Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện
Hỏi: Thưa nhà văn, từ lâu chúng ta vẫn bàn đến vấn đề giao lưu văn hóa văn học trong và ngoài nước. Hẳn nhiên đã gọi là giao lưu thì phải có hai chiều mới hợp lý, và nhiều ý kiến cho rằng trước tiên chúng ta phải giao lưu với những tác giả ở trong nước trước. Mấy năm trước đây, họ cho in trở lại những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, và đặc biệt mới đây nhất là những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, trong đó còn mở ra cuộc tọa đàm như thể cuộc đánh dấu “Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam qua trường hợp Nguyễn Thị Hoàng”. Gạt bỏ những ý kiến tranh cãi về mấy chữ văn-học-đô-thị hàm ý chính trị, chúng ta thử hỏi liệu văn học dưới chế độ VNCH còn tồn tại đâu đó, và như thế làm gì có sự trở lại ở đây phải không? Vậy theo anh, ở mốc điểm sau 46 năm, liệu con đường giao lưu có chiều hướng tiến bộ hơn chăng hay đã quá trễ?
TDA: Tôi đã từng nói người Việt mình thất bại quá lâu cho một cuộc hòa giải thực sự. Nay tôi vẫn bảo lưu ý kiến ấy. Nguyên nhân của nó thì nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản là cả hai phía đều chính trị hóa một cách cực đoan quá trình hòa giải. Cả hai phía đều chưa vượt qua những “mặc cảm” lịch sử. Đành rằng chế độ hiện nay phải chịu trách nhiệm chính cho việc hòa giải chưa thành công. Nhưng vẫn có thể trách mỗi cá nhân về chuyện này. Chúng ta tốn nhiều thời gian cho tranh cãi vô bổ, hơn là bắt tay làm những việc, dù nhỏ, nhưng có ý nghĩa đưa người Việt gần lại phía nhau. Lịch sử là thứ không thể sửa chữa. Mọi trách móc những gì thuộc về quá khứ đáng được cảm thông nhưng nếu chúng ta thực tâm lo lắng cho tương lai của người Việt – trong tiến trình phát triển chung của nhân loại – thì có thể suy nghĩ sẽ khác.
Tôi trân trọng mỗi việc làm có tác dụng hàn gắn sự chia rẽ. Ví dụ như cuộc tọa đàm mà bạn vừa nhắc tới. Đôi khi những người thực hiện, vì thành tâm muốn mọi sự tốt đẹp, phải “lượn lờ” đôi chút về mặt chữ nghĩa chứ cũng chẳng có ý định chính trị hóa như một số người nghĩ. Quan niệm về “Sự trở lại”… thực ra không sai hoàn toàn, nếu chúng ta thấy rằng trên thực tế những tác phẩm của các nhà văn dưới chế độ VNCH hoàn toàn bị “xua đuổi” trong suốt mấy chục năm. Sự trở lại, nghĩa là từ đây chính thức hòa nhập vào dòng chảy chung, một cách đàng hoàng. (Tác giả của nó có cần điều đó không, lại là câu chuyện khác). Nó phản ánh suy nghĩ bắt đầu khác từ phía chính quyền đối với di sản văn hóa đất nước trong đó nhất định phải bao gồm những thành tựu văn hóa (mà một phần là các sáng tác văn học) của miền Nam trước năm 1975. Chắc chắn là chậm, nhưng không bao giờ quá muộn.
Hỏi: Theo anh, biến cố chiến tranh nào của Việt Nam đã gây tác động mạnh, khiến bất cứ một nhà văn Việt Nam nào cũng không thể không viết về nó. Hoặc giả chúng ta có nên chờ đợi cho một tác phẩm văn học lớn về chiến tranh Việt Nam chăng? Chẳng hạn biến cố 30/4 không lẽ những tác giả miền Bắc không có gì để viết, hoặc khi đất nước được chuyển đổi qua một bối cảnh mới, liệu chúng ta có thứ văn chương của bên thắng trận… Kỳ thực không phải đã là nhà văn thì tác giả miền Bắc hay miền Nam cũng đều có thể dụng công bằng tưởng tượng phong phú, vì viết văn đâu có nghĩa là làm công việc sao chép nguyên bản khuôn mặt đời sống. Thời kỳ sử dụng phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã qua rồi. Anh có nghĩ là chúng ta cần viết khác đi trong một tâm cảm mới chăng?
