Nguyễn Ngọc Chu
I. NHỮNG CHIẾC “CỘT MỐI MỌT” ĐIỂN HÌNH
1. Trường hợp điển hình là Chủ tịch Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trả lời câu hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi:
– “Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, tỉnh đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa”?
Chủ tịch Tiền Giang trả lời:
– “Dạ, Tiền Giang đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà”.
Thủ tướng phải thốt lên nhắc nhở:
– “Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau”!
2. Trường hợp điển hình khác nữa của Bí thư Kiên Giang Đỗ Thanh Bình còn lo lắng hơn.
Trả lời câu hỏi về số người bị nhiễm dịch ở Kiên Giang của TT Phạm Minh Chính, Bí thư Kiên Giang không nắm được, phải loay hoay lục các tập giấy tờ để tìm kiếm con số, sốt ruột đến mức có người phải nhắc từ sau cánh gà, buộc lòng TT Phạm Minh Chính phải kêu gọi: “Ai biết thì ra mặt nói đi”.
Sự việc diễn ra trực tiếp trên Truyền hình, trước mắt hàng chục triệu người dân toàn quốc.
Là người quyền lực lớn nhất tỉnh, chịu trách nhiệm cao nhất trong tỉnh, vậy mà tỉnh đối mặt với đại dịch nguy hiểm nhưng không nắm được số liệu người nhiễm, không nắm được diễn biến dịch – thì làm sao có biện pháp hiệu quả để điều hành cả tỉnh đối phó với dịch?
Sẽ có phản biện dựa trên văn bản quy định trách nhiệm mà rằng – trách nhiệm quản lý là của Chủ tịch chứ không phải của Bí thư, Bí thư không phải là người cần nhớ con số, và cũng không thuộc quyền điều hành của Thủ tướng.
Điều này càng soi sáng rõ hơn khuyết tật chồng chéo mâu thuẫn của mô hình quản lý nhà nước hiện nay.
II. PHÁ BỎ “LỒNG NHỐT TÀI NĂNG”
1. Trong tổng số 1.730.117 người dân tỉnh Kiên Giang không tìm được ai tài năng hơn ông UVTƯ Đảng, Bí thư tỉnh uỷ hiện thời chăng? Không phải. Có hàng vạn người Kiên Giang giỏi hơn ông Bí thư Kiên Giang hiện thời. Ngay cả trong 60.000 đảng viên Đảng bộ Kiên Giang, cũng có hàng ngàn người giỏi hơn ông Bí thư hiện thời.
Trong tổng số 1.783.165 người dân tỉnh Tiền Giang không tìm được ai giỏi hơn ông Chủ tịch tỉnh Tiền Giang hiện thời chăng? Không. Có cả vạn người Tiền Giang giỏi hơn ông Chủ tịch Tiền Giang hiện thời.
Bí thư tỉnh là UVTƯ Đảng, UVTƯ Đảng còn quan trọng hơn hàm bộ trưởng, vì danh xưng ‘UVTƯ Đảng’ được xướng lên trước chức vụ ‘bộ trưởng ‘. Còn chức vụ ‘Chủ tịch’ ngang với thứ trưởng, là ứng cử viên cho chức Bí thư tỉnh nhiệm kỳ tiếp theo.
Bí thư tỉnh và Chủ tịch tỉnh giữ vai trò như những chiếc cột trong ngôi nhà. Cả nước có 63 tỉnh thành là có tổng thể 126 Bí thư và Chủ tịch tương ứng với “126 chiếc cột”. Có bao “chiếc cột bị mối mọt” như Bí thư Kiên Giang và Chủ tịch Tiền Giang?
Rất nhiều. Không phải là một bộ phận nhỏ mà có thể là một đa số lớn. Chỉ là chưa bị bộc lộ trực tiếp trước công chúng trên truyền hình. Nếu Thủ tướng tiếp tục sát hạch các Bí thư và Chủ tịch tỉnh bằng các công việc cụ thể, thì hãy đợi chờ cái đa số đó lớn đến mức sợ hãi dường nào?
Sẽ mất rất nhiều công sức để chỉ ra “số cột bị mối mọt” trong số 126. Đơn giản hơn, là ngược lại, đi tìm “cột không mối mọt”. Rất khó khăn để tìm được một “chiếc cột không bị mối mọt” trong số 126. Nếu ai tìm được, xin thử nêu tên xem? Tức khắc sẽ có người chỉ ra những “ổ mối mọt” chưa bị phát hiện hay chỉ ra cách tìm những chiếc cột vững chắc hơn.
2. Thủ tướng Phạm Minh Chính tự mình kiểm tra và biết được đích danh các Bí thư và Chủ tịch tỉnh không đủ năng lực, cụ thể bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ là 2 trường hợp nêu trên. Nhưng Thủ tướng có cách chức được Bí thư Kiên Giang và Chủ tịch Tiền Giang không?
Câu trả lời là KHÔNG. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng bày tỏ, đại ý: ông là Thủ tướng mà không có quyền cách chức đến một chủ tịch xã. Không cách chức được tức là vẫn tiếp tục phải dựa vào những lãnh đạo không đủ năng lực. Vậy thì đến khi nào Việt Nam mới có thể giàu mạnh như các quốc gia hàng đầu thế giới?
