Với tư cách là phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mùa lũ nào tôi cũng ngụp lặn trong dòng lũ… và cảm nhận toàn thân rằng, phải “chung sống với lũ”.
Mùa lũ lớn năm 1991, tôi và nhà báo Hải Bình, Trưởng cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Tiền Giang có mặt tại xã Hậu Mỹ Bắc A huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang do Giám đốc Sở Nông nghiệp là anh Khang dẫn đường. (Sau này anh Khang là Chủ tịch tỉnh Tiền Giang). Sau một đêm ngủ lại trong nhà dân, sáng hôm sau tỉnh dậy, chúng tôi chứng kiến dòng lũ từ vùng Đồng Tháp Mười từ từ bò về Hậu Mỹ Bắc A, và đến chiều thì toàn huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang ngâm trong phù sa nước lũ…
Sở dĩ tôi viết lũ “từ từ bò về” vì lũ ở ĐBSCL không hung dữ như lũ ở miền Bắc và miền Trung. Bà con nông dân Nam bộ gọi là “lũ lành”, tức không dữ.
Tôi và nhà báo Hải Bình cởi quần dài quấn lên đầu và lội trong dòng lũ để đưa tin về lũ trong mùa lũ năm 1991.
Từ cái đầu quấn quần đó, tôi nghĩ đến khẩu hiệu “5 nguyên tắc chung sống hoà bình” của Thủ tướng Chu Ân Lai về các nước thứ ba không liên kết – một khẩu hiệu thịnh hành trên thế giới một thời.
Báo Sài Gòn Giải Phóng số Tết 1992 đã đăng bài nhan đề: “Ơi Đồng bằng Sông Cửu Long!” của tôi, trong đó nêu khẩu hiệu: “Chung sống với lũ”! Bài báo đó tôi còn giữ đến bây giờ làm kỷ niệm. Sau đó là hàng loạt những bài viết về đề tài chung sống với lũ trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trên báo Sài Gòn Giải Phóng và báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam. Tôi cũng bàn với Tiến sỹ Tô Văn Trường, chuyên gia hàng đầu về thuỷ lợi, để cho ra đời cuốn sách “Chung sống với lũ” do nhà xuất bản Thanh Niên in ấn, trong đó tập hợp các bài viết của Tiến sỹ Tô Văn Trường và tôi viết về đề tài lũ ở ĐBSCL.
Một lần, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp tôi trong một cuộc hội nghị, ông vỗ vai tôi và hỏi: Vợ chồng Phú Khải sống với nhau như thế nào?! Bị hỏi đột ngột quá, tôi chưa biết trả lời thế nào, thì ông ôn tồn bảo tôi: Phải chung sống hoà thuận, chứ chung sống với lũ như các bạn nêu thì chưa ổn (!). Sau đó, một loạt các chính sách được chính phủ Võ Văn Kiệt ban hành để chung sống hoà thuận với lũ như: cơ cấu lại mùa vụ để né lũ; làm nhà sàn, nhà trên cọc ở vùng lũ; cho khai giảng năm học mới sớm hơn ở vùng lũ; phát triển cây, con hợp với mùa nước nổi ở vùng lũ… Tỉnh An Giang của Chủ tịch Nguyễn Minh Nhị đã viết một đề án nổi tiếng: “Biến mùa lũ thành mùa sản xuất chính”. Đề án này đã đem lại hiệu quả rất cao cho An GIang – tỉnh ở vùng lũ đầu nguồn. Từ đó, việc lũ về không còn là vấn đề nữa ở ĐBSCL. Ngày nay, ai về An Giang du lịch vào mùa lũ, sẽ được thưởng thức món đặc sản lẫu-cá-linh-bông-điên-điển, đó là dấu ấn của đề án Nguyễn Minh Nhị.
