Tất Đạt | 01/05/2021 19:29
Ảnh: DW
Lời từ chối của Australia đối với một số thỏa thuận nhỏ trong Vành đai Con đường đã làm dấy lên nhiều lo ngại từ phía Trung Quốc.
Australia đã hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy thương mại với Bắc Kinh. Theo tờ DW, động thái này đã khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mất mặt và có thể khiến các nước khác rút lui khỏi các thỏa thuận tương tự.
Dù chính phủ Australia có thể chỉ tạm dừng một số dự án cơ sở hạ tầng chung quy mô nhỏ với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã có thể hiện sự giận dữ và đe dọa quyết liệt đối với quyết định này. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra gọi việc ngừng hợp tác là “vô lý, có tính khiêu khích” và tuyên bố Trung Quốc sẽ trả đũa thích đáng.
Năm ngoái, Canberra đã thông qua một đạo luật cho phép chính phủ liên bang điều chỉnh lại các thỏa thuận do các bang của Úc kí kết với với nước ngoài. Quyết định này được đưa ra sau các thỏa thuận được bang Victoria ký vào năm 2018 và 2019 để hợp tác với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc – thường được mệnh danh là Con đường Tơ lụa Mới – một kế hoạch cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm tạo ra liên kết thương mại thông suốt với hàng chục quốc gia trên thế giới.
Ảnh: DW
Ngoại trưởng Marise Payne cho biết các thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia và không có ràng buộc về mặt pháp lý. Việc hủy bỏ cũng có thể đồng nghĩa với việc chấm dứt hợp tác sâu hơn giữa Trung Quốc và Australia trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ sinh học và nông nghiệp.
Sự mất mặt đối với Trung Quốc
Heribert Dieter, từ Viện các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức (SWP), cho rằng việc hủy hợp đồng là một điều “cực kỳ mất mặt” đối với Trung Quốc. Ông cho biết mối quan hệ của Australia với Bắc Kinh đã “tồi tệ trong hai hoặc ba năm gần đây và ngày càng trở nên tồi tệ hơn.”
Trung Quốc đã áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Australia sau khi Canberra chỉ trích chính sách đối ngoại “hung hăng” của Bắc Kinh. Chính phủ Australia đã kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 và là quốc gia phương Tây đầu tiên cấm Huawei khỏi mạng 5G của họ.
Ông Dieter nói với DW rằng quyết định của chính phủ Australia có thể khiến các quốc gia khác liên quan đến BRI trì hoãn hoặc rút lui. Sáng kiến này gần đây đã mất đi động lực hoàn thành – một phần do hậu quả của đại dịch COVID-19 khiến nhiều đối tác khác của Trung Quốc phải đối mặt với sự tàn phá kinh tế, chủ yếu là nhóm các nước châu Á và châu Phi nghèo.
Ông Dieter nhận định: “Đại dịch cực kỳ nguy hiểm đối với Trung Quốc. Nhiều quốc gia đang gặp khó khăn lớn về kinh tế”. Ông Dieter nêu ví dụ về đối tác của BRI là Pakistan, vốn đã yêu cầu cứu trợ các khoản vay của Trung Quốc để tài trợ cho các dự án điện mới.
“Trung Quốc hoặc sẽ phải gia hạn các điều khoản cho vay hoặc phải đặt các dự án vào thế khó trong thời điểm hiện tại”, ông Dieter nói.
Hợp đồng không rõ ràng
Rất ít người biết về nội dung chi tiết trong hầu hết các thỏa thuận cho vay của Trung Quốc với các nước đối tác BRI. Các nhà nghiên cứu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) và Đại học Georgetown ở Mỹ đã đánh giá 100 thỏa thuận cho vay của BRI và công bố chúng trong một nghiên cứu mang tên “Cách Trung Quốc cho vay”. Nghiên cứu đã xác nhận những gì các nhà phê bình đã phàn nàn từ lâu.
Các tác giả nghiên cứu viết: “Thứ nhất, các hợp đồng của Trung Quốc có các điều khoản bảo mật bất thường cấm người vay tiết lộ các điều khoản hoặc thậm chí là sự tồn tại của khoản nợ. Các bên cho vay của Trung Quốc cũng đảm bảo lợi thế hơn các chủ nợ khác bằng cách loại trừ các khoản nợ BRI khỏi danh sách những khoản trong diện xóa nợ”.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng “các điều khoản hủy bỏ, tăng tốc và ổn định trong các hợp đồng của Trung Quốc có khả năng cho phép các bên cho vay ảnh hưởng đến các chính sách đối nội và đối ngoại của nước vay nợ.”
Ông Dieter gọi những điều khoản hợp đồng này là “tai tiếng” bởi vì chúng không phải – như chính phủ Trung Quốc tuyên bố – là các thỏa thuận cho vay tư nhân mà đều do chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau.
Ông Dieter nói các hợp đồng không rõ ràng đã trở thành “tiêu chuẩn” cho BRI, và một số “thủ thuật” cũng đã được áp dụng để ký kết một số thỏa thuận. Ông đưa ra ví dụ về Montenegro và cáo buộc “Trung Quốc xây dựng một đường cao tốc đắt tiền một cách phi lý” và khả năng được kí kết là nhờ những hành vi không minh bạch.
Lo sợ về phản ứng dây chuyền
Ông Dieter cho rằng Australia có thể là “chim hoàng yến trong mỏ than” giữa lúc thế giới ngày càng muốn tránh khỏi sự áp đảo từ Trung Quốc. (Thời xưa, các công nhân khai thác than ở Anh thường mang theo chim hoàng yến vào mỏ. Nếu gặp khí độc, chim hoàng yến sẽ ngừng hót và thậm chí tử vong nếu khí độc tích lũy ở nồng độ cao. Do đó, cụm từ này có nghĩa ám chỉ “phát hiện ra sự nguy hiểm”).
Một ví dụ là sự hợp tác quân sự mới giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã tăng lên rõ rệt.
Ông Dieter nói: “Trung Quốc sẽ bị giáng một đòn mạnh khi thấy rằng không chỉ Australia, quốc gia tương đối nhỏ về dân số, mà cả những nước lớn hơn cũng sẽ nói lời tạm biệt với Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như triển vọng hợp tác chặt chẽ hơn với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
T.Đ.
Nguồn: soha.vn