Qua đại dịch Covid-19, tản mạn về các thế lực thù địch và những cái bóng ma

Trần Văn Chánh

Trong một bài viết trước (“Tản mạn việc phòng chống Đại dịch Covid-19…”, Viet-studies, 24.9.2021), trong khi bàn luận lan man đủ thứ, tôi có nêu ra một đề nghị, đó là đối với một số người dân vì bực tức mà chửi bới, nói xấu chính quyền về một số việc họ cho là không chuẩn, bị chính quyền phạt tiền hoặc truy tố tội hình sự, thì nên bỏ qua cho họ bằng cách trả lại tiền phạt hoặc bãi bỏ truy tố. Hầu hết những trường hợp này đều bị cho là phá rối gây hoang mang dư luận, nặng hơn thì quy chụp cho họ tội cố ý tuyên truyền xuyên tạc, tiếp tay cho các thế lực thù địch. Nếu làm được như tôi đề nghị, một hành động đầu tư không tốn kém nhưng lợi ích vô cùng to tát, vì nhà cầm quyền chắc chắn sẽ được toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới hoan hô nhiệt liệt!

Dẫu biết rằng đề nghị như trên của tôi rất dễ bị cho là ngây ngô của kẻ chân đi không chấm đất, thiếu thực tế, bởi phần lớn các nhà cầm quyền CS độc tài toàn trị trên thế giới thường xa lạ với thói quen chịu nghe theo lời nói phải quấy từ phía xã hội dân sự gồm toàn những người trong tay không một tấc sắt, nhưng tôi cũng cố đưa ra lý lẽ thuyết phục bằng cách bất đắc dĩ viện dẫn đến ý kiến của ông trùm CS Lênin, với lời mào đầu cho rằng chính quyền nếu thật sự của dân do dân vì dân và hết lòng muốn cứu dân qua cơn nước lửa trong cuộc đại nạn chung Covid-19 này, họ phải có đủ trình độ, tâm hồn, sự nhạy cảm và tính bao dung để biết lắng nghe những tiếng nói khác, và nhận khuyết điểm về phía mình trước. Không nên coi số ít người dân bực bội chửi bới một cách nông nổi này là “thế lực thù địch”, trái lại luôn biết lắng nghe mọi ý kiến phát biểu đa dạng từ nhiều phía, kể cả lời công kích bêu riếu xỉa xói của một số quần chúng cho dù ý kiến đó tất nhiên không được bùi tai.

 

Như chúng ta đều biết, Lênin là một ông CS gộc khá độc tài, thế mà cũng thường biết chú ý lắng nghe ý kiến của những người đối lập, chịu khó đọc các sách báo của kẻ thù viết về cuộc cách mạng ở Nga lúc đó đang gặp nhiều khó khăn, và tự nhủ: “Những người này đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Họ nhắc chúng ta chú ý đến tất cả những sai lầm và hành động ngốc nghếch mà chúng ta mắc phải. Chúng ta phải cám ơn họ”. Ông không ưa kẻ khác tán tụng mình hoặc thêu dệt thêm những thành tích đã đạt được ở Nga, dù chỉ là để tuyên truyền (xem Lênin, Về văn học nghệ thuật, NXB Văn Hoá Nghệ Thuật, Hà Nội, 1963, tr. 114).

Càng về sau, đặc biệt trong mùa thực hiện phong tỏa vì đại dịch Covid-19, hiện tượng người dân chống người thi hành công vụ diễn ra khá phổ biến, trong đó không ít trường hợp sai lỗi thuộc về phía người dân. Có một nguyên nhân sâu xa giải thích cho hiện tượng này, đó là vì sự bực bội lâu ngày có sẵn đối với xã hội đầy bất công mà họ giận cá chém thớt, trút tội lỗi lên đầu những nhân viên cảnh sát công an thuộc cấp thừa hành nhiệm vụ đứng trực rất cực khổ lại còn sợ lây nhiễm bệnh ở các chốt chặn kiểm dịch, trong khi tội lỗi gây nên tình trạng bất công xã hội phải quy đúng về cho những nhà lãnh đạo cấp cao nhất nước. Tất nhiên, nếu phần lỗi cụ thể thuộc về phía người dân nông nổi quá khích thì cần phải được xử lý thích đáng để làm gương, theo đúng quy định của pháp luật.  