Sở dĩ tôi nói dài dòng như vậy, chỉ để muốn đề xuất một ý kiến cho giải pháp chống dịch Cô-vit đang làm đau đầu cả nhân loại hôm nay, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Cứ sau một khoảng thời gian dài, tính bằng hằng chục, hằng trăm năm, thì trên trái đất này lại xuất hiện những trận đại dịch. Đó là sự thanh lọc của tạo hoá, nhưng đó là sự thanh lọc có chọn lọc. Con người không thể chống lại được. Và, khi không thể chống lại được thì phải chung sống với nó. Ví như một trận bão lớn, gây thiệt hại đổ nhà, gãy cây, chết người… nhưng trận bão cũng thanh lọc không khí, làm không khí trong sạch trở lại, cứu rỗi con người!
Lại nói về lũ. Trước đây ông Tổng bí thư Đỗ Mười đã có lần dẫn nhiều cán bộ vào Nam, ông tuyên bố “sẽ huy động toàn Đảng, toàn dân đắp đê ngăn lũ cho ĐBSCL”! Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi lúc đó là ông Chín Giới đã phải dẫn một đoàn chuyên gia để trình bày cho Tổng bí thư những khó khăn không thể đắp đê ngăn lũ ở ĐBSCL. Cũng may, ông Đỗ Mười là một người cầu thị nên đã rút lui ý kiến đắp đê cho ĐBSCL. Sau cuộc họp quan trọng với Tổng bí thư Đỗ Mười đó, Thứ trưởng Chín Giới đã nói với người viết bài này rằng, đó là điều vui mừng nhất trong cuộc đời làm lãnh đạo của ông, vì đã phản biện và được TBT chấp nhận ý kiến của mình.
Nay Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi mọi người “Nghĩ thật, nói thật, làm thật…”, là một nhà báo mà “bóng đời đã ngã dài xuống thung lũng của thời gian” (Shakespeare), là đối tượng “thanh lọc có chọn lọc” của tạo hoá, tôi mạo muội nói thật suy nghĩ của mình rằng, đại dịch Cô-vit, ngoài yếu tố bệnh, nó còn mang yếu tố xã hội, tâm lý. Nếu con người bị ngăn cách xã hội quá lâu, sẽ nảy sinh bệnh lý xã hội, nó làm bế tắc hệ tuần hoàn xã hội. Engels từng nói: Trong sự vận động muôn hình muôn vạn của vật chất thì vận động tư duy là phức tạp nhất.
Ai dám đảm bảo những người lao động nghèo khó, bị nhốt lâu trong những căn nhà chật hẹp mấy mét vuông không nẩy sinh những bệnh lý tâm thần?!
Tôi hy vọng rằng, sau cuộc giãn cách quyết liệt, với nhiều cố gắng của chính quyền, đến hạn 15 tháng Chín này, mọi rào cản sẽ được dỡ tung để người dân được trở lại cuộc sống bình thường, chấp nhận “sự thanh lọc có chọn lọc của tạo hoá”.
Tôi tin rằng, chỉ riêng sự phấn khởi của nhân dân khi được trở lại cuộc sống thường nhật sẽ là một liều thuốc tiên vô giá đẩy lùi mọi dịch bệnh.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin kể một câu chuyện. Khi chọn người đầu tiên để du hành vào vũ trụ, phi công Ga-ga-rin chỉ là người xếp hạng gần chót về các chỉ số sức khoẻ, giờ bay, trình độ kỹ thuật… Nhưng ông Tổng công trình sư của Chương trình Du hành vũ trụ lại chọn phi công Ga-ga-rin! Mọi người thắc mắc. Vị Tổng công trình sư giải thích: Bay vào vũ trụ cô đơn lắm. Ga-ga-rin thuộc nhiều thơ Pust-kin, nên anh ta mới đủ sức để sống cô đơn trong vũ trụ!
Có phải ai cũng được như Ga-ga-rin!
Cần Thơ, 27-8-2021
L.P.K.
Tác giả gửi BVN