Bắc Kinh “đỏ mắt” vì kho báu vô giá trên đảo Đài Loan: Ai sở hữu sẽ có sức mạnh kiểm soát toàn cầu

Hải Võ | 02/05/2021


Bắc Kinh "đỏ mắt" vì kho báu vô giá trên đảo Đài Loan: Ai sở hữu sẽ có sức mạnh kiểm soát toàn cầu

Chỉ khoảng hơn 160km ngoài khơi bờ biển của Trung Quốc Đại lục là nơi có nền sản xuất chip tiên tiến nhất trên thế giới: Đảo Đài Loan.

Chính quyền Biden họp với lãnh đạo các công ty công nghệ hàng đầu để giải quyết ‘khủng hoảng chip’ toàn cầu 

Tham vọng tự cường công nghệ của Trung Quốc gặp “bão lớn”: Công ty chip hàng đầu vỡ nợ, có thể bị đóng băng tài sản, ngành bán dẫn được tiết lộ không có lợi nhuận 

Lý do rất ít hãng chế tạo chip của Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi ‘Made in USA’

Nhu cầu lớn của Trung Quốc với sản phẩm bán dẫn

Sản phẩm chip là nhân tố cốt lõi trong các mặt hàng như xe ô tô, điện thoại di động, máy tính.

Trung Quốc tiêu thụ hơn một nửa sản lượng chip của thế giới và nhu cầu tiếp tục gia tăng do nền kinh tế phát triển. Bắc Kinh đang ngày càng “để mắt” đến đảo Đài Loan với nền sản xuất chip hiện đại của họ, dẫn đến lo ngại về kịch bản thống nhất bằng sức mạnh trong tương lai gần.

“Bất kỳ ai kiểm soát được việc thiết kế và sản xuất vi mạch sẽ là người định hướng cho thế kỷ 21,” nhà nghiên cứu cấp cao Martijin Rasser, từ Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới (CNAS) tại Washingtong, nói với Fox Business.

“Bằng cách giành quyền kiểm soát ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, Trung Quốc sẽ kiểm soát thị trường toàn cầu,” Rasser nói. “Họ sẽ tiếp cận được những năng lực sản xuất tiên tiến nhất, thậm chí còn có giá trị hơn cả kiểm soát nguồn dầu mỏ trên thế giới.”

Hồi tháng 3, đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ cảnh báo Trung Quốc Đại lục có thể động binh với Đài Loan trong vòng 6 năm tới.

Vấn đề Đài Loan có thể là một trong những điểm nóng lớn nhất dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, buộc Washington phải tăng cường bảo vệ hòn đảo mà Trung Quốc Đại lục coi là phần lãnh thổ không thể tách rời này, nhằm bảo vệ ngành bán dẫn trọng yếu của Đài Loan.

Chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc – bao gồm các máy bay tiêm kích và máy bay ném bom tầm xa – đã tổ chức hàng chục lượt tiếp cận đảo Đài Loan trong thời gian vừa qua nhằm khẳng định lập trường cứng rắn của Bắc Kinh.

Sự sụt giảm nguồn cung chip do đại dịch Covid-19 gây ra đang làm tổn hại hoạt động kinh doanh của Apple, Samsung hay Caterpillar. Hãng Ford cho biết họ dự kiến sản xuất giảm đi 1.1 triệu phương tiện.

“Sản phẩm bán dẫn là nền tảng của cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu. Nó hiện diện trong mọi thứ mà chúng ta cần để vận hành như một xã hội,” chuyên gia Rasser nêu.

Bắc Kinh đỏ mắt vì kho báu vô giá trên đảo Đài Loan: Ai sở hữu sẽ có sức mạnh kiểm soát toàn cầu - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 28/4/2021 (Ảnh: Melina Mara/The Washington Post via AP, Pool)

Thông điệp cứng rắn của Mỹ

Trong diễn văn trước Quốc hội Mỹ tối ngày 28/4 (giờ địa phương), ông Biden nói đã gửi thông điệp đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Trong các cuộc thảo luận với Chủ tịch Tập, tôi nói với ông ấy rằng chúng ta hoan nghênh cạnh tranh. Chúng ta không tìm kiếm xung đột. Nhưng tôi nêu rất rõ ràng rằng chúng ta sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ ở nước ngoài,” Tổng thống Mỹ nói.

Khoảng 70% vi mạch của thế giới được sản xuất tại Đài Loan và Hàn Quốc. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm ngoái đã đưa hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen – bao gồm nhà sản xuất chip lớn nhất nước này SMIC. Mục tiêu của Trump là chặn đứng việc công nghệ Mỹ bị lợi dụng phục vụ cho việc sản xuất vũ khí hiện đại của quân đội Trung Quốc.

Chính quyền Biden đã đi theo bước chân của người tiền nhiệm. Vào hai tuần trước Nhà Trắng thông báo đưa 7 công ty Trung Quốc vào danh sách đen, nhằm buộc nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan không thể bán những vi mạch tối tân cho Trung Quốc Đại lục.

Các quan chức Mỹ khi thông báo lệnh cấm đã nói rằng số lượng chip này được Trung Quốc dùng trong chế tạo vũ khí.

Bắc Kinh đang tiếp tục tụt hậu trong lĩnh vực sản xuất chip trong nước và phụ thuộc vào nhập khẩu để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng.

“[Trung Quốc] đang cố gắng có được thiết bị này nhưng đến nay họ không được thành công cho lắm,” ông Rasser cho hay. “Vậy nên bạn có thể dễ dàng hình dung kịch bản Bắc Kinh quyết định chấp nhận rủi ro và thực sự tấn công Đài Loan nhằm chiếm quyền kiểm soát lĩnh vực then chốt này.”

Tàu hộ vệ tên lửa Yuncheng của Trung Quốc phóng tên lửa chống hạm trong cuộc tập trận gần đảo Hải Nam, tháng 7/2016 (Ảnh: AP/Xinhua)

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới thời Trump, ông Stephen Biegun, gợi ý chính quyền Biden “tỏ rõ hơn thái độ với Trung Quốc rằng họ sẽ bị đánh bại nếu tìm cách thay đổi tình trạng ở eo biển Đài Loan”.

“Chúng ta sẽ không khai chiến nếu như có chuyện thu mua TSMC, nhưng hiển nhiên điều này làm gia tăng quan ngại,” ông Biegun phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen hôm 30/4.

Vấn đề Đài Loan cũng được sự quan tâm của nhiều nhà lập pháp Mỹ.

“Thế giới cần phải lưu tâm đến vai trò quan trọng của Đài Loan trong ngành công nghiệp bán dẫn. Sẽ là sai lầm nếu Trung Quốc cho rằng họ có thể ‘nuốt chửng’ Đài Loan,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tommy Tuberville nói với Fox News.

H.V.

Nguồn:
soha.vn

This entry was posted in Công nghệ chip, Quan hệ Mỹ - Đài - Trung, Đài Loan. Bookmark the permalink.