EV-FTA và nước cờ dang dở của những nhóm XHDS độc lập Việt Nam

Thục-Quyên

Ngày 09/11/2021 đại diện của hai Nhóm Tư vấn Nội địa (DAG) thuộc Liên minh Âu Châu (EU) cũng như Việt Nam, đã tổ chức cuộc họp đầu tiên trực tuyến, sau khi cuộc họp lên kế hoạch ngày 3-4/6/2021 bị hủy bỏ, vì Chính phủ VN nêu quan ngại về sự tham gia của xã hội dân sự.(1)

Theo cam kết trong Chương 13 về Thương mại và Phát triển Bền vững (TSD) của Hiệp định Thương mại Tự do (EV-FTA) giữa Liên minh Âu châu (EU) và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,  cả hai bên, EU và Việt Nam, phải thành lập “Các nhóm Tư vấn Nội địa” (DAGs) gồm những tổ chức phi chính phủ NGO, đại diện người lao động, hiệp hội thương mại, v.v., để có thể quan sát, nêu lên và thảo luận các vấn đề liên quan đến các chính sách xã hội và môi trường với Ủy ban Liên minh Âu châu và VN.

Xã hội dân sự và việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do VN/EU ( EV-FTA)

Sau cuộc tiếp xúc (2) với một vài nhà hoạt động XHDS Việt Nam tại Hà Nội vào cuối tháng 10/2019, Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Âu châu đã trở lại Brussels với lời yêu cầu của những vị này là nên phê chuẩn ngay EV-FTA mà không bị ràng buộc bởi vấn đề đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Vì mang danh là tiếng nói của những XHDS trong nước nên lời yêu cầu này rất quan trọng, được EU cũng như Chính phủ Việt Nam ưu ái và sử dụng triệt để, hầu gạt bỏ lời yêu cầu đòi hỏi điều kiện Nhân Quyền tiên quyết của đại đa số các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức bảo vệ Nhân quyền, các tổ chức XHDS, quốc tế cũng như Việt Nam.

Tiếng nói duy nhất trong nước đòi điều kiện Nhân quyền của TS Phạm Chí Dũng bị dập tẳt. Phạm Chí Dũng bị bắt (và sau hơn một năm lãnh án 15 năm tù), dọn đường cho cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Âu châu thông qua Hiệp định EV-FTA ngày 12/02/2020.

Xã hội dân sự và việc thực thi EV-FTA

Trong thời gian sửa soạn để EV-FTA đi vào hiệu lực, đôi bên EU cũng như VN có bổn phận thành lập Nhóm Tư vấn Nội địa với chức năng theo dõi, nêu lên và thảo luận các vấn đề liên quan đến các chính sách xã hội và môi trường với Ủy ban Liên minh Âu châu và VN.

Nhóm Tư vấn Âu châu đã thành lập cuối năm 2020 theo đúng qui định, gồm những tổ chức phi chính phủ NGO, đại diện người lao động, hiệp hội thương mại,  và đã có 3 cuộc họp vào tháng 3, tháng 5 và tháng 10/2021.

Về phía VN, tháng 11/2020 Mạng lưới VNGO-EVFTA được thành lập, gồm bảy tổ chức XHDS có đăng ký, với mục đích phổ biến thông tin về Hiệp định EV-FTA và sự hình thành Nhóm Tư vấn Nội địa (DAG). Tuy nhiên tháng 7/ 2021 công an Hà Nội đã công bố bắt giam hai thành viên ban điều hành Mạng lưới là nhà báo Mai Phan Lợi, Chủ tịch “Hội đồng Khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng” (MEC) và luật gia Đặng Đình Bách, Giám đốc “Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền Vững (LPSD).

Việc bắt giam đã khiến Nhóm DAG Âu châu ra thư ngỏ ngày 15/07/2021 đòi hỏi Ủy ban Liên minh Âu châu và Trưởng đoàn Thực thi Thương mại (CTEO) phải điều tra và nêu vấn đề này tại cuộc họp với các cơ quan chức năng Việt Nam .

Tuyên bố của DAG EU
Sau buổi họp đầu tiên trực tuyến với nhóm DAG VN (hiện nay chỉ có 3 thành viên), DAG EU đã ra một bản tuyên bố ngày 12/11/2021(3) trong đó có đoạn:

Các DAG có vai trò thiết yếu trong việc giám sát việc thực thi EV-FTA.
DAG-EU chào mừng cuộc họp đầu tiên , tuy nhiên cũng xin nhắc lại rằng Hiệp định FTA có định rõ, các DAG phải bao gồm “các tổ chức đại diện độc lập” (điều 13.15.4).

DAG-EU đã trực tiếp liên tục nêu lên với cả hai bên tham gia EV-FTA về các trường hợp một số đại diện xã hội dân sự ở Việt Nam bị bắt và bỏ tù trong những tháng gần đây. Chúng tôi lo ngại về số lượng người tham gia quá hạn chế trong Nhóm Tư vấn Việt Nam và do đó yêu cầu cần xác định rõ một quy trình để tiếp tục nhận thêm sự tham gia của XHDS. Điều này càng cấp bách hơn khi chúng tôi được biết một số tổ chức XHDS đã bị từ chối đơn đăng ký tham gia với những lý do không rõ ràng.

Làm sao ủng hộ việc làm của DAG-EU?

Để đáp lại lời than của nhiều người Việt là trong những hiệp định thương mại giữa Việt Nam với quốc tế (trong trường hợp này là với EU) thực tình quốc tế chỉ nghĩ tới lợi nhuận, còn nhân quyền chỉ là cái bánh vẽ của họ, thì cần phải đặt câu hỏi:

Có bao nhiêu người Việt trong và ngoài nước đã có khả năng, phương tiện và cũng thực tâm đọc và tìm hiểu những hiệp định như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hoặc EV-FTA (Hiệp định Thương mại Tự do EU-VN)?

Hay thu hẹp lại, hiện nay có bao nhiêu nhà hoạt động XHDS Việt Nam, trong cũng như ngoài nước,  biết đến Chương 13 về Thương mại và Phát triển Bền vững (TSD) của Hiệp định Thương mại Tự do (EV-FTA) và Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên minh Âu châu (EV-PCA)? (4)(5)

Không biết, không hiểu, thì không thể tích cực tìm được những phương cách an toàn trong tình thế hiện nay tại Việt Nam để ít nhiều tham dự trực tiếp cũng như gián tiếp, ảnh hưởng vào những chính sách xã hội và môi trường?

Bỏ thí cho phe “hưởng lợi nhuận” mặc tình thao túng?

Rồi đổ thừa?

T.Q.

__________

(1) https://www.amfori.org/news/joint-euvn-dag-and-forum-cancelled

(2) https://baotiengdan.com/2019/12/08/evfta-diem-mu-trong-cuoc-van-dong-quoc-te-cua-xhds-viet-nam/

(3) https://www.eesc.europa.eu/sites/default/files/files/statement_eu_dag_1st_meeting_viet_nam_-_eu_joint_civil_society_dialogue_forum_12_11_2021.pdf

(4) https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/hiep-dinh-evfta/13024/ban-tieng-viet-hiep-dinh-evfta-chuong-13-thuong-mai-va-phat-trien-ben-vung

(5) https://eeas.europa.eu/archives/delegations/vietnam/documents/eu_vietnam/pca.pdf

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in EV-FTA, Nhân quyền Việt Nam. Bookmark the permalink.