TDA: Một cuộc chiến tranh khiến hàng triệu người Việt bị giết chết, hàng triệu người phải tha hương (nên nhớ, không chỉ có đồng bào miền Nam tha hương vì cuộc chiến tranh) chắc chắn là một biến cố khủng khiếp của lịch sử dân tộc, có tác động đến không chỉ mỗi người trong cuộc, mà dư chấn của nó sẽ còn lan sang các thế hệ tương lai. Với khá nhiều người miền Nam, ngày 30 tháng Tư là một ngày đau buồn, trong khi với hầu hết người miền Bắc thời điểm ấy, đó là một ngày chấm dứt sự chết chóc. Mỗi trạng thái tình cảm đều có lý do lịch sử và bị chi phối bởi hoàn cảnh xã hội cụ thể của nó. Nhưng bình tâm một chút, chúng ta có thể sẽ gặp nhau ở ý nghĩ: Chiến tranh cần phải chấm dứt, đó là điều quan trọng nhất. Hãy thử giả định nếu chiến tranh không kết thúc năm 1975, thì biết bao người của cả hai phía tiếp tục ngã xuống?
Tôi tin rằng những tác phẩm văn học lớn viết về cuộc chiến hai miền chưa xuất hiện. Nó có sớm ra đời hay không, vào thời điểm nào thì tôi không biết. Khi đó trong tâm thức người viết sẽ không còn “ta” với “địch” mà chỉ còn chuyện người Việt với nhau!
Hỏi: Vậy thì anh còn nhớ gì về tâm trạng, cảm giác của anh lúc đó, lúc miền Bắc vào tiếp thu và “giải phóng” miền Nam năm 1975, và liệu mầm mống để trở thành một nhà văn trong anh có bắt nguồn từ một người được sinh ra và lớn lên rồi trải qua quá nhiều thăng trầm lịch sử và cuộc chiến không?
TDA: Tôi rất ghét nói dối, ghét những kẻ cơ hội muốn tranh thủ tình cảm cả hai phía khi né tránh nói thật cảm giác của họ vào ngày 30/4. Với tôi, đó là một ngày không thể nào ngủ được vì những cảm xúc quá mãnh liệt. Sung sướng đến tột độ! Không thể không sung sướng khi chúng tôi đã quá mệt mỏi với cảnh đang đêm bị bố mẹ dựng dậy, lôi xềnh xệch ném xuống hầm trú ẩn, nhiều phen nước ngập tới bụng, trong khi ngay trên đầu đạn pháo, tên lửa nổ đinh tai nhức óc cùng với thỉnh thoảng màng nhĩ như bị xé rách bởi tiếng bom gần. Nhưng tôi vui mừng còn vì thoát cảnh phải ra trận cầm súng. Lúc đó tôi 16 tuổi, nếu chiến tranh kéo dài thêm hai năm nữa, tôi chưa biết liệu còn có ngày ngồi tâm sự với bạn như thế này nữa hay không?
Chiến tranh chắc chắn là biến cố kinh khủng nhất nhưng hiện thực đói khát, tăm tối, bị tước đoạt tự do… cũng đáng sợ không kém. Những thứ đó cộng lại đã làm nên cuộc đời tôi như hiện nay: Cầm bút với nỗi vò xé không lúc nào dứt về số phận đất nước.
Hỏi: Thưa anh, là một nhà văn có con mắt quan sát tài tình, liệu anh có thấy đâu là ngược đãi, đâu là không ngược đãi sau ngày 30/4/1975? “Câu chuyện” tháng 4/75 có lẽ cũng có nhiều người đang tự hỏi liệu chúng ta nên nhớ hay nên quên?
TDA: Tôi không được chứng kiến và hoàn toàn bị bưng bít thông tin về những gì mà các tù nhân chiến tranh sau này kể lại, trong đó có cả những người đang là đồng nghiệp của tôi. Không có lý do gì để không tin vào lời họ kể. Tuy nhiên mức độ trung thực đến đâu thì tôi không biết.
Tôi vừa đọc xong cuốn sách Thông điệp về tình huynh đệ của Đức Giáo hoàng Phanxicô và khá tâm đắc với Ngài quan điểm sau đây: “Ai tha thứ thực sự thì không quên lãng”.
