Bằng giả, không phải chỉ Đông Đô

Thái Hạo

Vụ đại học Đông Đô cấp thần tốc hơn 400 bằng giả đang làm xã hội kinh động. Nhưng đó là do… không biết. Nếu bây giờ rà lại tất cả trường đại học ngoại ngữ hay các khoa ngoại ngữ đang cấp các loại chứng chỉ ngữ ngoại “danh giá” như B, C, văn bằng 2 v.v., thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên nữa.

Từ cách đây hơn 10 năm, lúc tôi thi để lấy chứng chỉ B1 làm điều kiện tốt nghiệp thạc sĩ, đã thấy sự nhếch nhác, bi hài của nó. Đó là một cuộc “làm giàu không khó” của các trường đại học, của giáo viên có ô dù. “Lo trước” đã là bước đi tất yếu của đa số các “yếu nhân”. Nhớ lại, hãy còn rùng mình: phòng thi như cái chợ, người ta đã “gửi” trước, chưa thi đã đỗ. Tôi suýt trượt trong kỳ thi ấy, vì vào bằng tiếng Trung mà ra tiếng Anh. Có những chuyện xấu hổ không dám kể lúc này. Đi thi, nhìn khung cảnh thật hoang tàn, bát nháo…

Sau hơn 10 năm, tình hình đã tệ hơn rất nhiều. Nhiều người bạn và người quen của tôi cũng vừa thi để lấy B1, B2, C sau cả chục năm đi làm, vì yêu cầu “chuẩn hóa” và “nâng chuẩn”. “Tiền chống trượt” là gì? Đó thực chất là tiền mua bằng. Nó diễn ra trên khắp cả nước.

Những cái chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang khiến cả triệu giáo viên lao đao, là gì? Hãy xem người ta đang dạy thế nào, học thế nào, thi thế nào, đóng tiền ra sao, thì rõ. Nói trắng ra, đó là bằng giả. Học vài buổi chiếu lệ, nộp mấy triệu, thi và cấp chứng chỉ. Không có chứng chỉ thì lụi bại, dù không muốn cũng phải cố mà lết đi, khi lương giáo viên không bằng người bán xôi sáng. Vấn đề là nó đang công nhiên diễn ra, ai cũng thấy và phải tham gia, nó không những được cấp phép, mà còn trở thành tiêu chuẩn. Thì chống cái gì!

Bằng giả (thực ra là bằng thật nhưng chất lượng giả) đang hoành hành khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Và phá nát nền học vấn, phá nát lương tri con người, kéo đất nước trở lại thời kỳ tăm tối.

Vấn đề quan trọng nhất ở đây không phải chỉ là chuyện bằng giả hay bằng thật, mà là một xã hội vận hành trên bằng cấp. Chúng ta không có tiêu chí chọn người, không có công cụ đánh giá năng lực người lao động, thế là chỉ còn cách dựa vào những mảnh giấy gọi là Bằng. Mọi tệ lậu bắt đầu sinh ra khi mà sự quản lý chất lượng của chúng đã vượt ngoài khả năng. Giáo dục trở thành chợ đen.

Chống làm sao được khi mà ngay chính những người chống mà báo chí gọi là “người có uy tín” lại cũng xài bằng giả!

Trong cuộc chạy đua bằng cấp này, khó ai có thể giữ được nhân cách, dù họ không muốn đánh mất nó. Chấn hưng nền giáo dục, bằng cách nào? Học thật, thi thật? Không, huyệt đạo nằm ở “tuyển dụng thật”. Còn nạn con ông cháu cha, còn “nhất hậu duệ nhì quan hệ ba tiền tệ bốn trí tuệ”; còn bán ghế, bán chỗ v.v.. thì dù có học thật, thi thật, nhân tài thật thì tất cả cũng chỉ là nỗi bẽ bàng sau rốt…

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.