Tại đây tôi muốn nói thêm rằng, nếu chính quyền còn được dân chửi thì cũng nên mừng thầm đi, vì người dân coi chính quyền đó, dù tệ hại đến đâu, vẫn còn là chính quyền của họ. Khi sự bất mãn đã lên tới cực độ, họ sẽ không thèm quan tâm nói năng tới nữa, mà lẳng lặng đi theo các thế lực thù địch, thì đã đến lúc nguy rồi! Điều này cũng tương tự như người vợ bất mãn một anh chồng tệ hại, ban đầu góp ý nhỏ nhẹ, sau cằn nhằn gây gổ, thậm chí đá đạp nhau, nhưng cũng còn là vợ chồng; đến khi chị ta không thèm nói gì đến chồng nữa, im lặng trong thời gian dài, là đã có ý ôm cầm sang thuyền khác.

Trong khi đó, mọi người dân nói chung không ai muốn đụng chạm chính quyền chi cho mang vạ. Trái lại, nếu chính quyền mang lại điều tốt cho họ, họ chỉ muốn khen, và cầu mong cho chính quyền đó được thiên niên trường trị. Một khi đã đạt được trạng thái tốt giả định này rồi thì các nhà cầm quyền sẽ rất an tâm, chỉ cần chắp tay sau lưng rung đùi nhịp giò ung dung trị dân mà không sợ có bất kỳ thế lực thù địch nào dám giỡn mặt.

Không phải bây giờ, mà từ rất lâu, cụm từ “các thế lực thù địch” là sự sáng tạo độc đáo của các nhà đương cuộc CS, được mang ra sử dụng phổ biến để chụp mũ ngăn chặn những tiếng nói khác, đi kèm với một số nhóm từ khác nữa như “lợi dụng dân chủ”, “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…, kỳ thật tất cả đều chỉ nhắm vào mục đích không gì khác hơn là để trấn áp dân chủ, củng cố hệ thống cầm quyền độc tài toàn trị.

Trong số các cụm từ kể trên, cụm “các thế lực thù địch” là lợi hại và hiệu quả hơn cả, vì dùng nó thì chụp vào đâu cũng dính, như khi một người dân bực tức chửi rủa văng mạng chính quyền trên mạng xã hội facebook, hoặc một nhà báo viết bài phê bình thẳng thắn không thương tiếc, nói trúng tim đen xấu xa của các nhà đương cuộc. Bởi vì, trong hầu hết trường hợp, cái  gọi  “các thế lực thù địch” chỉ là một lực lượng giả định chứ không phải một thực thể cụ thể có thể nhìn thấy được. Nó tồn tại như một cái bóng ma, lởn vởn. Đối với mọi nhà cầm quyền độc tài, vì tự biết thóp của mình là thiếu chính nghĩa, sợ bị lật đổ có ngày, nên họ thật sự sợ cái bóng ma này như một mối đe dọa thường trực, và thường nhắc nhở nhau giữa các đồng chí để luôn cảnh giác đề phòng, thể hiện qua những buổi sinh hoạt chính trị nội bộ, hoặc trong các nghị quyết, các tờ báo do Ban Tuyên giáo trung ương trực tiếp quản lý. Điều này xảy ra tương tự như vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 người ta sợ cái bóng ma CS vậy, chỉ có điều khác là vì sợ ma CS mà chủ nghĩa tư bản biết cách tự điều chỉnh để tồn tại và phát triển. Nhưng ở một chiều nghịch lại, họ, tức các chính quyền CS, cũng luôn biết lợi dụng cái bóng ma này (“các thế lực thù địch”) để hù dọa nhân dân, trấn áp những tiếng nói khác mà họ cho là ảnh hưởng xấu đến sự bền lâu của chế độ.

