Mỹ cần loại bỏ ‘chiến lược mơ hồ’ để tránh biến Đài Loan thành Ukraine thứ hai

Hoàng Vũ 

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, đã đến lúc Mỹ phải công khai nói rõ rằng họ sẽ bảo vệ Đài Loan khỏi cuộc tấn công từ Trung Quốc.

“Mỹ thực hiện một chiến lược không rõ ràng, có nghĩa là họ có thể can thiệp quân sự hoặc không thể can thiệp quân sự nếu Đài Loan bị tấn công”, ông Abe nói trong một chương trình của Fuji TV được phát sóng hôm 28.2.

Theo cựu Thủ tướng Nhật, đã đến lúc từ bỏ chiến lược mơ hồ này và việc Mỹ thể hiện có thể can thiệp sẽ giữ cho Trung Quốc trong tầm kiểm soát.

“Người dân Đài Loan chia sẻ các giá trị chung của chúng ta, vì vậy tôi nghĩ Mỹ nên kiên quyết từ bỏ sự mơ hồ của mình”, ông nói.

Ông Abe cho rằng “kịch bản đối với Đài Loan như một trường hợp dự phòng cho Nhật Bản” và giải thích rằng hòn đảo Yonaguni có dân cư ở cực tây của Nhật Bản chỉ cách đảo chính của Đài Loan 110 km.

Ông nói, nếu Trung Quốc tiến hành một chiến dịch, trước tiên họ sẽ tìm cách thiết lập ưu thế trên không và trên biển xung quanh Đài Loan.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe – Ảnh: Reuters

“Trung Quốc cũng sẽ tiến hành các hoạt động trong và trên vùng biển, vì vậy điều này sẽ ảnh hưởng đến lãnh hải của Nhật Bản, hoặc ít nhất là vùng đặc quyền kinh tế”, ông nói.

Đề cập đến khả năng lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Nhật Bản, ông Abe nói: “Trong NATO, Đức, Bỉ, Hà Lan và Ý đã tham gia chia sẻ hạt nhân, lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ. Chúng ta cần hiểu cách thức an ninh được duy trì trên toàn thế giới và không nên coi việc thảo luận cởi mở là điều cấm kỵ”.

Theo Nikkei Nhật Bản, nạn nhân của các cuộc tấn công hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki, trong nhiều thập kỷ đã tuân thủ “ba nguyên tắc phi hạt nhân hóa” – cam kết rằng sẽ không sở hữu hay sản xuất vũ khí hạt nhân, cũng như không cho phép đưa chúng vào lãnh thổ Nhật Bản. Một thỏa thuận chia sẻ hạt nhân với Mỹ sẽ là một sự thay đổi chính sách lớn và có thể đối mặt với sự phản kháng đáng kể trong nước.

Theo cựu thủ tướng Abe,  việc chuyển sang chiến lược rõ ràng sẽ không có nghĩa là thay đổi chính sách “Một Trung Quốc” hiện tại được thực hiện bởi Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.

“Các nước phương Tây có quan điểm rằng họ tôn trọng lập trường của Trung Quốc rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Nếu mọi thứ được giữ nguyên như hiện tại thì đó là hiện trạng. Chúng ta nên nói rõ rằng “chúng tôi sẽ không cho phép thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”‘, ông nói.

Khi được hỏi liệu điều đó có nghĩa là chính sách “Một Trung Quốc” sẽ được tôn trọng miễn là nguyên trạng được giữ nguyên, ông đồng ý. “Nó có nghĩa là chúng tôi sẽ tôn trọng nó,” ông nói.

Theo chính sách “Một Trung Quốc”, mà Mỹ đã duy trì trong hơn bốn thập kỷ, Washington “thừa nhận quan điểm của Trung Quốc” rằng chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của nó. Washington công nhận chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc” nhưng không công nhận rõ ràng chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan. Điều này khác biệt với nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh, vốn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và là một phần trong yêu sách chủ quyền của nước này.

Về tình hình Ukraine, Abe cho biết: “Lập trường của Nhật Bản rõ ràng là không thể dung thứ cho các hành động bạo lực của Nga. “Cùng với Mỹ và G-7, chúng tôi cần hỗ trợ Ukraine theo nhiều cách khác nhau”, ông khẳng định.

Những bình luận của cựu thủ tướng Abe được đưa ra trong bối cảnh Nga đang mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, và trong bối cảnh các nước ở Ấn Độ – Thái Bình Dương đang cân nhắc liệu các biện pháp răn đe hiện tại có đủ để ngăn Trung Quốc hành động ở eo biển Đài Loan hay không.

Diễn biến ở Ukraine làm gia tăng tranh luận về chính sách của Mỹ với Đài Loan, vì Washington không nói rõ họ có ủng hộ Đài Loan về mặt quân sự trong trường hợp Trung Quốc dùng vũ lực hay không.

Các chuyên gia chính sách đối ngoại nổi tiếng của Mỹ như Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Richard Haass cùng một số thành viên quốc hội Mỹ đã kêu gọi Washington cần chuyển sang “sự rõ ràng chiến lược” đối với Đài Loan.

Tuy nhiên, các nhân vật cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần nói rằng họ vẫn đang chỉ tập trung vào sự mơ hồ chiến lược.

“Cách thông minh và hiệu quả nhất để chúng ta giúp ngăn chặn các hành động gây hấn của Trung Quốc trên eo biển Đài Loan sẽ là tiếp tục với một chính sách đã có”, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết.

Mỹ cử đoàn cựu quan chức cấp cao tới Đài Loan

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cử một phái đoàn gồm các cựu quan chức quốc phòng và an ninh cấp cao tới Đài Loan. Đây được cho là dấu hiệu chấn an Đài Bắc sau khi Nga tấn công Ukraine.

Phái đoàn do tướng Mike Mullen, cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, dẫn đầu – dự kiến sẽ đến Đài Loan vào chiều 1.3 và ở lại cho đến tối 2.3. Trong thời gian này, đoàn dự kiến gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn – người đứng đầu Cơ quan phòng vệ Khâu Quốc Chính và các quan chức cấp cao khác.

Tuần trước, một tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan, tuyến đường thủy giữa Đài Loan và Trung Quốc. Quân đội Mỹ mô tả hành động của họ là thông thường nhưng Bắc Kinh cho rằng đó là “hành động khiêu khích”.

H.V.

Nguồn: 1thegioi

This entry was posted in Nga - Ukraine, Nga xâm lược Ukraine, Quan hệ Mỹ - Đài - Trung. Bookmark the permalink.