Những cánh đồng đang… hấp hối

Giữa cái nắng như thiêu như đốt của những đợt nắng nóng cao điểm nhất trong lịch sử gần 60 năm qua, đất và người ở 2 huyện Vĩnh Lộc và Nga Sơn (Thanh Hóa) đang phải oằn mình để chống chịu lại cái khô hạn, nắng nóng dữ  dội từ thiên nhiên.

Ngô, mía bị nắng thiêu rụi

Trên cương vị Phó chủ tịch xã hơn 10 năm, công chức nhà nước hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ ông phải chống hạn một cách vất vả như hiện nay.

Trên cương vị Phó chủ tịch xã hơn 10 năm, công chức nhà nước hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ ông phải chống hạn một cách vất vả như hiện nay.

Ông Lê Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc than thở: “Kể từ khi sinh ra đến nay, tôi chưa chưa từng thấy có đợt hạn hán nào khắc nghiệt như năm nay. Từ tháng Giêng đến giờ cả vùng đất này chưa có hạt mưa nào. Chúng tôi đang vắt những giọt nước cuối từ các ao hồ để đưa vào sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Đến thời điểm này toàn xã có trên 60ha ngô vụ mùa bị mất trắng do nắng nóng thiêu rụi; 259ha đất nông nghiệp mới chỉ có 61ha diện tích được gieo cấy. Nếu vài ngày tới không có nước, 7ha lúa đã cấy sẽ bị chết”.

Cũng theo ông Hải, trên cương vị Phó chủ tịch xã hơn 10 năm, công chức nhà nước hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ ông phải chống hạn một cách vất vả như hiện nay. Trước đây, hồ Đồng Mực với dự trữ nước trên 1 triệu m3 (từng được ví như hồ nước “Sông Đà Vĩnh Lộc” –  PV) cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân của 3 xã: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hùng, Vĩnh Tân. Giờ đây, sau bao ngày nắng, nước hồ chỉ còn là rãnh nước nổi lên mặt bùn.

Anh Trịnh Văn Bốn (thôn Xuân Sơn, Vĩnh Hùng) đang cố mót những bắp ngô còn sót lại sau khi những cây ngô đã bị nắng thiêu đốt xót xa: “Vụ này nhà tôi làm gần 8 sào ngô,  đầu tư cho phân bón, giống hết gần 4 triệu đồng. Ngô trổ đúng vào đợt cao điểm nắng hạn nên không thể ra bắp, cứ héo khô lại rồi chết, không biết sắp tới nhà tôi lấy gì trả nợ đây”.

"Ngô trổ bông đúng vào đợt cao điểm nắng hạn nên không thể ra bắp cứ héo khô lại rồi chết, không biết sắp tới nhà tôi lấy gì trả nợ đây"

"Ngô trổ bông đúng vào đợt cao điểm nắng hạn nên không thể ra bắp cứ héo khô lại rồi chết, không biết sắp tới nhà tôi lấy gì trả nợ đây"

Theo ước tính của xã Vĩnh Hùng, toàn xã vụ này sẽ mất gần 300 tấn ngô do nắng hạn không ra được bắp; 620ha mía đã bị cháy do nắng nóng, hầu như không thể thu hoạch được gì nữa.

Lúa chết, ngô chết, cói cũng chết theo

Chỉ cách xã Vĩnh Hùng khoảng 6km về hướng quốc lộ 1A, những đám mạ  đang úa héo dần, những mảnh ruộng mới cấy đã héo khô vì thiếu nước, đất nứt toác vì nắng hạn. Cả cánh đồng trồng lúa thênh thang giờ trở thành những bãi thả trâu bò của các thôn trong xã.

Ông Hoàng Văn Hồng, phó chủ UBND xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) cho biết, vẫn còn 210ha chưa cấy do không có nước. Trước đây nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của  xã chủ yếu dựa vào hai  hồ lớn là hồ Đá Kẻn và hồ Lát, có dung lượng chứa được gần 1 triệu m3 nước.

Hồ Đá Kẻn cạn trơ  đáy.

Hồ Đá Kẻn cạn trơ đáy.

Nhưng sau gần 4 tháng không có hạt mưa nào, lòng hồ chỉ còn lại cái xác không. Lãnh đạo xã chỉ còn cách duy nhất là xuống xin nguồn nước từ hồ Đồng Mực của xã Vĩnh Hùng, dẫn nước theo con kênh đường 217 đưa nguồn nước về các thôn để gieo mạ mới để cấy.

Nhìn ruộng lúa đang héo khô héo quắt, chị Lê Thị Hoa (làng Xanh, Vĩnh Thịnh) rớt nước mắt. “Đúng là không có gì bằng trời hại, như thế này còn gì là lúa nữa, cứ đà này vài hôm nữa chắc chả còn cây nào sống được. Cả ngày tát nước mà cũng có đủ nước cho lúa đâu. Nhà tôi có 4 sào ruộng, nay mới cấy được 6 thước. 5 miệng ăn trong nhà chỉ nhìn vào 4 sào lúa hè thu, có nghề phụ gì nữa đâu chú. Lúa chết thế này không biết sắp tới lấy gì để sống đây”.

