48 giờ Kamala Harris ở Hà Nội: Ngắn ngủi nhưng tác động lâu dài

Lê Quỳnh
– BBC News Tiếng Việt

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tổ chức họp báo trước khi rời Hà Nội, Việt Nam, ngày 26 tháng 8 năm 2021

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tổ chức họp báo trước khi rời Hà Nội, Việt Nam, ngày 26 tháng 8 năm 2021

Chiều 26/8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tạm biệt Hà Nội, với hoạt động cuối cùng là cuộc họp báo 20 phút.

Dựa theo tài liệu của phía Hoa Kỳ và Việt Nam, chúng tôi dựng lại các hoạt động của bà trong 48 giờ thăm Việt Nam.

Toàn văn ‘sách lược’ của Mỹ về chuyến thăm Hà Nội của Kamala Harris

Từ Việt Nam, PTT Mỹ Harris lần thứ nhì ‘công kích Trung Quốc’


Thứ Ba 24/8/2021, 10 giờ tối:

Chuyến máy bay của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris từ Singapore đến Việt Nam tối 24/8 đã bị hoãn ba giờ đồng hồ do một cuộc điều tra về nghi ngờ xảy ra ‘Hội chứng Havana’ cho nhân viên Mỹ ở Hà Nội.

Bà Harris đã đáp xuống Nội Bài vào khoảng 10 giờ tối, giờ Hà Nội.

Hội chứng Havana là tên gọi của một loạt các sự cố sức khỏe bí ẩn được cho là xảy ra lần đầu tiên với các nhà ngoại giao Mỹ và các nhân viên chính phủ khác ở thủ đô Cuba bắt đầu từ năm 2016.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ra thông cáo:

“Cuối giờ chiều nay, phái đoàn công tác của Phó Tổng thống đã bị trì hoãn trong việc rời Singapore bởi vì Văn phòng Phó Tổng thống đã được thông báo về một báo cáo về một sự việc y tế mới đây có thể là bất thường tại Hà Nội, Việt Nam. Sau khi đánh giá một cách cẩn trọng, quyết định được đưa ra là chuyến thăm sẽ tiếp tục.”

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói trường hợp ở Hà Nội không phải là “trường hợp đã được xác nhận” của Hội chứng Havana. Bà nói rằng ca này xảy ra “từ vài ngày trước” liên quan đến một người không đi cùng bà Harris.

Theo kế hoạch, bà Harris sẽ rời Singapore đến Việt Nam, lúc 4 giờ chiều theo giờ Singapore. Nhưng các phóng viên đi cùng phó tổng thống đã đột ngột được đưa trở lại khách sạn Shangri-La lúc 3.30 chiều giờ địa phương.

Máy bay của phái đoàn Mỹ cuối cùng đã cất cánh vào khoảng 7.30 tối giờ Singapore và bà Harris có mặt tại sân bay Nội Bài khoảng 10 giờ tối giờ Hà Nội. Phái đoàn Mỹ ở tại khách sạn JW Marriott.

Thứ Tư 25/8/2021

10 giờ sáng, Phủ Chủ tịch

Phái đoàn Mỹ, gồm cả nhóm phóng viên, bắt đầu khởi hành đi tới Phủ Chủ tịch, Hà Nội. Nhóm phóng viên đến trước đoàn của Kamala Harris, khoảng 9.20 sáng.

Phó Tổng thống có mặt ở Phòng khách Phủ Chủ tịch lúc 10.29, được Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân chủ trì lễ đón.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (phải) đón tiếp Phó tổng thống Mỹ Harris

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (phải) đón tiếp Phó tổng thống Mỹ Harris

Phó Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho các dự án tăng cường cơ hội tham gia của phụ nữ cũng như các chương trình hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Bà hoan nghênh việc các tình nguyện viên Hoa Kỳ sẽ sớm vào Việt Nam giảng dạy tiếng Anh.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ làm ăn, sinh sống, “ngày càng phát triển và trở thành cầu nối hiệu quả đưa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ gần gũi hơn”.

10 giờ 56 phút, gặp Chủ tịch nước

Cuộc gặp song phương của bà Kamala Harris với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bắt đầu lúc 10.56 tại Phủ Chủ tịch.

