Chó Chết, nhưng không hết chuyện

Nguyễn khắc Mai

Tôi nhớ, thời thuộc Pháp, người ta gọi báo chí lá cải là những tờ chuyên đăng tin chó chết, hoặc bị xe cán chết, hoặc bị xe thùng của phú lít (police) bắt.

Lần này tin chó chết thì khác. Chó chết nhưng không hết chuyện. Không phải chỉ dư luận trong nước quan tâm, xúc động, mà cả ở nước ngoài. Chị Thụy My đưa tin, một người bạn Pháp gọi điện hỏi chị tin ấy đúng sai. Chị bảo đúng đấy, báo chí trong nước đã đưa tin. Người bạn ấy khóc và than thở: Terrible, khủng khiếp, terrible!

Có thể là hình ảnh về chó và văn bản

Tôi nghĩ vụ này có cái giá của nó. Không thể tha thứ cho bất cứ một mệnh lệnh nào dù ở cấp nào, và cũng không thể tha thứ cho những kẻ đã hành xử vừa tàn ác vừa bất nhân, vừa vô pháp như vậy. Tôi không muốn bình luận thêm vì dư luận chính trực đã lên tiếng phân tích. Chỉ xin nhấn cái tính chất này trong một bộ phận không nhỏ của những sai nha của chế độ. Một lần nữa chúng bộc lộ cái khuyển cách của chúng. Chúng đã giống hệt như mô tả của Nguyễn Du khi nói về lũ sai nha (có trái tim chó) là lũ khuyển ưng khuyển phệ. Và ta không thể không nhớ tới tác phẩm Trái Tim Chó của Liên xô.

Tôi nghĩ, người Việt mình trong công quyền xưa dẫu có khuyển ưng khuyển phệ, nhưng không đến nỗi quá quắt như vậy. Cái chính là bọn cấp trên thường coi nhẹ những lỗi lầm khi cấp dưới phạm phải. Không phải họ chỉ bao che cho nhau, mà một thói xấu coi thường đạo đức, coi thường pháp luật đã trở thành như một bản tính của chế độ. Sự vươn lên, học hỏi để có nhân văn đặng đối xử với dân không được khuyến khích, mà chỉ khuyến khich tàn nhẫn, ác độc với người dân thường đã thành nếp trong cái chính quyền hiện nay của Việt Nam.

Thành thử nếu Cà Mau có một Chính quyền thật sự là của Dân, do Dân, vì Dân và còn đọc được mấy chữ thiêng liêng trong nghị quyết của Đảng, trong Hiến pháp, là Văn minh, Dân chủ, Công bằng… thì hãy làm cho ra ngô ra khoai, trách nhiệm và sai trái của ai ở đâu phải làm cho rõ, sai đến đâu phải xử phạt. Không được để cái cách suy nghĩ như của một tay UV TƯ nào đó nói dân có lỗi thì dân phải chịu xử lý còn chúng ta (đảng và CQ) có lỗi thì chịu trách nhiệm.

Chuyện này không nên coi là chuyện vặt, rồi cứ để lâu cứt trâu hóa bùn như bao chuỵện sai trái trước đây. Nếu lần này lại chỉ làm qua quýt thì hóa ra cộng sản Việt còn kém xa cách hành xử của Tào Tháo mấy ngàn năm trước. Ông Trọng, ông Chính, ông Huệ, ông Phúc không nên cho đây là chuyện vặt. Tôi nghĩ nếu mong chính quyền được lâu dài thì đừng coi thường những việc nhỏ. Nhân được cô-vy giam chân ở nhà, tôi tìm đọc lại sách xưa, nhằm luận cổ suy kim, định hầu chuyện với từng vị của tứ trụ triều đình. Trong Đạo Đức kinh có chương 26, tên Trọng đức. Mở đầu là câu: ”Trọng vi khinh căn”. Nghĩa là điều (việc) trọng yếu là cội nguồn của điều, việc nhỏ. Chữ khinh này không nên hiểu là điều khinh thường. Vì thế không được coi thường việc nhỏ. Tuy nhỏ nhưng nó có cái gốc ở việc lớn. Như các ông hay nói là đại cục. Nếu việc này bị bỏ qua, thì chính là đã coi khinh cái hội nghị TƯ bốn vừa qua là chẳng ra gì. Chương ấy còn nói: ”Khinh tắc thất căn”, nghĩa là coi thường là bỏ mất cái gốc, cái lớn. Hãy bảo tuyên giáo và chỗ cô Mai chỉ đạo làm cho có trách nhiệm. Không chỉ vài câu xin lỗi mà xong. Phải làm cho tất cả các cấp, nhất là cấp cơ sở qua việc này mà tự mình chấn chỉnh.

Chuyện này thật chó má. Nhưng chớ khinh thường con chó. Nhớ lúc sinh thời anh Việt Phương từng trò chuyện với tôi về nhân tính và khuyển tính. Anh Việt Phương bảo người mình hay mắng kẻ khác là đồ chó đẻ. Mình cho rằng phải mắng là đồ người đẻ. Bởi khuyển tính có nhiều khi lại cao hơn nhân tính của nhiều người. Anh dẫn chứng cho tôi từ chuyện trong dân gian, cổ tích cả những chuyện có thật mà anh từng chứng kiến, như chuyện mà Tạ Duy Anh vừa kể trên mạng. Đúng là khuyển tính rất đáng trọng.

Xin đừng coi thường chuyện chó má và lũ chó má.

N.K.M.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Quản lý xã hội trong đại dịch, Đại dịch Covid-19. Bookmark the permalink.