Không thể tưởng tượng: Cả một đô thị nghỉ dưỡng… lậu giữa rừng

Gia Thịnh

Hoan nghênh báo Tuổi trẻ lên tiếng báo động về một tình trạng có thể coi là đang ở bên bờ vực của sự hung hiểm: không phải một nhóm người mà một cộng đồng có tổ chức, và chắc là có lãnh đạo hẳn hoi, dám thách thức với nhà nước XHCN, coi pháp luật của đảng chỉ là tờ giấy lộn.

Bauxite Việt Nam

***

Xác minh dấu hiệu tội phạm liên quan tới phân lô xẻ nền tại TP Bảo Lộc

Ngày 2-12, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đang kiểm tra, xác minh tin báo về tội phạm của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về một số dấu hiệu sai phạm trong việc hiến đất mở đường, phân lô tách thửa trái quy định trên địa bàn TP Bảo Lộc.

Cơ quan điều tra yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng cung cấp chứng cứ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến tin báo về tội phạm đang kiểm tra, xác minh. Các nội dung cần được làm rõ: Thời gian hình thành các tuyến đường; Mục đích xây dựng đường sá và cơ sở pháp lý hình thành; Việc hình thành tuyến đường có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Bảo Lộc; việc làm đường có phải vì mục đích sản xuất nông nghiệp, phục vụ công cộng…

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, các chứng cứ tội phạm Công an tỉnh Lâm Đồng đề nghị cung cấp liên quan tới 14 khu đất có biểu hiện tách thửa, hợp thửa và hiến đất mở đường không đúng quy định trên địa bàn phường Lộc Phát và xã Đam B’ri (TP Bảo Lộc).


Theo con đường đất đỏ dẫn xuyên rừng thông, chúng tôi vào dự án The Tropicana Garden 2. Những người đi cùng không thể tưởng tượng được, ở giữa một khu rừng lại có một khu đất ở rộng lớn, lọt vô giữa rừng, nơi chưa có hạ tầng dân cư như vậy.

Dự án không phép The Tropicana Garden 2 đang xây dựng ở sâu trong một khoảnh rừng thuộc xã B’Lá (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) – Ảnh: GIA THỊNH

Vụ phân lô xẻ nền đất nông nghiệp ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra thì cách đó không xa, tại huyện Bảo Lâm, những dự án bất động sản lậu vẫn tiếp tục nở nồi.

Đáng nói, có những “dự án” nằm tận nơi được gọi là vùng sâu vùng xa, áp sát rừng hoặc nằm ngay trong một khu rừng.

Đô thị nghỉ dưỡng giữa rừng

Rất khó để tưởng tượng, giữa một khu rừng thông cách trung tâm TP Bảo Lộc (tính từ quốc lộ 20) gần 50km, đi xe phải mất khoảng 1 giờ lại có một dự án đô thị.

Theo các quảng cáo, chúng tôi đi vào xã vùng sâu vùng xa B’Lá (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Khi qua khỏi khu vực Công ty Bauxite – nhôm Lâm Đồng thì bắt đầu thấy những bảng chỉ dẫn đến “dự án” khu nghỉ dưỡng sinh thái The Tropicana Garden 1 và 2.

Dự án không phép The Tropicana Garden 1 (khoảng 80 căn) nằm ở vùng sâu vùng xa xã B’Lá (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) – Ảnh: GIA THỊNH

Theo con đường đất đỏ dẫn xuyên rừng thông, chúng tôi vào dự án The Tropicana Garden 2. Những người đi cùng không thể tưởng tượng được, ở giữa một khu rừng lại có một khu đất ở rộng lớn như vậy. Một cán bộ ngành xây dựng tại địa phương bảo: “Không rõ quy hoạch được điều chỉnh kiểu gì mà đất xây dựng lại lọt vô giữa rừng, nơi chưa có hạ tầng dân cư”.

Vừa hết đoạn đường đất đỏ mà người dân cho biết mới được mở rộng từ đường mòn của dân làm vườn, trước mắt chúng tôi là một khu vực rộng lớn có các quả đồi thoai thoải đã bị cạo trọc và những căn biệt thự nghỉ dưỡng đang được thi công.

Tại khu vực tiếp khách, các tư vấn viên giới thiệu về “dự án” nghỉ dưỡng này với hơn 70 lô được phân chia sẵn, hạ tầng đồng bộ với đường nội khu, hồ bơi, công viên… trong nội khu. Toàn bộ khu vực đang xây dựng và sắp được mở rộng, bán cho khách dạng đất nền là khoảng 7ha.

Nhân viên bán hàng cho biết mỗi lô đất kèm căn biệt thự nghỉ dưỡng “sang chảnh” (thực ra là dạng nhà tiền chế 2 tầng, khung bằng sắt, vách bằng tấm ximăng đúc sẵn) có view rừng thông, view đồi núi tuyệt đẹp, khách hàng phải bỏ ra từ 3 – 4 tỉ đồng.

Khi thấy chúng tôi còn lưỡng lự, các nhân viên liên tục tư vấn về tiện ích trong khu dân cư này, đặc biệt là sau khi mua nếu không ở, khách hàng còn được chủ đầu tư hỗ trợ kinh doanh, đón khách lưu trú và chia sẻ lợi nhuận giữa hai bên.

Rời khu 2, chúng tôi đến The Tropicana Garden 1. Đó là một cụm hơn 80 căn nhà lớn được xây dựng giữa bạt ngàn cà phê và rừng thông. Chúng tôi hỏi về sự xuất hiện và tính pháp lý của dự án đang chào bán rầm rộ này, ông Nguyễn Tấn Trầm, chánh Văn phòng UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: “Không biết nó nằm ở đâu nữa, chỗ này anh em ít qua lại nên không nắm”.

