Bãi Ba Đầu trong tính toán của các tay chơi ở Trường Sa

Nguyễn Lương Hải Khôi

Bãi Ba Đầu là một thực thể địa lý nửa nổi nửa chìm và dường như có đặc điểm vật lý không ổn định. Tuy nhiên, đặc điểm địa lý của nó có thể ảnh hưởng đến địa chính trị trong khu vực. Vụ việc Trung Quốc tập trung hơn 200 tàu ở bãi Ba Đầu vừa qua thu hút sự chú ý của công luận quốc tế. Mỗi nước có những tính toán khác nhau. Trung Quốc tính đến bàn cờ quân sự trên Biển Đông, Philippines tính đến bài toán chính trị trong nước và quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam thì tương đối thụ động trước bước đi của các bên liên quan.

Hôm 27/8/2020, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cảnh báo rằng Việt Nam sẽ gánh chịu “những hậu quả về ý thức hệ” nếu cứ tiếp tục dùng địa chính trị, “giao thiệp” với Mỹ, để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Hôm 27/8/2020, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cảnh báo rằng Việt Nam sẽ gánh chịu “những hậu quả về ý thức hệ” nếu cứ tiếp tục dùng địa chính trị, “giao thiệp” với Mỹ, để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Vị trí chiến lược của bãi Ba Đầu và “tay chơi mới” Philippines

Bãi Ba Đầu (Whitsun reef) nằm ở cực đông quần thể Union Bank (tiếng Việt: Cụm Sinh Tồn). Union Bank nằm ở phía đông bắc Trường Sa.

Vị trí của cụm Sinh Tồn (Union Bank), nơi có bãi Ba Đầu. Ảnh Google map, chú thích và minh họa của tác giả.

Vị trí của cụm Sinh Tồn (Union Bank), nơi có bãi Ba Đầu. Ảnh Google map, chú thích và minh họa của tác giả.

Trường Sa có nhiều cụm khác nhau, trong đó cụm Sinh Tồn (Union Bank), từ 1988 đến nay, là khu vực chỉ có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam hiện diện ở cụm Sinh Tồn từ 1974. Sau khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam Cộng hòa củng cố lực lượng ở Trường Sa, cho hải quân đóng tại Sin Cowe (Sinh Tồn). Sau 1975, nước Việt Nam thống nhất tiếp quản Sinh Tồn.

Năm 1978, Philippines chiếm một thực thể trong cụm Loại Ta (Loaita Bank), một quần thể nằm ở cực bắc Trường Sa, phía trên cụm Union Bank (cụm Sinh Tồn). Việt Nam đổ quân lên Grierson Reef (Sin Cowe East / Sinh Tồn Đông).

Sơ đồ cụm Union Bank (cụm Sinh Tồn), nơi Việt Nam có ba đợt hiện diện, lần đầu vào năm 1974, thời Việt Nam Cộng hòa, lần hai vào năm 1978 và lần ba vào năm 1988. Trung Quốc nhảy vào khu vực này từ 1988, tạo thế cài răng lược với Việt Nam. Ảnh Google map, chú thích và minh họa của tác giả.

Sơ đồ cụm Union Bank (cụm Sinh Tồn), nơi Việt Nam có ba đợt hiện diện, lần đầu vào năm 1974, thời Việt Nam Cộng hòa, lần hai vào năm 1978 và lần ba vào năm 1988. Trung Quốc nhảy vào khu vực này từ 1988, tạo thế cài răng lược với Việt Nam. Ảnh Google map, chú thích và minh họa của tác giả.

Từ 1988 đến nay, sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam và đánh chiếm Gạc Ma (nằm cực tây cụm Union Bank), Việt Nam và Trung Quốc đã ở thế cài răng lược: Trung Quốc hiện nắm Gạc Ma (Johnson Reef) và Hughes (Tiếng Việt: Huy Gơ), còn Việt Nam nắm Sinh Tồn (Sin Cowe), Sinh Tồn Đông (Sin Cowe East), Collins, Len Đao (Lansdowne Reef).

