Nghĩ về hai chữ “bản lĩnh” (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 114)

Tương Lai

Nói một cách đơn giản mà súc tích thì bản lĩnh là “cái nền gốc của nhân cách” như định nghĩa của Từ điển Hán-Việt Đào Duy Anh. Cụ Đào còn cẩn trọng ghi tiếp: “Tài lực và kỹ năng”. Dường như cụ học giả uyên thâm ấy đã nhìn thấu những gì cần nói thêm về bản lĩnh cho lớp hậu thế cận kề sẽ đọc định nghĩa của Cụ!

Ở bài này, tôi muốn bàn về bản lĩnh chính trị thể hiện rõ nhất trong ứng xử ngoại giao. Tôi chọn hướng này để trình bày vì tôi được thuyết phục bởi nhà ngoại giao lão thành đã gửi tặng cuốn sách của ông “Suy ngẫm về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh” với lời đề tặng vào ngày 23.4.2010 “…tôi được đọc nhiều bài viết với bút danh Tương Lai nhưng lại chưa có dịp được gặp. Vì vậy xin được biếu anh cuốn sách nhỏ này để chia sẻ những suy ngẫm của tôi…”. Võ Văn Sung từng tham gia cuộc đàm phán bí mật Lê Đức Thọ-Kissinger, là thành viên chính thức phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27.1.1973.

Ký kết Hiệp định Paris 27.1.1973:

Hàng ngồi phía trước từ phải sang trái: Võ Văn Sung, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Nguyễn Minh Vĩ.

Lời đề tặng cuốn sách của cụ Võ Văn Sung.

Đã hơn một thập kỷ, những ý tưởng sâu lắng của nhà ngoại giao lão thành đọng lại trong tôi để hôm nay, càng thấm thía hơn về một cơ hội vừa bị bỏ lỡ do thiếu bản lĩnh vì tầm nhìn hạn hẹp bởi trí tuệ quá bất cập của người lãnh đạo cao nhất, đã kìm hãm sự vận động của đất nước theo xu thế chung của thời đại. Lịch sử sẽ phán xét một cách sòng phẳng và nghiêm cẩn về điều đó.

Lịch sử từng ghi nhận bản lĩnh của ông cha ta qua những ứng xử ngoại giao khôn khéo và uyển chuyển trước một kẻ thù truyền kiếp là các “thiên triều” như “hổ đói” không thể cứ “đem thịt mà nuôi.[1] Trước một nước lớn, để tránh việc đem thịt mà nuôi hổ đói thì “triều cống” là một ứng xử đặng chẳng đừng trước một nước láng giềng khổng lồ với vị thế địa chính trị oái oăm, khiến ông cha ta phải kiên trì cắn răng chịu đựng song không bao giờ cam chịu phận tôi đòi, mà vẫn dõng dạc tuyên bố “Nam quốc sơn hà nam đế cư”, nước non Nam Việt vua Nam ở, và nóí rõ điều đó sách trời đã ghi “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”! Đồng thời kiên quyết cảnh báo kẻ nào dám xâm phạm đến nền độc lập của đất nước này “như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” thì “chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Bằng chữ “đế” đầy thách thức đó, từ thế kỷ XI ông cha ta khẳng định sự tồn tại của một quốc gia độc lập, bác bỏ sự ngạo mạn của quyền độc tôn xưngđế” của “thiên triều”, kỳ thị Hoa Di, tức là các nước chung quanh Trung Hoa.

Với bản lĩnh đó, ứng xử ngoại giao của ông cha ta tùy theo từng hoàn cảnh mà linh hoạt trong giải pháp, song vẫn đảm bảo mục đích tối thượng là nhằm bảo toàn nền độc lập của đất nước, quyền tự chủ của dân tộc. “Quân trung Từ mệnh tập” thể hiện rất rõ ứng xử ngoại giao của Nguyễn Trãi góp phần to lớn vào chiến thắng chống quân Minh của Lê Lợi.

