Cần làm rõ trách nhiệm Bộ KH&CN khi công bố thông tin sai sự thật về kit Việt Á

Mạnh Đoàn

GDVN- Vụ nâng giá kit test mang tính chất nhẫn tâm, đục khoét trên lưng người dân mang lại lợi nhuận cho những kẻ bất chính.

Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương).

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đang triệu tập những người có liên quan trong vụ án để điều tra làm rõ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, sớm đưa các đối tượng ra xét xử khách quan, nghiêm minh.

Liên quan đến vụ án trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông (Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII) cảm thấy rất bất bình về vụ việc.

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ về chất lượng kit Việt Á.  Ảnh: Infonet

“Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có bàn tay thao túng của ai giúp cho Việt Á hay không, bởi để thực hiện hành vi này, chắc chắn một mình Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến không thể nào giúp Việt Á qua được”, ông Cuông cho hay.

Ông Cuông cũng nhận định vụ việc mang tính chất nhẫn tâm, đục khoét trên lưng của người dân, khi họ phải trả tiền cho mỗi lần test.

Theo ông Cuông, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học Công nghệ trong việc công bố thông tin sai sự thật.

Việc Bộ Khoa học Công nghệ đăng thông tin sai sự thật về kit test của Công ty Việt Á được WHO “chấp thuận” và nó tồn tại đến tận khi dư luận, báo chí phát hiện ra thông tin chính xác là “không được chấp thuận” là một cú lừa toàn xã hôi để mọi người tin tưởng vào chất lượng của kit Việt Á.

Ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng) nhận định, vấn đề của CDC Hải Dương bản chất là đưa và nhận hối lộ, dù giá bộ kit test của Công ty Việt Á cao hơn trên thị trường như vậy nhưng đơn vị này vẫn mua.

Điều đó chứng tỏ là CDC Hải Dương cố tình làm, chứ không phải là không nhận thức được. Bởi vậy, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhận định hành vi phạm tội nêu trên nên đưa vào tội đưa và nhận hối lộ.

Trong vụ việc của CDC Hải Dương, tất cả những người có liên quan đến việc phê duyệt, thẩm định, nâng giá khống để tổ chức đầu thầu cho hợp pháp thì đều phải xử lý trước pháp luật.

“Trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch, vất vả nhất là những người tuyến đầu, thì những kẻ như Tuyến, Phan Quốc Việt là đang ăn trên xương máu của người dân như vậy là không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Bá Thuyền nhận định.

Theo dõi các tình tiết liên quan đến vụ việc, ông Thuyền nhận định, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm liên quan từ Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để xử lý thật nghiêm, không có vùng cấm bất kể một ai.

Thông tin về việc Bộ Khoa học và Công nghệ “biến” kết luận của WHO không công nhận kit test này thành công nhận, và hình ảnh nhà máy sản xuất kit test vỏn vẹn hơn 10 m2 được báo chí đăng tải, với vài công nhân, nhìn như căn phòng chứa đồ, càng làm cho dư luận hoang mang nghi ngờ về chất lượng của kit test, khiến dư luận hết băn khoăn.

Bên cạnh đó, Công ty Việt Á vươn dài đến 62 tỉnh thành thì cần làm rõ ai đứng bảo kê đằng sau, bởi không thể một mình đơn vị này làm được.

Qua vụ án trên và những vụ án trước đó như vụ nâng khống giá thiết bị tại CDC Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai…ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, đang có những lỗ hổng trong việc quản lý, thực hiện đấu thầu mua sắm trong thiết bị, vật tư y tế. Vì vậy, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cần sớm nghiên cứu và đề xuất các quy định để nhanh chống “vá” các lỗ hổng này.

“Nếu không thực hiện việc này khẩn trương, sẽ còn những vụ án tương tự xảy ra”, ông Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh.

Liên quan đến bộ kit của Việt Á, ngày 23/12, Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã phát thông cáo báo chí. WHO cho biết, cơ quan này có cơ chế tiền kiểm (PQ) để đánh giá tính an toàn, chất lượng và hiệu quả của các sản phẩm y tế thiết yếu bao gồm chẩn đoán in vitro (tiếng Latin nghĩa là trong ống nghiệm-IVD), thiết bị cắt bao quy đầu cho nam giới, thuốc, vaccine, thiết bị dùng trong tiêm chủng và thiết bị trong dây chuyền lạnh, và sản phẩm kiểm soát vector.

Mục tiêu của cơ chế tiền kiểm (PQ) của WHO là nhằm đảm bảo các sản phẩm y tế thiết yếu này sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và hiệu quả, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực y tế và cải thiện sức khỏe.

Quy trình PQ cho mỗi dòng sản phẩm được đánh giá một cách minh bạch, khoa học, bao gồm các bước xem xét hồ sơ, thử nghiệm sản phẩm, đánh giá công năng và kiểm tra công tác tổ chức nghiên cứu của cơ sở sản xuất.

Kết quả của PQ bao gồm danh sách các sản phẩm đã được tiền kiểm, danh sách các phòng xét nghiệm đã được tiền kiểm chất lượng và các Báo cáo Kiểm tra và Đánh giá công khai của WHO. Kết quả này được Liên Hợp Quốc và các cơ sở cung ứng khác sử dụng trong quyết định mua bán các sản phẩm y tế.

WHO cũng đã phát triển quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) để tận dụng sự sẵn có của các sản phẩm y tế (vaccine, chẩn đoán IVD…) cần được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp y tế công cộng.

Quy trình này nhằm hỗ trợ các cơ sở cung ứng và các quốc gia thành viên đưa ra các quyết định phù hợp khi sử dụng một IVD cụ thể, dựa trên các dữ liệu tối thiểu về chất lượng, an toàn và công năng có sẵn.

Ngày 30/1/2020, Tổng giám đốc WHO tuyên bố sự bùng phát COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế và đến ngày 11/3/2020, COVID-19 được coi là một đại dịch.

Theo đó, việc đảm bảo chất lượng, an toàn và công năng của IVD là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể để kiểm soát đại dịch.

Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO được mở cho chẩn đoán in vitro COVID-19 vào ngày 28/2/2020. WHO công bố các báo cáo công khai cho cả sản phẩm được phê duyệt thông qua quy trình EUL và các sản phẩm không đủ điều kiện cung ứng tại https://extranet.who.int/pqweb/vitro-diagnostics/coronavirus-disease-covid-19-pandemic-%E2%80%94-emergency-use-listing-procedure-eul-open

Tính đến ngày 20/12/2021, đã có 28 sản phẩm in vitro COVID-19 được chấp thuận thông qua quy trình EUL của WHO.

46 sản phẩm IVD khác không đáp ứng được các hồ sơ cần thiết về an toàn, công năng và/hoặc hệ thống quản lý chất lượng (QMS); các hồ sơ này đã bị rút lại hoặc không đáp ứng các tiêu chí đánh giá của EUL.

Trong danh sách này có sản phẩm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit của công ty Việt Á.

Theo WHO, xét nghiệm PCR do công ty Việt Á sản xuất (LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit) đã nộp hồ sơ cho chẩn đoán in vitro COVID-19 của WHO EUL với mã hồ sơ đăng ký EUL là “EUL 0524-210-00”.

Hồ sơ sản phẩm đã được đánh giá và không đáp ứng được các hồ sơ cần thiết về an toàn, công năng và/hoặc QMS. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/the-gioi/who-viet-nam-len-tieng-ve-bo-kit-test-covid-19-cua-viet-a-987600.ldo

M.Đ.

Nguồn: Giáo dục VN

This entry was posted in Kit test Việt Á. Bookmark the permalink.