Giám sát hội nghị cử tri nơi cư trú: Bạn có quyền yêu cầu dừng hội nghị trong trường hợp này

Bạn có nhiều quyền lực trong hội nghị cử tri hơn bạn nghĩ.

Hồng Anh

Minh họa: Luật Khoa. Ảnh gốc: Báo Gia Lai

Đứng phía sau chiếc bàn trải khăn màu đỏ màu dài sát đất, vị đại diện Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đang đọc tiểu sử của những người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã. Bỗng nhiên, một người từ hàng ghế của tôi đứng lên cắt lời ông. Từ chiếc máy tính bảng, người đàn ông này đọc lên quy định chi tiết về hội nghị cử tri nơi cư trú và yêu cầu dừng hội nghị.

Đó là kỳ bầu cử năm 2016, tôi mới vừa chuyển đến sống ở một vùng khác. Đó là một miền quê nghèo, nhưng người dân ở đây không cho phép chính quyền qua mặt họ.

Tôi đã đọc kỹ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp (Luật Bầu cử) trước khi tham dự hội nghị cử tri hôm ấy, nhưng tôi thật sự không qua được người đàn ông kể trên. Đó là một người thợ xây.

“Căn cứ vào quy định này, xóm này chắc chắn có trên 100 cử tri nhưng đếm đi đếm lại ở đây vẫn không đủ 55 người, vậy hội nghị này chưa hợp pháp”, anh thợ xây chốt phần phát biểu của mình. Các cử tri khác cũng tán thành với anh.

Quy định mà anh thợ xây nêu không có trong Luật Bầu cử, nó nằm ở một nghị quyết về tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Vị đại diện Mặt trận Tổ quốc nghe xong phần phát biểu của anh thợ xây thì đứng hình, mồ hôi đọng thành từng hột trên mặt ông. Ông quay sang hội ý với trưởng thôn. Sau hội ý, người trưởng thôn bỏ ra ngoài, lấy xe máy chạy đến từng nhà trong thôn để gọi đủ số lượng cử tri đến dự họp.

Nếu anh thợ xây không lên tiếng thì hội nghị này vẫn được tiến hành, mặc dù nó hoàn toàn bất hợp pháp. Phải mất gần 40 phút sau, các cán bộ mới gom đủ số cử tri tham gia theo quy định. Hội nghị bắt đầu lại từ đầu.

***

Sau khi đọc tiểu sử, giới thiệu về các ứng cử viên, vị đại diện Mặt trận Tổ quốc một lần nữa bị bối rối.

Người dân yêu cầu đưa thêm một người mà họ tín nhiệm vào danh sách ứng cử viên. Người đó là phó trưởng thôn. Vị phó trưởng thôn là một người trung niên, rất năng nổ trong các hoạt động của xã.

Nhưng dù được tín nhiệm, vị phó trưởng thôn vẫn không thể ra ứng cử. Ông đứng lên cảm ơn sự tin tưởng của bà con dành cho mình. Ông cũng giải thích rằng do là đảng viên nên phải được đảng cử thì ông mới được phép ứng cử. Nếu người dân kiên quyết chọn ông thì ngày mai ông cũng phải tự làm đơn xin rút tên mình khỏi danh sách ứng cử.

Cao trào của hội nghị cử tri này vẫn chưa dừng lại. Có vẻ như người dân kiên quyết tận dụng mọi cơ hội để giám sát hội nghị.

Sau phần giới thiệu các ứng cử viên và phần người dân đề cử phó trưởng thôn ra ứng cử nhưng bất thành, vị đại diện Mặt trận Tổ quốc đề xuất cách giơ tay để biểu quyết đối với từng ứng viên để mọi người về nghỉ sớm, vì hội nghị tổ chức vào buổi tối. Tuy nhiên, người dân yêu cầu phải bỏ phiếu kín. Sau khi cử tri bỏ lá phiếu của mình vào hòm, mỗi lá phiếu được lấy ra trình cho mọi người và đánh dấu số của từng ứng cử viên lên một tấm bảng đen. Cuối cùng là phần công bố kết quả kiểm phiếu và hội nghị khép lại.

***

Hội nghị cử tri đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã là nơi mà người dân có quyền quyết định cao nhất trong tiến trình bầu cử. Việc bầu chọn và công bố kết quả ứng cử viên diễn ra ngay tại hội nghị cử tri. Ứng cử viên có tên trong danh sách chính thức hay không hoàn toàn tùy thuộc vào biểu quyết của người dân.

Ngược lại, biểu quyết của người dân trong hội nghị cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp huyện, tỉnh chưa phải là tất cả. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba với các cơ quan đoàn thể sẽ quyết định người nào mới là ứng cử viên chính thức.

Dù quyền lực của bạn ở hai loại hội nghị cử tri này là khác nhau, bạn vẫn có quyền yêu cầu dừng hội nghị nếu số lượng người tham gia không đúng theo quy định.

Căn cứ mà bạn có thể tự tin yêu cầu dừng hội nghị nếu số lượng cử tri tham gia không đúng theo quy định là Nghị quyết 1186/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo nghị quyết này, dù là hội nghị cử tri dành cho người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã hay đại biểu Quốc hội thì luôn phải tuân thủ về số lượng cử tri tham gia hội nghị.

Theo đó, nơi nào mà số lượng cử tri trên 100 người thì ít nhất phải có từ 55 cử tri tham dự hội nghị, nơi nào có dưới 100 cử tri thì phải đảm bảo có ít nhất 50% số cử tri được triệu tập tham dự hội nghị.

Phần lớn các nơi tổ chức hội nghị cử tri đều có trên 100 cử tri. Nếu bạn được mời đến hội nghị cử tri, hãy đếm số người trong khán phòng và khiếu nại với người chủ trì hội nghị nếu không có từ 55 cử tri trở lên.

Những ứng cử viên tự do cũng có quyền yêu cầu dừng hội nghị nếu số lượng cử tri tham gia không đúng theo quy định.

Quyền lực tiếp theo của bạn là có thể yêu cầu hình thức bỏ phiếu kín khi biểu quyết đối với các ứng cử viên.

Việc bỏ phiếu kín giúp bạn thoải mái hơn khi đưa ra lựa chọn, vì ứng cử viên không thể nhìn thấy bạn chọn hay không chọn họ. Bỏ phiếu kín và kiểm từng tờ phiếu cũng là cách tốt nhất để tránh khả năng gian lận xảy ra, như đếm không đúng số người giơ tay biểu quyết.

Dù bạn không có quyền giới thiệu người nào bạn yêu thích ra ứng cử và luôn phải bầu cho những người được đảng cử, nhưng bạn có quyền lực để đảm bảo hội nghị cử tri diễn ra đúng pháp luật. Đó có thể là phẩm chất cho thấy bạn xứng đáng với một chế độ bầu cử khác, dân chủ hơn, công bằng hơn trong tương lai.

H.A.

Nguồn: Luật Khoa

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.