Thấy gì từ Hội nghị Khí hậu COP26 (Phần 3)

Rời bỏ Cỗ xe Tử thần?

Trọng Thanh

Có thể là hình ảnh về ngoài trời


6 – Thực thi Hiệp định Khí hậu Paris: NỖ LỰC VƯỢT BẬC – NỖ LỰC MỌI MẶT

Điểm mới của Thỏa thuận tại COP lần này được nhiều bên (trong đó có chính phủ Pháp) ghi nhận là việc quy định 197 quốc gia tham gia Hiệp định Khí hậu Paris có trách nhiệm nâng cao cam kết cắt giảm khí thải MỖI NĂM MỘT LẦN. Việc cắt giảm phải được báo cáo một cách MINH BẠCH. Cơ chế giám sát được tăng cường.

Bên lề các thương lượng về Tuyên bố chung (có tên gọi chính thức “The Glasgow climate pact”), đặc biệt đáng chú ý có việc hơn 100 nước (trong đó có Việt Nam) cam kết cắt giảm mạnh KHÍ MÊ-TAN (được coi là loại khí thải gây ảnh hưởng nhiều đến nhiệt độ Trái Đất gấp hàng chục lần khí cacbon). Theo một số tính toán, khí mê-tan chịu trách nhiệm đến một phần ba lượng nhiệt độ gia tăng trên Trái Đất từ hai thế kỷ nay. Tuy nhiên, việc cắt giảm khí này lại tương đối đơn giản, ít chi phí. Bịt chặt các giếng dầu, khí đã khai thác xong, chống rò rỉ các đường ống dầu, khí được coi là biện pháp căn bản. Cùng với mê-tan, đã có thêm hơn 20 nước trong đó có VIỆT NAM (một trong những nước tiêu thụ than đá hàng đầu thế giới) tham gia vào LIÊN MINH CHỐNG THAN ĐÁ (gồm tổng cộng hơn 40 nước), cam kết loại bỏ hoàn toàn than đá, được xác định là một trong các nguồn tạo khí thải lớn nhất.

[Một số liên minh chấm dứt tài trợ cho Than đá – Dầu – Khí ở nước ngoài ở nước ngoài hoặc trong nước đã hình thành tại COP26 (Liên minh Beyond Oil and Gas Alliance (gọi tắt BOGA) chấm dứt khai thác năng lượng hóa thạch trong nước gồm 12 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Costa Rica, Pháp, bang California… Một liên minh gồm 20 nước cam kết chấm dứt đầu tư cho Than – Dầu – Khí ở nước ngoài (chỉ với các dự án không có kỹ thuật hấp thu khí thải), trong đó có Mỹ, Canada…, Pháp tham gia phút chót]

Hiệp định Khí hậu Paris có ba mảng chính:

(1) Cắt giảm khí thải để giữ nhiệt độ không tăng quá 2°C, và lý tưởng là không quá 1,5°C);

(2) Thích ứng với các hậu quả do Biến đổi khí hậu và

(3) Khắc phục các tổn thất không thể vãn hồi.

Về mảng thứ (2), các nước phát triển cam kết tăng gấp đôi lượng tài trợ cho việc THÍCH ỨNG với Biến đổi khí hậu vào năm 2025 so với 2019.

7. Những ai chịu trách nhiệm chính trên Cỗ Xe Tử Thần?

Về mảng thứ (3), vấn đề “ĐỀN BÙ” các thiệt hại không thể phục hồi (ở các nước nghèo) cho dù bị loại khỏi Tuyên bố chung, nhưng các nước giàu cũng đã chấp nhận MỞ THƯƠNG LƯỢNG về vấn đề này. Trong số 97 điều khoản của Tuyên bố chung / Glasgow climate pact, có 14 điều khoản liên quan đến Mục “Tổn thất không thể vãn hồi và Thiệt hại”. Đây sẽ là vấn đề chính tại Hội nghị COP27 năm tới tại Ai Cập.

Các nước đang phát triển và dễ tổn thương nhất đặt các nước giàu đối diện trước các “Tổn thất không thể vãn hồi và thiệt hại” do biến đổi khí hậu (mà nguyên nhân chính là năng lượng hoá thạch tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính).

Thoả thuận Khí hậu Glasgow 2021 thừa nhận biến đổi khí hậu đang diễn ra, các tổn thất đang diễn ra, và sẽ tiếp tục diễn ra, và vấn đề trách nhiệm với “Tổn thất không thể vãn hồi và Thiệt hại” (của các nước giàu, các nước phát triển) là không thể thoái thác. Trên Cỗ Xe Tử Thần có những người phải chịu trách nhiệm nhiều hơn hẳn người khác, về vận mạng của toàn thể cộng đồng, của sinh mạng và cuộc sống của những nhóm dễ tổn thương.

Năm 2021, vào thời điểm COP26, về cơ bản thế giới đang tiến sát hơn nhiều đến điểm tới hạn nếu vượt qua sẽ không đường trở lui (“point of no return”) của thảm họa khí hậu, so với năm 2015. Đúng là 26 hội nghị về Khí hậu của LHQ đã không giúp cộng đồng quốc tế tránh xa được thảm họa khí hậu. Tuy nhiên, nhờ (đạt được) Hiệp định Khí hậu Paris 2015, cộng đồng quốc tế đã một lần THOÁT HIỂM về mặt NHẬN THỨC.

