Nguyễn Tuấn
Ông Nguyễn Văn Nên nói “TP.HCM không thể thực hiện Chỉ thị 16 mãi” [1], và tôi đồng ý. Nếu dựa vào các ‘outcome’ như số ca nhiễm và số ca tử vong, thì chánh sách phong toả thành phố HCM đã không đem lại hiệu quả. Tôi đề nghị lộ trình 4 bước thoát phong toả dưới đây.
1. Mục tiêu của phong toả
Mục tiêu của phong toả là ngăn ngừa không để lây nhiễm trong cộng đồng. Nhìn bề ngoài thì rất ư là logic. Khi phong toả, người dân sẽ không đi ra ngoài, sẽ không tương tác với nhau, và vì thế người bị nhiễm sẽ không lây lan cho người khác. Như vậy, phong toả có thể giảm lây lan, và giảm số ca cần nhập viện, và qua đó giảm số ca tử vong. Nhìn như thế chúng ta thấy phong toả quả thật là biện pháp hợp lý.
Nhưng những gì xảy ra trong thực tế không giống như lý thuyết. Chúng ta thử xem qua con số ca nhiễm (tôi thu thập từ HCDC), và thể hiện qua biểu đồ cho dễ nhìn:
20/6/2021 137
25/6/2021 165
1/7/2021 464
5/7/2021 641
10/7/2021 1320
15/7/2021 2691
20/7/2021 3322
25/7/2021 4555
30/7/2021 4282
5/8/2021 3886
10/8/2021 3956
15/8/2021 4516
20/8/2021 3375
25/8/2021 5294
30/8/2021 5889
Số ca nhiễm / dương tính ở TP.HCM mỗi ngày. Màu đỏ là trước phong toả và màu xanh là sau khi phong toả. Số liệu lấy từ HCDC.vn
TP.HCM bắt đầu phong toả (đầu tháng 7) khi số ca mỗi ngày tăng từ 137 đến gần 464 ca. Sau khi phong toả, như chúng ta thấy, số ca tiếp tục tăng. Không chỉ tăng mà còn tăng rất nhanh. Xu hướng này rất đúng với quy luật của bệnh truyền nhiễm.
Chúng ta không biết số ca nhập viện và tử vong là bao nhiêu, nhưng có thể đoán rằng xu hướng chung là gia tăng. Thật ra, tỷ lệ tử vong (nếu chỉ tính đơn giản trên số ca nhiễm hay dương tính: 8869 / 215.821) thì đã lên đến con số 4,1%, có lẽ cao nhứt trong vùng Đông Nam Á. Thái Lan ghi nhận 1,19 triệu ca nhiễm, nhưng số ca tử vong chỉ 11.399 (hay dưới 1%).
Những con số trên cho thấy khá rõ ràng rằng phong toả không làm giảm số ca nhiễm và số ca tử vong. Cố nhiên, có nhiều lý do tại sao tình hình như như thế. Một trong những lý do là dịch đã bắt đầu ‘bén rễ’ từ tháng 5/2021, và những con số vào tháng 6 chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thành ra, khi phong toả bắt đầu áp dụng thì dịch đã lan quá rộng.
2. Tác hại của phong toả
Nhưng phong toả đã gây ra nhiều tác hại. Dù truyền thông Nhà nước không phản ảnh, nhưng ‘truyền thông lề dân’ trên các mạng xã hội cho thấy tình trạng đói khát ở người dân, nhứt là người nghèo và lao động. Phải nói là ‘đói’, và họ đi lang thang trên đường xá. Những ‘sáng kiến’ dùng lính đi chợ đều thất bại (và thất bại thấy trước). Người ta chết tại nhà do các bệnh khác vì không được nhập viện chữa trị. Điều trớ trêu là phong tỏa gây thiệt hại lớn hơn và nhiều hơn cho người nghèo, nhóm người mà chánh sách phong toả muốn giúp!
Thiệt hại kinh tế cũng khá nặng nề. Một bản tin có lẽ ít người biết đến: trong 7 tháng đầu năm 2021 có 79.673 doanh nghiệp rút khỏi thị trường Việt Nam [2]. Chỉ riêng TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm đã có 24.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Ngoài những nguyên nhân kinh doanh, chắc chắn một phần là do tình trạng phong toả kéo dài làm cho họ không thể hoạt động, không có tiền trả lương công nhân viên, và duy trì kinh doanh. Có thể xem con số đó là một tín hiệu về tác động của phong toả kéo dài.
Do đó, không ngạc nhiên khi đã có nghiên cứu phân tích cho thấy phong toả không đem lại lợi ích về việc giảm số ca nhiễm. Các tác giả kết luận rằng nếu phong toả có giảm số ca nhiễm thì các biện pháp khác ít khắt khe vẫn có thể có hiệu quả y như phong toả [3].
3. Vậy cái gì có thể thay thế phong toả?
Chúng ta cần nhận ra vài sự thật (ít ra là đã có dữ liệu khoa học yểm trợ) và nhận thức như sau:
(a) Chúng ta sẽ phải sống chung với con virus này vĩnh viễn vì chúng ta không có cách nào xoá bỏ nó;
(b) Mục tiêu là đạt miễn dịch cộng đồng tạm thời. Chỉ tạm thời thôi, bởi vì khi biến thể Delta xuất hiện thì rất cả trở nên vô nghĩa;
(c) Có hai cách để đạt miễn dịch cộng đồng: tiêm vaccine và tự nhiên (sau khi bị nhiễm và bình phục sẽ có kháng thể);
(d) Đa số các ca nhiễm sẽ tự bình phục mà không cần đến đặc trị;
(e) Nhưng một số nhỏ ca nhiễm cần phải nhập viện và khi nhập viện họ có nguy cơ tử vong cao.
