16/03/2022
Hiếu Lê tại Trung tâm Quốc tế dành cho Lực lượng Gìn giữ Hòa bình và An ninh thành phố Yavoriv, Ukraine.
Lời ông Nguyễn Phú Trọng: Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không.
Phóng viên Ban Việt ngữ của VOA đã bắt được liên lạc với Hiếu Lê (1) – nhân vật từng được mạng xã hội Việt ngữ nhắc tới hồi tuần trước như một trong những người Việt tình nguyện sang Ukraine chiến đấu chống quân xâm lược Nga đang tàn phá Ukraine.
Hiếu – công dân Mỹ gốc Việt, cư dân California, từng là quân nhân Mỹ, trong thời gian phục vụ quân đội Mỹ từng tham gia chiến đấu tại Afghanistan, sau khi giải ngũ quay lại Afghanistan làm việc cho một công ty Mỹ được quân đội Mỹ chọn là nhà thầu cung cấp dịch vụ liên quan tới lĩnh vực tình báo, rồi đến thành phố Medellin của Columbia (quốc gia ở Trung Mỹ) mở nhà hàng bán đồ ăn Việt Nam, đã quyết định tạm ngưng công việc kinh doanh để đến Ukraine, giúp người Ukraine bảo vệ lãnh thổ của họ.
Hiếu đã biết chiến tranh là thế nào. Tại Ukraine, chưa đối đầu với quân xâm lược Nga nhưng Hiếu đã tận mắt mục kích, trực tiếp cảm nhận sức mạnh của hỏa tiễn tự hành (cruise missile) kinh khủng ra sao khi trại huấn luyện quân tình nguyện ở Yavoriv bị bắn phá. Đó cũng là lý do 16/23 tình nguyện viên từ ngoại quốc đến Ukraine nhằm hỗ trợ người Ukraine chống ngoại xâm (chỉ tính số người ở chung một lều với Hiếu) thay đổi quyết định. Chỉ còn 7/23 người không đổi ý và Hiếu là một trong bảy người này.
Hiếu có lo lắng không? Có! Cựu quân nhân Mỹ gốc Việt, người mà trước 28/2/2022 còn là đầu bếp chuyên chế biến các món Việt bảo rằng, sở dĩ anh ở lại vì nhớ tới lý do tại sao anh đến Ukraine. Cách Ukraine phản ứng với thảm họa khiến Hiếu tự thấy phải giúp họ…
***
Mỹ vừa tôn vinh Phạm Đoan Trang – một người Việt đang thi hành bản án 9 năm tù tại Việt Nam vì “tuyên truyền chống nhà nước” (2). Trang là một trong 12 phụ nữ trên toàn thế giới được trao tặng Giải thưởng “Phụ nữ can đảm quốc tế” của năm nay.
Đây không phải là lần đầu tiên “phạm nhân” Phạm Đoan Trang được tôn vinh bằng các giải thưởng ở bên ngoài Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế như People In Need ở Cộng hòa Czech, Phóng viên không biên giới (RSF),… đã làm điều đó trước Chính phủ Mỹ. Dẫu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam gọi việc People In Need tặng Trang giải “Homo Homini” (3), hay RSF tặng Trang giải “Tự do báo chí năm 2019” (4) là… “trò hề” (5) nhưng một số tổ chức quốc tế và một số chính phủ như Mỹ vẫn đang làm “trò hề” đó…
Ông Antony Blinken – Ngoại trưởng Mỹ đã giải thích rất nghiêm túc tại sao Mỹ lại làm điều mà Việt Nam miệt thị là… “trò hề”:
“Vào tháng 12 vừa qua, tại Việt Nam, Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù vì viết về vấn đề dân chủ và nhân quyền. Bà viết về các cuộc đàn áp những người biểu tình, bí mật ghi âm cuộc thẩm vấn của công an. Trong khi các cơ quan truyền thông ngừng in bài viết của bà, bà thành lập trang web của riêng mình. Dù phải đối mặt với những lời đe dọa liên tục, bà tiếp tục truyền đạt cho những người khác về quyền của họ… Chúng tôi lên án sự giam cầm bất công đối với bà. Chúng tôi kêu gọi phóng thích cho bà ngay lập tức”.