Trong cuốn sách của mình, cụ Võ Văn Sung đã có những nhận xét tinh tế: Về “Nguyễn Trãi chúng ta còn lưu lại Bình Ngô Đại cáo với các chiến lược kháng chiến chống quân Minh và sự kiện “Hội thề Đông Quan” với tính cách là một “Hiệp định đầu hàng và cam kết lui binh của quân Minh… Tôi nhớ vào thời gian năm 1965, sau khi Mỹ móc nối với ta và trước khi ta đi vào đàm phán với Mỹ, Hồ Chí Minh đã về thăm Côn Sơn; phải chăng là để suy tính kế sách quốc sự cùng Ức Trai-Nguyễn Trãi. Và phải chăng “Hội thề Đông Quan” cũng gợi ý tưởng cho Hiệp định Pari?Trong chuyến thăm Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam ở Hà Nội của ông Kissinger, cùng đi có ông Lê Đức Thọ, khi thấy các cọc sông Bạch Đằng và được nghe kể về ba lần đánh thắng Nguyên Mông, trả lời câu hỏi đùa của ông Lê Đức Thọ: Mỹ có muốn đánh với Việt Nam ba lần không, Kissinger nói: “Tôi xin ông, một lần là quá đủ lắm rồi. Khi xem bản ghi câu thơ của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư..” ông Kissinger lại nói: Hình như tôi đã nghe câu này ở đâu nhiều lần rồi và tiếp: À! Đây là Chương I điều 1 của Bản Hiệp định Paris”.[2]

Lại cũng từ một cuốn sách, cuốn “Khi Đồng minh nhảy vào” in năm 2016 mà tác giả, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã gửi tặng, tôi đọc thấy ở trang 580, 581 và trang 582 những câu: “Tháng 4 năm 1971: chính TT Nixon tuyên bố bỏ hẳn lệnh cấm vận kéo dài suốt hai mươi năm (với Trung Quốc). Bỏ cấm vận là tín hiệu rõ nhất về việc Mỹ ủng hộ Trung Quốc, cho nên Bắc Kinh bấy giờ mới dứt khoát theo Mỹ, dẫn đến chuyến thăm Bắc Kinh của TT Nixon vào tháng 2.1972, khai mạc “một tuần lễ làm thay đổi cục diện thế giới” như ông viết lại. Tháng 5.1971: mở cửa Bắc Kinh, đóng cửa Sàigòn”…. Bốn mươi năm sau ta mới thấy cái giá “mở cửa Bắc Kinh” một cách vội vàng nó đắt đỏ như thế nào… Mưu lược của Trung Quốc thật thâm sâu”.

Còn trong cuốn “Khi Đồng Minh tháo chạy” của cùng một tác giả, ở trang 76 tôi đọc thấy: “Về đàm phán, cứ cho Hòa đàm Paris múa may bên ngoài, bên trong đã có Kissinger dàn xếp bí mật. Khi nào có kết quả mới công bố.

Kết quả mật đàm của Henry Kissinger trên ba năm trời với cái giá phải trả thêm 15.000 mạng người Mỹ, 62 tỷ đôla, và hàng trăm mạng sống người Việt Nam, cùng với bao nhiêu tàn phá”.. Gần hai năm rưỡi sau, mọi người mới chưng hửng: từ tháng tám 1969, Kissinger đã họp kín với Bắc Việt tại Paris mười hai lần rồi. …và Kissinger đã bí mật đi Bắc Kinh nhiều lần, dàn xếp mọi chuyện, dẫn đến chuyến viếng thăm của Nixon sang Trung Quốc ấn định vào ngày 21 đến 28 tháng 2 năm 1972…

Khi mọi việc đã êm đẹp, có phóng viên UPI là bà Helen Thomas muốn tò mò hỏi xem Kissinger làm gì vào chính lúc ông Roger [ngoại trưởng Mỹ] đặt bút xuống ký. Vì múi giờ khác nhau, 11 giờ sáng bên Paris là 5 giờ sáng tại Washington. Văn phòng báo chí của Kissinger trả lời: “Hãy làm tình, đừng đánh nhau (Make love not war)”! (tr. 77, 80 và tr. 105)

Thật ra, tất cả những diễn biến phũ phàng đối với những người phát động cuộc chiến tranh rồi đang tìm cách “tháo chạy sao cho coi được” đã khởi đầu từ “Tết Mậu thân (31.1.1968), cái mốc lịch sử quan trọng… Vừa mới ba tháng trước, ông Westmoreland lên truyền hình trấn an nhân dân Mỹ là mọi điều đều tốt đep và sắp tới lúc nhìn thấy áng sáng cuối đường hầm. Bây giờ, đùng một cái, Việt Cộng vào tới tận tòa Đại sứ. Câu hỏi hóc búa là nếu đang thắng tại sao phải xin tăng thêm tới 40% quân số.

