Myanmar: Tướng Min Aung Hlaing không được dự thượng đỉnh ASEAN

BBC

Vị tướng quân đội Myanmar lên nắm quyền hồi tháng Hai không được dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của các lãnh đạo khu vực được tổ chức từ 26-28/10.

Khối ASEAN thống nhất sẽ mời một đại diện phi chính trị từ Myanmar thay vì mời Tướng Min Aung Hlaing.

Myanmar Army Gen Min Aung Hlaing

Chụp lại hình ảnh: Tướng Min Aung Hlaing tự phong là thủ tướng Myanmar hồi tháng Tám

Đây là một động thái vô tiền khoáng hậu của khối ASEAN gồm 10 quốc gia này, một tổ chức thường tránh can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên.

ASEAN nói quân đội đã không làm đủ để chấm dứt trình trạng bất ổn ở Myanmar.

Hồi tháng Tám, Tướng Min Aung Hlaing tự phong là thủ tướng và tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Myanmar sẽ được kéo dài vì giao tranh giữa quân đội và các lực lượng phản đối đảo chính quân đội vẫn tiếp diễn.

ASEAN nói trong một thông cáo rằng cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ trưởng ngoại giao các nước trong khối đã không đạt được sự đồng thuận về việc quân đội Myanmar có được đại diện cho nước này tại hội nghị thượng đỉnh hay không.

Tổ chức này nói các lãnh đạo quân đội Myanmar từ chối thực hiện cam kết sẽ đối thoại và giảm căng thẳng, và nói đại diện của ASEAN bị cấm gặp bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân sự bị bỏ tù.

Thông cáo do Brunei, nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh, đưa ra nói rằng tình hình ở Myanmar “có ảnh hưởng tới an ninh khu vực cũng như sự đoàn kết, uy tín và trọng tâm của ASEAN”.

Hồi tháng Tư, ASEAN thúc giục Tướng Min Aung Hlaing chấm dứt tình trạng đàn áp bạo lực ở nước này và thả các tù nhân chính trị.

Jonathan Head, phóng viên BBC tại Bangkok, nói quyết định không mời vị tướng quân sự tới hội nghị thượng đỉnh, sự kiện mà Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo quốc tế khác sẽ tới dự, là một cú đánh mạnh vào hy vọng được quốc tế công nhận của chính phủ quân sự Myanmar.

Phóng viên BBC nói thêm hiện chưa có chỉ dấu nào rằng quân đội sẽ sẵn sàng giảm việc sử dụng vũ lực đối với phe đối lập và bắt đầu vào bàn đàm phán với họ.

ASEAN không nêu tên đại diện Myanmar mà họ sẽ mời tham dự hội nghị thượng đỉnh.

Nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Myanmar sau vụ đảo chính hồi tháng Hai. Các lực lượng an ninh đáp trả bằng vũ lực tàn bạo, giết hại trên 1000 người và bắt giữ trên 6000 người, theo Hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

This entry was posted in Miến Điện, Đảo chính quân sự Miến Điện. Bookmark the permalink.