Theo xác minh của chúng tôi, như nhiều dự án lậu tại Bảo Lâm, cả 2 khu nêu trên đều không có giấy chứng nhận đầu tư và nhiều loại giấy phép khác để có thể thực hiện dự án bất động sản.

Tương tự B’Lá, các xã Lộc Tân, Lộc Quảng nằm gần quốc lộ 20 nên mức độ rầm rộ cũng không kém. Những nơi từng là đất nông nghiệp, dựa sát vào rừng đang trở thành “đại công trường” với hàng chục “dự án” đang được thi công hạ tầng, nhà ở.

“Dự án” Kiwuki (địa phận khu vực giáp ranh huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc) cũng đang rầm rộ thi công các công trình nhà ở, mặc dù từng bị cơ quan chức năng điểm danh là “dự án ma”. Dọc tuyến đường liên thôn tại thôn 4, xã Lộc Tân (Bảo Lâm), hàng loạt “dự án” cũng được quây kín bằng vách tôn, khóa cổng để công trình nhà ở kiên cố và hạ tầng khu dân cư bên trong nhưng hầu như không thấy bóng dáng của cơ quan chức năng.

Đối diện khu đất phân lô được đặt tên Country Dream 2 là một khu nhà không tên xây dựng kiên cố với hàng chục căn có khối tích lớn. Ngay cổng vào khép hờ, nhân viên bảo vệ luôn túc trực.

Dự án bất động sản không phép Country Dream 2 (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) được làm trên nền một đồi chè – Ảnh: GIA THỊNH

Không cấp phép nhưng đại “dự án” vẫn mọc lên

UBND huyện Bảo Lâm khẳng định trong thời gian qua địa phương chỉ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng của các hộ gia đình, cá nhân theo quy định và chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn.

Như vậy, không có bất kỳ giấy phép hình thành khu dân cư, dự án bất động sản được cấp nhưng những khu giống như dự án bất động sản vẫn xuất hiện rầm rộ. Đồi nương bị san bạt để làm nhà ở chào bán sôi động, tựa như khu vực này đang có hàng trăm dự án quy mô, thực hiện đúng quy định.

Khu đất được đặt tên Sun Valley (đường Tản Đà, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm) có thể xem là hình mẫu thực hiện những dự án lậu trên nền đất từng là đồi chè cà phê chuyên canh.

Ông Lê Văn Tuế, chủ tịch UBND xã Lộc Quảng, cho biết khu vực Sun Valley trước đây của người dân địa phương canh tác cà phê rồi được nhiều người khác mua lại. Sau đó, họ xin hiến đất làm đường, đấu nối với đường liên thôn 4 và thôn 6 đang được thi công. Ông Tuế cho biết sau khi nhận đơn thì đã chuyển huyện làm thủ tục.

“Tuy nhiên, hầu hết khi người dân địa phương bán đất cho người khác, xã cũng không nắm được chủ mới là ai để quản lý trong các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự tại địa phương” – ông Tuế cho hay.

Dự án Kiwuki (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) từng bị cơ quan chức năng điểm danh vào nhóm “dự án ma” nằm sát rừng, khu đất gần đường đang phân thành từng lô nhỏ – Ảnh: GIA THỊNH

Ông Tuế nhìn nhận việc hiến đất mở đường xuất hiện ở hầu hết các dự án bất động sản không phép: “Người ta hiến đất làm đường không phải làm vườn, sản xuất nông nghiệp mà xin hiến đất làm đường để phục vụ mục đích riêng. Mặc dù tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản điều chỉnh vấn đề này nhưng thực tế nó vẫn diễn ra và chúng tôi chỉ lo lắng về hệ lụy lâu dài, vùng trồng cà phê, vùng nông nghiệp trù phú sẽ dần biến mất” – ông Lê Văn Tuế nói.

Liên quan đến việc nở nồi các “dự án” phân lô xẻ nền khắp nơi, UBND huyện Bảo Lâm nhìn nhận địa phương đang trên đà phát triển kinh tế. Hiện tỉ trọng ngành dịch vụ chỉ mới chiếm 15%, trong khi đó nông nghiệp chiếm 35%. Huyện định hướng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành sản xuất theo hướng ưu tiên tăng tỉ trọng ngành dịch vụ, du lịch; giảm dần tỉ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Do vậy, để thu hút các nhà đầu tư vào Bảo Lâm thì việc tăng diện tích đất ở, các điểm dân cư trên địa bàn huyện là phù hợp, nhằm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Theo UBND huyện Bảo Lâm, chuyển dịch này là phù hợp khi năm 2022, một số công trình đường sá khởi công, lượng du khách đến địa phương tăng đột biến.

Chủ trương của UBND huyện Bảo Lâm sẽ không có gì đáng nói nếu đa số diện tích đất ở được chuyển đổi từ năm 2019 đến nay không bị sử dụng thực hiện các dự án bất động sản không phép.

Ở các khu này, không có sản xuất, không có người, chỉ có rầm rộ thi công nhà cửa, đường sá để chào bán tràn lan. Theo ghi nhận chưa đầy đủ của chúng tôi, khoảng 150ha đất ở nông thôn được cấp trong vài năm gần đây đang thuộc các dự án bất động sản không phép.

G.T.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

This entry was posted in Phá rừng, Pháp Luật. Bookmark the permalink.