Do đó, một chiến lược thay thế phong toả phải xem xét 5 yếu tố trên. Chúng ta thử bàn qua những điểm chánh:
Miễn dịch cộng đồng
Không ai biết rõ số ca nhiễm ngoài cộng đồng là bao nhiêu, nhưng dựa vào con số kết quả xét nghiệm, tôi nghĩ có thể ước tính rằng khoảng 5% người bị nhiễm. Và, theo thời gian, con số này có thể tăng lên 30% trong một tháng. Đó là miễn dịch tự nhiên.
Bên cạnh đó, số người được tiêm vaccine cũng đóng góp vào tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Hiện nay (30/8) thì đã có 81% đã được tiêm vaccine; trong số này 97% những người trên 65 tuổi và có bệnh nền đã được tiêm vaccine [4]. Những con số này cho thấy đã đến lúc lên kế hoạch ra khỏi tình trạng phong toả. Ở tiểu bang NSW (Úc) tỷ lệ tiêm vaccine liều 1 đã đạt chừng 70% và chánh phủ đang bàn cách thoát phong toả.
Số ca nhập viện và nguy cơ tử vong cao
Chúng ta không biết rõ trong số những ca nhiễm, có bao nhiêu phần trăm phải nhập viện, nhưng số liệu từ nước ngoài cho thấy con số này là khoảng 20%.
Tuy nhiên, sau khi đã có 80% dân số được tiêm vaccine thì cho dù bị nhiễm nhiều, tỷ lệ nhập viện sẽ thấp hơn nhiều so với con số 20%.
Hiện nay, đã có thuốc có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong (Như Dexa, Remdesivir). Do đó, ngay cả số ca nhập viện cao thì tỷ lệ tử vong cũng sẽ giảm nhiều so với trước đây. Giảm bao nhiêu thì tôi không biết vì không có dữ liệu ban đầu để ước tính.
4. Lộ trình ngưng phong toả
Ai cũng biết rằng phong toả là biện pháp sau cùng trong các biện pháp y tế trong đại dịch. Thế nhưng lần đại dịch này, đa số các quốc gia đều sử dụng đến biện pháp này. Nếu so sánh tỷ lệ tử vong ở các nước phong toả với nước không phong toả (như Thuỵ Điển) thì không khác bao nhiêu. Như trình bày trên, phong toả chưa đem lại hiệu quả cho TP.HCM.
Có vài người cho rằng nhờ phong toả mà có ít người chết và ít ca nhiễm. Nhưng cách nói này giả định rằng nếu không phong toả thì số ca tử vong và ca nhiễm đã tăng. Chẳng có chứng cớ nào để nói như vậy.
Với những lý giải trên, tôi nghĩ TP.HCM nên bắt đầu ngưng phong toả. Tôi nghĩ đến những bước sau đây (cần bàn thêm):
• Bước đầu, các công sở và hãng xưởng nên mở cửa hoạt động lại. Những người đi làm nếu chưa tiêm vaccine thì có thể cần làm xét nghiệm nhanh. Cho phép những người đã tiêm vaccine đi chợ trong vòng (ví dụ như) 5 km. Hạn chế sự đi lại ở người cao tuổi (trên 65) và có bệnh nền.
• Bước 2, mở cửa các khu vực công cộng (như quán ăn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch nội địa, v.v.) Nên ưu tiên cho những người đã tiêm chủng vaccine. Không hạn chế đi lại.
• Bước 3, cho phép du lịch đến một số quốc gia và nhận du khách từ các quốc gia đã được tiêm chủng. Bình thường hoá các hoạt động khác. Không hạn chế đi lại ở người cao tuổi (trên 65) và có bệnh nền.
• Bước 4, xem covid-19 như các bệnh truyền nhiễm khác. Không lockdown, không giới hạn đi lại nước ngoài, không giới hạn du khách.
Phác hoạ một lộ trình thoát phong toả.
Các nước Âu châu và Mỹ với tỉ lệ tiêm vaccine khá đã gỡ bỏ phong toả dù số ca vẫn cao, nhưng hoạt động gần bình thường. Ở Úc cũng đang chuẩn bị thoát phong toả, nhưng Úc là nước hơi quái dị, vì các bang có quyền riêng của họ, nên khó xem là mô hình lý tưởng.
Với số liệu tốt, việc mô phỏng tình huống thoát phong toả theo lộ trình này, kể cả nhu cầu bệnh viện, là không khó. Vấn đề là phải có dữ liệu về nguy cơ nhập viện, tỷ lệ tử vong, thời gian nằm viện và ICU.
Do đó, tôi đồng ý với ông Nên là phải ngưng phong toả. Dĩ nhiên không phải ngưng ngay, mà phải có lộ trình như đề cập trên.
Bản trên blog: https://nguyenvantuan.info/…/nen-thoat-phong-toa-nhu…
____
[1] https://plo.vn/…/bi-thu-nguyen-van-nen-tphcm-khong-the…
[2] https://www.rfa.org/…/many-businesses-withdraw-from-the…
[3] https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/eci.13484
[4] https://plo.vn/…/nhung-vien-dan-bac-de-tphcm-hoi-suc…
N.T.
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn