Diễm Thi, RFA
2021-04-30
Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực Biển Đông trong mùa hè năm nay kể từ ngày một tháng Năm đến ngày 16 tháng Chín. Lệnh được áp dụng bao gồm một phần Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ vĩ tuyến 12 trở lên.
Theo Trung Quốc, lệnh này được đưa ra hàng năm nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và môi trường sinh thái ở Biển Đông. Lần đầu tiên Trung Quốc ban hành lệnh này là năm 1999. Việt Nam luôn luôn phản đối và coi đây là lệnh cấm bất hợp pháp.
Hôm 29 tháng tư năm 2021, Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Đoàn Khắc Việt phát biểu tại cuộc họp báo hằng tuần ở Hà Nội rằng, lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè mà Trung Quốc ban hành đã xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.
Năm nay, ngoài lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực Biển Đông, ngư dân Việt Nam còn phải đối diện với Luật Hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực từ đầu tháng hai năm 2021. Luật Hải cảnh này ra đời bảy năm sau khi Trung Quốc hợp nhất một số cơ quan thực thi pháp luật dân sự trên biển để lập Cục Hải cảnh.
Ngư dân Nam Định đang làm sạch lưới sau một chuyến đi biển. Ảnh chụp năm 2017. REUTERS
Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép nhân viên hải cảnh sử dụng trực tiếp vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn. Luật này cũng cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển được phép sử dụng vũ khí để xua đuổi tàu thuyền nước ngoài bị cho xâm phạm lãnh hải Trung Quốc hoặc thẩm vấn thủy thủ đoàn cũng như được phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu không tuân theo mệnh lệnh trong lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mà Trung Quốc nhận là của mình.
Nếu Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh cá cùng lúc Luật Hải cảnh có hiệu lực như vậy thì mức độ nguy hiểm mà ngư dân Việt Nam sẽ gặp phải ra sao?
Ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định:
“Luật Hải cảnh của Trung Quốc được đưa ra thực chất với mục đích là một lời tuyên bố để đe dọa tất cả các quốc gia mà họ cho là có tranh chấp chủ quyền với họ trên Biển Đông, đồng thời để khẳng định quyền lực của họ trên Biển Đông mà thôi.
Còn việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc có dám xả súng bắn vào những ngư dân làm ăn bình thường trên vùng biển truyền thống của họ, có dám bắn vào tất cả những thương thuyền đang đi trên vùng biển quốc tế mà Trung Quốc tự nhận của mình, có dám bắn vào lực lượng của các quốc gia khác trên vùng biển quốc tế là một chuyện khác.
Cũng như bao đời nay, người dân Việt Nam không thể nào chấp hành những luật lệ phi lý của Trung Quốc, dù rằng đó là Luật cấm đánh bắt cá hay Luật hải cảnh, trên vùng biển mà những ngư dân Việt Nam đã đánh cá từ nhiều năm nay”.
Theo ông Lĩnh, đối với người dân Việt Nam, những luật ấy là không giá trị bởi vì không một quốc gia nào lại có thể đem luật riêng của mình đi áp đặt trên lãnh thổ, trên vùng biển có chủ quyền của một quốc gia khác được. Ngư dân Việt Nam không xâm phạm chủ quyền vùng biển nước khác, nhất là Trung Quốc, mà chỉ đánh cá trên vùng biển truyền thống có chủ quyền của mình mà thôi.
Cũng như bao đời nay, người dân Việt Nam không thể nào chấp hành những luật lệ phi lý của Trung Quốc, dù rằng đó là Luật cấm đánh bắt cá hay Luật hải cảnh, trên vùng biển mà những ngư dân Việt Nam đã đánh cá từ nhiều năm nay.
Ông Trần Văn Lĩnh
Ngư dân Quảng Ngãi sau một chuyến đi biển năm 2014. REUTERS
Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi thì cho rằng, Luật Hải cảnh của Trung Quốc là sai hoàn toàn vì họ chỉ được quyền dùng vũ lực trong phạm vi chủ quyền của họ. Bây giờ họ đưa luật của họ vào đường lưỡi bò là hoàn toàn phi lý.
Còn với lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông vào mùa hè năm nay, ông Phan Huy Hoàng nhận định:
“Vẫn như mọi năm, Luật cấm này không có hiệu lực trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngư dân vẫn đánh cá bình thường. Cho ngư dân hiểu luật pháp quốc tế là mình vẫn được quyền đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Chính phủ đã lên tiếng, đã khẳng định cho nên Hội Nghề cá chỉ phản đối có mức độ, không cần thiết thêm nữa. Việc của mình là tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân hiểu lệnh cấm là phi pháp và ngư dân vẫn đánh cá bắt các trên ngư trường truyền thống thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trách nhiệm của cảnh sát biển và hải quân Việt Nam là bảo vệ ngư dân”.
Anh Nguyễn Chí Thạnh, một ngư dân, một thuyền trưởng ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nói với RFA một ngày trước khi lệnh cấm có hiệu lực:
“Mình vẫn đi chớ. Nó cấm thì nó cấm miết. Năm nào nó cũng cấm, nó bắt thì bắt mình đi thì cứ đi. Mưu sinh kiếm sống mà. Sợ thì sợ nhưng đi vẫn đi chứ. Mình đâu có đi thành đoàn, tự mình đi thôi. Mà tàu mình vỏ gỗ, tàu tụi nó tàu sắt còn trang bị vũ khí đầy đủ. Nó đuổi thì mình chạy thôi. Mà mình chạy thì nó đuổi theo. Không có chuyện gặp tụi nó cướp mà kêu cảnh sát biển đâu. Cảnh sát biển ở đâu có mà kêu…”.
Sợ thì sợ nhưng đi vẫn đi chứ. Mình đâu có đi thành đoàn, tự mình đi thôi. Mà tàu mình vỏ gỗ, tàu tụi nó tàu sắt còn trang bị vũ khí đầy đủ. Nó đuổi thì mình chạy thôi. Mà mình chạy thì nó đuổi theo. Không có chuyện gặp tụi nó cướp mà kêu cảnh sát biển đâu. Cảnh sát biển ở đâu có mà kêu…
Ngư dân Nguyễn Chí Thạnh
Vào tháng năm năm 2020, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông cũng bắt đầu vào ngày một tháng Năm và kết thúc vào ngày 16 tháng Tám, cũng bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ngay trước khi ban hành lệnh cấm hồi năm 2020, Trung Quốc đã đưa tàu và máy bay tới diễn tập trên Biển Đông, khánh thành hai trạm nghiên cứu ở Đá Subi và Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng cho đánh chìm tàu cá của Việt Nam, và ra quyết định nâng cấp đơn vị hành chính của quần đảo mà nước này gọi là Tây Sa, Nam Sa thành quận Tây Sa, quận Nam Sa, thuộc thành phố Tam Sa – nằm trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Sau khi đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên phát biểu rằng, quần đảo Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè của Trung Quốc ở vùng biển Biển Đông vì biện pháp này thuộc về quyền hành chính của Trung Quốc.
Với lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông mà Trung Quốc mới ban hành cho mùa hè năm nay, Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã lên tiếng phản đối, được truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lại rằng:
“Việc tiến hành các biện pháp bảo tồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của các quốc gia liên quan khác”.
Bắc Kinh tuyên bố khoảng 90% diện tích Biển Đông là lãnh hải của mình với đường đứt khúc chín đoạn do họ tự vạch ra. Malaysia, Philippines, Đài Loan, Việt Nam và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển này. Tòa án Trọng tài Quốc tế tại The Hague vào năm 2016 đã tuyên các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý lẫn lịch sử.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cách đây hai hôm nêu nhận định với RFA về tình hình Biển Đông rằng, Việt Nam nên tích cực tham gia nhiều hơn các diễn đàn hay các tổ chức đa phương của khu vực để đảm bảo rằng hòa bình ở khu vực cần được duy trì và cần được tôn trọng. Một khi Việt Nam gia nhập sâu hơn vào các tổ chức đa phương trong khu vực thì Việt Nam sẽ an toàn hơn và có tính chính danh trong việc thúc đẩy trật tự trong khu vực.
D.T.
Nguồn: rfa.org/vietnamese