Ông Marc Knapper – Đại sứ Mỹ tại Việt Nam góp thêm:
Phạm Đoan Trang là người không sợ hãi theo đuổi một xã hội toàn diện và không gian rộng rãi hơn cho tự do ngôn luận ở Việt Nam, đã thu hút sự công nhận của quốc tế… Chúng tôi coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích, trợ giúp một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập. Chúng tôi tin, để đất nước này phát triển, quốc gia này cần có sự cởi mở, minh bạch và hòa nhập, tôn trọng quyền của tất cả các công dân mà Trang đã không ngừng tìm kiếm thông qua các bài viết và vận động của mình. Chúng tôi hoan nghênh Trang vì công việc như một người đấu tranh cho nhân quyền. Bản lĩnh của bạn tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người ở Việt Nam và trên toàn thế giới…
***
Tại sao lại xếp câu chuyện liên quan đến Hiếu Lê và Ukraine bên cạnh câu chuyện Phạm Đoan Trang và Việt Nam?
Bởi vì có một điều đáng để ngẫm nghĩ. Nếu Ukraine không nhiệt thành bảo vệ các giá trị căn bản của một quốc gia, một dân tộc như đã biết, chắc chắn thiên hạ không ủng hộ Ukraine như đang thấy và tất nhiên sẽ không thể lay động những người như Hiếu Lê – tự thấy cần phải tạm gác những kế hoạch cá nhân để làm gì đó cho những xứ sở xa lạ như Ukraine.
Sở dĩ Volodymyr Zelenskyy – Tổng thống Ukraine trở thành một biểu tượng vì 40 triệu người Ukraine đứng bên cạnh ông. Sở dĩ 40 triệu người Ukraine đứng bên cạnh Volodymyr Zelenskyy vì ông là người được chính họ chọn làm Tổng thống Ukraine và ông đã đặt nhân tâm, dân ý lên hàng đầu để bước tới, chứ không chọn lợi ích riêng của ông cũng như lợi ích riêng của đảng “Đầy tớ của nhân dân” (Servant of the People) mà ông vừa là người sáng lập, vừa là thành viên để thoái lui, thỏa hiệp với Nga.
Các giải thưởng, sự tôn vinh mà nhiều tổ chức quốc tế tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền trên thế giới, cũng như chính phủ nhiều quốc gia đã trao, đã thực hiện đối với những… “phạm nhân” như Phạm Đoan Trang ở Việt Nam chính là một trong những hình thức nhắc để thiên hạ nhớ, biết, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam thuộc loại nào. Cứ nhìn cách thiên hạ ứng xử với Nga và Ukraine sẽ mường tượng được hậu quả của việc miệt thị các giá trị căn bản của văn minh nhân loại, gọi đó là… “trò hề”.
Nếu Việt Nam rơi vào tình cảnh giống như Ukraine hiện nay, có bao nhiêu người cảm thấy cần phải làm gì đó để hỗ trợ một hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chưa bao giờ ngần ngại trong việc biến rất nhiều đồng bào của các hệ thống này như Phạm Đoan Trang trở thành… “phạm nhân”?
Có bao nhiêu người gốc Việt sẽ tìm đường quay về như Hiếu Lê khi dân chúng Việt Nam không có cơ hội lựa chọn… “thằng hề” (6) làm nguyên thủ, khi Việt Nam chỉ có những cá nhân “lão luyện” trong quản trị, điều hành quốc gia theo kiểu cộng sản, không từ bất kỳ thủ đoạn nào để nắm giữ cho bằng được quyền lực, thậm chí còn thản nhiên vặn hỏi những người băn khoăn về chủ quyền lãnh thổ đang bị ngoại bang thách thức, xâm hại, rằng: Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không (7)?
Chú thích:
(1) https://www.voatiengviet.com/a/6486183.html
(2) https://www.voatiengviet.com/a/pham-doang-trang-iwoc-2022/6484630.html
(4) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49655619
(6) https://www.facebook.com/100062975111538/posts/321149096660925/
T.V.
Nguồn: VOA tiếng Việt