Còn quá sớm để ‘sống chung với Covid-19′

Phạm Sơn

Chiến lược “sống chung với Covid-19” là một sự đánh cược đầy rủi ro, kể cả với những quốc gia đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao.

Còn quá sớm để 'sống chung với Covid-19'

Cần hết sức cẩn trọng với kế hoạch dần tháo bỏ những biện pháp hạn chế. Ảnh: Báo Nhân dân.

Một năm rưỡi kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn thế giới, nhiều chính phủ tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ đang khuyến khích người dân quay trở lại nhịp sống hàng ngày, với những quy tắc “bình thường mới”.

Vương quốc Anh cho phép nới lỏng hầu hết các hạn chế. Nước Đức cũng đã cho phép người dân được đi du lịch bình thường sau khi đã tiêm phòng đầy đủ. Thái Lan dù vẫn có số ca nhiễm cao nhưng đã bắt đầu nối lại một số hoạt động dịch vụ, bán lẻ và du lịch. Tất cả đều đang cố gắng thực hiện chiến lược “sống chung với Covid-19”, với kỳ vọng hạn chế những tác động khủng khiếp tới nền kinh tế.

Tuy nhiên, chiến dịch “sống chung với Covid-19”, kể cả khi được tiến hành tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, vẫn tiềm ẩn những rủi ro kèm theo sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm như Beta, Delta hay mới đây nhất là Mu. Nhiều nhà khoa học cảnh báo, chiến lược này có thể vẫn còn quá sớm để triển khai.

Ngày 19/7 vừa qua đối với vương quốc Anh là một dấu mốc quan trọng khi chính thức dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế, cho phép các hộp đêm và sân vận động hoạt động hết công suất và không áp dụng cách ly y tế bắt buộc đối với người đã tiêm vaccine đầy đủ, kể cả sau khi tiếp xúc trực tiếp với F0.

Cộng đồng doanh nghiệp vô cùng hoan nghênh quyết định này, tuy nhiên giới khoa học lại bày tỏ quan ngại và gọi đây là một “thí nghiệm nguy hiểm”. 1 tháng sau khi “sống chung với Covid-19”, số ca tử vong mỗi ngày vì Covid-19 tại Anh đã chạm tới 3 con số. Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid đã phải thừa nhận, quyết định về “ngày tự do” khiến số ca nhiễm tăng cao.

Singapore đã đạt đến tỷ lệ tiêm chủng khoảng một nửa dân số và tiến hành giảm dần các hạn chế, chuyển hướng tập trung vào điều trị những ca bệnh nặng, cần đặt nội khí quản. Tuy nhiên, đến tháng 7, dịch bệnh đã bùng phát mạnh mẽ qua một số quán karaoke và một cảng cá lớn, dẫn đến việc các biện pháp hạn chế nhanh chóng được thiết lập lại.

Câu chuyện của Singapore tương tự như Israel, quốc gia nhanh chóng đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60% dân số. Israel cũng ban hành chính sách tập trung cứu chữa các ca bệnh diễn biến nặng và nới lỏng những hạn chế, bao gồm cả việc cho học sinh đi học tập trung trên lớp.

Dịch bệnh tái bùng phát khiến số ca nhiễm nhanh chóng đạt tới 4 con số mỗi ngày. Vào cuối tháng 8, Israel chính thức cán mốc 1 triệu ca nhiễm. Các biện pháp hạn chế cũng được áp dụng trở lại tại quốc gia Do Thái, bao gồm quy định đeo khẩu trang trong nhà.

TS. Michael Baker, một chuyên gia dịch tễ đến từ Đại học Otago, New Zealand nhận xét, các quốc gia quyết định “đi tắt” trên con đường mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, xã hội chính là “đặt cược tính mạng” của những người chưa được tiêm phòng.

Ông Baker cho biết, các quốc gia dường như đã quá chủ quan, trong khi thực tế vẫn chưa thể hiểu hết cách thức hoạt động của chủng vi rút này. Giới khoa học vẫn đang nỗ lực giải mã những thông tin về Covid-19 và đều cho rằng Covid-19 không thể được điều trị như những bệnh cảm cúm thông thường, bởi nó nguy hiểm hơn rất nhiều. Thời gian miễn dịch cũng như mức độ bảo vệ trước các biến chủng sau khi đã tiêm đầy đủ vaccine cũng là vấn đề chưa được làm rõ.

Hiện tại, các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đang có kế hoạch từng bước “sống chung với Covid-19” sau một khoảng thời gian dài giãn cách khiến áp lực đè nặng lên nền kinh tế và đe dọa tới sự sống còn của doanh nghiệp.

Phát biểu trong một cuộc họp gần đây, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cho biết không thể áp dụng mãi biện pháp phong tỏa, cần có phương án thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vaccine và thuốc. Tuy nhiên, với kinh nghiệm quốc tế về chiến lược “sống chung với Covid-19”, các bước đi cần được tiến hành hết sức cẩn trọng, đặc biệt khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn tương đối thấp.

P.S.

Nguồn: The LEADER

This entry was posted in Sống chung với Covid-19. Bookmark the permalink.