Vì luôn sợ ma và dùng ma để nhát thiên hạ, nên các nhà đương cuộc thường vừa làm vừa run, dẫn đến tình trạng mất trầm tĩnh đi cùng với những hành động chính trị hết bậy này tới bậy khác (tôi không muốn dùng từ “sai lầm”), với kết quả trông thấy rõ là đất nước ngày một lụn bại tầy quầy ra: quốc nạn tham nhũng vô phương cứu chữa, bất công xã hội/ hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng, tệ nạn xã hội tràn ngập, môi trường thiên nhiên bị phá hủy trầm trọng, văn hóa-đạo đức xuống cấp thê thảm, dân khí và quan khí bệ rạc, kinh tế phát triển không bền vững, mâu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền ngày một thêm sâu sắc, lại thêm các mối đe dọa về chủ quyền chính trị và chủ quyền lãnh thổ đến từ bên ngoài…

Trong bối cảnh đặc biệt hiện tại, tôi nhận thấy dường như có cái gì đó tương quan, hao hao giống nhau giữa con ma “các thế lực thù địch” với con ma đại dịch Covid-19.

Thật vậy, dịch bệnh do Sars-Covi 2 gây ra khởi từ Vũ Hán (Trung Quốc) đầu năm 2020 sau đó lan rộng ra một số nước gây chết người hàng loạt, và khi sang tới Việt Nam nó đã trở thành một bóng ma ám ảnh gây hoảng loạn tất cả mọi người mặc dù số tử vong thực tế chung cho cả ba đợt (tính chẵn kéo dài một năm) chỉ có hơn 30 người, tương đương với một ngày tai nạn giao thông và chỉ bằng khoảng 1/20.000 số người chết hàng năm vì các loại bệnh truyền thống-phi Covid.

Gọi “con ma” vì Sars-Covi 2 lần đầu tiên xuất hiện trên địa cầu, là một thực thể bí hiểm, cho đến nay các nhà nghiên cứu y khoa trên thế giới còn chưa hoàn toàn hiểu rõ về nó, và giữa họ vẫn tồn tại một số điểm nhận thức chưa đồng bộ nhau. Với các nhà lãnh đạo chính trị thì lại càng ù ù cạc cạc hơn. Chẳng hạn về cơ chế lây nhiễm, thực tế cho thấy, có người sống chung một nhà với F0 nhưng không bị lây nhiễm; một số người khác sợ bệnh toàn ở nhà không dám ra khỏi cửa, thì lại trở thành F0. Tôi có quen vài người chuyên đi làm từ thiện tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân, đến nay chưa nghe nói họ bị gì…

Hoảng loạn vì sợ ma là tâm thái chung của cả nhân dân lẫn các nhà lãnh đạo chính trị, vì ai cũng sợ bệnh sợ chết như nhau, lúc này ý chí giữa hai bên (chính quyền và dân) là thống nhất vì cùng chung mối lo sợ cần phải gấp rút đối đầu, khác hẳn với những khi va chạm nhau vì quyền lợi đất đai mà người dân thuộc thành phần lép vế luôn bị thua lỗ. Cho nên khi chính quyền phát động chống dịch thì dân nghe theo răm rắp (như xuống lệnh đeo khẩu trang, giãn cách xã hội…), nhưng điều may mắn là Việt Nam trong ba đợt I, II, III chưa bị vỡ trận như vài nước khác (như ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ… chẳng hạn).

Khi dịch bệnh thật sự bùng phát đợt IV (từ 27.4.2021), vì vừa thiếu hiểu biết vừa sợ ma, nhà cầm quyền tối mắt tối mũi tỏ ra lúng túng thấy rõ. Họ không nghe lời tư vấn của các chuyên gia y tế mà chủ quan tự đưa ra những quyết định/ mệnh lệnh mang màu sắc chính trị, với những khẩu hiệu trống rỗng kiểu thời chiến rất dễ gây phản cảm (“chống dịch như chống giặc”, “mỗi đơn vị là một pháo đài”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”…), bằng cách phong tỏa “ai ở đâu ở đó” (thực hiện Chỉ thị 16 từ 9.7.2021, rồi 16+), cho “cách ly tập trung” các ca nhiễm (gọi là F0) và cận nhiễm (gọi là F1), rồi truy vết, xét nghiệm diện rộng 100% dân số toàn quốc… Lệnh lạc thay đổi xoành xoạch ban xuống ầm ầm, toàn bằng điện “khẩn”, các nhân vật lãnh đạo chính phủ thì đi lăng xăng tỏ ra tích cực để lấy điểm, trong khi công việc chủ cốt phải là ngừa và chữa bệnh thì không lo (hoặc phải lo trong tình trạng lúng túng thiếu hiểu biết), dẫn đến tình trạng các bệnh viện đều quá tải, số ca nhiễm và tử vong tăng lên hàng ngày, người chết nhiều phải chất ra ngoài sân hoặc bên ngoài các bệnh viện, không kịp hỏa táng phải bó xác chờ mang đi trong những thùng xe đông lạnh… Tính đến tối ngày 8.10.2021 Bộ Y tế cho biết đợt dịch thứ IV số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 827.033 ca (trong đó có 754.303 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh), tổng số ca tử vong  là 20.337 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. Đây là con số do Bộ Y tế chính thức đưa ra, nhưng khi tôi hỏi thăm vài nhà báo và bác sĩ chữa bệnh, họ cho biết con số tổn thất thực tế còn cao hơn nhiều (chỗ này xin chính quyền khoan vội quy kết cho bọn chúng tôi là nghe lời các thế lực thù địch đưa tin đồn thất thiệt).

Thất bại hầu như toàn tập, thế mà người đứng đầu bộ chức năng chủ quản mới ngày hôm kia đã ra báo cáo với tổ chức rằng nhờ kịp thời đưa ra được 5-6 quyết định/ giải pháp sáng suốt gì đó mà Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh! Trong khi đó những quyết định sáng suốt mà người này trưng ra để tâng công với lãnh đạo cấp tối cao đều trái ngược với ý kiến của các chuyên gia y tế trong nước cũng như kinh nghiệm chống dịch Covid-19 của một số nước ngoài, dẫn đến kết quả thê thảm như mọi người đều thấy.

Ở đây, xin tạm lược bớt không đề cập chi tiết đến chuyện ngành y tế đã có những biểu hiện lạm dụng để trục lợi qua việc giao dịch mua bán các loại dụng cụ và sinh phẩm xét nghiệm, từ đó áp đặt xét nghiệm đại trà toàn dân số một cách không cần thiết, và vụ này còn đang chờ sẽ có thể có những cuộc điều tra làm rõ. Riêng việc đặt mua quá nhiều vaccin có nguồn gốc Trung Quốc với giá cao, mà dư luận đã bàn tán nhiều, lẽ ra một nhà nước nghiêm túc cần phải cân nhắc tránh trước, hầu có thể hạn chế được những chuyện rắc rối trong tâm lý quần chúng, như đã thấy xảy ra.   

Tổn thất sinh mạng con người là đau nhất, nhưng việc chống dịch lúng túng thiếu bài bản của nhà cầm quyền còn gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho đất nước và đời sống của người dân. Việc kéo dài phong tỏa “ai ở đâu ở đó” hơn ba tháng mà không đảm bảo cung ứng gạo tiền cho người dân như đã hứa đã dẫn đến tình trạng hàng triệu người bị thiếu đói, đặc biệt đối với dân nghèo thành thị và lực lượng lao động ngoại tỉnh nhập cư chuyên ở nhà thuê làm việc cho các nhà máy, xí nghiệp sản xuất. Bí bách bị dồn vào chân tường và không thể còn một lựa chọn nào khác, trước khi đóng cửa (27.4.2021) và sau khi hé mở cửa (1.10.2021), tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, đã có hai đợt tự phát di dân ồ ạt bằng phương tiện xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ, để vượt đoạn đường về quê dài từ vài trăm đến 1-2 ngàn cây số, trong điều kiện không tiền và thiếu đói, để vừa tránh đói vừa trốn dịch. Họ đàn đúm dắt díu nhau chạy trong những điều kiện vô cùng khốc liệt vô cùng bi thảm, với những mối đe dọa sinh tử dọc đường, mà chỉ xem qua hình ảnh hoặc bài viết mô tả trên các trang mạng xã hội, hoặc cả trên báo chí chính thống, chưa cần trực tiếp chứng kiến, cũng khó ai cầm được nước mắt.

Ấy vậy mà cũng vì vừa “sợ ma” vừa vì óc cục bộ địa phương ích kỷ, thêm phần sợ trách nhiệm có thể bị mất chức, người ta chủ trương vừa mở cửa nhưng cũng vừa khép cửa, bằng cách duy trì nhiều chốt chặn ở các cửa ngõ nhập đô thành vào các tỉnh, thành phố, khiến luồng di dân bị chặn lại bất ngờ, gây thêm biết bao thảm trạng (phụ nữ đẻ cấp cứu dọc đường, một số người bị thương vong vì bệnh tật hoặc tai nạn giao thông…), để cuối cùng chính quyền phải chấp nhận, cho xả cản thông qua và tổ chức đưa xe cho số người còn kẹt lại được trở về quê hương như nguyện vọng của họ. Điều đáng trách là tính cách nhỏ nhen tệ hại của một số nhà cầm quyền địa phương: dân đói hết tiền về tới nơi được/ bị đưa vào các khu cách ly nhưng bắt phải đóng tiền phòng, tiền ăn, tiền xét nghiệm…, nghĩa là họ vét túi dân cho tới tận cùng bằng số!

Trong cảnh khổ, người ta càng nghiệm thấy chỉ có dân giúp dân bằng hành vi từ thiện lá lành đùm lá rách, chứ nhà cầm quyền đối với dân thì hai bên coi nhau như thế lực thù địch!

Tại các quốc gia theo thể chế dân chủ, nếu chính quyền tỏ ra tệ hại trong các kế hoạch phòng chống dịch bệnh gây chết người hàng loạt và làm dân đói khổ như mô tả sơ ở trên thì chắc chắn sẽ dẫn đến những cuộc biểu tình rầm rộ, mà nói theo ngôn ngữ Hán là những cuộc “thị uy” buộc nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách và người đứng đầu chính phủ phải từ chức. Ở nước ta thì khác. Việt Nam nêu quyền tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình… trong hiến pháp chỉ để làm màu, trên thực tế từ năm 1946 đến nay vẫn chưa có luật biểu tình. Nếu dân bức xúc biểu tình sẽ bị dọn dẹp bằng thủ đoạn khôn khéo hoặc đàn áp thẳng tay, như nước Cuba đồng một chính thể với Việt Nam hồi hơn hai tháng trước.

Tuy nhiên, nếu ngẫm kỹ, chúng ta sẽ thấy cuộc di dân ồ ạt vừa rồi của dân đói trên chính quê hương của mình là một hiện tượng độc đáo có một không hai trong lịch sử ở một thể chế độc tài toàn trị. Nó không phải biểu tình mà như biểu tình, thậm chí còn hơn cả một cuộc đại thị uy. Điểm độc đáo nằm ở chỗ đây là hành động tự phát của hàng triệu người dân không tổ chức, không mang danh nghĩa biểu tình và cũng không có bất kỳ một khẩu hiệu chống đối nào. Trong cuộc đại thị uy hết sức đặc thù này, phần lỗi gây ra chắc chắn thuộc về phía các nhà lãnh đạo cầm quyền, vì để cho dân đói khổ, và nhà cầm quyền dù trơ trẽn đến đâu cũng không thể quy sự vụ cho con ma “các thế lực thù địch” xúi giục!