Nhiều nhà bình luận cho rằng biến cố Mậu thân là Điện Biên Phủ đối với Tổng thống Johnson. Ông bị bại trận về tâm lý. Khi Tổng trưởng Quốc phòng Robert McNamara xuống tinh thần, ông Johnson hết chỗ dựa. Năm 1984 McNamara mới thú nhận là ngay từ khi Mỹ mang quân vào (1965-1966) ông cũng đã có những hoài nghi về cuộc chiến… Bị chống đối dữ dội, lại thấy “diều hâu” McNamara bắt đầu tránh né, Tổng thống Johnson mệt mỏi chán chường. Ngày 31 tháng ba, đúng hai tháng sau Mậu Thân, ông tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ hai nữa. Đồng thời ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt từ trên vĩ tuyến 20 để kêu gọi đình chiến. Đình chiến xong là rút quân về. (tr. 34, 35).

Ai trả tiền, người ấy nắm quyền ra lệnh và điều hành. Đó một sự thật nghiệt ngã. “Chiều ngày 1.3.1975, dinh Độc Lập mở tiệc khoản đãi phái đoàn Quốc Hội Mỹ (sang Sàigòn để thẩm định xem có cấp thêm quân viện nữa hay không dù chỉ là $300 triệu) trước khi phái đoàn lên đường về nước. TT Thiệu đứng lên đọc bài diễn văn lúc cuối tiệc… Trong hai mươi năm qua, có tới năm Tổng Thống Hoa Kỳ thuộc cả lưỡng đảng đã kêu gọi nhân dân Việt Nam chiến đấu chống cộn sản và cam kết sẽ yểm trợ cho tới khi nào họ còn muốn bảo vệ tự do của mình… Liệu những lời cam kết của Hoa Kỳ có còn giá trị nào không? Đó là thông điệp tôi muốn quý vị chuyển tới Đại hội thứ 94 của Quốc Hội Hoa Kỳ. Bầu không khí thật căng thẳng. Bỗng một cơn gió mạnh thổi thốc vào phòng tiệc qua những cửa kính mở ngỏ. Các ngọn nến trên những chúc đài cao bằng bạc phụt tắt gần hết, khiến nến rơi vung vãi xuống bàn tiệc. Gió tiếp tục thổi làm cho những màn cửa màu trắng dài tung bay lất phất trông như những lá cờ đầu hàng. Tôi ngoảnh mặt sang Philip Habib, phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao nói thì thầm “Một điềm gở đấy”, Habib gật đầu. (tr. 670, 671).

Điềm gở ư? Đúng vậy! Trong tiến trình ông cha ta dựng nước và giữ nước, lịch sử từng trải qua bao thăng trầm, không thiếu những giai thoại về điềm gở, điềm lành, song như lời của Lê Quý Đôn trong sách “Quần thư Khảo biện” viết năm 1757 thì: “Các việc mà người xưa xử trí, có việc tưởng thế là phải mà hóa trái; có việc tưởng mất mà lại hóa được; có tai họa nảy sinh mà không biết đề phòng; có việc không ngờ mà lại thành công; có khi do muộn mà hỏng việc; có khi do sớm mà tai họa [nguyên do] chỉ vì “lý” và “thế” ở ngay trước mắt mà khó nhận ra”. Ở “Lời nói cuối sách”, nhà bác học ấy viết “Kinh Dịch nói: “Biến động trong thiên hạ chính đáng chỉ có một (lý) thôi. Chí lý thay chữ “một”. Lấy chữ một ấy mà xuyên suốt mọi việc thì dù bốn bể chín châu cách trở, ngàn xưa trăm đời xa xôi, mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy”. (tr.465, 466 và 468). Có lẽ cần nói thêm rằng Lê Quý Đôn từng được những sứ giả nhà Thanh tiếp xúc và đàm đạo đã phải nhận rằng “bậc nhân tài như Lê tiên sinh thì ở Trung Hoa cũng chỉ đếm có một, hai”.

Thật ngẫu nhiên, trong đầu tôi bỗng hiện ra tên cuốn sách của Wilfred Burchett, “Việt Nam un + un = un” (Việt Nam một + một = một).