Giữa năm 1988, đá Ba Đầu là một điểm nóng tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc thả phao nổi vào khu vực đá Ba Đầu, Việt Nam cho tàu kéo ra. PGS. Nguyễn Hồng Thao ở Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết: năm 2004, Trung Quốc từng thả một vật thể lạ lên đá Ba Đầu và Việt Nam lại cho tàu kéo ra. Các sỹ quan hải quân Việt Nam cũng cho biết: tàu cá Trung Quốc từ trước tới nay thường xuyên xâm nhập vào khu vực Ba Đầu (nằm trong lãnh hải Việt Nam, tính từ Sinh Tồn Đông, tức tàu nước ngoài ra vào phải xin phép). Có thể thấy chiến thuật đối phó của Việt Nam là liên tục duy trì sự hiện diện của mình, xua đuổi tàu cá Trung Quốc, dù nguồn lực và phương tiện không thể so sánh được với Trung Quốc.

Philippines mới lần đầu trở thành “tay chơi” ở địa điểm này từ cách đây hơn một tháng, ngày 20 tháng 3 năm 2021, khi họ đột nhiên phản đối Trung Quốc hiện diện ở bãi Ba Đầu trong cụm.

Vị trí của bãi Ba Đầu và cụm Union Bank trên 2 tuyến đường biển đi qua Biển Đông. Tuyến số 1 đi qua eo biển Malacca, có thể bị căn cứ quân sự trên chuỗi đảo Andaman trên Ấn Độ Dương, nằm ở cửa phía tây eo biển, khóa lại. Ảnh Google map, chú thích và minh họa của tác giả.

Vị trí của bãi Ba Đầu và cụm Union Bank trên 2 tuyến đường biển đi qua Biển Đông. Tuyến số 1 đi qua eo biển Malacca, có thể bị căn cứ quân sự trên chuỗi đảo Andaman trên Ấn Độ Dương, nằm ở cửa phía tây eo biển, khóa lại. Ảnh Google map, chú thích và minh họa của tác giả.

Hiện nay tuyến đường biển đi qua eo biển Malacca rồi vào biển Đông (tuyến số 1 trên Hình 3) là tuyến vận tải dầu hỏa chủ yếu cho Trung Quốc từ Trung Đông và châu Phi.

Bộ tứ Mỹ, Nhật, Ấn, Úc đã phát triển căn cứ quân sự trên tuyến đảo Andaman ngoài cửa phía Tây của eo biển Malacca (chỗ khoanh màu đỏ). Nếu tuyến này bị khóa lại trong tình huống chiến tranh, tàu vận tải sẽ phải đi vòng qua con đường số 2 để vào biển Đông. Tàu từ Australia đi lên Biển Đông cũng qua tuyến số 2 này.

Các căn cứ không – hải quân của Trung Quốc trên biển Đông đều án ngữ cả 2 tuyến đường này. Cụm quần thể Union Bank trong đó bãi Ba Đầu nằm ở cực đông bắc, có vị trí ở trung tâm khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa, có thể kiểm soát cả 2 tuyến đường, nhưng nó đặc biệt thuận lợi để kiểm soát tuyến số 2.

Như trên đã nói, tranh chấp tại cụm Union Bank, từ 1988 đến nay, vốn chỉ là tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai nước đã vờn nhau ở Ba Đầu nhiều năm nay. Tuy nhiên, chưa bao giờ điều đó trở thành một vấn đề trên truyền thông, cho đến khi tay chơi mới Philippines, vào 20 tháng 3 vừa qua, đột nhiên đòi hỏi chủ quyền đối với Ba Đầu và lên tiếng phản đối Trung Quốc hiện diện ở đây.

Vấn đề pháp lý của bãi Ba Đầu

Theo Luật biển Quốc tế cũng như phán quyết của Tòa PCA 2016, những thực thể địa lý nửa nổi nửa chìm (chìm khi thủy triều lên, nổi khi thủy triều xuống) chỉ là một phần của thềm lục địa, không phải là một thực thể địa lý riêng biệt, do đó, các quốc gia không được tuyên bố chủ quyền đối với chúng.

