(CNSNews.com) – Kế hoạch tập trận chung giữa hải quân Hoa Kỳ và Nam Hàn có thể bao gồm một tàu sân bay Mỹ đang thu hút sự chỉ trích ngày càng tăng tại Trung Quốc, nơi mà nhiều người xem việc diễn tập này là sự xúc phạm đến đất nước của họ mặc dù mục tiêu nhằm răn đe sự gây hấn của Bắc Hàn.
Các bài tập về chống tàu ngầm dự trù là một phần trong các phản ứng lại việc đánh chìm tàu chiến của Nam Hàn đầu năm nay mà một cuộc điều tra quốc tế tìm thấy do ngư lôi của Bắc Hàn. Bốn mươi sáu thủy thủ đã chết.
Các viên chức ở Seoul cho biết hồi cuối tuần qua, các kế hoạch tổ chức tập trận cuối tháng này đã được thảo luận trong cuộc hội đàm an ninh Mỹ – Nam Hàn tổ chức tại Washington hôm thứ Sáu. Địa điểm dự kiến tại gần biên giới hàng hải liên Triều ở Hoàng Hải, vùng biển kéo dài giữa bờ biển phía Tây của bán đảo Triều Tiên và bờ biển ở Đông Bắc Trung Quốc.
Lịch trình ban đầu đưa ra cách nay vài tuần, việc tập trận này đã bị hoãn lại từ cuối tháng 6 cho đến khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoàn tất việc đáp trả vụ đánh chìm tàu Cheonan. Hôm thứ Sáu, Hội đồng Bảo an đã thông qua một tuyên bố lên án việc đánh chìm tàu nhưng Trung Quốc khẳng định không trực tiếp đổ lỗi cho Bắc Hàn.
Phản ứng của LHQ đã xong, Trung Quốc đang đẩy mạnh những lời chỉ trích các cuộc tập trận sắp tới.
Hải quân Hoa Kỳ đã tham gia vào các trò chơi chiến tranh ở biển Hoàng Hải trong quá khứ, nhưng các nhà bình luận cau có trên các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc nói mọi chuyện đã thay đổi.
“Hoa Kỳ tin rằng khi họ tiến hành tập trận ở biển Hoàng Hải trong quá khứ, họ có thể làm điều đó trong hiện tại và tương lai“, Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản viết trong một bài xã luận được đăng hôm thứ Hai.
“Nhưng Hoa Kỳ nên hiểu, với sức mạnh quốc gia của Trung Quốc ngày càng tăng, người dân Trung Quốc sẽ thấy nhạy cảm hơn với các hành động khiêu khích của hải quân Hoa Kỳ ở một nơi rất gần nhà của mình“.
Nhân dân nhật báo cho biết, Trung Quốc không phản đối sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương và hiểu rằng một số nước cần quân đội Hoa Kỳ cung cấp cho họ một cảm giác an toàn.
“Nhưng điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ có thể bỏ qua lòng tự trọng của Trung Quốc và đưa tàu sân bay của họ đi thẳng vào trước cửa nhà của Trung Quốc để thể hiện sức mạnh của họ“.
Lầu Năm Góc vẫn chưa xác nhận các tin tức, mà các giới chức Nam Hàn đưa ra về sự tham gia của tàu USS George Washington. Nhưng khả năng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, loại Nimitz có thể tham gia tập trận, đang gây ra những lời chỉ trích cụ thể.
Trong một cuộc thăm dò trực tuyến do Global Times thực hiện, một tờ báo thuộc tờ Nhân dân nhật báo, 96% người Trung Quốc được hỏi đã đồng ý rằng việc tập trận liên quan đến một tàu sân bay sẽ đặt ra một mối đe dọa cho Trung Quốc.
Có căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản kể từ tháng 5 năm 2008, USS George Washington là tàu sân bay đầu tiên chạy bằng hạt nhân của hải quân Hoa Kỳ được triển khai thường xuyên. Gần đây nó đã quay trở lại cảng trong dịp Lễ Độc lập nhưng theo Hải quân, thì nó khởi hành lại vào ngày thứ Sáu.