Điều này gợi ý đến câu chuyện Lý Giác, viên sứ Tàu hiếm hoi sống ở thế kỷ X, thời nhà Tống khi đi sứ sang An Nam vào năm 987 (có sách ghi là 971), trong cuộc đàm đạo và đối thơ với nhà sư Đỗ Thuận, sứ giả của vua ta cải trang thành một người chèo thuyền đã có câu “thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu” sử sách dịch là “ngoài trời còn có trời, soi cho thấu [chớ coi thường]”! Chữ thiên đứng trước chắc là nói về trời và thiên tử con trời với thiên triều mà “trung nguyên” đứng giữa “thiên hạ”, trung tâm của trời đất, còn lại là bọn Man, Di, Nhung, Địch. Những nước Đông Di, Tây Nhung, Bắc Địch đều có thể bình định nhưng Nam Man là đáng ngại nhất, phải “ưng viễn chiếu” nghĩa là “soi cho thấu” ngụ ý “không được coi thường”. Vậy là chữ “thiên” đứng sau là nói về một “thiên hạ” khác ngoài “thiên triều “ của “trung nguyên”. Phải chăng ở đây, thiên hạ khác mà Lý Giác đưa ra, là nói về “nước An Nam” mà ông đang phụng mệnh “thiên triều” đến làm sứ giả.

Quả thật, hiếm có một bậc thức giả như Lý Giác với tư cách là một “sứ giả” của “thiên triều” trong lịch sử bang giao giữa nước ta với Trung Hoa. Vai trò và phẩm chất của cá nhân của một “Quốc tử giám bác sĩ” được chọn làm sứ giả sang một nước cần phải “ưng viễn chiếu” đương nhiên là rất quan trọng. Song nếu không đặt nó vào bối cảnh của những chiến công của Ngô Quyền dìm chết quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 “Một vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ thôi đâu” như lời bàn của Ngô Thì Sĩ thì chưa hiểu câu của Lý Giác. Tiếp đó năm 981, Lê Hoàn đánh tan tác quân xâm lược, giáng một đòn chí tử vào tham vọng bành trướng của vua tôi nhà Tống. Liệu có phải đó là cội nguồn của lời thơ có dáng dấp một cảnh báo “thiên ngoại hữu thiên” của viên sứ Tàu hiếm hoi nọ. Cũng phải nói thêm rằng trong lịch sử bang giao giữa nước ta với nước Tàu thì quãng thời gian “dễ thở” nhất là thời nhà Lý sau chiến thắng lẫy lừng của Lý Thường Kiệt!

Điều này thật dễ hiểu. Mối bang giao giữa ta và nước láng giềng khổng lồ sát cạnh chỉ có thể “dễ thở” khi ta đủ thực lực khiến cho đối phương phải kiêng dè. Điều ấy xuyên suốt trong lịch sử ngoại giao, không chỉ với mối quan hệ ngoại giao với Tàu mà cả với mọi đối thủ khác nữa. Càn Long của thời nhà Thanh có thái độ vì nể Quang Trung bởi cuộc chiến thần tốc của Nguyễn Huệ chỉ năm ngày đại phá quân Thanh, Tôn Sĩ Nghị phải ôm đầu tháo chạy, chặt cả cầu phao khiến cho quân lính của y chết chìm trên sông Hồng. Điện Biên Phủ trên mặt đất năm 1954 thúc đẩy đối phương ngồi vào bàn đàm phán ở Genève, và “Điện Biên Phủ trên không” 1973 đưa tới Hội nghị Paris 27.1.1973.

Rõ ràng là, những gì ta không giành được trên chiến trường thì khó mà giành được trên bàn đàm phán. Sách lược ngoại giao của Nguyễn Trãi thế kỷ XV mà “Hội thề Đông Quan” – với tính chất là một “Hiệp định đầu hàng và cam kết lui binh” của Vương Thông – là một minh chứng về “biết chớp lấy thời cơ” để đẩy kẻ thù vào thế bí, rồi mở lối cho họ ra đi. “Quân trung từ mệnh tập” của Nguyễn Trãi đã thể hiện rất rõ sách lược đó đã góp phần to lớn vào cuộc chiến thắng quân Minh xâm lược của Lê Lợi. Nguyễn Trãi nói “Thời, thời, đó là cái không được bỏ lỡ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 500 năm sinh Nguyễn Trãi đã trân trọng nhắc đến lời căn dặn ấy của người anh hùng dân tộc.

Chính đây là một điểm tựa của bản lĩnh chính trị, quân sự kết hợp với sức mạnh của bản lĩnh ngoại giao trở thành sức mạnh tổng hợp chính trị – quân sự – ngoại giao để thực hiện phương châm dĩ bất biến ứng vạn biến trong mọi hành xử của người đảm trách công tác ngoại giao, điều mà cụ Võ Văn Sung trân trọng gọi là trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Như vậy là, từ chiều sâu cội nguồn của bản lĩnh dân tộc, vào thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã kế thừa và nâng cao tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” đồng thời tìm mọi cách tranh thủ những nhân tố bên ngoài bổ sung cho cho sức ta. Biết cách làm sao tranh thủ ở mức cao nhất nhân tố bên ngoài đồng thời phải biết cách làm chủ số phận, dựa vào nội lực của chính mình. Điều nổi bật của Hồ Chí Minh là với nước đi xâm lược, Hồ Chí Minh vẫn luôn trân trọng nhân dân nước đó, coi họ là bạn, mà ngay trong những nhà cầm quyền cao nhất của nước đó, Hồ Chí Minh vẫn cố tìm ra bạn. Đối với hai nước Pháp và Mỹ trong hai cuộc chiến tranh, Hồ Chí Minh vẫn “mở đường làm bạn” cho họ, Hồ Chí Minh luôn nhắc các cán bộ đàm phán với đối phương phải “rải thảm đỏ cho họ đi ra khỏi nước ta”. Trong cuốn sách của mình, nhà ngoại giao lão thành có viết “Trong xử lý các tranh chấp, cách làm của Hồ Chí minh là tìm điểm đồng, còn điểm khác nhau thì cố gắng dàn xếp, nếu trước mắt chưa làm được thì để ngỏ cho sau này giải quyết. Với cách “cầu đồng tồn dị” như vậy rõ là không muốn có thù mà chỉ mong có bạn… hình như Hồ Chí Minh có một triết lý về việc chỉ tìm bạn, chỉ có bạn, không coi là thù, từ đó mà không có thù. Trong cuộc đấu tranh lâu dài vừa qua, không ít những “kẻ thù” nay trở thành bạn chân thành của ta và việc “thù” trở thành những người bạn mới vẫn đang tiếp tục diễn ra”.

(Nhưng có lẽ vì tránh né những điều nhạy cảm mà tác giả của cuốn sách do Nhà Xuất Bản Chính trị Quốc gia in, đã không nói đến ông bạn “cùng chung ý thức hệ XHCN” với Nguyễn Phú Trọng thì lớp hậu duệ của những “thiên triều” trước đây đang là những “thiên triều mới” đã kế thừa một cách khốn nạn ứng xử của cha ông chúng, tiếp tục là kẻ thù gian manh và xảo quyệt trong mối bang giao giữa hai nước, quyết không trở thành những người bạn mới của dân tộc ta được. Hành xử của viên Đại sứ Tàu Tang Bong trước chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Mỹ Harris đến Hà Nội là một ví dụ nóng hổi và cũng là lý do để tôi viết bài này).

Đúng là, “Phải một người như Hồ Chí Minh mới đủ bản lĩnh thực hiện được nghệ thuật ngoại giao “Dĩ bất biến ứng vạn biến”… biết lượng sức mình, đặc biệt là khi sức người lớn hơn sức mình quá nhiều. Biểu hiện điều đó rõ nhất là vào buổi đầu dựng nước, nền Độc lập như sợi chỉ mành treo trước gió bởi thù trong giặc ngoài, những lá thư gửi đến Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ không có chút hồi âm cho dù Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mở đầu với Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của Cách mạng Pháp. Liên Xô với Stalin thì coi Hồ Chí Minh là “cải lương” không công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở phía nam thì quân Anh, Ấn kéo vào giúp Pháp, ở phía Bắc thì mấy chục vạn quân Tưởng đang đói cơm tràn vào nhân danh Đồng Minh!”.

Trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, với bản lĩnh của một chiến sĩ từng bôn ba khắp thế giới tìm đuòng cứu nước, trải nghiệm biết bao tình huống ngặt nghèo, làm nhiều nghề khác nhau để sống, vào tù ra tội, tiếp xúc với nhiều nền văn minh nhằm tích lũy tri thức để vận dụng trong quá trình hoạt động, Hồ Chí Minh đã lèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua mọi thách thức tưởng chừng không vượt qua nổi. Ký Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 nhằm hòa giải nhượng bộ với Pháp để đuổi được mấy vạn quân Tàu Tưởng về nước, kéo theo những thế lực bám đuôi quân Tưởng. Nhân nhượng để có Tạm ước 14 tháng 9 nhằm kéo dài thời gian hòa bình mà chuẩn bị lực lượng để thực hiện cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp khi mà “ta càng nhân nhượng địch càng lấn tới”.

Kế tục sự nghiệp Hồ Chí Minh, thế hệ lãnh đạo được tôi luyện trong máu lửa của cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ đã kế thừa bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm của Hồ Chí Minh để vận dụng vào một giai đoạn đầy thử thách mới chưa ai có thể hình dung nổi là tiến hành cuộc Chống Mỹ cứu nước trong bối cảnh xung đột Xô-Trung. Thế hệ Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt và những người khác, đã vận dụng sáng tạo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, để vẫn giữ được quan hệ thân thiết với cả hai nước đang là đối thủ của nhau, chiến tranh Xô-Trung trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biên giới hai nước dài tới 4380 km đã nổ ra. Liên Xô chuyển quân từ Đông Âu về biên giới Trung Xô, số sư đoàn Nga đóng tại đây tăng từ 12 sư đoàn lên đến 40 sư đoàn. Trong tình thế chiến tranh biên giới Xô-Trung đang nóng bỏng như vậy, Việt Nam vẫn giữ được hòa hiếu với Liên Xô và Trung Quốc để vẫn nhận được sự giúp đỡ rất to lớn trong cuộc chiến đấu với một siêu cường chưa từng nếm mùi thất bại. Làm cách nào để vũ khí hiện đại của Liên Xô vẫn đến được Việt Nam, ngoài đường biển, phần lớn phải bằng đường sắt xuyên qua lãnh thổ Trung Quốc? Đồng thời, những viện trợ quân sự bao gồm vũ khí, quân trang quân dụng của Trung Quốc vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả kịp thời. Rõ ràng là trong thực tiễn cũng như trong lý luận, thế hệ lãnh đạo từng được tôi luyện ấy đã kế thừa một cách sáng tạo bản lĩnh Hồ Chí Minh để đủ sức mềm dẻo và linh hoạt trong chiến lược và sách lược của cuộc Chống Mỹ cứu nước đưa đến toàn thắng, hoàn thành sự nghiệp độc lập, non sông quy vào một mối.

Những khó khăn của buổi ấy nghiệt ngã gấp vạn lần với giai đoạn “đu dây” kéo dài hiện nay ở thời Nguyễn Phú Trọng dưới áp lực của Tập Cận Bình, người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN của Trọng! Cam chịu lệ thuộc vào Trung Quốc vì Nguyễn Phú Trọng không đủ bản lĩnh, do anh ta chưa từng được thử thách và rèn luyện trong hoạt động thực tiễn. Một ví dụ: vào lúc cả nước dốc sức cho trận đánh quyết định, buộc Mỹ và Thiệu phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris, thanh niên ào ạt xung phong ra trận, kể cả những sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đang học Khoa Văn,Trọng lọt lưới nghĩa vụ quân sự một cách mờ ám. Chuyện ấy không giấu được. Sau này, trong một cuộc ra mắt cử tri ở Hà Nội, để tự đánh bóng tên tuổi mình sau việc “cố đấm ăn xôi”, giẫm lên Điều lệ Đảng ngồi ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, để cố tránh tai tiếng, Trọng đã trí trá kể lại thuở đi học là bần nông, vì là học giỏi lại là Bí thư Chi đoàn nên được giữ lại (?). Trọng lập lờ luận điệu “Có người ra trận thì cũng phải có người phải giữ lại để đào tạo cho mai sau chứ!”. Trọng giỏi như thế nào thì câu chuyện của một cán bộ biên tập của Tạp chí Cộng sản muốn chuyển đi làm việc khác thích hợp hơn nên giới giới thiệu Trọng về thay mình, đã trở thành một giai thoại đầy bi hài nhiều người biết!

Nhờ “dễ bảo”, lại là “bần nông” nên lọt vào mắt xanh của cụ Đỗ Mười và ông Đào Duy Tùng, Trọng cứ thế thăng tiến, chuyện này tôi đã có dịp kể trên “Mênh mông thế sự” nên không nhắc lại nữa. Điều cần nói là với sự tha hóa của quyền lực, thì những kẻ nắm nhiều quyền như Trọng, cơn khát quyền lực không thể dừng. Cơn khát ấy sẽ đẩy Trọng đi đến những sai lầm nguy hiểm hơn. Những lời rao giảng của Trọng gần đây, tiếp theo là những sách vừa xuất bản được quảng bá rộng rãi, với những lời tụng ca thớ lợ của đám bộ hạ đang cần lọt mắt xanh để được cân nhắc lên bậc thang quyền lực cao hơn, nhằm tranh thủ “ngoạm một miếng rồi chuồn” và tệ hơn nữa là “cố đấm ăn xôi” theo lối “đắm đò giặt mẹt”. Hơn cả thời Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, ba nhiệm kỳ Tổng Bí Thư của Trọng cộng thêm 4 năm Chủ tịch Quốc hội trước đó, là giai đoạn tệ hại nhất mà đất nước và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức và lớp trẻ khát khao tự do, phải chịu đựng.

Không phải là ngẫu nhiên mà trong khi đại dịch COVID-19, mối bận tâm hàng đầu của nhân dân cả nước đang phải gồng mình, căng sức đối phó, số người bị lây nhiễm và tử vong ngày càng cao, thì Trọng vẫn hối hả rao giảng và cho ra những tập sách của mình để khẳng định sự trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội, cho dù một trăm năm nữa không biết đã có chủ nghĩa xã hội chưa như Trọng đã buộc miệng nói ra! Rồi tuyên bố công cuộc đốt lò tiếp tục và quyết liệt hơn, nhằm hù dọa những kẻ non tay, yếu bóng vía. Với việc mở rộng nội dung chống tham nhũng gắn với chống “tiêu cực” được xem là còn nguy hiểm hơn tham nhũng, Trọng mở rộng đối tượng bị Trọng cho là “có vấn đề cần theo dõi” rất dễ cho vào “” nếu Trọng muốn.

Phải thúc đẩy nhanh những chiêu trò đó vì trong cuộc chiến quyền lực, Trọng chưa chiếm được thế thượng phong. Trong tình thế đó, điều đáng sợ hơn đối với Trọng là nỗi ám ảnh về khả năng thay ngựa giữa dòng của quan thầy họ Tập, người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN của Trọng. Tuổi cao, sức yếu, lại bệnh tật đi không vững phải có người dìu, thì nỗi ám ảnh ấy ngày càng tăng, nên phải cố sức biểu tỏ sự trung thành với ý thức hệ XHCN cho dù Trọng biết cái Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc chính là Chủ nghĩa Tư bản mang màu sắc Trung Quốc Tập Cận Bình. Cái mà Trọng cần là sự hà hơi tiếp sức của quan thầy họ Tập để giữ được vị thế quyền lực đang lung lay. Liệu Trọng có biết quy luật nghiệt ngã của quyền lực, nhất là quyền lực của ông chủ nước lớn trong việc sử dụng những con bài trong cuộc chơi? Khá nhiều bài báo của những phóng viên trên nhiều tờ báo nước ngoài đưa tin và phân tích khá sâu sắc về đề tài này.

Đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến cho việc bỏ lỡ thời cơ đất nước thoát khỏi áp lực nặng nề của Bắc Kinh khi bang giao giữa Việt Nam và Mỹ đang có những bước tiến vững chắc, thể hiện trong những tuyên bố gần đây của các Đại sứ Mỹ ở Hà Nội về “quan hệ đối tác chiến lược”, về “không có gì là không thể trong triển vọng nâng quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lên một tầng cao mới. Đặc biệt là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, và gần đây nhất là chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Mỹ. Cần nói thêm đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của bà Phó Tổng thống, và bà đã đến Singapore và Việt Nam. Hoạt động của bà Phó Tổng thống Hoa Kỳ trong hai ngày ở Hà nội thật phong phú và giàu ý nghĩa, đặc biệt là những tuyên bố thẳng thừng, phê phán Trung Quốc về những hành động vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Liệu có phải những quan chức Việt Nam rất trân trọng và chân thành tiếp đón vị khách quý đã đưa vào một ngọn gió mát lành trong không khí oi bức, nhưng vẫn phải liếc nhìn ông Tổng Bí thư, còn Tổng Bí thư thì lại liếc nhìn về Bắc Kinh để lựa chiều mà ứng xử sao cho vừa lòng quan thầy họ Tập! Thì chẳng phải viên Đại sứ Tàu ở Hà Nội đã dằn mặt Việt Nam khi yêu cầu được “đến thăm” Thủ tướng Việt Nam trước chuyến công du của bà Phó Tổng Thống Mỹ đến Hà Nội. Chuyện dằn mặt này không lạ! Nó vẫn diễn ra trong những dịp tương tự. Vấn đề là ta ứng xử thế nào để chứng tỏ được bản lĩnh trước một tình huống đầy thử thách này khi biết rằng phản ứng của Bắc Kinh sẽ dữ dằn. Quả đúng thế, tạp chí Hoàn Cầu của Bắc Kinh lập tức có phản ứng bằng những lời lẽ thô bạo và khiếm nhã để dằn mặt Việt Nam đồng thời cũng chĩa vào Hoa Kỳ. Bản lĩnh của người lãnh đạo đang được thử thách, nhân dân đang nhìn vào họ.

Những sự kiện này lại diễn ra trong thời điểm Việt Nam phải dồn toàn lực cho cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với những biến thể mới nguy hiểm hơn. Rõ ràng là chúng ta đang lúng túng khi đưa ra những quyết sách và giải pháp thực hiện, tổ chức và quản lý sự thực hiện phòng và chống đại dịch đó mặc dầu đã xác định “chống dịch như chống giặc. Nguyên nhân sâu xa là lãnh đạo thiếu những tham mưu giỏi. Đất nước hiện giờ đang quá hiếm những nhà y học giỏi, những nhà dịch tễ học trình độ cao như của thế hệ các giáo sư Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Đặng Văn Chung… Đây là hệ lụy của việc thiếu nhân tài do không trân trọng trí thức, trân trọng người có tài năng, trọng chính trị (hồng) hơn tài năng (chuyên).

Nói rộng ra hơn, đây là sản phẩm của một thể chế toàn trị phản dân chủ, một gánh nặng đè lên vai cả dân tộc cần phải trút bỏ. Một bộ máy quản lý được hình thành từ một hệ thống đào tạo lấy “chính trị làm thống soái” đương nhiên không trọng trí tuệ và tài năng, lấy lập trường và sự trung thành ý thức hệ làm điểm tựa để lựa chọn cán bộ, thì chỉ có thể chọn những “ngu trung” và những kẻ cơ hội bất tài. Bộ máy quản lý ấy không thể quản lý và vận hành những hoạt động của cả một xã hội không ngừng vận động và chuyển đổi. Sự lúng túng trong PhòngChống đại dịch COVID là điều không tránh được.

Phải có bản lĩnh để thắng được kẻ thù vô hình luôn thay hình đổi dạng. Làm cách nào để có bản lĩnh đó? Cụ học giả Đào Duy Anh thật thâm thúy khi định nghĩa hai từ bản lĩnh “là cái nền gốc của nhân cách” và thêm mấy từ “tài lực và kỹ năng”. Tài lực, được tạm hiểu là có tài, mà tài ở đây là trí tuệ sau đó là kỹ năng. Nếu không tôn trọng tài năng, coi nhẹ kỹ năng thì khó có được bản lĩnh đích thực. Muốn thế phải tạo ra một thể chế dân chủ, tạo ra một môi trường tự do để kích thích sự sáng tạo. Làm sao để tạo ra một thể chế dân chủ, tạo điều kiện cho khát vọng tự do để thúc đẩy sự sáng tạo?

Một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ngày 9.9.2021

T. L.

Tác giả gửi BVN.

Chú thích:

[1] Trần Hưng Đạo, Hịch tướng sĩ: “ …của kho có hạn, lòng tham vô cùng, khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho được tai họa về sau…”.

[2] Võ Văn Sung, Suy ngẫm về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. NXB Chính trị Quốc gia, 2010, tr 80 và tr. 61, 62.

This entry was posted in Bản lĩnh chinh trị. Bookmark the permalink.