Bãi Ba Đầu là một thực thể địa lý nửa nổi nửa chìm, nằm trong 200 hải lý thềm lục địa của Philippines (cách khoảng 170 hải lý, tính từ đường cơ sở ở đảo lớn Palawan), đồng thời nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đá Sinh Tồn Đông (Sin Cowe East) do Việt Nam sở hữu (cách Sinh Tồn Đông 8,6 hải lý).

Điều đó có nghĩa là bãi Ba Đầu nằm ở vị trí chồng lấn giữa lãnh hải Việt Nam và thềm lục địa Philippines. Trong việc phân xử chủ quyền giữa lãnh hải (12 hải lý) và thềm lục địa (200 hải lý) thì quy chế lãnh hải thường cao hơn. Tuy vậy, Việt Nam và Philippines cần thảo luận về chủ quyền đối với thực thể ở khu vực chồng lấn này, hoặc nhờ Tòa phân xử.

Theo một khảo sát đăng trên trang Center for International Law của National University of Singapore, bãi Ba Đầu vốn dĩ là thực thể nửa nổi nửa chìm, nhưng, theo hình ảnh vệ tinh năm 2011, do bão gió tác động, thực thể này có ba cồn cát nhỏ được vun lại và nổi trên mặt nước ngay cả khi thủy triều lên. Nếu Ba Đầu luôn có ba cồn cát nhỏ nổi lên khỏi mặt biển, nó đủ điều kiện để một quốc gia đòi hỏi chủ quyền đối với nó. Nhưng, cũng theo khảo sát nói trên, căn cứ trên dữ liệu vệ tinh từ 2012 đến 2014, thì những cồn cát này liên tục biến dạng và thỉnh thoảng biến mất hoàn toàn.

Điều đó cho thấy, dưới tác động của tự nhiên, có khả năng bãi Ba Đầu là một thực thể địa lý không ổn định. Nó có thể tiếp tục biến đổi trong tương lai, dưới tác động của tự nhiên, hoặc có thể trở nên chìm hẳn dưới nước, hoặc có thể sẽ tiếp tục là nửa nổi nửa chìm, hoặc có thể sẽ trở nên luôn luôn nổi, trong một khoảng thời gian nhất định.

Điều quan trọng là, do vị trí địa lý đặc biệt của mình, sự biến đổi đặc điểm địa lý tự nhiên của bãi Ba Đầu trong tương lai, nếu xảy ra, có thể ảnh hưởng đến địa chính trị trong khu vực. Điều này đặc biệt nghiêm trọng nếu nó biến đổi thành bãi luôn luôn nổi trên mặt biển ngay cả khi thủy triều lên cao, vì nếu trường hợp đó xảy ra, Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền đối với nó như một thực thể độc lập, và xây dựng thành một căn cứ quan trọng.

Vị trí của bãi Ba Đầu trong mạng lưới căn cứ Trung Quốc ở Trường Sa

Chia sẻ với chúng tôi, nhà nghiên cứu Trần Bằng cho rằng, để hiểu động thái của Trung Quốc ở Ba Đầu và điều Trung Quốc muốn ở Trường Sa trong tương lai, cần nhìn vào hiện trạng sơ đồ các căn cứ của họ ở đây.

Hiện Trung Quốc đã xây dựng 7 căn cứ không – hải quân ở Trường Sa. Trong đó, hai căn cứ có quy mô lớn nhất là đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Subi Reef. Các căn cứ này kết nối với nhau thành cụm căn cứ để hỗ trợ cho nhau.

- Cụm căn cứ phía bắc: các căn cứ Subi (thuộc cụm Thị Tứ), căn cứ Gaven (thuộc cụm Nam Yết), và các căn cứ Johnson Reef và Hughes Reef (thuộc cụm Union Bank, tức cụm Sinh Tồn) nằm ở trung tâm Trường Sa, có thể liên hoàn với nhau thành một một cụm căn cứ quân sự, có thể hỗ trợ cho nhau một cách dễ dàng.