Chủ tịch nước Việt Nam mở đầu cuộc trò chuyện, sau đó đến lượt mình, Phó Tổng thống Mỹ nói:

“Tôi rất vinh dự được trở thành Phó tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Việt Nam trong một phần tư thế kỷ qua. Tôi rất mong có một cuộc trò chuyện hữu ích tập trung vào việc tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ tiếp tục của chúng tôi đối với một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập.”

“Mối quan hệ của chúng ta đã trải qua một chặng đường dài trong một phần tư thế kỷ…Tất cả những điều này là biểu tượng cho mối quan hệ lâu bền của chúng tôi với Việt Nam và Đông Nam Á với tư cách là một thành viên của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”

“Tôi cũng muốn trong khi chúng tôi ở đây, chúng ta xem xét làm những gì có thể để nâng cấp mối quan hệ của chúng ta thành đối tác chiến lược. Điều này sẽ gửi một thông điệp tích cực đến chính phủ, và người dân cũng như khu vực khi chúng ta làm sâu sắc hơn mối quan hệ của mình. Và tôi xin cảm ơn vì sự giúp đỡ của các bạn trong việc trả tự do cho các công dân Mỹ.”

“Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để duy trì quyền tự do hàng hải quốc tế dựa trên luật pháp, một vấn đề mà chúng tôi coi trọng, vì nó liên quan đến Biển Đông.”

“Chúng ta cần phải tìm cách gây áp lực và gia tăng sức để Bắc Kinh phải tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của họ.”

“Hoa Kỳ cũng muốn duy trì hợp tác an ninh của chúng ta. Và tôi khẳng định rằng Hải quân Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Biển Đông và sẽ tiếp tục thách thức sự bắt nạt và yêu sách hàng hải quá đáng của Bắc Kinh.”

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris gặp Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris gặp Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam về cuộc gặp này nói: “Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc cũng như các diễn đàn đa phương khác, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển tại khu vực và trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, và mọi tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Bản tin cho biết: “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời hỏi thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Tổng thống Joe Biden. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mời Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam trong thời gian tới.”

Gặp Thủ tướng

Tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Tổng thống Kamala Harris.

Trang web Chính phủ Việt Nam nói ông Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; trong đó, coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng thực chất, hiệu quả, ổn định lâu dài, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đón Phó tổng thống Mỹ

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đón Phó tổng thống Mỹ

Thủ tướng Việt Nam thông báo về cuộc điện đàm gần đây với Chủ tịch, Giám đốc Điều hành của Pfizer và cho biết đã ký hợp đồng mua khoảng 50 triệu liều vaccine của Pfizer nhưng tới nay số lượng nhận được vẫn còn khiêm tốn. Ông đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ, tạo điều kiện để Pfizer đẩy nhanh tiến độ giao vaccine cho Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn trong năm nay, lưu ý sớm bàn giao vaccine cho trẻ em và người dưới 18 tuổi khi năm học mới sắp bắt đầu.

Ông đề nghị phía Hoa Kỳ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa; tiếp tục tăng ngân sách hỗ trợ phát triển cho Việt Nam.

Theo văn bản mà phía Hoa Kỳ công bố, bà Harris cảm ơn sự đón tiếp của Việt Nam và nói:

“Tôi đến đây hôm nay vì chính quyền Biden-Harris cam kết thực hiện các quan hệ đối tác của chúng tôi trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đông Nam Á và tại Việt Nam.”

“Những quan hệ đối tác này có tầm quan trọng thiết yếu đối với chúng tôi, vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh vượng và an ninh của người dân Mỹ.”

Bà thông báo Mỹ sẽ tặng Việt Nam thêm một triệu liều vaccine Pfizer, bắt đầu được đưa về Việt Nam trong vòng 24 giờ tới.

Về kinh tế, bà nói: “Việt Nam là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ hiện nay.”

Bà nói về quan hệ an ninh: “Hai nước chúng ta có chung tầm nhìn về tương lai của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

“Chúng tôi biết ơn sự lãnh đạo mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc duy trì quyền tự do trên biển. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các bạn để đẩy lùi các mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên pháp luật.”

Bà nói bà “tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh và mối quan hệ bền vững và lâu dài giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như sức mạnh của quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam”.

L.Q.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

This entry was posted in Quan hệ Mỹ - Việt. Bookmark the permalink.