3. Mấu chốt nằm ở “Thuật Toán” tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. “Thuật Toán” tuyển chọn cán bộ lãnh đạo mà nước ta đang sử dụng được biết đến nhiều năm gần đây dưới tên gọi “Quy trình…”.
Trước thềm Đại hội Đảng XIII, ông Tổng thư ký ‘Hội đồng Lý luận Trung ương’ tự tin khẳng định “Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII”( https://khoahocdoisong.vn/dai-hoi-xiii-se-khong-de-lot…). Nhưng ngay sau Đại hội XIII thì ông UVTƯ Đảng mới vừa được bầu, là bí thư Bình Dương Trần Văn Nam bị khởi tố.
Ngay trong sáng nay 15/9/2021, Trưởng Ban nội chính Trung ương cho biết “trong nhiệm kỳ XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và kỷ luật 87.000 đảng viên vi phạm” (https://vietnamnet.vn/…/18-bi-cao-toi-tham-nhung-nguyen…). Đây là hàng chục ngàn các phản ví dụ, rằng cán bộ được tuyển chọn “đúng quy trình” nhưng hư hỏng bị kỷ luật.
4. Tại sao không thể cách chức được cán bộ không đủ năng lực như các trường hợp đã nêu ở trên? Tại sao “đúng quy trình” mà vẫn chọn phải lãnh đạo hư hỏng và không đủ năng lực?
Ở nước ta, Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Quyền lực cao nhất thuộc về Bộ Chính trị và BCH TƯ Đảng chứ không nằm ở Chính phủ, Quốc hội và Toà án. Cho nên Thủ tướng Chính phủ không cách chức được cấp dưới trực thuộc – như các bộ trưởng, các thứ trưởng, các chủ tịch tỉnh – khi chưa có sự đồng ý của Bộ Chính trị. Tìm được sự đồng ý của Bộ Chính trị là một quá trình thảo luận, thoả hiệp. Mỗi cá nhân một mục tiêu. Mỗi nhóm có một mục tiêu. Tìm sự đồng thuận trong Bộ chính trị là bài toán tối ưu đa mục tiêu, với các mục tiêu có thể mang tính loại trừ . Và điều này không tương thích với tính tức thời, tính duy nhất, và tính một chiều trong khoa học điều khiển.
5. “Quy trình” tuyển chọn cán bộ lãnh đạo đang vận hành đã hàng vạn lần bộc lộ những khuyết tật mang tính nguyên tắc. Những khuyết tật mang tính nguyên tắc này một cách vô tình đã biến thành chiếc “lồng nhốt tài năng”.
Phải loại trừ các khuyết tật trong “Quy trình” tuyển chọn cán bộ lãnh đạo.
Với thực tiễn hiện nay, thì tìm “lồng nhốt quyền lực” không quan trọng bằng phá “lồng nhốt tài năng”. Phá “lồng nhốt tài năng” tự khắc sẽ mở đường tìm được “lồng nhốt quyền lực”.
Nếu Thánh Gióng mà phải tuân theo “đúng quy trình” thì sẽ không còn là Thánh gióng nữa.
III. ĐỀ XUẤT
Hai “tai biến” ở Kiên Giang và Tiền Giang cho thấy: Chính phủ của TT Phạm Minh Chính dù có nỗ lực bao nhiêu đi nữa, thì cũng khó thu được hiệu quả mong muốn khi các cột trụ là các Bí thư và Chủ tịch tỉnh yếu kém. Không thể kéo dài mãi tình trạng các lãnh đạo địa phương không đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn tại chức cho đến hết nhiệm kỳ. Đã đến lúc phải thay đổi để bớt đi sự cản trở. Đề xuất:
1. Nhập Bí thư tỉnh và Chủ tịch tỉnh vào một vị trí.
Trường hợp điển hình của Kiên Giang – thêm một lần cho thấy sự cần thiết phải nhập Bí thư tỉnh và Chủ tịch tỉnh vào một vị trí.
– Không để Bí thư là người có quyền cao nhất chỉ lãnh đạo bằng đường lối chung, không có giá trị thực tế, không nắm được công việc cụ thể.
– Để chấm dứt tình trạng – “bằng mặt mà không bằng lòng” có thể xẩy ra giữa Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, làm chậm bước tiến của địa phương.
– Là biện pháp hữu hiệu để giảm biên chế, tiết kiệm được một nguồn tài chính lớn cho ngân sách.
2. Mở rộng dân chủ để các đảng viên trong tỉnh được trực tiếp bầu chọn Bí thư tỉnh. Chắc chắn sẽ chọn được các Bí thư tỉnh giỏi.
Thực tiễn đã chứng minh, bầu chọn trong tập nhỏ thì có thể “mua được phiếu bầu” bằng hoán đổi lợi ích và thậm chí bằng thanh trừng. Nhưng bầu chọn trong tập lớn hàng vạn, hàng triệu người, thì phải “mua phiếu bầu” bằng tài năng và lợi ích cho đa số.
3. Trong một quốc gia, toàn dân là tập lớn nhất cần phải đáp ứng để nhận được phiếu bầu. Đặt lợi ích của Dân tộc lên trên hết thì tất sẽ nhận được phiếu bầu của toàn dân.
Tác giả gửi BVN