Hoài Thương
(VNF) – Trong bức thư gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, dược sĩ Nguyễn Duy Như, TGĐ Công ty dược Tuệ Linh đã nêu ra những biện pháp mà theo ông là sẽ giúp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. VietnamFinance xin đăng lại nội dung bức thư đã và đang gây xôn xao cộng đồng mạng cả tuần nay để bạn đọc tham khảo.
Đặc tính cơ bản của virus SARS-CoV-2
SARS-CoV-2 là một loại virus cúm nên có đặc tính chỉ tấn công tế bào hệ hô hấp và điểm khởi phát đầu tiên luôn ở trên bề mặt niêm mạc khu vực khoang mũi, họng. Do đó chỉ cần tập trung bảo vệ thật tốt vùng mũi họng và coi đây là yếu tố then chốt chống dịch.
Virus không lây qua da hay hệ tiêu hoá, do vậy không cần phải mặc đồ bảo hộ toàn thân vốn gây mất sức rất nhiều cho các bác sỹ.
Virus chỉ nguy hiểm đến tính mạng khi nó tấn công xuống phổi. Do vậy, cần triệt để khống chế virus ngay từ lúc chúng bám được vào niêm mạc mũi họng, không để chúng tấn công phổi.
Virus SARS-CoV-2 có lớp vỏ ngoài là một màng phospholipid kép hình cầu và các mảnh protein đính trên đó. Lớp vỏ hình cầu này giúp virus ổn định hơn, tồn tại lâu hơn nhưng cũng là điểm yếu chí mạng của chúng. Do cấu tạo từ lipid kép nên các chất tẩy rửa (xà phòng, các chất diện hoạt), nước muối sinh lý, hay các loại tinh dầu có thể dễ dàng làm biến dạng vỏ này, từ đó làm giảm hoặc làm mất hoạt lực của virus với tế bào vật chủ.
Các chốt chặn có thể ngăn virus gây hại cho cơ thể
Thứ nhất, không để lây nhiễm.
Xây dựng chốt chặn đầu tiên (tạm gọi là hàng rào chống xâm nhập) để ngăn ngừa virus bám dính vào nơi gây bệnh là niêm mạc khoang mũi họng. Tốt nhất để làm việc này là đeo khẩu trang thường xuyên, giữ khoảng cách và hạn chế tụ tập đông người. Hiện nay biến thể Delta đã có kích thước to hơn hẳn các biến thể trước, điều đó giúp virus ổn định hơn, tồn tại trong khí lâu hơn. Chuyện thực hiện giãn cách xã hội để hết F0 trong cộng đồng là việc khó.
Thứ hai, khi đã lây nhiễm, không để Covid – 19 tấn công đến phổi.
Dược sĩ Nguyễn Duy Như, Tổng Giám đốc công ty Tuệ Linh
Khi virus đã bám được vào niêm mạc mũi họng thì cần có chốt chặn thứ 2 được thiết lập ngay tại đây nhằm làm giảm hoặc mất hoạt lực của virus ngay khi chúng vừa bám vào niêm mạc.
Tại thời điểm mới lây nhiễm, lượng virus thường ở mức thấp. Sẽ thật sai lầm nếu chúng ta “mặc kệ” virus phát triển trong giai đoạn này. Thường xuyên thụt rửa khoang mũi và súc họng thật kỹ nhiều lần bằng nước muối ấm (nồng độ 0,9% đến 1%) có thể giảm đáng kể số lượng hạt virus vừa được sinh ra tại đây.
Ngoài ra xông hơi với tinh dầu sả chanh, húng chanh, quế hay hương nhu…cũng có thể làm giảm tải lượng virus, nhất là vùng niêm mạc sâu bên trong, niêm mạc phế quản và phổi, nơi mà nước muối không tiếp cận được.
Về mặt khoa học đã chứng minh, tinh dầu kết hợp với hơi nước nóng có thể vô hiệu hóa virus nhờ tác dụng làm biến dạng lớp vỏ ngoài phospholipid kép. Thực tế biện pháp này đã được áp dụng từ ngàn đời nay trong văn hoá của người Việt.
Theo kinh nghiệm dân gian của ông cha, khi bị cảm cúm (cảm lạnh), xông lá (sả chanh, hương nhu, tía tô…) là một bài thuốc cổ truyền giúp chữa bệnh vô cùng hiệu quả. Sau khi xông, người bệnh sẽ thấy thông thoáng đường thở và nhanh khỏi bệnh.
Biến thể Delta gây tử vong nhanh vì nồng độ virus tại mũi họng tăng rất cao trong thời gian ngắn, do vậy chốt chặn thứ 2 này tối quan trọng để giảm nguy cơ tử vong và phải được thực hiện quyết liệt.
Thứ ba, khi SARS-CoV-2 đã tấn công phổi thì cần hạn chế thấp nhất tử vong.
Khi virus đã xâm nhập sâu vào cơ thể thì hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ virus trong máu. Có thể coi hệ miễn dịch là chốt chặn cuối cùng của cơ thể chống lại virus. Do vậy tiêm vaccine là giải pháp tối quan trọng để trấn áp dịch bệnh và hạn chế nguy cơ tử vong.