Mang thùng đi xin nước về cho cả 5 người trong gia đình sinh hoạt.

Mang thùng đi xin nước về cho cả 5 người trong gia đình sinh hoạt.

Lúa chết, ngô chết, cói cũng chết theo. “Cói Nga Sơn năm nay hỏng hết. 320ha diện tích đất bị hoang hóa, không trồng được cói, 20ha cói nội đê thu hoạch năng suất thấp, 170ha cói bị mất trắng, 95ha cói hiện đã bị thiêu rụi” –  ông Phạm Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã  Nga Tân xót xa. Những năm về trước vào vụ mùa này cói cũng bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng, nhưng chỉ giảm chút ít về năng suất, còn năm nay cói coi như mất trắng hết rồi.

Trước đây xã lấy nguồn nước dẫn về đồng cói từ trạm bơm từ xã Xa Loan (Nga Văn, Nga Sơn) xa quá nên đã xin huyện cấp nước từ trạm bơm Ba Vòi (Nga Thái, Nga Sơn) để tưới cho đồng cói, nhưng giờ đây dòng sông Hưng Long đã cạn trơ đáy, thời tiết từ tháng Giêng đến giờ chỉ được vài giọt mưa, gần 500ha cói của 8 thôn ở Nga Tân bị thiêu rụi do nắng nóng.

Ông Nguyễn Văn Thắng (thôn 7 Nga Tân, Nga Sơn) hơn 60 tuổi và đang nợ các ngân hàng chính sách huyện gần 100 triệu đồng từ việc vay vốn đầu tư vào trồng cói. Cuối năm vừa rồi ông vừa đầu tư gần 10 triệu đồng để cải tạo 3 sào đất khai hoang, tổng cộng nhà ông có 1 mẫu cói nhưng vụ này coi như trắng tay.

Ông Thắng chua xót: “Nắng hạn như thế này người còn chết huống hồ gì cây cói. Đến tháng tôi phải xoay xở 700.000đ nộp lãi cho các ngân hàng. Nhà không có tiền phải vay lãi ngoài với giá cắt cổ để trả trước. Chắc hết đời tôi cũng không trả hết nợ nần”.

Nước sinh hoạt quý “hơn vàng”

Nước rửa mặt là nước cặn.

Nước rửa mặt là nước cặn.

Thôn Sóc Sơn (Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc) có 1.120 hộ dân, nhưng 3 tháng nay hơn nghìn hộ  dân đã phải sống trong tình trạng không có nước sinh hoạt. Ông  Lê Văn Duật (thôn Sóc Sơn, Vĩnh Hùng) năm nay ngoài 70 tuổi, hằng ngày ông phải đánh xe bò đi 5 cây số để mang thùng đi xin nước về cho cả 5 người trong gia đình sinh hoạt.

“Từ khi trời cho tôi làm người đến giờ tôi mới thấy năm nay thiếu nước thế này. Giếng nước thì đã trơ đáy. Bể nước không còn một giọt. Tôi phải xuống xin nước nhà đứa cháu ở xã khác. Nước bây giờ quý còn hơn cả vàng!”, ông Duật ngậm ngùi.

Chúng tôi có mặt tại xã  Ba Đình, Nga Sơn vào đầu giờ chiều, nhiệt  độ ngoài trời khoảng gần 40oC, nhưng dòng người trong các thôn xóm mang theo xô thùng và xe thồ đổ ra đường ngày một đông. Mặc cho cái nắng như thiêu như đốt họ cứ lao xuống sông Hưng Long vét những giọt nước đen ngòm để mang về sinh hoạt.
Anh Lê Trọng Tỉnh (thôn Mậu Lâm, Ba Đình) than trời: “Bà con chúng tôi giờ sống thoi thóp dựa vào nguồn nước cặn của con sông Hưng Long này thôi, biết bẩn nhưng vẫn phải nhắm mắt làm ngơ. Trước đây do thời tiết mưa nắng ôn hòa mỗi gia đình có một bể nước mưa có thể ăn cả năm, giờ có mưa đâu mà có nước ăn”.

Theo Trung tâm Dự báo Khí  tượng Thủy văn TW, trong năm nay miền Trung sẽ còn 3 – 4 đợt nắng nóng kéo dài. Nếu không có giải pháp cải thiện tình hình, có thể không chỉ là những cánh đồng ngô, lúa sẽ chết vì khô héo mà ngay cả những người dân cũng sẽ gục ngã vì nắng nóng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, tổng diện tích đất chưa có nước để gieo cấy đến ngày 6/7/2010 là gần 30.000ha; diện tích lúa đã cấy không đủ nước tưới sẽ bị khô hạn là hơn 17.000ha.

ĐL

Nguồn: http://bee.net.vn/channel/1988/201007/Nhung-canh-dong-dang-hap-hoi-1759349/

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.