việc mà nhân dân đang rất cần, đó là những viêc “cấp thiết”. Nhưng ngoài tính “cấp thiết” thì công việc còn một tính chất cơ bản nữa là mức độ “quan trọng”.
Dựa vào tính cấp thiết và quan trọng, người ta chia công việc thành bốn loại:
Loại một – Vừa quan trọng vừa cấp thiết.
Loại hai – Quan trọng, không cấp thiết.
Loại ba – Cấp thiết, không quan trọng.
Loại bốn – Không quan trọng, không cấp thiết.
Việc loại hai, đối với mỗi cá nhân là giữ gìn sức khỏe và nâng cao phẩm chất, với công ty hoặc tổ chức là xây dựng đội ngũ nhân lực và phương hướng phát triển, đối với Quốc gia là bảo vệ lãnh thổ, là an dân, là gìn giữ và phát huy tiềm năng của đất nước, trong đó có tiềm năng trí tuệ của dân.
Riêng về tính quan trọng, có lẽ nên chia ra ba mức: Rất quan trọng, quan trọng vừa và ít.
Những người lãnh đạo và quản lý tắc trách hoặc non yếu thường phải dùng nhiều công sức và thời gian cho việc loại một. Và vì tính cấp thiết nên thường không chọn được cách làm tối ưu, có hiệu quả cao mà phải dùng “Biện pháp tình thế” hoặc làm cho xong việc. Thế rồi khi mệt mỏi lại phải tìm cách giải trí bằng việc loại bốn. Những người như vậy, bên ngoài tỏ ra tích cực nhưng kém trí tuệ để làm việc, xét cho cùng, đối với dân, với nước họ làm lợi ít mà hại nhiều.
Những người yếu năng lực, kém phẩm chất nhưng lại muốn tỏ ra năng nổ, tích cực thường chọn làm công việc loại ba. Những việc này nhiều khi hại nhiều hơn lợi, gây ra lãng phí lớn.
Công việc loại hai, cách gì cũng phải làm, Khi tạm bỏ qua để làm việc cấp thiết thì rồi đến lúc nó sẽ trở thành cấp thiết.
Người lãnh đạo giỏi cần tâp trung một phần thời gian thích đáng, dùng trí tuệ cao cho công việc loại hai rất quan trọng. Họ cũng làm một số việc loại môt và ba, nhưng chủ yếu họ biết giao những việc đó cho cấp dưới. Một người lãnh đạo giỏi thường ung dung, không vội vàng hấp tấp, không than phiền thiếu thứ nọ thứ kia, không bị những việc cấp thiết làm rối trí.
Vậy việc loại hai rất quan trọng mà không cấp thiết của Quốc hội hiện nay là gì? Tôi cho rằng đó là Xây dựng một Nhà nước Pháp quyền theo tinh thần của Hiến pháp. Có được một Nhà nước Pháp quyền vững mạnh thì tự nó sẽ làm tốt mọi việc từ quân sự, kinh tế, giáo dục v.v… để an dân và giữ lãnh thổ. Những việc như chống dịch bệnh, chống thiên tai và nhân tai, tăng giảm giá xăng v.v. đều là việc loại một.
Hiện nay tuy Nhà nước Pháp quyền được nói nhiều và cũng là một chủ trương của Đảng cầm quyền, nhưng thực tế của Việt Nam vẫn còn nặng về Nhà nước Đảng quyền. Quan trọng hàng đầu của Nhà nước pháp quyền là Dân chủ. Có được dân chủ thật sự thì trên dưới mới đồng lòng, tạo nên sức mạnh tinh thần của toàn dân.
Đảng cầm quyền nói rất nhiều về dân chủ, nhưng trong Đảng vẫn xảy ra một số vi phạm, còn trong dân thì phần lớn quyền dân chủ chỉ là hình thức. Vấn đề quan trọng là phải tiến hành “Dân chủ hóa” để Đất nước có được một nền dân chủ đúng nghĩa và bền vững.
Dân chủ hóa bằng con đường hòa bình cần được bắt đẩu từ Quốc hội, mà phải là một Quốc hội mạnh về trí tuệ, vững về bản lĩnh. Hiện nay Quốc hội còn yếu về các lĩnh vực này vì thiếu những người thật sự tinh hoa mà quá nhiều người theo cơ cấu.
Người theo cơ cấu có hai loại. Một là những người, được chọn để đại diện cho một tầng lớp nào đó, nhưng trí tuệ yếu, bản lĩnh kém. Hai là những quan chức của Đảng và Nhà nước, họ ít quan tâm đến công việc của Quốc hội vì những việc đó họ đã biết và đã thảo luận ở nơi khác. Quốc hội có nhiều đại biểu cơ cấu là một lãng phí lớn về trí tuệ của Dân tộc.