Hỏi: Thưa anh, dường như anh có nói rằng: “Muốn mọi người ghê sợ cái ác, thì phải đặc tả chân dung… của nó.” Tôi cũng nghĩ rằng là một nhà văn, anh có quyền “hư cấu”, nghĩa là anh muốn đặc tả “cái ác” ra sao, thiên hướng nào thì chưa hẳn anh muốn đóng vai quan tòa, chỉ xử cho một phía “phe ta”. Vả lại, trình bày cái ác chưa hẳn trong thực tế, sự tàn độc ấy đã có mặt như thế, hoặc giả xúi giục người khác làm điều dã man ấy để hả hê “chiến thắng” một cuộc chiến nào đó. Trong trường hợp này, với tiểu thuyết “Đi tìm nhân vật”, trong đó có vài đoạn anh bị “lên án” nhiều nhất vì đã cho nhân vật chính tình cờ đọc được cuốn nhật ký của một người lính cộng sản Bắc Việt, với giọng điệu ra sao anh còn nhớ rõ không, khi diễn tả lại một cuộc đụng độ sáp lá cà dữ dội với những người lính VNCH bị cho là “bọn Ngụy” và đã có những mô tả man rợ “siêu hư cấu” rồi cuối cùng say máu khoái trá: “Giết người lúc ấy sao mà sướng thế”. Liệu anh có muốn mắc nợ mọi người một lời giải thích?
TDA: Cái ác, cái ghê rợn càng bị phơi bày cận cảnh, bị chỉ mặt, đặt tên thì nó càng ít nơi ẩn nấp, ít bị bắt chước. Đó là quan điểm nghệ thuật của tôi và tôi vẫn đang tiếp tục theo hướng này khi mô tả cái ác. Mới nhất là cảnh xử bắn trong Cải cách ruộng đất, sau đó là cảnh trả thù tàn khốc… của tiểu thuyết Đất mồ côi. Nhiều người bảo họ mất ngủ khi đọc cuốn tiểu thuyết ấy. Tôi coi đó là thành công của mình. Nhưng sự ghê rợn của cái ác mà tôi đẩy lên rất cao hóa ra chưa là gì so với Diêm Liên Khoa, một nhà văn Trung Quốc đương thời được vinh danh bằng giải văn học Kafka.
Tôi vừa buồn, vừa buồn cười vừa thấy thương những người lên án tôi khi để cho nhân vật anh lính Bắc Việt trong tiểu thuyết “Đi tìm nhân vật” gọi kẻ thù của anh ta là “ngụy”. Chán nhất là họ căn cứ vào hành động bắn giết của anh ta rồi quy cho tác giả là ác quỷ? (Chắc vì họ thấy nhân vật kể ở ngôi thứ nhất). Đọc sách đến thế thì… chả có gì phải nói thêm với họ!
Cảm hứng giết chóc là điều kinh sợ nhất mà chiến tranh tạo ra cho con người. Khi con người bị đẩy đến chỗ phải cầm súng chĩa vào nhau, thì làm gì còn lý trí, làm gì còn công lý, làm gì còn nhân đạo, làm gì còn tình huynh đệ mà chỉ thấy “giết người LÚC ẤY sao mà sướng thế!”. Tôi đã đẩy trạng thái mất lý trí đến tận cùng, để bạn đọc nhận ra cốt lõi của vấn đề là chiến tranh. Muốn loại bỏ sự man rợ cùng cực, thì phải tìm cách loại bỏ chiến tranh.
Đó là thông điệp đơn giản, dễ hiểu mà tôi muốn nói với bạn đọc. Còn bạn đọc nào quyết hiểu theo ý khác thì đấy là quyền của họ!
Hỏi: Chắc anh còn nhớ cách đây 5 năm, cựu Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhà thơ Hữu Thỉnh đã có ý định mời tất cả những nhà văn Việt Nam ở hải ngoại về tham dự cái gọi là “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”, và sau đó có thư ngỏ từ chối lịch sự và khá đanh thép của nhà văn Phan Nhật Nam ở ngoài nước. Từ 2016 tới bây giờ là 2021, liệu anh nghĩ có gì thay đổi tình hình, khi tân Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều được coi là một “quan văn” hứa hẹn nhiều tính đột phá mới mẻ và xem ra có vẻ “gần gũi” với giới cầm bút hải ngoại. Nhất là một khi Nguyễn Quang Thiều có ý hướng muốn đưa văn học Việt Nam đi xa hơn ra thế giới? Hoặc giả nếu là anh, anh sẽ nỗ lực điều gì để mang chúng ta lại gần nhau hơn. Có lẽ nhận lời cho cuộc nói chuyện này không ít thì nhiều cũng nói lên được tinh thần cởi mở, hòa đồng của anh rồi chăng.