Ý thức được Đại Thảm Họa đang nhãn tiền, và thống nhất cùng nhau phải hành động để THOÁT HIỂM, đó là THOÁT HIỂM về mặt NHẬN THỨC. Thoát hiểm trong gang tấc, bởi nếu chỉ để chậm một năm, khi nước Mỹ có Donald Trump là tổng thống, và khi mà nhiều căng thẳng địa – chính trị lấn át hoàn toàn chuyện khí hậu, thì một Hiệp định như vậy là bất khả. Và nếu cộng đồng quốc tế không đạt được Hiệp định Khí hậu tại Paris vào năm 2015, thì không có cơ hội nào cho phép thế giới hướng đến các nỗ lực chung cắt giảm khí thải – nguồn gốc của các thảm họa – và đối phó, khắc phục các hậu quả.

Có được Hiệp định Khí hậu Paris 2015 chưa chắc đã thành công, nhưng không có thì chắc chắn thất bại. Đạt được Hiệp định Khí hậu Paris 2015 có thể nói là một điều KỲ DIỆU trong bối cảnh như ai cũng biết là căng thẳng toàn cầu tăng cao, thế đối đầu ngày càng mạnh hơn giữa nhiều khối quốc gia (đặc biệt là thế đối địch Mỹ – Trung). Đạt được Cam kết hợp tác, Mục tiêu hợp tác trong bối cảnh như vậy quả là điều kỳ diệu.

Để đạt được mục tiêu như cộng đồng quốc tế kỳ vọng, hy vọng đặt vào các nỗ lực ở mọi phía, nỗ lực vượt bậc trong khuôn khổ các quy tắc quốc tế về khí hậu hiện nay, trung thành với Hiệp định Khí hậu Paris. Thỏa thuận Glasgow 2021 vừa đúc kết là nằm trên hướng này. Tuy nhiên, như rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra, các cam kết và biện pháp của Thỏa thuận Glasgow là hoàn toàn ở dưới tầm mức của TÌNH HÌNH NGUY NGẬP hiện nay.

8 – Rời khỏi “Cỗ xe Tử Thần”: Giải pháp thoát hiểm không tránh khỏi?

Không ít chuyên gia, nhà quan sát đặt câu hỏi: Phải chăng các nỗ lực như trên chắc chắn sẽ không dẫn đến đâu, và là vô vọng? Và các hành động chỉ trong khuôn khổ các quy tắc quốc tế về khí hậu đã và đang được xác định là HOÀN TOÀN không đủ?

Một khi (những người chịu trách nhiệm chính trên) Cỗ Xe Tử thần không chấp nhận bẻ lái, không chấp nhận thay thế mục tiêu coi tăng trưởng kinh tế là động lực chính của xã hội, thì mọi hy vọng thoát hiểm, cải thiện tình hình chỉ là ẢO TƯỞNG (nhân loại ngày càng dấn sâu hơn vào ĐẠI HỌA không thể cứu vãn)?

Và phải chăng chính Tham vọng vừa duy trì Tăng trưởng như hiện nay, vừa chuyển sang nền kinh tế Xanh (“Tăng trưởng Xanh”) là con đường (đầy mâu thuẫn, đầy ảo tưởng), Con đường sẽ đưa nhân loại xuống vực thẳm, bất chấp những lời hứa hẹn TỐT LÀNH (như điều mà nhiều người thường ví von “con đường xuống Địa Ngục thường trải đầy hoa”)?

Phải chăng chính vì vậy mà tờ l’Humanité đã gọi những giọt nước mắt của chủ tịch COP26 là “Giọt nước mắt cá sấu” Giọt nước mắt của kẻ giả vờ làm như không biết trước những hậu quả khí hậu không thể tránh khỏi của mô hình kinh tế hiện nay?

Đối với nhiều chuyên gia về kinh tế và môi trường, chỉ có xét lại triệt để mô hình kinh tế thống trị hiện nay, lấy việc khai thác, tiêu thụ tài nguyên ngày càng nhiều hơn làm chỉ số phát triển, mới có thể mang lại lối thoát. Khó có thể đòi hỏi Ấn Độ không dùng than đá, khi nền kinh tế toàn cầu nói chung vẫn tiếp tục lấy khai thác ngày càng nhiều hơn, tiêu thụ ngày càng nhiều hơn làm chỉ số phát triển cơ bản.

Lần đầu tiên, tín điều về “tăng trưởng kinh tế” bất tận bị thách thức trực diện là vào năm 1972, với báo cáo “The Limits to Growth” (Những giới hạn của tăng trưởng) của Câu lạc bộ Roma, chỉ ra việc tham vọng tăng trưởng vô hạn độ (đi liền với sử dụng năng lượng ngày càng nhiều hơn) dẫn đến các thảm họa môi trường, đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Tuy nhiên, cho đến chỉ cách đây vài năm, quan điểm tìm đến một mô hình thay thế vẫn bị coi là ảo tưởng. Giờ đây, ngược lại, trước đại thảm họa sinh thái ngày càng cận kề, ngay cả một số định chế chính thức ở châu Âu, như Cơ quan Môi trường Châu Âu (AEE) (tổ chức tư vấn của EU) đầu năm 2021 cũng bắt đầu đề xuất chủ trương từ bỏ học thuyết về “TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ” như động lực chủ đạo của xã hội, vốn đã được coi như tín điều bất di bất dịch từ nhiều thế kỷ.

Cao hơn, Nhanh hơn, Xa hơn… Liệu những khát vọng tiêu biểu cho lý tưởng của Kỷ nguyên Hiện đại hóa cần được xem xét lại tận nền móng hay không?

Những năm tới rất có thể sẽ là giai đoạn quyết định trong cuộc đối chọi giữa hai định hướng nói trên. Liệu nhân loại sẽ tìm ra được cho mình con đường vừa phát triển, vừa bảo tồn được môi trường sống của chính mình trên Trái Đất?

T.T.

Nguồn: FB Trọng Thanh

This entry was posted in Hội nghị COP26. Bookmark the permalink.