Trong bài xã luận riêng của mình, báo Global Times nói Trung Quốc có khả năng gửi tàu và máy bay để theo dõi việc luyện tập, và cảnh báo các tác động đối với quan hệ song phương về bất kỳ sự cố do hiểu lầm hoặc không tiên liệu được, liên quan đến lực lượng Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bài báo viết: “Toàn bộ phía Tây Thái Bình Dương không phải là sân sau của Hoa Kỳ. Mỹ phải xem xét sự hiện diện quân sự của mình sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng và sự cân bằng chiến lược tinh tế trong khu vực. Họ phải từ bỏ ý tưởng liên tục làm trầm trọng thêm những vấn đề quan trọng về an ninh trong khu vực“.
Ông Li Hongmei, một bình luận gia của tờ Nhân dân nhật báo, mô tả tình cảm dân tộc dấy lên, phản ánh trong các bài viết đăng trên Internet do những người Trung Quốc bình thường kêu gọi Trung Quốc tấn công tàu chiến Hoa Kỳ triển khai gần lãnh hải của họ.
‘Phá hoại lợi ích an ninh của Trung Quốc’
Chính phủ Trung Quốc tự kiềm chế phản ứng khi so sánh, nhưng vẫn nghiêm trọng. “Chúng tôi kiên quyết phản đối tàu thuyền và máy bay quân sự nước ngoài tiến hành hoạt động ở biển Hoàng Hải và vùng ven biển của Trung Quốc, làm tổn hại lợi ích an ninh của Trung Quốc“, ông Tần Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Ông Tần nói với các phóng viên: “Lập trường của chúng tôi là nhất quán và rõ ràng. Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại của chúng tôi tới các bên có liên quan. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan bình tĩnh, kiềm chế và tránh các hành động mà có thể leo thang căng thẳng trong khu vực“.
Khi sức mạnh hải quân của Trung Quốc gia tăng, thì nó ngày càng phản kháng lại các phong trào quân sự của Hoa Kỳ ở vùng biển phía Nam và phía Đông.
Chỗ rộng nhất của Hoàng Hải rộng khoảng 450 dặm và giới hạn lãnh thổ của các nước kéo dài 12 hải lý tính từ đường bờ biển.
Tuy nhiên, năm 1982 Công ước LHQ về Luật Biển cũng công nhận vùng đặc quyền kinh tế (EEZ ) trải dài 200 hải lý (khoảng 230 dặm) từ bờ biển của một quốc gia.
Hiệp ước (Hoa Kỳ đã không phê chuẩn) cho phép “tự do hàng hải và bay trên vùng trời” trong EEZs . Nó không cấm một quốc gia thực hiện các hoạt động quân sự bên trong EEZ của nước khác miễn là các hoạt động này là “hòa bình” và không gây hại cho môi trường hoặc nguồn tài nguyên kinh tế của một nước ven biển.
Tuy nhiên , Trung Quốc đã thách thức hoạt động quân sự của Hoa Kỳ, và đặc biệt giám sát ở vùng đặc quyền kinh tế của họ, đi xa hơn như thông qua luật nhằm hạn chế các hoạt động của tàu nước ngoài ở các vùng biển này. Các tàu Trung Quốc cũng đã cố gắng quấy rối tàu Mỹ ở Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải.
Hôm thứ Sáu, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Hàn (USFK), Tướng Walter Sharp bác bỏ phản đối của Trung Quốc.
“Mỗi quốc gia không chỉ có quyền, mà còn có nghĩa vụ huấn luyện các lực lượng chống lại các mối đe dọa mà họ thấy và làm điều đó trong phạm vi lãnh thổ quốc tế của họ“, ông nói tại một hội nghị an ninh ở Seoul.
Hoa Kỳ đã triển khai lực lượng vũ trang ở Hàn Quốc kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên cách nay sáu thập kỷ. Số nhân viên của USFK hiện có khoảng 28.000 người.
Ông Sharp kêu gọi Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn với Nam Hàn và Hoa Kỳ để ngăn chặn mối đe dọa của Bắc Hàn mà ông dự đoán sẽ trở nên khiêu khích hơn trong những tháng tới.
“Kim Jong-Il đã nói rằng Bắc Hàn sẽ là một dân tộc vĩ đại và mạnh mẽ vào năm 2012, và cách duy nhất ông ta đưa ra điều đó là thông qua các hành động khiêu khích quân sự và đe dọa các nước láng giềng“, ông [Sharp] nói.
Ngọc Thu dịch