TDA: Tôi đã đọc cả hai bức thư. Về phía Hữu Thỉnh, người chủ động chìa tay ra với các nhà văn Hải ngoại, thì trên thực tế ông ấy chả có quyền gì thực chất cả, mà chỉ là người thực thi nhiệm vụ chính trị. Vì không có quyền, ông ấy hoàn toàn thụ động, buộc phải khéo léo để khỏa lấp đi sự thật là Nhà nước chỉ hòa giải “với người mình cần” chứ không phải với tất cả. Tuy nhiên, phải công nhận Hữu Thỉnh đã viết một lá thư rõ ràng là rất tình cảm. Nhưng trung thực thì không, đúng ra là không được phép!
Về phía Phan Nhật Nam, ngoài việc giữ nguyên tắc hành xử đáng được tôn trọng, rõ ràng là ông ấy bị đặt vào thế khó: Hòa giải với người ở xa, thì chính điều đó gây chia rẽ với người bên cạnh! Quyết định từ chối mà ông ấy đưa ra là dễ hiểu, thậm chí không thể làm khác. Chỉ có điều Phan Nhật Nam và cả một số người vô tình đặt Hữu Thỉnh ở vị trí quá cao trong nền chính trị hiện nay. Tôi nhắc lại, cho dù là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (hàm Bộ trưởng), kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn, thì ông ấy vẫn chỉ là một người “giúp việc” hạng rất bé thôi.
Tuy nhiên, nếu được nói thật thì tôi rất tiếc cho cả hai bên, đã bỏ qua một cơ hội gắn bó với nhau trên tình đồng nghiệp và cao hơn nữa là tình đồng bào. Chế độ nào thì cũng mang tính nhất thời. Nhưng nhân dân, dân tộc, đất nước thì mãi mãi, là cái nôi văn hóa cội nguồn của các nhà văn. Chúng ta không có cách nào khác là phải làm gương trong vấn đề hòa giải. Nếu không làm được điều đó thì tất cả chúng ta, không phân biệt trong hay ngoài nước, đều có lỗi.
Vài năm trước Nguyễn Quang Thiều và tôi ấp ủ một dự án đầy tham vọng là dùng văn học làm công cụ hòa giải dân tộc. Nguyễn Quang Thiều hoàn toàn thành thật trong chuyện này. Chúng tôi định sẽ tìm mọi cách để xuất bản sách của các nhà văn Hải ngoại, rồi kéo tác giả của những cuốn sách ấy về nước nhận lại con tinh thần của mình. Các nhà văn sẽ làm lan tỏa tinh thần tha thứ, bao dung của những người cùng chui ra từ một bọc. Ngoài ra chúng tôi còn nuôi ý định sẽ huy động nguồn lực xã hội (Nguyễn Quang Thiều có thế mạnh trong việc này) để làm một chuyến xuất ngoại, đi gặp gỡ tất cả các đồng nghiệp, giao lưu văn học và mời gọi các nhà văn Hải ngoại tham gia đối thoại cùng với chúng tôi. Sự hòa giải sẽ bắt đầu từ những việc như vậy.
Giờ đây khi Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch Hội Nhà văn, không biết ông ấy có còn cảm hứng với kế hoạch như tôi vừa nói và có còn đủ “tự do” để thực hiện nó? Về phần mình, tôi sớm nhận ra những khó khăn lớn mà chúng tôi sẽ gặp phải, thậm chí ở mức ngang nhau với việc húc đầu vào núi! Nhưng ngay cả biết rõ như vậy, tôi vẫn không nản.
Hỏi: Câu hỏi cuối cùng rất thật tình: Liệu anh có thực sự tin tưởng là văn chương đúng nghĩa sẽ có khả năng gắn kết mọi khác biệt hay chăng?
TDA: Cứ để văn học thực thi sứ mệnh của nó, mọi việc đều xong hết, kể cả hòa giải dân tộc. Người nói câu này là nhà phê bình Thụy Khuê và tôi hoàn toàn chia sẻ niềm tin ấy của bà.
N.T.T.B. – T.D.A.
Nguồn: Văn Việt