- Cụm căn cứ phía tây nam Trường Sa: các căn cứ Cuarteron Reef (đá Châu Viên) và đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) có thể hỗ trợ cho nhau như một cụm.

Sơ đồ các căn cứ không - hải quân của Trung Quốc ở Trường Sa. Ảnh Google map, chú thích và minh họa của tác giả.

Sơ đồ các căn cứ không – hải quân của Trung Quốc ở Trường Sa. Ảnh Google map, chú thích và minh họa của tác giả.

Nhìn lên sơ đồ, chúng ta thấy nếu như các cụm căn cứ phía bắc, cụm trung tâm và phía tây nam có thể liên kết với nhau chặt chẽ, thì ở phía đông, căn cứ Vành Khăn (Mischief Reef) đứng trơ trọi, không có căn cứ nào hỗ trợ xung quanh.

Nếu nhìn Trường Sa như một bàn cờ vây, trong đó mỗi căn cứ là một quân cờ, cần có các quân cờ xung quanh để hỗ trợ, thì Bãi Ba Đầu (Whitsun Reef) nằm cách Vành Khăn (Mischief reef) không xa, chính là vị trí có thể hỗ trợ Vành Khăn hữu hiệu nhất.

Nếu chiếm đóng và xây dựng được căn cứ ở Ba Đầu, Trung Quốc có thể tạo thế tam giác “Ba Đầu – Gạc Ma – Vành Khăn” (Mischief Reef – Johnson Reef – Whitsun Reef) để hỗ trợ Vành Khăn ở cực đông. Vành Khăn là căn cứ án ngữ con đường biển đi từ Australia vào Biển Đông để lên vùng Đông Bắc Á.

Nước cờ thành công của Philippines

Trong bài nói chuyện tại Webinar “Trung Quốc xâm nhập bãi Ba Đầu: chiến lược và truyền thông của các bên”, do Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon tổ chức, nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã chỉ ra rằng, để hiểu động thái mới của Philippines ở Ba Đầu, các nhà quan sát cần nhìn vào đời sống chính trị nội bộ của nước này.

Tổng thống Duterte từ khi lên cầm quyền từ 2016 có xu hướng thân Trung Quốc, tách xa Mỹ. Khi phải đối mặt với những thách thức lớn của Trung Quốc đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, Tổng thống Duterte thường tỏ ra lúng túng, thiếu nhất quán.

Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Philippines là lực lượng có xu hướng chống cuộc xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông một cách mạnh mẽ. National Task Force for the West Philippine Sea (“Lực lượng Đặc nhiệm vấn đề Biển Tây Philippines”, tức biển Đông trong cách gọi của Philippines), vốn được thành lập vào tháng 3 năm 2016, trước khi ông Duterte nắm quyền thống khoảng 3 tháng, cũng có xu hướng tương tự.

Xét về mặt lợi ích, các mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, chẳng hạn các chương trình tập trận chung trong khuôn khổ “Visiting Forces Agreement” giữa hai nước, đã bị ông Duterte tuyên bố hủy bỏ vào đầu năm 2020, vốn đem lại lợi ích to lớn cho giới quân sự Philippines, như chính họ khẳng định vào tháng 11 năm 2020.

Như trên đã nói, Philippines chỉ mới tham gia vào khu vực Union Bank từ tháng trước khi tuyên bố chủ quyền với Ba Đầu và phản đối cuộc xâm nhập của Trung Quốc. Chiến dịch truyền thông và ngoại giao của họ đã thành công lớn: Họ được nhiều nước lớn lên tiếng ủng hộ, phản đối cuộc xâm nhập của Trung Quốc, đồng thời Hoa Kỳ mạnh tay khiến Trung Quốc buộc phải rút khỏi khu vực.

Bên thực hiện chiến dịch truyền thông và ngoại giao của Philippines không phải là phủ tổng thống của Duterte mà là bên quân sự. Phía ông Duterte chỉ lên tiếng một cách thụ động, có tính chất theo đuôi tình thế.