Trước hiện tượng độc đáo và hoàn toàn bất ngờ này, chính quyền như giẫm đạp phải gai. Họ có thể bị mất trầm tĩnh trong những phút đầu choáng váng nhưng trong tai họa này rốt cuộc sẽ mang lại cho họ nhiều điều bổ ích, giúp họ sáng mắt ra. Đó là sự phản tư phản tỉnh, và kinh nghiệm trị dân, cũng như sẽ mang lại cho họ niềm vinh dự được phục vụ đất nước dân tộc một cách đường hoàng hơn nhờ sớm nhận ra nhanh hơn con đường tất yếu phải dân chủ hóa toàn bộ đời sống xã hội, trên cơ sở phải biết thành khẩn lắng nghe tiếng nói của mọi thành phần dân chúng, trên tất cả mọi vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng. Khi đó bao nhiêu tội lỗi của họ từ trước tới nay về nhiều việc và đặc biệt qua đại dịch Covid-19 lần này, đều sẽ được nhân dân rộng lòng xí xóa… Các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng sẽ coi trọng họ hơn và Việt Nam dễ dàng thu nhận được nhiều nguồn lực hơn để xây dựng đất nước giàu mạnh trong đó dân và chính quyền sẽ trở thành một khối đoàn kết nhất trí, vui vẻ hài hòa, chứ không còn đối lập nhau như từ ba bốn chục năm nay.

Đành rằng, các nhà cầm quyền độc tài vẫn có thể giữ được quyền lực thống trị của mình trong khoảng thời gian nào đó bằng biện pháp trấn áp dân chúng, nhưng đây hẳn không phải là thượng sách. Người dân Việt Nam bây giờ thông minh và nhạy bén, tiếp cận rộng rãi với công nghệ thông tin hiện đại, nên khó ai qua mặt được họ. Với chiếc điện thoại thông minh cầm tay loại rẻ tiền, một chị làm lao động phổ thông hay bà nội trợ vẫn có thể quay lại được những clip phản ảnh hành động sai trái của các viên chức chính quyền, hoặc hình ảnh của người dân đau khổ, bị uy hiếp bất công…, và chỉ trong vòng vài giây, các hình ảnh cụ thể sinh động như vậy sẽ được truyền đi khắp thế giới cho cả hàng chục triệu người xem.

Trong mùa đại nạn, gắn theo từng sự kiện của quá trình cam go đối đầu với sự sinh tử, Việt Nam còn sáng tạo được nhiều từ ngữ mới (như: giãn cách, ngoáy mũi, thông chốt, bom hàng, mục tiêu kép, ba tại chỗ…) làm phong phú thêm kho ngôn ngữ tiếng Việt, đồng thời cũng đã vừa dấy lên được một trào lưu văn học phong phú đa dạng, bao gồm văn học bằng hình và bằng chữ viết, sẽ chiếm một chương trong bộ sách văn học sử tương lai gọi là “Văn học mùa Covid-1920-1921”, với đủ các thể loại như thơ (“Đêm nay quỳ lạy cùng nhau” của Trần Nhã Thụy…), phú (“Bi hài phú” của Nguyễn Ngọc Già…), nhạc (“Tạm biệt Sài Gòn hẹn gặp lại” của…), tùy bút, bút ký, truyện tiếu lâm… Bên cạnh còn có thể văn khoa học phổ biến kiến thức y khoa của giới bác sĩ, nhưng quan trọng hơn nữa là văn chính luận tâm huyết của không ít nhà văn nhà báo, nhân sĩ trí thức phê phán thẳng thừng và sâu sắc chính sách cầm quyền lệch lạc, mà nếu gộp chung lại sẽ trở thành một tập sách tham khảo dày cộp, hữu ích cho những nhà hoạt động chính trị-xã hội nào muốn cải thiện công việc của mình.

10.10.2021             

T.V.C.

Nguồn: Viet-studies

This entry was posted in Đại dịch Covid-19, Quản lý xã hội trong đại dịch. Bookmark the permalink.