Cần ưu tiên nguồn lực để chuẩn bị tốt thiết bị cứu chữa bệnh nhân nặng như máy thở, nguồn oxy, tăng cường bổ sung các đơn nguyên ICU, bổ sung thiết bị can thiệp ECMO…để làm giảm nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, cần coi trọng miễn dịch tự nhiên của mỗi người. Có thể nhận thấy cùng tiếp xúc nguồn bệnh nhưng người dương tính người không. Đó là do miễn dịch tự nhiên của mỗi người. Do vậy cần để người dân tập thể dục ngoài trời không nên cấm. Việc giãn cách cực đoan và cấm tập thể dục ngoài trời làm giảm nền tảng sức khoẻ cả thể chất đến tinh thần của người dân.
Qua phân tích trên có thể thấy chốt chặn đầu tiên là phòng dịch thụ động, giống như việc dựng hàng rào rồi núp sau hàng rào đó và cầu mong “kẻ địch không trèo qua”. Chốt chặn thứ hai là chủ động tấn công “địch” ngay khi “địch vừa đặt chân lên đất mình, đang hạ trại và chưa ổn định đội ngũ”. Chốt chặn thứ 3 là lớp phòng thủ sau cùng, nằm sâu trong nội địa, chiến đấu chống lại kẻ địch khi địch đã tiến sâu và tràn ngập lãnh thổ.
Chốt chặn thứ 2 quan trọng nhất, nó rẻ nhất và dễ thực hiện nhất. Điều này đặc biệt quan trọng vì chốt này nếu làm tốt sẽ chặn được các loại virus biến thể, điều mà cả thế giới đang lo lắng và theo dõi, rất có thể sẽ có biến thể kháng lại vaccine hiện tại.
Chiến lược chống dịch trong tình hình hiện nay
Chúng ta cần sớm nhận định rằng virus SARS-CoV-2 không thể bị biến mất và khó có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng từ việc tiêm vaccine.
Do vậy, thay vì đuổi theo chúng thông qua việc truy vết bằng xét nghiệm diện rộng rồi cách ly, giãn cách, chúng ta chống dịch theo hướng chấp nhận sống chung với SASR-CoV-2 và coi nó là một loại bệnh đặc hữu như cúm mùa và mục tiêu duy nhất là giảm số người tử vong do bệnh này.
Như vậy cần cá nhân hóa việc chống dịch, mỗi người dân là một “chiến sĩ chống dịch”. Nhà nước chỉ làm tốt khâu cung cấp vaccine cho toàn dân, tuyền truyền trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh đúng đắn và tổ chức thật tốt khâu điều trị bệnh nhân nặng để giảm tỷ lệ tử vong.
Để hạn chế lây nhiễm cộng đồng, chỉ cần thực hiện tốt việc đeo khẩu trang thường xuyên và không tụ tập đông người. Không cần giãn cách xã hội, không cách ly tập trung và không phun khử khuẩn môi trường. Công tác truyền thông cần nhấn mạnh việc vệ sinh mũi họng mỗi ngày bởi virus chỉ gây bệnh khi nó bám được vào niêm mạc mũi họng.
Để giảm số ca nặng và giảm tỷ lệ tử vong, cần tiêm vaccine để tạo miễn dịch. Trong thời gian chờ tiêm đủ vaccine thì cần hướng dẫn người dân rửa mũi họng thường xuyên mỗi ngày bằng nước muối sinh lý (0,9%) hoặc ưu trương nhẹ (1%). Mỗi tuần xông hơi ít nhất một lần với Sả chanh tươi kết hợp lá Hương nhu, lá Bưởi (nếu có điều kiện nên mua tinh dầu Sả chanh, Quế, Tràm nguyên chất sẽ tốt và tiện lợi hơn).
Ngoài ra cần chú trọng vấn đề dinh dưỡng phù hợp, ăn nhiều thực phẩm tạo năng lượng và có tính ôn ấm cơ thể (Bò, Dê, Gà, Trứng, Cá…) kết hợp các gia vị cay nóng như Hành, Gừng, Tiêu, Tỏi, Tía tô, Quế, Hồi. Hạn chế ăn thực phẩm có tính hàn như Vịt, Ngan, Ốc, Ếch… Thường xuyên tập thể dục, tập thở sâu nhiều lần trong ngày.
Như vậy thông điệp chống dịch mới phải là đeo khẩu trang thường xuyên, nhất là nơi công cộng, nơi đông người; rửa mũi, súc họng thường xuyên mỗi ngày; không tụ tập đông người; tập thể dục thường xuyên. Đối với việc điều trị các ca F0 với triệu chứng nhẹ sẽ áp dụng thêm các phương pháp cổ truyền như tập thở sâu qua toạ thiền; xông hơi tinh dầu…
Dược sĩ Nguyễn Duy Như là Tổng Giám đốc công ty dược Tuệ Linh. Công ty dược Tuệ Linh được thành lập năm 2004 và phát triển theo con đường của Đại Danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, người đặt nền móng cho nền y học với khẩu hiệu “Nam dược trị Nam nhân” nổi tiếng. Tuệ Linh được biết đến là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong việc bảo tồn và phát triển cây thuốc bản địa.
H.T.
Nguồn: vietnamfinance.vn