Rất nhiều người trông chờ ông Vương Đình Huệ ở vấn đề làm sao cho Quốc hội khóa 15 có trí tuệ, có bản lĩnh để làm tốt nhiệm vụ và đặc biệt là tạo cơ sở để từ khóa 16 trở là Quốc hội vững mạnh. Có được sức mạnh với nhiều đại biểu tinh hoa thì Quốc hội mới làm tốt chức trách. Việc này là rất cần cho Đất nước, nói thì dễ, nhưng để thực hiện sẽ gặp sự cản trở của một số thế lực bảo thủ đáng kể.
Vì yếu về trí tuệ nên Quốc hội chưa làm được vai trò quan trọng là Lập Pháp. Hình như Quốc hội chưa làm được một Luật nào, mà phần lớn các Luật do bên Hành pháp soạn thảo, đệ trình, Quốc hội chỉ làm việc thảo luận và thông qua. Chính cách làm việc này mà có những luật dân rất cần, nhưng bên Hành pháp không soạn thảo, không đệ trình thì Quốc hội chỉ biết bó tay. Chính cách làm này mà một số luật vừa mới đem thi hành đã phải vội sửa đổi.
Để có được một Quốc hội đúng nghĩa của nó thì phải có được những Luật mới về Quốc hội. Việc này mà làm được ngay trong khóa 15 thì quá tốt, nhưng nếu chưa thể làm ngay thì để cho khóa sau. Trong khóa 15 Quốc hội có thể bổ sung hoặc sửa đổi một số điều liên quan đến bầu cử. Có sửa đổi luật thì mới tổ chức được bầu cử thực sự dân chủ. Việc này sẽ được nhiều người ủng hộ và bị thế lực bảo thủ cản phá. Tuy bị cản phá nhưng khi ông Huệ có quyết tâm thì sẽ làm được, nó ở trong tầm tay của ông. Rất hy vọng rằng việc làm tốt đẹp đó sẽ được sự ủng hộ của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và những Ủy viên Bộ Chính trị, cũng như những Ủy viên Ban Chấp hành trưng ương Đảng có thiện chí. Tôi tin chắc như vậy và theo tôi, những điều cần sửa như sau.
Thứ nhất là nghị sĩ Quốc hội không thể đồng thời là cán bộ chủ chốt trong cơ quan Hành pháp (dùng Nghị sĩ thay cho từ Đại biểu). Riêng Chủ tịch nước và Thủ tướng do Quốc hội bầu có thể đồng thời là Nghị sĩ. Những người khác, đang là cán bộ hành pháp có thể ứng cử, nhưng khi đã trúng cử thì cần từ bỏ vai trò hành pháp. Như vậy những nghị sĩ bình thường sẽ còn rất ít loại bán chuyên trách mà gần như toàn bộ là chuyên trách.
Thứ hai, khuyến khích những người có trí tuệ, có năng lực hoạt động chính trị, đặc biệt là người trong tầng lớp tinh hoa ứng cử. Bãi bỏ việc Mặt trận độc quyền làm hiệp thương và lập danh sách ứng viên. Việc lập danh sách do Ban bầu cử đảm trách. Tại mỗi đơn vị bầu cử không hạn chế số lượng ứng viên. Danh sách này cần lập và công bố sớm để có thể điều chỉnh trước khi chính thức. Sau khi công bố lần đầu bản danh sách, ứng viên có thể chuyển sang đơn vị bầu cử khác hoặc rút lui. Không ai có quyền gạt bỏ ứng viên, trừ trường hợp chứng minh rõ ràng ứng viên đó không đủ tiêu chuẩn. Ngoài ứng viên, không ai có quyền quyết định đơn vị bầu cử mà họ chọn để ứng cử.
Thứ ba, tiêu chuẩn ứng viên không cần dài dòng, chỉ gồm mấy điểm ngắn gọn như sau: Quốc tịch, tuổi, không đang thi hành án, có chương trình hoạt động. Những vấn đề về phẩm chất, năng lực cần thiết của họ sẽ do cử tri đánh giá. Sửa đổi cách làm hồ sơ ứng cử cho đơn giản và có hiệu quả. Hồ sơ ứng cử chỉ cần một lá đơn kèm một bản chương trình hành động và không cần xác nhận của ai cả.
Thứ tư, mỗi ứng viên phải lập được danh sách những người ủng hộ việc họ ứng cử, gồm số lượng tối thiểu theo quy định (nộp cùng hoặc sau khi nộp đơn), phải trình bày chương trình hoạt động tại các buổi vận động bầu cử. Không ai được ngăn cản các cuộc vận động này.
Thứ năm, tổ chức bầu cử và kiểm phiếu phải thật sự dân chủ và minh bạch.
Ở nhiều nước người ta tổ chức Quốc hội gồm Hai Viện. Khi Hiến pháp vẫn còn chấp nhận điều 4 thì có thể xem Ban Chấp hành Trung ương Đảng như Thượng Viện và Quốc hội như Hạ Viện. Quốc hội có trí tuệ và bản lĩnh thì mới giữ được sự độc lập và có vị trí không bị lép vế, mới là đại diện cho Dân.
Ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đang tỏ ra là người được Dân tin cậy. Việc trông chờ của dân có nhiều, chỉ mới xin nêu một điều quan trọng, mong được ông quan tâm.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN