Nên chăng thay đổi tư duy chống dịch

Lê Phú Khải

(Tặng Trần Bang)

Khi nghe những khẩu hiệu như: “chống dịch như chống giặc”, “mỗi khu phố là một pháo đài…”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”… tôi đã thấy lo, vì, chúng ta đã lấy tư duy thời đánh giặc xâm lược làm tư duy chống dịch. Cảm hứng của tư duy chiến tranh, đánh giặc… là căm thù, càng giết được nhiều giặc càng tốt. Vì thế, quốc ca của chúng ta ban đầu có câu: “thề phanh thây uống máu quân thù” (sau có sửa đoạn này). Bài quốc ca của Pháp La Marseillaire cũng có câu: Hãy để máu quân thù tưới đẫm luống cày của chúng ta! Con covid không phải là địch, cứu chữa bệnh nhân Covid phải là tư duy trị bệnh cứu người, yêu thương người bệnh, thầy thuốc phải như mẹ hiền! Vẻ mặt hung dữ của các vị dân phòng mà tôi quan sát được tại các chốt gác ở Sài Gòn, Cần Thơ… là tư duy đánh giặc, là tư duy của chuyên chính vô sản, đánh kẻ thù. Người bị F0, F1 có thể là bệnh nhân, phải thiết lập một nền chuyên chính lương tâm với bệnh nhân, với đồng bào của mình. Phải thay đổi tư duy chống dịch thì mới thắng được dịch.

Cũng may, các vị lãnh đạo cao của chính quyền như Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã kịp có những uyển chuyển về tư duy chống dịch trong những phát biểu gần đây. Tôi thấy rất mừng. Nhưng vô cùng sửng sốt khi thấy ông Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh lại mới ra lệnh giãn cách một cách cứng rắn nhất để chống dịch Covid cho dân thủ đô. Vì thế, một tờ báo ở Bỉ (nước Bỉ dùng tiếng Pháp) đã rút cái tít lớn như sau: Hanoi transformée en prison à ciel ouvert pour lutter contre le coronavirus! (Tạm dịch: Hà Nội đã biến thành một nhà tù lộ thiên để chống coronavirus!). Bài báo này ăn khách đến mức nhiều tờ báo ở Châu Âu đã đăng lại nó. Ông Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh chẳng học gì được từ những kinh nghiệm của TP.HCM nên đã làm trò cười cho cả Châu Âu, cả thế giới!

Dịch giã rồi sẽ qua đi. Nhưng chúng ta sẽ phải rút ra những bài học sâu sắc sau đại dịch này. Chẳng hạn, trong tình hình nguy cấp, nếu Hiến pháp của ta không có những tu chính án về tình hình khẩn cấp của đất nước thì Quốc hội phải họp để ra những luật khẩn cấp trong một thời gian ngắn để dễ dàng cho ngành hành pháp ra những chỉ thị không vi hiến.

Để kết thúc bài này, tôi xin chép lại hai câu thơ rất hay mà ít người biết của thi sĩ Xuân Diệu:

Phải can đảm mới bền gan yếu đuối

Phải khôn ngoan mới đủ trí dại khờ!…

Vì thế, trong vụ án Đồng Nọc Nạn ở Nam bộ năm 1928, một luật sư người Pháp đã khuyên Chính phủ Pháp nên vứt bỏ nền chuyên chế bằng sức mạnh của khẩu súng, thay bằng nền chuyên chế của trái tim (dictature du cœur) thì mới mong cai trị được lâu dài ở xứ Việt Nam.

Cần Thơ, 7.9.2021

L.P.K.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Quản lý nhà nước trong đại dịch. Bookmark the permalink.