Thật vậy, nếu quan sát hoạt động truyền thông và ngoại giao của giới quân sự, ngoại giao và học giả quan hệ quốc tế của Philippines trong sự kiện Ba Đầu, chúng ta thấy đó thực sự là một “chiến dịch” được phối hợp bài bản giữa họ. Đầu tiên, ngày 20 tháng 3, “Lực lượng Đặc nhiệm vấn đề Biển Tây Philippines” nổ phát súng đầu tiên, tố cáo Trung Quốc xâm nhập Ba Đầu mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình. Ngày hôm sau, 21 tháng 3, Bộ Quốc phòng Philippines lên tiếng phản đối. Ngày 22 tháng 3, Azer Parrocha ở De La Salle University (Manila) viết bài “Union Reefs incident won’t be another Panatag standoff trên “Philippines News Agency”, và Jay L. Batongbacal, Phó trưởng khoa Luật của “University of the Philippines”, viết bài “Whitsun Reef: The next escalation point? trên trang “9 DASH LINE”. Ngày 31 tháng 3, Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Albert del Rosario, ra tuyên bố phản đối Trung Quốc.

Chiến dịch truyền thông và ngoại giao của Philippines đã thành công. Một loạt quốc gia như Mỹ, Nhật, AustraliaIndonesia đã lên tiếng ủng hộ Philippines, phản đối Trung Quốc. Mỹ tuyên bố bảo vệ Philippines: “Bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào của Trung Quốc chống lại các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông, sẽ kích hoạt các nghĩa vụ của chúng tôi theo “Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines“. Philippines và Hoa Kỳ có thể đi tới những bước đi quan trọng trong tương lai gần, đặc biệt sau khi ông Duterte rời ghế tổng thống.

Sau khi Trung Quốc tung tàu quân sự (tàu khu trục trang bị tên lửa Type 022, lớp Houbei) truy đuổi tàu dân sự Philippines chở các nhà báo ở gần bãi Cỏ May ngày 8 tháng và đưa đội tàu sân bay Liaoning (Liêu Ninh) xuống Biển Đông, Hoa Kỳ đã huy động tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và một số chiến hạm vào khu vực.

Ngày 12 tháng 4, đội bay F16 của Mỹ bay từ căn cứ không quân Misawa ở phía bắc Nhật Bản (gần đảo Hokkaido) đến Trường Sa. Hành trình này cần đến 4 máy bay tiếp dầu trên không, vượt qua khoảng cách gần 4000 dặm (gần 6500 km). Cuộc hành trình này có lẽ mang tính chất trình diễn kỹ thuật vượt trội, vì máy bay Mỹ có thể cất cánh từ Philippines hoặc tàu sân USS Theodore Roosevelt khi đó đang ở phía nam Biển Đông, gần eo biển Malacca. Trung Quốc sau đó rút tàu khỏi Ba Đầu.

Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Philippines sẽ diễn ra hơn một năm sau, vào tháng 5 năm 2022. Tổng thống Duterte không đủ điều kiện để tái tranh cử (dù có thể ông muốn lật ngược tình thế). Có thể dự đoán từ nay đến kỳ bầu cử 2022, giới học giả và quốc phòng Philippines sẽ càng tăng cường thắt chặt các mối quan hệ với Hoa Kỳ để chuẩn bị cho thời kỳ hậu Duterte.

“Dư luận chiến” của Trung Quốc về vấn đề cuộc xâm nhập Ba Đầu

Lý thuyết “tam chiến” (三战理论 Sanzhan lilun) lần đầu tiên được công bố trong “Quy chế công tác chính trị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc” (中国人民解放军 政治 工作 条例) vào năm 2003 và được bổ sung vào năm 2010. Chiến lược này gồm 3 phần có quan hệ chặt chẽ với nhau: chiến tranh dư luận (舆论战 yulun zhan), chiến tranh tâm lý (心理战 xinli zhan) và chiến tranh pháp lý (法律战 falu zhan). Chúng ta thấy Trung Quốc cũng thực thi chiến lược này trong vấn đề bãi Ba Đầu, đặc biệt là chiến thuật “chiến tranh dư luận”.

Trong vụ việc Ba Đầu, “Chiến tranh dư luận” của Trung Quốc thể hiện ở chỗ, bên cạnh báo chí trong nước và South China Morning Post ở Hong Hong, một số học giả quốc tế đã ngụy biện để bao biện cho hành vi xâm nhập phi pháp của Trung Quốc.

Mark Valencia là một học giả nhiều năm đã viết như là cái loa độc quyền của Trung Quốc. Và như thường lệ, lần này ông cũng tham gia vào cuộc chiến dư luận của họ, chỉ có điều, xuất bản bài vào ngày Cá Tháng Tư (1/4/2021), ông tạo ra một trò cười trong giới học giả, bằng cách thậm chí trích dẫn Wikipedia trong khi có thể trích một nguồn khả tín hơn, và lập luận theo kiểu kẻ gây ra bất ổn trên Biển Đông không phải là Trung Quốc mà là những học giả như Andrew Erickson, Greg Poling, Ryan Martinson, Collin Koh.

Trong số các học giả quốc tế tham gia vào cuộc chiến dư luận này, phải kể đến Dan Steinbock, viết bài không chỉ bao biện cho Trung Quốc mà còn “dạy dỗ” nạn nhân của nó trong vụ Ba Đầu.

Dan Steinbock bao biện rằng việc Philippines tố cáo hành động xâm nhập của Trung Quốc chẳng qua chỉ để “tạo ra xung đột” (conflict creation), lờ đi một sự thực là Trung Quốc mới là bên tạo ra xung đột, hành động xâm nhập vào Ba Đầu của Trung Quốc là phi pháp, bất kể Ba Đầu thuộc về lãnh hải của Việt Nam (đá Sinh Tồn Đông) hay thềm lục địa của Philippines.

Tác giả trích dẫn truyền thông Trung Quốc, cho rằng tàu xâm nhập vào Ba Đầu là “tàu đánh cá” (fishing vessels), đang trú ẩn khi thời tiết xấu và “không có kế hoạch” ở lại đó vĩnh viễn. Nhưng, với tư cách là một nhà khoa học, tác giả không kiểm chứng lại các thông tin này. Thời tiết ở Trường Sa vào tháng 3 có phải là “thời tiết xấu” không? Những chiếc tàu đó có phải thực sự là tàu đánh cá hay tàu dân quân trang bị vũ khí? Không phải là người theo dõi tình hình Biển Đông một cách chuyên nghiệp, tác giả cũng không biết bằng hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có dấu hiệu đào rãnh bên trong Ba Đầu.

Tác giả cho rằng, một cách vô căn cứ, những viện nghiên cứu như CSIS ở Washington DC và những tờ báo địa phương ở Philippines vạch trần các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông là do các tập đoàn sản xuất vũ khí của Mỹ tài trợ. Tác giả không nhắc đến những hoạt động quân sự hóa quy mô khổng lồ của Trung Quốc ở Biển Đông, cứ như thể chúng không tồn tại.

Bằng cách đó, tác giả làm cho người đọc có ấn tượng là phản ứng của Hoa Kỳ cũng như các nước xung quanh Biển Đông là đang nhắm vào một Trung Quốc một cách không công bằng. Cuối bài, tác giả dạy dỗ: Điều mà Philippines và châu Á cần, đặc biệt là sau COVID-19, là thúc đẩy hợp tác đa phương, hòa bình và phát triển kinh tế – không làm leo thang chia rẽ, xung đột và tái vũ trang.

Những ngụy biện của Tiến sỹ Dan Steinbock thực chất không nhằm đối thoại với những học giả và quan chức theo dõi vấn đề Biển Đông một cách chuyên nghiệp. Cung cấp thông tin sai lạc về các viện nghiên cứu và báo chí nước ngoài, giấu đi những thông tin bất lợi cho Trung Quốc, lập luận theo hướng biến kẻ gây hấn là Trung Quốc thành “nạn nhân” và biến nạn nhân thành “kẻ gây hấn”, bài viết của Dan Steinbock chỉ nhắm tới độc giả và các nhà nghiên cứu không chuyên sâu về vấn đề Biển Đông, nhằm tạo ra một “dư luận của đám đông” (“public opinion’s warfare”, tức “dư luận chiến”) để tạo ra một áp lực về mặt dư luận theo hướng có lợi cho Trung Quốc lên chính sách của các nước dân chủ, nơi chính quyền buộc phải đối thoại với công chúng chứ không có quyền đàn áp tư tưởng.

Sự lúng túng của Việt Nam

Như trên đã nói, Việt Nam đã đối đầu với Trung Quốc ở Ba Đầu và cụm Union Bank từ hơn ba mươi năm nay (từ 1988) nhưng điều đó không được truyền thông đầy đủ đến người dân trong nước, cũng không được quốc tế chú ý.

Việt Nam khó công khai hoạt động bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình tại Trường Sa, trong khi vẫn nỗ lực đấu tranh với Trung Quốc. Nếu công khai các hoạt động đó, Việt Nam sẽ bị Trung Quốc cho là cố tình gây căng thẳng, trong khi Việt Nam vẫn cần Trung Quốc một cách toàn diện, từ chính trị đến kinh tế.

Mặc dù Việt Nam phải tính toán các hướng phản công khác nhau của Trung Quốc, không chỉ ở hướng Biển Đông, mà còn cả vấn đề kinh tế, sông Mekong và chính trị, nhưng giới quan sát vấn đề Biển Đông ở Việt Nam cảm thấy không thể không phê phán sự chậm trễ của Việt Nam trong hoạt động truyền thông đối ngoại, liên quan đến sự kiện này.

Một chút so sánh. Năm 2019, Trung Quốc thực hiện một chiến dịch xâm nhập vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam liên tục trong 3 tháng. Hoa Kỳ, khi đó dưới quyền tổng thống Trump và đang trên cao trào thương chiến với Trung Quốc, đã không có hành động nào để Trung Quốc phải chấm dứt cuộc xâm nhập phi pháp và quy mô lớn như vậy. Ngược lại, khi Trung Quốc tung hơn 200 tàu xâm nhập Ba Đầu trong lãnh hải của Việt Nam (tính từ Sinh Tồn Đông), Philippines lên tiếng phản đối, đòi hỏi chủ quyền, thì được khắp thế giới ủng hộ và được Mỹ hỗ trợ, hành động mạnh mẽ để buộc Trung Quốc rút khỏi khu vực.

Hải quân Việt Nam ở Sinh Tồn Đông đã đấu tranh để xua đuổi tàu cá Trung Quốc khỏi Ba Đầu. Cũng có thể đây là một nguyên nhân góp phần làm cho tàu Trung Quốc rút khỏi khu vực, bên cạnh những sức ép từ hải quân, không quân Hoa Kỳ ở vòng ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam thường chỉ âm thầm thực hiện các hoạt động chấp pháp của mình mà không truyền thông cho thế giới bên ngoài biết.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, trong bài phát biểu tại Webinar “Trung Quốc xâm nhập Ba Đầu: chiến lược và truyền thông của các bên” (Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon, ngày 23 tháng 4 năm 2021), mỗi khi Trung Quốc gây hấn, Việt Nam có một số cách thức đối phó như trao đổi đoàn, tương tác bộ ngành, kênh Đảng (tiếp xúc trực tiếp), hoặc cùng ASEAN thúc đẩy DoC và hoàn thiện CoC (tiếp xúc gián tiếp). Những cách thức này cho thấy Việt Nam phản ứng khá thụ động trước các bước đi của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc có cả một chiến lược biển tổng thể, bao gồm hải quân, cảnh sát biển, khai thác kinh tế biển gắn bó chặt chẽ với nhau. Để đối phó với Trung Quốc, những phản ứng “theo đuôi tình thế” của Việt Nam không phải là cách có thể giải quyết vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo một cách căn cơ. Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể phù hợp và căn cứ trên chiến lược đó để thực thi từng bước đi cụ thể.

N.L.H.K.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/da-ba-dau-philippines-truong-sa/5869805.html

This entry was posted in Bãi Ba Đầu, Biển Đông. Bookmark the permalink.